Giữ bình tâm giữa mùa dịch bệnh, dẫu chỉ vẻn vẹn trong chữ “tạm thời”, có lẽ là cuộc thách thức cân não gớm ghê, căng thẳng hơn cả từ nhiều năm qua. Thôi tạm không so lại thời chiến nữa, có gì hủy hoại con người, thách thức tâm hồn, bản lĩnh con người bằng chiến tranh! Nhưng chắc có thể liên tưởng lại ít nhiều về thời bao cấp khốn khó trong hồi ức của các bậc cao niên, một bộ phận trung niên, khi cuồng quay đếm tính gạo dầu muối củi trong những tháng năm dài. Bây giờ, chúng ta đang chứng kiến mức độ ác liệt và sự dai dẳng của dịch bệnh trong biến động liên tục, khôn lường.
Đã lâu rồi mới có cơn chấn động mà xung lực của nó ngày càng dữ dội đến thế, quật thẳng xuống vai, ép thẳng vào ngực thở của cả cộng đồng, buộc chân người ta lại, bắt chúng ta phải thay đổi rất nhiều trong cả thói quen, hành vi lẫn cả cách nghĩ. Ai biết trước rằng, có lúc gặp nhau ta chỉ chạm cẳng tay và bỏ cả bắt tay như bây giờ, thậm chí còn phải tách xa xa theo hai hướng. Ai biết rằng đã một quãng thời gian nhiều người đến thế, mưu sinh ngoài đường, ngoài phố, rồi tính về quê nhà cũng còn thấy lo lo, ngài ngại. Bởi dịch vây tứ phía rồi. Thậm chí có khi muốn đi cũng không được. Bởi giãn cách, cách ly khoanh lại rồi. Những chuyện đó mới cách đây chưa lâu đâu, và còn ám ảnh đến giờ, khi mà dịch bệnh đâu đã thanh toán được hết.
Mà hình như, đáng sợ, còn là việc đã chường ra trước mặt xã hội, cả những thay đổi trong tình cảm, thái độ con người. Chường ra những ẩn khuất cố hữu, những len lỏi u ám và mầm mống tệ hại mới, nó làm cho người ta cách xa nhau hơn trong cơn khốn khó.
Giữ bình tâm giữa mùa dịch bệnh, dẫu chỉ vẻn vẹn trong chữ “tạm thời”, có lẽ là cuộc thách thức cân não gớm ghê, căng thẳng hơn cả từ nhiều năm qua. (Ảnh minh họa: Lê Bảo)
Có đấy, chứ không phải không đâu! Mà cũng không phải ít. Vừa nghe đằng kia chăng dây kìa, rồi hình như có người được y tế đưa đi, hay đến lấy mẫu xét nghiệm thôi đã, thì hẵng tránh xa xa ra. Nhưng thế còn đi một nhẽ về sự giữ khoảng cách. Tệ cái là bắt đầu có đồn đoán nọ kia, rồi có người “buôn dưa lê” đâu đó, là chỗ ấy mầm dịch ghê gớm, chỉ tại mấy cái người vô ý thức để bị lây nhiễm rồi về gây phiền cho xóm giềng hàng phố, là lại còn giấu giếm nữa… Thế là cái người, cái nhà, cái nhóm, cái khu vực có dịch hoặc trong diện cách ly, giãn cách ấy, bỗng trở nên “tội đồ”. Rồi đến lượt những “tội đồ oan uổng” ấy bức xúc vì người ta tránh mình “như tránh hủi”, thế là tự ái, là tức giận những cái “loại” kỳ thị người khác ấy. Rạn nứt giữa đôi, ba, bốn năm bên, rạn vỡ gì đó trong lòng mình. Và những lo lắng, sợ hãi…
Tôi có bà chị đằng vợ, vô tình đi chung thang máy với một người là F0 khi chưa biết. Rồi phát hiện F0 thì bà chị thành F1, đi cách ly tập trung. Thôi thì vất vả, thiếu thốn cũng chịu xong rồi, giữa cái tình hình căng thẳng, hoang mang của cả một đô thị khổng lồ. Nhưng đến hôm chuẩn bị hoàn thành cách ly thì bỗng dưng xét nghiệm phát hiện thêm trong chỗ cách ly đó mấy người đã F0 rồi. Thế thì chả rụng rời chứ còn gì! May là sau đó chị đã được về nhà, gầy đi, và cũng mệt mỏi về tinh thần. Cái nỗi nơm nớp thì chắc vẫn còn bám theo dài dài.
