Giá vàng tăng nhanh trong thời điểm cuối năm khiến kênh đầu tư này trở thành một ẩn số hấp dẫn trong năm 2020.
Xu hướng tăng đã trở lại
Dù không còn những pha bứt tốc “đáng gờm” như những năm trước đây, nhưng thị trường vàng trong năm 2019 vẫn là một trong những kênh đầu tư mang lại suất sinh lời khá tốt cho nhiều nhà đầu tư, với mức tăng trưởng hơn 16% tính từ đầu năm đến nay.
Nếu so với thị trường bất động sản đang gặp khá nhiều rủi ro khi dòng vốn tín dụng ngân hàng thắt chặt, thị trường chứng khoán vẫn ngụp lặn thiếu khởi sắc, không ngoa khi nói rằng kênh đầu tư an toàn này đang tỏa sáng trở lại sau nhiều năm ngủ quên.
Cũng cần phải xác định rõ thị trường vàng quốc tế đã thoát khỏi xu hướng giảm kể từ tháng 8/2017, sau chuỗi tăng giá khá mạnh từ cuối năm 2016. Cụ thể, sau khi thiết lập đỉnh cao nhất mọi thời đại ở mốc trên 1.920 đô la Mỹ/ounce vào tháng 9/2011, giá vàng quốc tế đã điều chỉnh kể từ đó và chạm đáy ở vùng 1.050 đô la Mỹ vào tháng 12/2015, trước khi bắt đầu giai đoạn phục hồi trở lại. Tuy nhiên, phải mất hơn một năm rưỡi sau đó thị trường mới có thể bứt khỏi đường xu hướng giảm giá theo góc độ kỹ thuật (thể hiện trên biểu đồ).
Cũng trong suốt giai đoạn sáu năm từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2019, giá vàng quốc tế chủ yếu dao động trong phạm vi 1.100 - 1.350 đô la/ounce, một biên độ khá chật hẹp nếu nhìn vào sóng tăng giá mạnh mẽ những năm trước đó. Chỉ sau khi thật sự bứt phá ngưỡng kháng cự ở 1.350 - 1.400 đô la Mỹ vào tháng 6 năm nay, xuất hiện mẫu hình tăng giá kinh điển “cốc và tay cầm” (còn gọi là mẫu hình Chén Thánh), giá vàng mới thể hiện sự tăng tốc và lên tận 1.550 đô la vào cuối tháng 8, cũng là mức cao nhất trong vòng sáu năm rưỡi qua.
Tuy nhiên, giá kim loại quý này lại rơi vào giai đoạn điều chỉnh, củng cố trong suốt gần bốn tháng qua, trước khi có dấu hiệu phục hồi mạnh trong hai tuần cuối tháng 12, lên lại trên mốc tâm lý 1.500 đô la, khiến kênh đầu tư này trở thành một trong những ẩn số thú vị nhất của năm 2020, nhất là trong bối cảnh dự báo tích cực của các chuyên gia kinh tế dành cho thị trường này xuất hiện nhiều hơn.
Ẩn số 2020
Các tài sản an toàn đang lên ngôi trở lại trước nguy cơ khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, người đã dự báo chính xác cuộc khủng hoảng năm 2007, vào cuối năm 2018 đã đưa ra 10 điều kiện sẽ chín muồi vào năm 2020 để bắt đầu một cuộc khủng hoảng tài chính mới, và theo sau là một cuộc suy thoái toàn cầu, trong đó chiến tranh thương mại là một trong những rủi ro lớn nhất.
Tuy nhiên, một rủi ro khác còn lớn hơn đó là cuộc đua nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) khắp thế giới từ hai năm trở lại đây, theo đó đã bơm một lượng lớn tiền rẻ đi khắp nơi. Vốn sẽ ngày càng gây áp lực lên lạm phát.
Tính riêng trong năm vừa qua, đã có đến 60 NHTƯ với 113 lần cắt giảm lãi suất, theo thống kê của bộ phận nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây. Thực tế, những nền kinh tế lớn ưa thích vàng như Trung Quốc hay Ấn Độ cũng đang phải đau đầu với rủi ro lạm phát trở lại.
