Aa

Những tiếng rao chập chờn phố thị

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Tư, 30/03/2022 - 06:00

Nói gì về những thứ quà quê? Khi ngày ngày, lúc đi làm, khi tan sở ta chỉ muốn nhanh chóng về nhà trút bỏ hết những muộn phiền thì những người bán hàng rong vẫn còn nhẫn nại gánh gồng cơ man đủ thứ trên vai...

Một dáng dấp liêu xiêu đẩy xe hàng rong, tiếng kẽo kẹt từ những đôi quang gánh của người quê lên phố lúc chào mời lúc tư lự, ngập ngừng giữa những ngã tư nhoang nhoáng đèn xanh đèn đỏ. Kết thúc cho một ngày nắng nôi hay rét mướt là nỗi mưu sinh nhọc nhằn giữa phố thị ồn ào đông đúc.

Nói gì về những thứ quà quê? Khi bao kiếp người thôn dã tảo tần ấy đã mang đến cho phố phường những món quà mùa vụ đầy tươi tắn, ngọt bùi. Để rồi, nhờ có những bó rau xanh, những hương hoa rực rỡ, những củ sắn củ khoai mà người xa quê thêm những phút chạnh lòng biết được vào thời điểm ấy, ở vùng đất nơi mình chôn rau cắt rốn đang vào mùa vụ gì, đang bội thu hay thất bát.

Nói gì về những thứ quà quê? Khi ngày ngày, lúc đi làm, khi tan sở ta chỉ muốn nhanh chóng về nhà trút bỏ hết những muộn phiền thì những người bán hàng rong vẫn còn nhẫn nại gánh gồng cơ man đủ thứ trên vai, cất tiếng rao len lỏi qua từng con phố. Đêm đêm, từ góc nhà trọ tạm bợ, họ lại chong đèn lẩm nhẩm vuốt ve, cộng trừ từng đồng tiền lẻ.

Kết thúc cho một ngày nắng nôi hay rét mướt là nỗi mưu sinh nhọc nhằn giữa phố thị ồn ào đông đúc. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Cứ thế, mùa nối mùa, người quê đem lên phố những ngọn rau mơn mởn non xanh, những củ khoai củ sắn mập mạp ứa đường, những bông hoa e ấp chưa kịp nở… và để lại cho bữa ăn nhà mình những cọng lá gầy guộc, những dãi khoai xác phờ, nhạt nhẽo. Đổi lại, cuộc mưu sinh nhọc nhằn, gian khó cứ được nối dài ra mãi trong sự trưởng thành của những đứa con ruộng đồng, chúng học hành, thi cử rồi cất cánh tứ phương.

Một mẹ già run rẩy chìa mớ rau xanh mời gọi; một chị gái gương mặt sạm đen giữa trưa hè luôn tay quạt từng củ khoai củ sắn, một cậu bé ngấp nghé lên mười đầu trần chân đất bên những chùm hoa bưởi trắng ngà… tất cả khắc vào ta hình ảnh của bà, của mẹ, của chị, của em… của những con người sớm khuya lam lũ để trụ lại với quê hương, họ gieo mầm sống, gieo hương vị cuộc đời vào từng tấc đất. Những màu sắc, hình hài của bao món quà quê ngày này qua ngày khác được kết tụ ngồn ngộn như bức tranh thôn dã, gọi về trong lòng người những nỗi thương yêu chất ngất trong rơm rạ, bờ bãi.

Có lần đi chợ sớm, chàng thanh niên bán rau mời chào tôi mua bó ngọn rau sắn. Tôi mua ngay không chút chần chừ. Vì nhớ tuổi thơ đến thắt lòng! Rau sắn luộc, rau sắn muối chua, “cao cấp” hơn thì rau sắn nộm! Bước đi mươi bước thì chàng chạy theo đưa tiếp một bó rau nữa, giọng buồn buồn: “Thôi chị cầm lấy, chiều qua mẹ em hái, nhưng ở cái chợ này có khi có mỗi chị ăn!” Ôi món ăn tuổi thơ tôi giờ bỗng nhiên thành cô lẻ giữa phố phường. Quê tôi đất đồi, giữa um tùm cây lấy gỗ, dường như chẳng thể trồng gì hơn ngoài sắn. Sắn vừa lấy củ, vừa lấy ngọn ăn, lấy lá nuôi cá ao nữa. Thậm chí, những thân sắn sau khi bị vặt trụi lá còn được đám trẻ con lấy làm trò chơi, nghịch chán rồi mang xuống ao, xuống hồ… bẫy ốc. Chỉ qua một đêm, thân sắn ngấm nước vẩn lên mùi hoai mục, ốc bám vào thành từng chùm lớn bé, chi chít như sung.

