Aa

Ăn la ăn lủi

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Sáu, 22/04/2022 - 06:09

Tôi ngồi hè tối phố cổ Hà thành vừa gần vừa xa, nhìn người qua lại loang loáng đèn, những người xung quanh mình vừa ăn vừa bàn tán, líu ríu tiếng người như đồ ăn, gia vị trộn nhau.

Trước mấy lần trên đường từ Bắc Ninh về, tôi quen tay lái lượn xe máy vào làng Đình Bảng ngắm ao, ngắm đền, ngắm nhà, một lúc. Phía đằng sau ngôi đình bề thế có quán cháo nhỏ, vạt ngói thấp trên cột gạch lâu năm. Cháo sườn. Chị bán hàng lam lũ dưới mái quán khiêm nhường. Nồi to hé vung mù mịt hơi nóng trắng, bục, bục vài đốm bột nhuyễn nở tung. Mấy đứa bé chơi gần đấy, thể nào rồi chốc lát bà nó đi ra cho ăn vặt. Giở chiều, các bà, các cô làm bát cháo cho ấm bụng. Nhịp sống này, nhiều người đã quen thế, tìm cái gì ăn vặt khi chưa chuẩn bị bữa cơm.

Hà Đông tôi, tầm ba, bốn giờ trở đi là mấy quán con con dọn hàng ra quanh khu Cầu Đơ. Một ngày nọ tôi nhận ra làng Đơ xưa, khu vực “lõi” của phường Hà Cầu lâu nay, hóa ra là chốn ăn vặt của cả cái thị xã nhỏ suốt những năm dài. Nay đã thành quận của Thủ đô hơn chục năm, chiều chiều sớm sớm lúc nào cũng “dập dìu” lắm sự ăn uống.

Nhưng hãy thôi nghĩ đến quán hàng ăn sáng, phở các kiểu, bún sườn, bún chả, cháo lòng… liền kề cà phê tấp nập vốn đã là cảnh tượng chung nơi nơi. Mà hãy ngẫm cái cảnh thưa thưa, thong thả một hai chiếc ghế băng nhỏ, mấy bà chầm chậm bát bánh đúc chan riêu. Một hai người mẹ thổi thổi, đút cho con thìa cháo sườn trắng mịn như vừa quấy bột. Cặp nào đó lượn qua làm đôi trứng vịt lộn… Ăn vặt thế thôi, là chút lê la đổi vị khi gần cuối ngày. Mấy góc làng đều có một đôi cái quán như thế “án ngữ”, không nườm nượp, xí xóe như những giờ khác trong ngày, mà thưa thớt, điềm đạm dăm người, ít món.

Những chỗ nho nhỏ, gọn gọn, ngồi thong thả thôi chứ rực rỡ tưng bừng bàn to phòng lớn thì không còn gì là la lủi, là vừa ăn nhâm nhi vừa nghe nhìn xung quanh nữa. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Chúng tôi vòng vèo đến một hàng đã dọn ra dưới những rễ si rườm rà, đợi chị chủ khỏa khỏa cái muôi to trong nồi cháo nóng bỏng, nhìn sang phía bên trái để tiếc một hồ nước đã lấp đi làm sân bóng dịch vụ, nhìn sang phía phải để còn chút hấp tấp mừng vẫn thấy cái hồ nhỏ còn lại, phường người ta đã thả đôi bè thủy trúc và gắn cả cái giàn phun ở giữa hồ. Suốt cả lúc hớt hớt, nhằn ít xương cục, ăn đến xong bát cháo, nghĩ thầm có muốn nhể thêm ít ốc vặn không nhỉ, vẫn thấy ghen tỵ với cái cơ quan nào có sân sau trông ra mặt ao. Mấy ông phòng giấy ở đấy bỗng dưng được hưởng một khoảnh “điền viên” ngay ở chỗ làm việc mà bất cứ lúc nào cũng có thể ra lượn lờ ngắm nước, nhìn trời thư giãn được. Thật là không công bằng cho lắm!

Hàng chị này cháo loãng hơn nhưng đậm, thơm hơn hàng ở phía đằng kia của làng Đơ, cháo quánh đặc nhưng hơi lạt. Chiều đón con gái ở trường cấp một, thường hai bố con chưa về nhà ngay. Con gái bảo bố cho con đi lượn một lát. Thế là đi loanh quanh trong, ngoài Hà Đông, từ phố, ra cánh đồng, vòng quanh các vườn rau nhỏ. Thỉnh thoảng tiện xe luồn vào mấy đường ngõ dài hun hút làng Đơ để sang chỗ hàng cháo. Bác cho cháu một bát với. Mười nghìn. Xong chở con về, ngon quá, phải một lúc lâu lâu nữa mới đến bữa tối cơ mà, ăn vặt cho vui miệng, lòng hai bố con phơi phới.

