Aa

Dân loay hoay tìm nơi di tản, giao dịch bất động sản chững lại

Thứ Tư, 11/09/2019 - 09:09

Gần hai tuần sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, nhiều hộ dân khu đô thị Hạ Đình nằm sát cạnh nhà máy đã “tháo chạy” đi nơi khác vì nằm trọn trong vùng ảnh hưởng theo thông tin mới nhất của Tổng cục Môi trường.

Chỉ khi nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông bốc cháy và gây ra hậu quả khủng khiếp tới môi trường, các hộ dân khu đô thị 54 Hạ Đình mới nhận ra mình sống ngay sát một “quả bom nổ chậm” suốt nhiều năm.

Hoang mang, lo lắng là tâm trạng chung của hầu hết các cư dân khi Tổng cục Môi trường phát đi thông thông tin công ty Rạng Đông thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thuỷ ngân (Hg) lỏng có độc tính cao hơn so với Amalgam.

Gần hai tuần sau vụ cháy, nhiều hộ dân đã tham gia vào cuộc “di cư bất đắc dĩ”. Khu đô thị 54 Hạ Đình ngày một vắng vẻ, quạnh hiu.

Khoảng 90% hộ dân tại khu đô thị Hạ Đình đã di tản đi nơi  khác.

Cuộc "di cư" bất đắc dĩ

Khu đô thị 54 Hạ Đình nằm sát vách với khuôn viên của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ngăn cách giữa hai khối công trình này chỉ là một bức tường gạch cao chừng 4m. Sau vụ cháy, một lớp bạt lớn màu xanh đã được che chắn thêm với mục đích ngăn không cho khói bụi từ phía Rạng Đông lan sang khu dân cư.

Dù vậy, quá lo lắng trước nguy cơ ô nhiễm, 2/3 người dân sinh sống tại khu đô thị 54 Hạ Đình và khu vực lân cận đã cuống cuồng tìm nơi di tán.

“Ngày xưa chiến tranh thì đi sơ tán khỏi vùng bom đạn. Nay thời bình rồi vẫn phải đi sơ tán vì ô nhiễm. Đây không chỉ là cháy mà còn là thảm họa. Người dân không biết sự thật độc hại đến mức độ nào, hoang mang, lo sợ nên phải đi sơ tán hết. Khu chung cư giờ như khu nhà hoang, chỉ còn người có tuổi ở lại”, ông Nghiêm Phúc Thịnh, một cư dân tại khu đô thị Hạ Đình bức xúc nói.

Ông Thịnh cho hay, gia đình ông cả con cháu có 10 người thì 9 người phải đi sơ tán, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe con trẻ, chỉ còn ông ở lại trông coi nhà cửa. “Chúng tôi mong mỏi biết sự thật chính xác là mức độ độc hại đến đâu, bao giờ xử lý xong, bao giờ thì cuộc sống của người dân mới hết bị đảo lộn”, lời ông Thịnh.

Khu đô thị Hạ Đình chỉ cách nhà máy Rạng Đông một bức tường gạch.

Đại diện Ban quản trị chung cư 54 Hạ Đình - Đoàn Văn Tiến cho hay, hiện ông chưa thống kê chính xác, nhưng trong số hơn 280 căn hộ, chỉ còn khoảng trên dưới 20 hộ chưa di chuyển.

“Bản thân tôi cũng đã cho người nhà sang khu vực khác sinh sống. Riêng cá nhân tôi vẫn chọn ở lại để nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con cũng như tiếp tục kiến nghị lên chính quyền tìm các phương án bảo đảm an ninh, trật tự của khu vực này", ông Tiến cho biết thêm.

Theo vị đại diện ban quản trị, các hộ dân chuyển đi cũng phải mất nhiều ngày mới tìm được chỗ ở mới với giá đắt đỏ, khoảng 6 - 8 triệu đồng cho căn hộ 4 - 5 người ở, nhưng ít nơi người ta cho thuê vài ba tháng. Nhiều hộ dân không có người quen cho tá túc còn phải thuê khách sạn ở, với mức giá 500 - 600 nghìn đồng/ngày.

“Gia đình tôi sẽ ở đây khoảng vài ba tháng, cho đến khi cơ quan chức năng khắc phục được những hệ lụy về môi trường, đảm bảo an toàn thì sẽ quay trở lại”, anh Phạm Văn Thủy, một hộ dân ở tòa A2, chung cư 54 Hạ Đình vừa chuyển đến chỗ ở mới cho hay.

Không may mắn như anh Thủy, chị Mai Thơm, một hộ dân khác vẫn đang phải loay hoay tìm chỗ ở nhiều ngày nay nhưng bất thành: “Lặn lội mấy ngày nay vẫn chưa tìm được nhà mà nấu cơm ăn. Vẫn cơm đường cháo chợ, lang thang, thương bọn trẻ. Không đi thì lo, mà đi thì ngược xuôi quá”.