Đằng sau những thứ quà được chăm chút, tỉa tót dưới mỗi bàn tay lam lũ chính là thế giới thẳm sâu, hoài vọng của bao thân phận con người. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Mỗi năm khi tiết trời vào tháng 7 âm lịch, mùa mưa ngâu, chị em tôi thường hái ngọn sắn về rửa sạch bằng nước mưa trong chum, rắc muối hạt lên ủ trong vại sành. Ngày ngày, bố đội sấm đội chớp bước đi rồi trở về với những chiếc đơm cá tôm nhảy tanh tách, mẹ lấy sắn muối chua ra nấu thơm lừng gian bếp rạ. Thế là cả nhà quây quần bên nồi cơm độn sắn, ăn cùng món ăn duy nhất cũng liên quan đến sắn. Có lần em tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Khi nào nhà mình hết nghèo?” Mẹ vẫn chăm chú đảo đôi tay đang ghế nồi cơm đáp: “Khi nào không phải ăn độn nữa con ạ!” Tôi láng máng hiểu ra rằng, chừng nào bố mẹ còn phát đồi trồng sắn nghĩa là chưa hết nghèo đâu. Cứ thế, những vạt đồi trồng sắn ngày càng trải rộng, dân quê tôi càng lúc càng nghèo.

Mười bốn tuổi, tôi theo bố mang những bao sắn khô xuống miền biển đổi lấy thóc gạo, cá khô. Khi nào bố ốm, mẹ lại ngừng làm việc đồng áng bươn bả đi thay. Mẹ tôi là người khéo léo. Bàn tay chai sạn vì việc cấy hái cày bừa lại vô cùng tinh tế mỗi khi vào bếp. Từ mớ ngọn sắn tươi ròng ứa nhựa chị em tôi hái về, mẹ vò nhẹ cho mềm, luộc qua với nước pha chút muối rồi vớt ra vắt sạch nước trộn cùng rau thơm trong vườn, tóp mỡ và hành khô phi thơm, chút nước mắm, chút lạc rang giã dập… thế là thành món nộm cải thiện bữa ăn.

Khi chúng tôi xa quê, những vạt đồi trồng sắn cũng thưa dần. Quê hương bớt nghèo là thế, vậy mà không dưng thấy trống trải vô cùng. Bố mẹ tôi đã già, sớm chiều cặm cụi nhổ cỏ trong vườn nhớ cảnh sum vầy thời đói khổ. Chị em tôi khôn lớn, mỗi đứa một nơi, nhiều khi nhớ quê chỉ lặng lẽ khóc thầm. Tôi bấm điện thoại. Giọng mẹ tôi bất giác nghẹn ngào: “Mấy hôm nay, bố mẹ cũng đang cuốc đất ươm hom sắn. Trồng rồi không biết có ai ăn”.

Nơi những góc phố tình yêu không giới hạn đêm ngày, cũng là nơi giấc mơ của ai đó bất chợt được sưởi ấm thêm khi hít hà mùi nồng ấm của ngô khoai để thỏa lòng mong đợi; là nơi đột nhiên có người bỗng thèm nhìn thấy những đóa hoa đồng nội hé nở như một cuộc tẩy trần sau trận mưa đùng đoàng sấm chớp; là nơi những người quê tha hương đột nhiên bật khóc trước ánh mắt lạ lạ, quen quen nhìn mình dật dờ như mê ngủ.

Nỗi vọng nhớ ruộng đồng bao mùa được ấp iu từ những thứ quà người quê mang lên phố, nhắc nhớ thời củ ấu, củ năng tưởng như đã xưa đến khôn cùng. Đằng sau những thứ quà được chăm chút, tỉa tót dưới mỗi bàn tay lam lũ chính là thế giới thẳm sâu, hoài vọng của bao thân phận con người. Người quê lặng lẽ gánh gồng mùa màng lên phố, sau những cuộc eo sèo bán mua lại mang về niềm đồng vọng xa xôi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top