Riêng đối với Việt Nam, ngoài tác động từ giá cả hàng hóa quốc tế leo thang trước diễn biến các đồng tiền suy yếu, thì xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào trong nước thời gian qua cũng có thể mang đến những rủi ro tiềm ẩn. Lượng cung ngoại tệ đổ vào quá nhiều buộc nhà điều hành phải mua ngoại tệ và bơm một lượng lớn tiền đồng ra. Nếu không có các giải pháp hút tiền về kịp, sẽ khiến cung tiền mở rộng quá mức và gây áp lực lên lạm phát, điều đã từng diễn ra năm 2007 khiến lạm phát năm 2008 lên mức kỷ lục hai chữ số 19,89%.
Trong khi đó, ngay chính bản thân thị trường vàng cũng đang trở thành kênh tài sản hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư, khi thị trường bất động sản đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức, thị trường chứng khoán trì trệ, còn tiền gửi ngân hàng dường như không còn mấy hấp dẫn, nhất là khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân dù chỉ tăng 2,79% so với chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2018, nhưng tính theo thời điểm tháng 12/2019 thì đã tăng đến 5,23% so với cùng kỳ.
Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức cũng đang tích cực tăng lượng nắm giữ vàng trong danh mục của mình. Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tính đến cuối tháng 11, tài sản của các quỹ ETF chuyên đầu tư vào vàng đã tăng đến 35% trong năm 2019, do liên tiếp tăng lượng nắm giữ cùng với việc giá vàng tăng mạnh.
Cụ thể, các quỹ này đã mua ròng thêm 385 tấn vàng, quy đổi là 18,6 tỷ đô la Mỹ, tương đương tăng 13,9% trong năm nay, trong đó các quỹ tại những nền kinh tế phát triển lâu đời như Anh hay Đức tăng lần lượt là 15% và 12%, trước những lo ngại về Brexit hay tình trạng lợi suất âm của trái phiếu chính phủ Đức.
Thậm chí ngay cả các NHTƯ cũng đang trở lại mua ròng trên thị trường kim loại quý này, nhằm đa dạng kho dự trữ ngoại hối trong bối cảnh các nền kinh tế đang thi nhau làm suy yếu đồng tiền của mình, cũng như trước tình trạng lợi suất âm ngày càng lan rộng. Nếu như Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ... đã là những tên tuổi khá quen thuộc ở thị trường này, thì gần đây các nước phát triển tại châu Âu cũng tỏ ra hứng thú trở lại với vàng.
Mới đây, Chủ tịch Ngân hàng liên bang Đức Jens Weidman tuyên bố vàng là nền tảng ổn định cho hệ thống tiền tệ quốc tế. Trước đó, vào tháng 10, NHTƯ Hà Lan trong một báo cáo đã cho rằng vàng giúp củng cố niềm tin cho bảng cân đối kế toán của NHTƯ và mang lại cảm giác an toàn. Còn Ba Lan, năm 2018 là quốc gia châu Âu đầu tiên mua vàng sau 20 năm, với tổng lượng mua vào lên tới 16,4 tấn và dự kiến tăng cường dự trữ vàng lên hơn 100 tấn vào năm 2019.
Hiện tại, Mỹ vẫn là nước nắm giữ vàng dự trữ nhiều nhất với hơn 8.100 tấn, chiếm gần 75% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia, kế tiếp là Đức, Ý và Pháp. Nga và Trung Quốc dù đã tích cực mua vàng trong những năm trở lại đây nhưng cũng chỉ xếp thứ 5 và thứ 6 trong số 10 nước dự trữ vàng lớn nhất, với con số tương ứng là hơn 2.100 tấn và gần 1.900 tấn.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, những bất ổn địa chính trị khó lường của năm 2020, trong đó không ít sự kiện được dự báo thành “thiên nga đen”, có thể sẽ thêm chất xúc tác đẩy giá vàng tăng vọt. Từ các cuộc biểu tình tại Hồng Kông, căng thẳng Trung Đông, vấn đề Bắc Triều Tiên, hay kết quả bất ngờ từ bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, tất cả đều có thể thúc đẩy giới đầu tư tiếp tục chạy vào vàng như một tài sản an toàn, đẩy giá kim loại quý này sớm quay lại mốc kỷ lục cũ và thậm chí có thể tiến xa hơn.