Tuy nhiên, mức giá này vẫn còn thua xa mức giá 49 triệu đồng/lượng cách đây vài năm. Vậy thời điểm này có nên mua, đầu tư, đầu cơ vàng hay không là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn.
Vàng là “hầm trú ẩn” của dòng tiền
Có người gọi vàng là “mẹ của mọi đồng tiền”, nhất là thời “bản vị vàng”. Hiện không còn thời của “bản vị vàng”, nhưng đã có thời kỳ giá vàng tăng tới 10 lần trong 10 năm (nghĩa là bình quân mỗi năm là 1 lần) như thời kỳ 2001 - 2011.
Tổng dự trữ vàng trên toàn thế giới có khoảng 171.000 - 180.000 tấn. 7 nền kinh tế lớn cũng là những nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới (trên 1.000 tấn, đứng đầu là Mỹ 8.133,5 tấn, tiếp đến là Italita 3.451 tấn, Đức 3.371 tấn, Pháp 2.436 tấn, Nga 1.909,8 tấn, Trung Quốc 1.842,6 tấn, Thụy Sĩ 1.040 tấn).
Từ mấy tháng nay đã có người cho rằng thời của vàng đã quay trở lại, khi tốc độ tăng của giá vàng rất cao, tăng gần như liên tục và nhiều kênh đầu tư khác (như chứng khoán, bất động sản,...) không những không sánh kịp, mà còn bị giảm sâu.
Khai thác vàng của Việt Nam không đáng kể, chủ yếu có từ nhập khẩu và tích lũy lại trong nhiều năm. Giá vàng của Việt Nam đạt đỉnh trên 49 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới đạt đỉnh 1.900 USD/ounce.
Ngoài yếu tố chủ yếu trên, còn có những yếu tố ở trong nước tác động đã làm cho giá vàng ở trong nước vượt qua mốc 49 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng trên thế giới hàng triệu đồng/lượng trong thời gian khá dài, có thời điểm lên đến 5 - 6 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng thế giới đã vượt qua mốc 1.500 USD/ounce; giá vàng trong nước cũng đã vượt qua mốc 42 triệu đồng/lượng...
Giá vàng tăng chủ yếu do vàng được xác định là “hầm trú ẩn” của dòng tiền trong điều kiện cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn bất định, các nước lớn nới lỏng tiền tệ bằng việc giảm lãi suất hoặc phá giá, các kênh đầu tư khác giá bị giảm, biến động khó lường và tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, thậm chí còn có dự đoán là suy thoái. Giá vàng mặc dù có thể có lúc tăng, giảm theo hình răng cưa, hiện đáy mới cao hơn đáy cũ, đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ.
Đã có dự đoán giá vàng thế giới sẽ vượt qua mốc 1.600 USD/ounce, thậm chí có thể lặp lại đỉnh cũ (trên 1.900 USD/ounce); giá vàng trong nước có thể vượt qua mốc 45 triệu đồng/lượng, thậm chí lặp lại đỉnh cũ (trên 49 triệu đồng/lượng) hoặc hơn nữa vì tỷ giá VND/USD đã tăng lên trong những năm qua.
Cẩn trọng khi mua - bán vàng
Các chuyên gia cũng cảnh báo việc mua, đầu tư, đầu cơ vàng hiện nay người dân, nhà đầu tư nên thận trọng. Bởi chênh lệch giữa giá bán và giá mua của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Bởi khi mua sẽ mua theo giá bán (cao hơn), khi bán lại sẽ bán theo giá mua (thấp hơn). Chênh lệch này có những thời gian rất lớn, nhất là khi giá vàng có biến động lớn. Điều này làm cho việc mua - bán theo kiểu “lướt sóng” sẽ khó thành công, thậm chí còn bị lỗ.
Giá vàng trong giai đoạn hiện nay thường biến động, nên khi mua thì mua lúc giá xuống thấp (“đáy”), khi bán thì bán lúc giá lên cao (“đỉnh”). Cái khó là xác định “đáy” và “đỉnh” như thế nào cho chính xác. Do vậy, có người cho là mua non, bán non, cứ có lãi là bán.
Các chuyên gia cũng cảnh báo khi đã vượt qua “đỉnh” và bắt đầu xuống dốc, giá vàng sẽ giảm sâu nếu người dân không nắm bắt được sẽ bị lỗ nặng. Cách đây mấy năm, giá vàng đã đạt mốc 49 triệu đồng/lượng, sau đó đã giảm gần như liên tục xuống còn 35 - 36 triệu đồng/lượng và nằm ở đó đến 8 năm. Nay mới ở mức 42 triệu đồng, còn cách rất xa so với đỉnh cũ (đó là chưa nói đỉnh cũ tính theo giá trị bây giờ (tạm tính trượt giá VND khoảng 50%) thì đã ở mức trên 52 triệu đồng - một con số không nhỏ.
Trong thời kỳ phi mã của giá vàng trước đây, đã có “đại gia” lão luyện trên thị trường tài chính ngân hàng phải vào tù do dự đoán sai, vay ngân hàng đầu cơ vàng đã bị “lỗ lãi” với con số khủng khiếp...
Tới đây, nếu đồng USD vẫn cứ lên giá (chỉ số giá USD so với 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới vẫn ở mức khá cao (trên 98 điểm)); nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đạt được sự thỏa thuận; nếu việc nới lỏng tiền tệ góp phần ngăn chặn suy thoái kinh tế và tăng trưởng phục hồi trở lại... thì dự đoán giá vàng lập lại đỉnh cũ sẽ khó xảy ra; thậm chí nhiều nước, nhiều người lại đẩy mạnh bán ra khi giá vàng cao.
"Giá vàng có thể điều chỉnh giảm vào thời điểm hai nền kinh tế lớn đi đến thỏa hiệp, nhưng gốc vấn đề là cả Mỹ - Trung đang muốn xác lập vị thế thống trị toàn cầu. Nếu FED hạ lãi suất USD như dự đoán, giá vàng sẽ còn tăng mạnh. Nhìn biểu đồ gần đây, giá vàng lên xuống hình sin, song theo xu hướng tăng chứ không trở lại mốc 1.300 USD/ounce như hồi đầu tháng 6. Dù giá vàng tăng sốc nhưng giao dịch trong nước khá yếu. Những người bám sát biến động giá vàng, có niềm tin, sử dụng tiền nhàn rỗi đầu tư vàng là hợp lý. Không nên đi vay mượn hay chuyển danh mục tài sản khác để lấy tiền mua vàng. " - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam Trần Thanh Hải
"Trong trung hạn tới tháng 9, tháng 10, giá vàng thế giới dự báo vẫn ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước cần có động thái liên quan đến kiểm soát, ổn định thị trường vàng trong trường hợp đột biến, bởi giá vàng tăng mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ giá, lãi suất, từ đó tác động tới lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. " - TS Bùi Quang Tín (Thảo Nguyên ghi)