Theo khảo sát của PV báo Lao động Thủ đô tại những nhà trọ tạm trong các phố Phúc Lai (quận Đống Đa), Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm),... cho thấy số các căn phòng đều lụp xụp, xập xệ... Đây là khu vực xây tạm bợ cho những người lao động thuê sống tạm qua ngày.
Đặc điểm chung là các phòng san sát nhau chỉ tầm trên dưới 10m2, thế nhưng trong diện tích nhỏ như vậy lại có đến chục người ở. Những người sinh sống ở đây chủ yếu làm nghề bán hàng rong và đánh giày,… Do thu nhập của người lao động còn thấp nên đa phần họ sống theo hình thức cư trú quần tụ và tập trung, điều kiện vệ sinh thấp kém là nguy cơ gây ra những ổ dịch bệnh và tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ cao ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.
Có thể dễ dàng nhận thấy tại các phòng trọ này, những vật dụng trong phòng đều có khả năng gây cháy như những tấm cói làm vách tường, thanh gỗ làm xà, ni lông chăng phòng, ngoài ra còn có hàng hóa của người lao động xếp ken chặt nếu để lửa bén vào thì việc chữa cháy tại đây hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, thiết kế điện trong khu vực người lao động sinh sống cũng hết sức sơ sài và vô cùng nguy hiểm. Đường dây diện được câu, móc từ điện lưới quốc gia, dây điện chủ yếu là dây cũ, loằng ngoằng trong phòng. Nhiều khi dây điện lẫn với dây phơi, dẫn đến khả năng chập điện gây cháy, nổ là hoàn toàn có thể xảy ra, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2018 của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho thấy, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 600 vụ cháy, trong đó có hơn 300 vụ cháy xảy ra tại nhà dân. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy là do sự cố thiết bị điện (chiếm hơn 60%).
Tuy ẩn họa cháy, nổ luôn rình rập bất cứ lúc nào, nhưng theo quan sát, tại các phòng trọ này việc trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy lại không hề có. Một trong những nguyên nhân chính đó là người lao động cho rằng đây chỉ là nơi sống tạm bợ vì thế còn thờ ơ với việc bảo vệ chính bản thân mình.
Trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy không đầy đủ, sống tại môi trường mà cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ khi nào nhưng ngay cả việc nếu xảy ra cháy, việc cứu chữa cũng rất khó khăn. Con đường dẫn vào các nhà trọ này thường nhỏ hẹp và sâu trong ngõ, khi có sự cố xe chữa cháy rất khó khăn mới có thể tiếp cận được
Anh Nguyễn Văn Tuân (quê Thanh Hóa) trú tại một nhà trọ ở phố Phúc Lai cho biết: "Tôi lên Hà Nội làm nghề đánh giày, chúng tôi thường làm việc theo thời vụ, chỉ một thời gian ngắn là sẽ về quê. Thời gian làm việc trong ngày từ sáng sớm đến tối mịt mệt mỏi chỉ cần chỗ ngủ nên cũng không tìm hiểu về an toàn cháy nổ gì cả. Chúng tôi đều là dân lao động, tiền kiếm một ngày chỉ ăn chứ làm sao nghĩ đến mua thiết bị phòng cháy chữa cháy".
Trước những vấn đề còn nhiều bất cập trong việc phòng, chữa cháy ở các nhà trọ tạm, thiết nghĩ để giảm thiểu tối đa sự cố cháy, nổ, các chủ trọ cần nâng cấp cơ sở vât chất, trang bị hiết bị phòng cháy chữa cháy, phổ biến về an toàn cháy nổ cho người thuê phòng. Đặc biệt, mỗi người cần chú trọng trong việc đun nấu, sử dụng điện, cần nêu cao ý thức tự giác để bảo vệ tài sản, tính mạng cho chính mình.