Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2018 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 17/10, tốc độ tăng GDP đạt 6,88% trong quý III và 6,98% trong 9 tháng, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước đó.
Áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý IV giảm đáng kể. Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao từng đạt được trong giai đoạn 1990-2016.
Nhiều "bệnh" cố hữu
Theo đánh giá của các chuyên gia, môi trường kinh doanh được cải thiện chủ yếu ở lĩnh vực điều kiện gia nhập thị trường. Hệ sinh thái hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp (DN) phát triển, đặc biệt là DN tư nhân chưa có nhiều tiến bộ.
Đặc biệt, khu vực DN tư nhân, nhất là DN vừa và nhỏ vẫn yếu thế trong quá trình phân bổ nguồn lực vật chất so với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)…
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng nhiều điều kiện kinh doanh được bãi bỏ theo kiểu hình thức, riêng về điều kiện đầu tư đất đai chưa thay đổi gì.
Hơn nữa, mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế FDI có xu hướng tăng. Nền kinh tế tiếp tục có độ mở cửa rất cao, đo bằng tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP. Vốn đầu tư khu vực FDI năm 2017 chiếm 24% tổng vốn đầu tư xã hội và khoảng 71-72% kim ngạch XK so với 68,5% năm 2015.
Đặc biệt, về thu, chi ngân sách, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), cho biết tính chung 9 tháng đầu năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 962,5 nghìn tỷ đồng, bằng 73% dự toán; tổng chi đạt 989,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,9% dự toán. Đáng lưu ý, thu từ dầu thô đã vượt 34% dự toán cả năm, song ít được xem xét trong quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Đánh giá về điều này, ông Cung nêu quan điểm: Vấn đề chi tiêu ngân sách là một trong những điểm yếu lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là chi tiêu thường xuyên, tăng thu ráo riết nhưng tăng chi không minh bạch.
Đơn cử như thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được đề xuất tăng kịch khung nhưng việc chi cho khoản này vẫn chưa minh bạch. Hay nguồn thu 5 tỷ USD từ việc bán cổ phần Sabeco sẽ chi cho những khoản gì, đến nay vẫn chưa ai rõ. Trong khi đó, người dân rất cần biết những khoản chi này được thực hiện như thế nào, ở đâu. Đặc biệt, "căn bệnh nan y" của đầu tư công là phân tán, thua lỗ vẫn chưa được chữa trị.
Mới đây, đề xuất xây nhà hát 1.500 tỷ đồng của Tp.HCM hay dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quãng Ngãi với vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng nhưng khai thác một năm đã hỏng đang làm nóng dư luận. Tuy nhiên, những người quyết định đầu tư chưa có giải trình, báo cáo thuyết phục.
"Xây nhà hát 1.500 tỷ đồng, Tp.HCM nói rằng đã có kế hoạch 20 năm nay – cách giải trình này chỉ làm bức xúc thêm, trong khi căn cứ quyết định phải là hiệu quả đầu tư – điều mà người dân đòi hỏi, cũng như trước khi quyết định đầu tư cần phải cân nhắc tới hiệu quả.
Việc chi hàng chục ngàn tỷ đồng làm đường cao tốc nhưng khai thác một thời gian ngắn đã hỏng, có chỉ đạo rồi lại chỉ rút kinh nghiệm. "Cứ rút kinh nghiệm liên tục như vậy, căn bệnh của đầu tư công không thể chữa nổi", ông Cung nói.
Thách thức ngày một lớn
Cùng với những "căn bệnh" cố hữu trên, những thách thức từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc và Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang tác động ngày một lớn tới Việt Nam.
Theo CIEM, xung đột thương mại sẽ khiến một số mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam vấp phải những hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu (NK) ở các thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, Việt Nam có thể phải chịu nhiều sức ép hơn do sự "đổ bộ" của hàng hóa Trung Quốc và Mỹ.
Chẳng hạn, NK máy ảnh, máy quay phim và linh kiện từ Trung Quốc vào Việt Nam hàng tháng từ tháng 5 – 9 năm nay tăng từ 65-118% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có một số mã HS có thể nằm trong danh mục áp thuế NK bổ sung đợt 1 của Mỹ đối với Trung Quốc.
NK từ Mỹ cũng tăng tới 36,9%. Riêng trong quý III, Việt Nam tăng NK gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2017 đối với một số mặt hàng của Mỹ, đặc biệt là sữa và sản phẩm sữa, đậu tương, thức ăn gia súc và nguyên liệu…
"Việt Nam chưa chuyển hướng rõ ràng sang NK công nghệ tiên tiến của Mỹ – dù điều này có ý nghĩa đối với phát triển năng lực sản xuất trong tương lai, đồng thời giúp tái cân bằng quan hệ thương mại với Mỹ", CIEM cho biết.
Đặc biệt, tác động có thể phức tạp hơn ở thị trường tài chính, với các phản ứng nhanh và thường là quá mức cần thiết của các nhà đầu tư.
Ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia, đặt vấn đề cứ nói chiến tranh Mỹ – Trung đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng nếu có thì tận dụng thế nào; Khi khó khăn, chúng ta phải đối phó làm sao; Những thách thức đó vẫn chưa có phương án rõ ràng.
Hơn nữa, được phép sử dụng hàng rào phi thuế quan để bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng thời gian qua, Việt Nam chưa sử dụng công cụ này hiệu quả, dẫn tới thực tế nhiều nước có thể chặn hàng Việt Nam nhưng Việt Nam khó làm điều này.
Cùng với đó, về CMCN 4.0, điều Ts. Nguyễn Đình Cung băn khoăn là nhận thức CMCN 4.0 ở Việt Nam vẫn chưa đầy đủ. Những manh nha về 4.0 ban đầu đang bị chặn đứng, triệt tiêu nó hơn là thúc đẩy.
Bằng chứng là Nghị định 86 của Bộ GTVT về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vẫn không thừa nhận hình thức kinh doanh mới của Uber và Grab.
"Những cuộc CMCN lần trước, chúng ta vì cái này hay cái kia mà không nắm được, lần này chúng ta có khả năng có thể tận dụng được CMCN 4.0 mà không nắm được thì đừng đổ lỗi cho lịch sử", ông Cung cảnh báo.
PGS.TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trong tình thế "chiến tranh", Việt Nam phải căng sức gấp đôi, thậm chí gấp bốn lần. Nên nhớ cuộc đấu này không chỉ là đối phó tình thế ngắn hạn do chiến tranh thương mại gây ra mà quan trọng không kém, thậm chí còn hơn, là phải đẩy mạnh tái cơ cấu, cải cách trong nước. Nhiệm vụ không chỉ là giải thoát nền kinh tế khỏi cơ cấu kinh tế cũ mà còn phải tận dụng được cơ hội hiếm có này để bứt lên, xây dựng một cơ cấu kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ cao. Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước CMCN 4.0 phải đi kèm thay đổi tư duy chính sách, nếu chúng ta cứ nói tới 4.0 mà tư duy kiểu 0.4 thì không ổn, như lâu nay chính sách vốn dĩ đã không kịp, lại còn trì trệ. Các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế số ra đời mà chính sách không theo kịp thì không thể nào phát triển và tận dụng được cơ hội. Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM Ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường kinh doanh, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động. |