Tôi bỗng nhớ thấp thoáng bố dắt tôi đi bộ từ phía khu tập thể dọc con đường ven bệnh viện, qua phố nhập nhoạng xe tối trời, sang bên này - làng Đơ, tìm đến hàng phở đã quen chỗ. Thực ra có đôi ba quán phở thôi mà, gần nhau, không ăn hàng này thì sang hàng kia, giữa và nửa cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, đồ ăn thức uống còn tằn tiện, đâu đã ê hề như sau này. Tù mù tối. Loi lói ánh đèn dầu vặn to, sau này mới là đà bóng sợi đốt vàng mờ dưới cái chao men trắng sứt, tiếng dao lập phập xuống thớt, làn hơi mờ mờ, mùi mỡ, mùi hành, tiếng xì xoạp. Tôi đang nghe ai ăn hay chính mình nhai húp.

Hồi bé tôi thích phở gà, khi muốn ăn thử bò thì bắt chước người lớn bảo con ăn phở tái khiến mẹ tôi hay lườm và kiên quyết bắt ăn bò chín vì sợ trẻ con ăn tái đau bụng. Một ông cụ ngồi rung rung đùi rót nước chè cho khách bên quầy hàng nước cạnh đấy. Người con gái bán phở liền dãy ghế bên này. Đây là sân ngôi nhà cũ xây kiểu Pháp có bậc thềm bước lên cao.

Hồi đó, đi ăn phở là cả một sự chuẩn bị. Bố sơ mi kẻ xanh cộc tay, quần âu, dép nhựa Tiền Phong cài quai, nhiều lần sơ vin, tay phe phẩy cầm theo cái quạt giấy để quạt cho các con lúc ăn khi mùa hè, tối vẫn vã mồ hôi trán. Mẹ sơ mi nữ trắng thả vạt, quần phăng đen, hay cầm theo cái làn nhỏ, tôi chẳng biết mẹ cầm làn để làm gì. Người lớn ngày trước thì đương nhiên chưa có đồ cộc, đồ lửng như bây giờ rồi. Nhưng bé chip chip chúng tôi cũng phải sơ mi, quần dài vào cho nó chỉn chu. Lối vắng nối những dãy nhà, đường trộn pha nửa đất nửa đá, những lùm bụi cây cối, đèn đường tối, những bước đi thong thả, nói ít. Mẹ ít nói mà con cái cứ hỏi như điên. Mẹ không muốn chúng tôi đi ăn phở mà cười đùa, hớn hở, những năm bao cấp khó khăn, cả khu, bao gia đình, hầu như ai cũng khó.

Thực ra tôi không thuộc diện háu ăn, và đúng là cũng không hay ăn vặt, như người bố, có khi tối muộn rồi vẫn bảo đi mua bánh mỳ pa tê, hoặc đi đâu chơi thì lại vòng ra phố mua về cho các con ăn; và nghe ngoài kia văng vẳng tiếng rao xôi nóng, bánh khúc đây, là thể nào cũng đưa tiền lẻ cho con chạy ra gọi bánh. Nhưng từ bé đến lớn và sau này đi lại đây đó, thì mình cảm thấy có cái thú vị của sự ăn uống lê la quán xá. Những chỗ nho nhỏ, gọn gọn, ngồi thong thả thôi chứ rực rỡ tưng bừng bàn to phòng lớn thì không còn gì là la lủi, là vừa ăn nhâm nhi vừa nghe nhìn xung quanh nữa. Thế nên trên đường về qua làng Đình Bảng thì lượn vào dưới cái mái quán thấp, gọi bát cháo, nhìn ngắm làng đang nhạt nắng dần, văng vắng, đường về nhà chậm lại một chút cũng được.

Ăn vặt thế thôi, là chút lê la đổi vị khi gần cuối ngày. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Tối nọ lạnh buốt rét mờ mờ những con phố Hà Giang, khách một đoàn trẻ trung vừa lên đến nơi ban chiều, cơm rượu đâu vào đấy rồi, 10 giờ tối, nữ thi sĩ chủ nhà phải mời anh chị em đi ăn cháo ấu tẩu cho được. Lên Hà Giang mà không ăn cháo ấu tẩu ư! Quán được kể là có tiếng nên giờ đó rồi, vẫn còn vài bàn khách, không quá rộng, vừa vừa cửa gỗ, vách gỗ, song gỗ rõ ra một kiểu cũ kỹ, lò đun cháo ấm áp, và đương nhiên vừa cười nói vừa phải vài lượt ly nhỏ rượu ngô nữa rồi. Bấy giờ thì đương lúc ở trong hiện tại ấy, thấy vui vui, nao nức chút khám phá, nhất là nghe bảo củ ấu tẩu có vị kịch độc, nhưng vẫn chế biến nấu cháo được, rất tốt cho sức khỏe, có điều là phải nấu thật kỹ thì mới ăn được. Hơn chục năm nghĩ lại, thấy thật là muốn có lại một lần không khí ấy. Chị bạn trong nhóm đi sau viết được bài thơ hay, có những câu rất đáng nhớ, tuy đọc lại cũng vẫn thấy liều quá: “Bát ấu tẩu em hãy nấu non/ Cho ta chết mà tình vẫn còn”.