Nhiều người khác cũng có thể có được sự may mắn ấy, trong dịch bệnh, thấy mình tạm thoát khỏi một guồng quay mà nhìn lại thấy mình còn lành lặn. Nhưng cũng còn những người khác, những thân nhân người nằm điều trị, đợi chờ nôn nao ở nhà, ngày đêm ngóng về bệnh viện. Sau thời gian căng thẳng như tan ra đến nơi, nhận tin buồn đau không thể nào kéo lại được gì nữa. Chúng ta nhìn bức ảnh chiếc xe đưa người đi mai táng, cách một đoạn xa xa, người nhà mặc bộ bảo hộ phòng dịch, quỳ xuống vái lạy lần cuối cùng… Rùng mình! Nhớ đến những bức ảnh đoàn xe chở người qua đời vì dịch đi trong đêm vắng ở Italia. Nhìn những bức ảnh các đống lửa thiêu người sát nhau, liên tiếp ở Ấn Độ. Những người mệt nhoài vì mai táng người quá cố ở Indonesia. Những khu nhà biến thành khu cách ly, đóng gỗ chặt kín cửa ra vào ở Vũ Hán - Trung Quốc.
Và ở mức “nhẹ nhàng” hơn như mình đây thôi, đi ra đi vào, đã gặp cả một đường phố, một thành phố, những con đường khẩu trang, nơi mặt người phải giữ kín lại sau lần bảo hộ, vội vã, im lặng. Nơi hơi thở người, sự nồng nhiệt của người, cũng phải ghìm xuống. Vậy mà dăm bảy năm trước thôi, người đeo khẩu trang đi ở ngoài đường tránh bụi vẫn còn thưa. Nhỏ nhất trên một diện tích như vào trong thang máy, bây giờ, cũng cần phải im lặng! Đời sống bị tấn công, khiến cho mọi thứ khác đi, khiến cho mất mát xuất hiện!
Đến thời điểm này, khi vắc-xin đã phủ rộng rãi, làm giảm mức độ nghiêm trọng của virus. Và xã hội cũng đã tích cực bước vào bình thường mới được một thời gian với nhiều tín hiệu mới mẻ cho đời sống kinh tế, xã hội. Nhưng có phải vì thế mà không đáng ngại, đáng sợ cho những nguy hiểm mới. Bởi số người nhiễm lại bùng lên quá nhiều nữa rồi. Các ca nặng lên, nhiều ca tử vong, cũng vẫn ám ảnh chúng ta!
Người lương y đã và sẽ tiếp tục công việc của mình, ở giữa dây nhợ máy móc, giữa những thở gấp, những hoảng hốt cận kề sinh tử... (Ảnh minh họa: Lê Bảo)
Không đặt mình vào trạng thái làm việc, suy tư của người khác được. Nhưng có những cái nhìn thoáng qua thôi, rồi ngẫm, đã thấy run người. Như một lần, có lẽ phải bao người mẹ rơi nước mắt khi thấy cháu bé khóc òa lên chỉ tay vào tivi đòi theo mẹ đang chống dịch ở khu cách ly. Chịu đấy, dù có đành tâm dứt công việc ra xin về cho bằng được với con cái, mà đơn vị thông cảm, thì cũng phải mười bốn ngày nữa, sau khi đã cách ly như tất cả mọi người khác.
Từ 2020 qua 2021 và đến lúc này, có lẽ sẽ còn phải hết 2022 nữa…, người lương y đã và sẽ tiếp tục công việc của mình, ở giữa dây nhợ máy móc, giữa những thở gấp, những hoảng hốt cận kề sinh tử, ở cái nơi mà chúng ta từng thấy giữa những ngày chói gắt, nước đá được huy động để làm mát thân người trong những bộ bảo hộ ngột ngạt. Và dưới bàn tay đồng nghiệp đang săn sóc, là khuôn mặt đầm đìa của một người vừa ngất xỉu.
Trên đó, Bắc Giang, những ngày bùng dịch đầu đợt dịch thứ tư mùa hè năm trước - 2021. Và những ngày tháng tiếp đó, ở mức khó tưởng tượng nổi, những con số nghìn ca mắc, mấy nghìn ca mắc mỗi ngày nơi phía Nam đất nước. Từ TP.HCM, liền trong mấy tháng trời, những hình ảnh, nhiều hình ảnh cấp tập khác nữa, về những bộ quần áo đẫm ướt, những người mệt nhoài ngủ lăn lóc - mà năm 2020, ta có thể thấy từ một số khu cách ly trưng dụng đơn vị bộ đội, các chiến sĩ tranh thủ ngủ mệt ở vòng ngoài - đến 2021 thì nhiều quá rồi!
