Aa

Áp lực 2019

Thứ Sáu, 26/10/2018 - 06:00

Báo cáo trước Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận rằng: Tình hình thế giới, khu vực thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức; chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá, lãi suất, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.

Cùng với các thách thức khác, thì cách mạng khoa học, công nghệ phát triển nhanh và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với nước ta.

Không vì áp lực mà hạ thấp mục tiêu

Nhấn mạnh tiềm lực đất nước vững mạnh hơn nhiều, nhưng Thủ tướng nói: “Nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và những khó khăn, thách thức lớn. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực lớn. Tiềm lực, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.

Sự nhìn nhận thẳng thắn này của người đứng đầu Chính phủ chắc chắn còn nằm trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA với yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ… mà không còn được hưởng các ưu đãi đặc thù cho giai đoạn chuyển đổi như trước.

“Đây là áp lực lớn mà các cấp, các ngành và khu vực kinh tế trong nước cần vượt qua để phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả”, Thủ tướng nói.

Dù vậy, Chính phủ vẫn đề ra những mục tiêu khá cao nhằm giữ đà tăng trưởng và duy trì động lực tăng trưởng. Đây cũng chính là điều mà Quốc hội quan tâm.

Về kinh tế, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức từ 6,6 - 6,8%, CPI bình quân quảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%.

Đáng chú ý, Chính phủ đã đề ra tỷ lệ về tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP. Đây là một mục tiêu khá cao mà cả xã hội phải chung tay mới có thể đạt được.

Có lẽ cũng vì thế mà báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế của Quốc hội, dù cơ bản đồng ý với Chính phủ về các chỉ tiêu, phương hướng nhiệm vụ năm 2019, nhưng cũng chỉ ra những điểm cần làm rõ.

“Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cùng với những xung đột của các nền kinh tế lớn mà điển hình là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể là rào cản của sự phát triển. Ngân hàng Trung ương các nước lớn (bao gồm cả Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ - Fed) tiếp tục thắt chặt tiền tệ dẫn đến lãi suất tăng và giảm thanh khoản thị trường tài chính”, báo cáo thẩm tra nêu chi tiết và đề cập tới ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.

Đẩy mạnh nội lực

Sau ba năm tăng trưởng cao, UB Kinh tế nhận định rằng, với nội lực của mình, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ khả năng phục hồi của kinh tế thế giới.

Đồng ý với Chính phủ, UB Kinh tế cho rằng: “Điểm sáng và yếu tố mới tích cực trong bối cảnh này là việc Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), triển khai thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO”.

Mặc dù có những lưu ý về các chỉ tiêu cơ bản mà Chính phủ đặt ra, nhưng UB Kinh tế của Quốc hội đã thể hiện sự đồng hành với Chính phủ khi đề nghị nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội 2019.

Đây có thể là lời đáp từ đầy ẩn ý của Quốc hội với Chính phủ. Bởi trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Chính phủ trân trọng đề nghị và mong nhận được sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và đồng bào, cử tri cả nước”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đáng lo ngại về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh

Giải pháp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới là vấn đề cắt giảm thủ tục kinh doanh. Mặc dù hiện nay đã cắt giảm nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh nhưng một số bộ ngành cắt giảm chưa thực chất. Việc cắt giảm còn hình thức, cán bộ thực thi thì chưa chuyển biến thực sự.

Hiện còn khoảng hơn 2.700 thủ tục nữa cần cắt giảm nhưng một số bộ ngành chưa thực hiện được hoặc thực hiện quá chậm. Do vậy, vẫn còn phải tiếp tục cố gắng, thậm chí chịu thêm “đau đớn” nữa, bởi nếu vẫn chú ý đến “nồi cơm” của mình thì cắt giảm thủ tục hành chính sẽ không mang lại hiệu quả cao.

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước): Thách thức lớn nhất là phát triển bền vững

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta vẫn còn có những trăn trở, thách thức trong thời gian tới. Ví dụ như yêu cầu tăng trưởng bền vững, yêu cầu ở chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động cần phải được tiếp tục nâng lên.

Mặc dù trong 12 chỉ tiêu đánh giá phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đều dự báo là đạt hoặc vượt, nhưng năng suất lao động của Việt Nam so với các nước vẫn còn thấp. Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới thì đòi hỏi chúng ta cũng phải tự nâng tầm của mình lên cao hơn.

Nguyễn Việt ghi

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top