Aa

Áp trần lãi vay theo Nghị định 20: Đẩy việc khó về phía doanh nghiệp?

Thứ Năm, 22/11/2018 - 06:01

Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết thể hiện nỗ lực của các cơ quan quản lý với mục tiêu gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế. Tuy nhiên, nếu không được hướng dẫn thực hiện một cách cẩn thận, doanh nghiệp trong nước đang lo sẽ phải "gánh" nhiều bất lợi.

Đầu năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây được cho là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giao dịch liên kết. 

Nghị định 20 được Chính phủ Việt Nam ban hành ngày 24/2/2017, có hiệu lực từ ngày 1/5/2017 đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế.

Chẳng hạn như việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của doanh nghiệp FDI thông qua việc chuyển giá đầu vào nguyên vật liệu, lãi vay với công ty mẹ ở nước ngoài; cũng như việc chuyển giá giữa các doanh nghiệp trong nước từ doanh nghiệp có mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao (thuế suất phổ thông 20%) sang những doanh nghiệp có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hoặc đang được hưởng ưu đãi miễn, giảm.

a

Áp trần lãi vay theo Nghị định 20: Đẩy việc khó về phía doanh nghiệp?

Một trong những vấn đề mấu chốt của Nghị định 20 tại khoản 3 điều 8 là khống chế tỷ lệ lãi vay. Cụ thể Nghị định quy định, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Với quy định trên, doanh nghiệp không còn nhiều cơ hội để chuyển giá, lách thuế, gây thất thu cho ngân sách. Đồng thời cũng góp phần giúp môi trường kinh doanh thêm minh bạch, công bằng. Tuy nhiên, có thể do chưa có Thông tư hướng dẫn chi tiết từng đối tượng, nên nhiều doanh nghiệp đang tỏ ra hoang mang khi cho rằng họ sẽ phải gánh trách nhiệm cho các doanh nghiệp yếu kém khác. Câu hỏi đặt ra là, để có được một hệ thống minh bạch, liệu có hay không việc một số doanh nghiệp phải quá sức gồng mình? 

Về nguy cơ chuyển giá, giới tài chính cho rằng, vấn nạn này chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp FDI do lợi dụng được chênh lệch thuế giữa các quốc gia, chuyển giá nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay của công ty mẹ ở nước ngoài,... Còn doanh nghiệp trong nước thì có chung một mặt bằng thuế nên nguy cơ chuyển giá là khá thấp.

Đó chỉ là ví dụ cho thấy, mỗi doanh nghiệp có một đặc thù. Thế nhưng nếu tất cả các doanh nghiệp cùng bị áp dụng chung Nghị định 20 về việc khống chế tỷ lệ lãi vay không quá 20% thì có thể, rất nhiều doanh nghiệp sẽ giảm khả năng tạo lợi nhuận do chi phí lãi vay có thể không được tính đầy đủ vào chi phí tính thuế. Từ đó, khiến cho doanh nghiệp tốn kém chi phí vốn.

Hơn nữa, việc siết chặt chi phí vốn trên từng giao dịch sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế trong nước. Giảm sức mạnh chung và khả năng gia tăng quy mô, giảm khả năng tạo lợi nhuận dài hạn của các doanh nghiệp, dẫn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp càng trở nên khó khăn hơn và không thể phát triển hoặc mở rộng.

Thực tế, việc khống chế chi phí lãi vay có thể sẽ trở thành "ngón đòn điểm huyệt" đối với các doanh nghiệp đang khát vốn, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp quy mô lớn, đầu tư vào các ngành nghề cần số vốn lớn, cần liên kết theo hình thức mẹ - con như các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, nông nghiệp, y tế... Hay cả khối ngân hàng cũng khó tránh tác động. 

Rõ ràng, sẽ không thiếu trường hợp, để không phải "gánh" một khoản chi phí khổng lồ không được khấu trừ, nhiều doanh nghiệp sẽ lựa chọn việc thu nhỏ quy mô đầu tư dự án, giảm số vốn vay ngân hàng trong một thời gian nhất định. Trao đổi với phóng viên, nhiều cán bộ tín dụng cho biết, việc giảm vay vốn của doanh nghiệp với ngân hàng vô hình trung sẽ làm giảm khả năng phát triển của các ngân hàng trong nước. Bởi khi doanh nghiệp hạn chế mở rộng sản xuất, "rút gọn" các khoản vay thì lượng cho vay của các ngân hàng sẽ bị giảm đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ giảm. 

Với những doanh nghiệp không lách thuế, chuyển giá, không hoạt động công ty liên kết mô hình mẹ con nước ngoài có cần áp trần lãi vay?

Với những doanh nghiệp không lách thuế, chuyển giá, không hoạt động công ty liên kết mô hình mẹ con nước ngoài có cần áp trần lãi vay?

Dưới góc nhìn của các luật sư, phạm vi ngưỡng 20% đang không hợp lý với trường hợp: doanh nghiệp không có mối quan hệ công ty mẹ - con trong ngoài nước, không lách thuế hay chuyển giá mà hoàn toàn là chi phí hợp pháp, hợp lệ phải huy động, phải vay vốn một cách bình thường. Do đó, quy định cần nêu rõ trường hợp nào hợp pháp thì vẫn được pháp luật cho vay cao hơn và ngược lại. Do đó, trách nhiệm quản lý kiểm soát doanh nghiệp đang trốn thuế không thuộc về những doanh nghiệp không trốn thuế. 

Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: "Với nhiều năm hoạt động tài chính tại Mỹ, tôi nhận thấy không có việc áp trần chi phí lãi vay cho doanh nghiệp tại quốc gia này cũng như nhiều đất nước phát triển. Nếu một doanh nghiệp nào đó có dấu hiệu đẩy chi phí vay để trốn thuế, thì cơ quan quản lý sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình và sau đó là tiến hành điều tra.

Thật ra, Nghị định 20 nhắm vào doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống thất thu. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nội không có công ty liên kết bên ngoài thì không phù hợp và đặc biệt là có thể gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ - con trong nước. Việc áp trần chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp nội là chưa công bằng. Sẽ có một nhóm doanh nghiệp phải gánh trách nhiệm nặng nề cho những doanh nghiệp khác trốn thuế". 

Có thể nói, việc khống chế tỷ lệ lãi vay như trên nhằm mục đích cắt bớt cửa lách thuế của doanh nghiệp, khiến thị trường minh bạch hơn.Tuy nhiên, hiện hầu hết các doanh nghiệp lại tỏ ra hoang mang. Việc siết chặt các điều kiện đã đi khá sâu vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tác động trực tiếp vào chi phí kinh doanh khiến cho nhiều doanh nghiệp lo lắng. Bởi nếu không được hướng dẫn cẩn thận ở thông tư chi tiết thì sẽ gây ra những khó khăn, bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Nghị định 20/2017/NĐ-CP khống chế về tỷ lệ lãi vay sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, mô hình công ty mẹ - con như thế nào? Đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản?

Reatimes sẽ tiếp tục lấy ý kiến từ các chuyên gia./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top