Cứ triền miên như thế, nhìn đồng nghiệp, nhìn chính mình quần quật, quần quật, nhà thì xa - xa theo nghĩa không phải muốn về mà được ngay, theo cả cái nghĩa lo lắng lắm chứ về sức khỏe cha mẹ, con cái, nguy cơ lây nhiễm rình ngay ngoài cửa, trong khi bên ngoài xã hội, người đi lại tấp nập, người bệnh phát hiện mới liên tục, lại cả người trốn tránh, chống đối nữa, dịch cứ bùng hết chỗ này đến chỗ kia…, thì làm thế nào mà giữ được bình tĩnh. Làm sao mà giữ bình an trong tim? - Để rồi cái đốm sáng an lành ấy nó thành năng lượng lành tỏa trong người mình, lan sang người bệnh, người đang phải cách ly tập trung nữa đây? Chứ không phải là cau có, là hậm hực, rồi mà mình đã nhọc, người khác cũng bị lây theo - một thứ virus gặm nhấm tâm hồn, và hủy hoại lòng từ ái, đức bao dung của ta đáng kể đấy! Với không ít người, đó là cả một cuộc chiến.
Với mỗi chúng ta, có là như vậy không! Phòng hộ, khẩu trang, rửa tay, tiếp xúc ít, giữ khoảng cách, ở nhà… Đấy là những lựa chọn để ta gần hơn với an toàn. Những lựa chọn cơ bản và tỉnh táo, sớm, trước, để tránh một tương lai tối màu về khả năng bị ngấm ngầm xâm lấn, xuyên thấu, bị hủy hoại thân thể và có khi biến dạng cả về tâm tính. Và những lựa chọn nào khác nữa không, cho ta trong cuộc chống chọi giữ gìn con người mình, gồm cả những phẩm hạnh mà ta vẫn tự tin rằng tốt đẹp?
Hóa ra, riêng một mình sự khỏe khoắn, lành mạnh của ta không riêng mình ta quyết được cả. Mà như là lùm cây, bụi cỏ, như là kết cấu những hạt đất, là kết nối những bờ vùng bờ thửa vậy. Như những viên ngói đỡ nâng xếp lên nhau mái nhà, mái đình. Những vùng mây bao lại để nên bầu trời lớn. Mỗi mình mình giữ lấy mình, để đất ấy vững hơn, trời ấy xanh hơn, không gian ấy rộng hơn, không khí ấy trong hơn, và tấm lòng cộng đồng sâu xa, bao dung, bảo bọc. Để chính mình lại hưởng cả vùng thoáng đãng, tự do của những kết cấu ấy.
Cho nên, nếu mỗi riêng mình đã hỏng hóc, thì làm sao tránh được một tổng thể va đập, long tróc. Mỗi riêng mình u tối, thì cũng gieo mầm ra xung quanh những hằn học, tị hiềm. Riêng mình đau bệnh, cũng sẽ nhả ra mọi người mầm dịch, mà lan đi theo cấp số nhân. Vậy thì, chỉ riêng việc giữ mình cho khỏi đau, khỏi phiền đến cộng đồng thôi, đấy đã là điều công đức.
Và hơn thế nữa, là cho đi, sẻ ra từ tấm lòng mình những khỏe mạnh, sung túc, tươi xanh mà mình có. Như những người kia kìa - những nụ cười ngành y từng đoàn tiếp nối nhau vào vùng dịch. Những đồng bào ở sâu trong núi đã ngay từ sớm khi dịch bùng phát, gom bí ngô, gạo nương góp cùng mì cùng rau xanh, cùng cá thịt những ruộng vườn dồn về, gửi lên những chuyến xe miễn phí chảy về tâm dịch. Những máy thở, những lô vắc-xin về đến sân bay. Kể cả những ai dù không trực tiếp đứng trong đội ngũ của bác sĩ, của biên phòng, của cán bộ tổ dân phố, của đoàn thanh niên và những doanh nghiệp mở các siêu thị không đồng…, thì ở vị trí mỗi người ấy, cũng đang làm công việc của mình bằng nhiệt tình và niềm mong muốn bình ổn. Hàng vạn, hàng triệu những người như thế đang chia ra, cho đi, và từ ấy nhân lên từ ái, yêu thương, lành mạnh, và khỏe mạnh theo đúng cái ý nghĩa vô cùng quan trọng của thể chất. Mỗi chúng ta có thể đứng vào trong số đó, bất kỳ lúc nào, như những ngày nhiều gian khó đó.
Mỗi chiếc chìa khóa tạm thời của cuộc bình tâm, có thể cho ta mở cánh cửa vào khu vườn, hay ra con đường đi tiếp những tháng ngày. Những ngày mới dù chỉ là một đoạn trong chuỗi dài các biến động dữ dằn vây bủa. Nhưng cứ từng đoạn ngắn một được lành mạnh, bình yên và nâng đỡ qua từng chương của bản giao hưởng bất trắc lật giở mãi cơ hồ chưa nhìn thấy trang cuối, thì cũng đã là ân huệ lớn, hạnh phúc lớn mà chính chúng ta mang lại cho nhau.
Đấy là chìa khóa cho bình tâm!