“Đi ở nhờ tận 1 - 2 tháng thì ai chứa. Ngại lắm chứ, mình cũng phải biết điều. Còn thuê một hai tháng thì không ai cho thuê, chỉ thương lớp trẻ, đúng là họa vô đơn chí”, chị Đặng Kim Khánh cùng chung cảnh ngộ.

Một hộ dân quay về nhà lấy thêm đồ đến nơi ở tạm thời.

Một số hộ dân không có điều kiện chuyển đi thì buộc phải ở lại trong nỗi lo sợ những tác hại của việc ô nhiễm sau vụ cháy:

“Người ta có điều kiện thì sơ tán về quê, hoặc ở nhờ người quen, hoặc thuê bên ngoài ở. Mình không có điều kiện thì phải ở lại, chấp nhận đóng cửa ở trong nhà cho đỡ hít phải không khí độc hại. Mà thực ra không cháy cũng độc hại rồi chứ không phải chờ đến lúc cháy”, bà Nguyễn Thị Hoa, cư dân tổ 24, ngõ 85 Hạ Đình, cạnh chung cư Hạ Đình, ngay đối diện nhà máy Rạng Đông chia sẻ với phóng viên.

Một số hộ dân không có điều kiện dời đi vẫn phải ở lại sống chung với ô nhiễm.

Đi không được, ở không xong, các hộ dân sống cạnh nhà máy Rạng Đông đều mong mỏi các cơ quan chức năng sớm đưa ra phương án xử lý, khắc phục những hậu quả sau vụ cháy và đến bù cho người dân để họ sớm trở lại cuộc sống bình thường. 

Các hộ dân cũng cho rằng, Thành phố cũng cần di dời gấp những nhà máy còn lại để tránh gây ô nhiễm và những hậu họa về sau. Hơn ai hết, các hộ dân rất cần một không gian sống trong lành, không độc hại. Nói đúng hơn, không có lý do gì để họ phải gánh chịu những ảnh hưởng, tổn thất về sức khỏe và tinh thần chỉ vì lợi ích của một số nhóm người.

Dân muốn bán nhà nhưng không có giao dịch

Trước tâm lý lo sợ mức độ ô nhiễm, nhiều hộ dân đã rao bán nhà, hoặc sang nhượng cửa hàng. Tuy nhiên, dù ở trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng giá bán nhà đất và chung cư khu vực này vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút do đây vẫn là vị trí đắc địa, điểm nóng của bất động sản Thủ đô, với sự phát triển đồng bộ của hạ tầng và tiện ích.

“Khu vực Hạ Đình nằm trong vùng lõi trung tâm Thủ đô, “tấc đất tấc vàng”, vì vậy giá bất động sản khó có thể giảm sâu. Tuy nhiên, giai đoạn này giao dịch bất động sản sẽ giảm mạnh vì tâm lý e ngại của người mua khi chưa biết chắc chắn mức độ độc hại được xử lý đến đâu. Tất nhiên, vẫn có nhiều người nghĩ rằng giá đất sau vụ cháy sẽ rẻ hơn nên mua để “om”, sau này tăng giá sẽ kiếm lời. 

Tuy nhiên, giá cả còn tùy thuộc vào chủ nhà, hầu hết họ vẫn giữ nguyên mức giá cũ, thậm chí còn nhỉnh hơn vài triệu đồng/m2 chứ không giảm giá”, Nguyễn Luân, một nhân viên môi giới nhà đất thổ cư khu vực Thanh Xuân cho biết.

Hiện nhiều căn hộ tại chung cư 54 Hạ Đình cũng đang được rao bán. Trước đây, mức giá được rao bình quân của khu chung cư này tầm 23 - 24 triệu đồng/m2, thì nay mức giá chỉ 21 - 22 triệu đồng/m2, giảm 1 - 2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn chưa có người mua.

Theo khảo sát, giá thuê mặt bằng kinh doanh tại khu Hạ Đình cũng không có nhiều biến động, dao động ở mức 7 - 15 triệu đồng/tháng, tùy diện tích.

Đặc biệt, các gian hàng có giao thông thuận lợi đi đến các tuyến Nguyễn Trãi, Khương Đình, có điểm trông đỗ xe, giá thuê mặt bằng sẽ cao hơn từ 2 - 3 triệu đồng/m2.

Mặc dù bị ảnh hưởng của vụ cháy, mặt bằng cho thuê tại đây vẫn có khách tìm đến, nhưng theo người dân, số lượng không nhiều như trước.

Theo lời của một nhân viên môi giới khác, kể từ sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, hầu như khu vực Hạ Đình không có giao dịch bất động sản, phải ít nhất vài tháng nữa sau khi hậu quả của vụ cháy được khắc phục, hoặc có khi phải sang năm 2020 khi cuộc sống trở lại bình thường thì giao dịch nhà đất tại khu vực này mới có thể bình thường trở lại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top