Tối lạnh muộn lang thang đi ăn vốn đã là thú vui chợt đến của nhiều người. Nó là cái ăn như có gì ăn thêm, ăn nữa, ăn không theo giờ, không đúng quy luật khiến cho người ta có cảm giác phiêu lưu. Dù cũng lặt vặt thôi mà! Phiêu lưu mấy cũng chừng tiếng, tiếng rưỡi rồi mau mau trở về điều độ mà giữ sức khỏe ngủ nghê, mai còn dậy đi làm! Nhờ công việc mà tôi lại hay có những “phiêu lưu con con” như thế. Công việc giở chừng muộn muộn, mấy anh em, chị em kéo nhau ra quán này kia quanh quanh cơ quan, lai rai, xì xoạp, lách cách một lúc, rồi về lại làm tiếp, lắm khi đến đêm, gần 11, 12 giờ mới xong cơ mà, làm sao đợi đến lúc ấy mới ăn được!

Tôi ngồi hè tối phố cổ Hà thành vừa gần vừa xa, nhìn người qua lại loang loáng đèn, những người xung quanh mình vừa ăn vừa bàn tán, líu ríu tiếng người như đồ ăn, gia vị trộn nhau. Tối hè vẫn nóng cho nhão người, ăn uống gắp rót đầm đìa. Lại có khi gió mùa buốt hút hai bên vành tai, vừa cúi ăn vừa kéo cao cổ áo. Hay là mưa ào xuống hè thì quắn lên xê ghế xê mâm cũng đặt chênh vênh trên đôi chiếc ghế nhựa, dịch vào hiên, vào nữa, nữa, rồi lại nhấm nháp mà nhìn, nghe mưa phủ mặt phố phản những đèn ánh lên lấp lóa. Phố những người đi qua, những tiếng nói rơi chênh vênh, những mưa những gió tạt ngang, như là đang trôi, như đang kể, đang tái hiện, đang lẫn nhiều điều quá, không chỉ những gì là người là xe mình nhìn trước mặt. Lẫn gì như là sống, là nghĩ, là thời gian, là những nỗi những niềm, trên những biển hiệu cũ này, hoa văn mái ngôi nhà hai tầng chếch chếch kia, những gì như đổi thay ghê gớm. Ngồi đây ăn, tự nhiên cứ nghĩ thấy lại những hình ảnh trẻ trung của người trong gia đình, họ hàng bước phía hai ba con phố giao nhau đằng kia, chầm chậm lại mờ mờ một đoạn phim quá khứ.

Tưởng thấy mình chợt bé, người lớn dắt tay qua phố xe tối trời, sang bên làng Đơ ngồi đợi bát phở nóng, tò mò những hành những ớt, món treo món để, lạ lẫm nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt chần phở, xóc xóc xóc xóc, nhón nắm thịt rải lên, hành rắc, muôi nước nóng óng mỡ đổ lên, ngút khói… Lại tò mò cả phía trong nhà người bán phở có gì kia, những ai đang đứng. Bỗng sống lại gần như nguyên vài náo nức lạ lùng thơ dại, lẫn với nhận biết, rằng cái khung cảnh này của mình đây, đã khác lắm đi rồi.         

Một hôm tối về, tôi viết được một bài:          

Hàng ảo

Ngõ Hàng Chỉ phố Hàng Hòm

Ngồi hàng phở như là đang ăn phở

 

Thực ra là sắp

Sắp khói nước dùng sắp đặt một lạnh đêm

Sắp được tin phố sẽ về khởi thủy

Trong cuộc đu quay đánh võng không dừng

 

Ngõ tôi ngồi hóng giờ này bát bốc mả

Đèn vàng vàng ngón tay động động vại bia cắt tiết

Xì xụp cúi đầu ảo tưởng bợm nhậu

La liệt hảo hán bát đĩa

La liệt chuyện Đông Tây kim cổ thế thời

 

La liệt phố ngõ vắng xoáy vào tôi

Nhói như là dập ghim nhầm ngón tay

Dập một lúc dính cả 10 ngón lại

Buốt lên não mà không thấy rớm rớm

 

Sực tỉnh ra mới bắt đầu gọi

 

Không phải hàng bò mà chỉ có phở gà

Nhưng mà bánh mà lườn đùi mà giá tiết trứng hành lòng mề chân quẩy đã hết

Em chỉ còn xôi

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top