Cuộc họp ARENA COP lần thứ 13 có sự tham dự của ông Soma Sundram - Tổng Thư ký, Đồng sáng lập ARENA; ông Tan Kian Aun - Chủ tịch Viện Môi giới Bất động sản Malaysia (MIEA); ông Peter Koth - Chủ tịch và ông Jeffery Foo - Đồng sáng lập Viện Môi giới Bất động sản Singapore (IEA); Bà Teresita L Domingo - Chủ tịch và ông Nelson Arquiza - Đồng sáng lập Hội đồng Bất động sản Philippines (PAREB); ông Clement Francis - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Indonesia (AREBI); ông Khin Maung Than - Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Bất động sản Myanmar (MRESA); ông Sorn Seap - Chủ tịch Hiệp hội Định giá và Môi giới Bất động sản Campuchia (CVEA); ông K Pretcha Suphapetuporn - Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị và Mua bán Bất động sản (RESAM).
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 1. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 1.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-14-1739557198658267876322.jpg)
Quang cảnh Tọa đàm.
Trong khuôn khổ chương trình, chiều 14/2 đã diễn ra “Tọa đàm quốc tế về Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”. Tại Tọa đàm, TS.LS. Đoàn Văn Bình đã thay mặt VNREA chia sẻ về thực trạng phát triển thị trường nhà ở Việt Nam nói chung và phân khúc nhà ở vừa túi tiền nói riêng.
Theo đó, xét về định nghĩa, theo từ điển Cambridge, nhà ở vừa túi tiền là nhà ở, căn hộ có giá cả phải chăng đối với những người có thu nhập không cao; theo từ điển Oxford, đây là loại hình nhà ở và căn hộ cho phép người thu nhập thấp có thể mua hoặc thuê được; theo UN-Habitat, nhà ở vừa túi tiền là nhà có giá không vượt quá 30% tổng thu nhập hằng năm của hộ gia đình; còn định nghĩa tại Việt Nam theo cách hiểu chung của thị trường là căn hộ có giá dưới 1.000USD/m2. Quan điểm phổ biến là nhà ở vừa túi tiền phải phù hợp với phần đông người mua; tuy nhiên, định lượng giá cả khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia.
Để một thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững, cần có sự cân bằng giữa các phân khúc nhà ở, đặc biệt cần đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân về nhà ở giá rẻ.
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 2. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 2.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-6-17395571994861843565593.jpg)
TS. LS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO phát biểu tại Tọa đàm.
Tại Việt Nam, thị trường bất động sản nhà ở hiện được chia thành 3 phân khúc chủ yếu, đó là bất động sản hạng sang, cao cấp; nhà ở trung cấp và nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, trong khi nhà ở hạng sang, cao cấp chiếm nguồn cung áp đảo, nhà ở trung cấp có tỷ lệ nguồn cung giảm dần qua các năm thì phân khúc nhà ở giá rẻ đã gần như “biến mất” trên thị trường. Trong giai đoạn 2021 - 2024, thị trường Việt Nam gần như không ghi nhận nguồn cung tại phân khúc nhà ở này.
“Trên thực tế, nhu cầu về nhà ở vừa túi tiền rất lớn, rất tiềm năng và đây là đối tượng khách hàng mục tiêu cần hướng đến của một thị trường bất động sản lành mạnh và bền vững, nhưng Việt Nam dường như đang bỏ lỡ phân khúc này”, TS. LS. Đoàn Văn Bình nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch VNREA cho biết, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đang triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học: "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam", với mục tiêu cốt lõi là tìm ra những giải pháp phù hợp để có thể đưa nhà ở vừa túi tiền, nhà ở giá rẻ trở lại thị trường bất động sản Việt Nam, hướng tới một thị trường có cơ cấu nguồn cung cân bằng và lành mạnh hơn.
Bởi vậy, Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ ARENA COP 13 là cơ hội đặc biệt để VNREA và Ban chủ nhiệm Đề tài lắng nghe những ý kiến chia sẻ sâu sắc của các đại biểu về thực trạng và kinh nghiệm phát triển thị trường nhà ở, đặc biệt là nhà ở giá rẻ tại các quốc gia ASEAN, qua đó có những kiến giải cho thị trường bất động sản Việt Nam, góp phần vào việc triển khai hoàn thiện đề tài.
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 3. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 3.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-11-17395562524121368724409.jpg)
Ông Tan Kian Aun - Chủ tịch Viện Môi giới Bất động sản Malaysia (MIEA) phát biểu.
Chia sẻ tại Tọa đàm về kinh nghiệm của Malaysia, ông Tan Kian Aun - Chủ tịch Viện Môi giới Bất động sản Malaysia (MIEA) cho biết, tại quốc gia này có 2 loại hình nhà ở giá rẻ. Đầu tiên là nhà ở công - mô hình khá tương đồng với cách thức mà Chính phủ nhiều nước đang triển khai, đó là Nhà nước chịu trách nhiệm xây nhà, rồi bán cho người dân.
Thứ hai là nhà ở giá rẻ được phát triển bởi các nhà đầu tư tư nhân. Nếu muốn làm dự án nhà ở và được phê duyệt, doanh nghiệp buộc phải dành một tỷ lệ phần trăm nhất định trong dự án để xây dựng nhà ở giá rẻ. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải có quỹ đất và tuân theo quy định bắt buộc.
Đáng chú ý, ông Tan Kian Aun nói: “Một điểm đặc biệt ở Malaysia là chính sách nhà ở giá rẻ có tính vùng miền. Luật Đất đai ở Malaysia do chính quyền các bang quản lý, dẫn đến mỗi bang có một bộ tiêu chí khác nhau về nhà ở giá rẻ. Giá nhà ở giá rẻ ở thành phố sẽ khác so với ở nông thôn.
Hiện nay, mỗi tiểu bang đều có chính quyền bang với chương trình nhà ở giá rẻ riêng. Chính quyền bang chịu trách nhiệm xây dựng nhà ở giá rẻ cho người dân và chỉ những người trong bang đó mới có thể mua nhà từ chính quyền bang. Ngoài ra, chính phủ liên bang cũng có những sáng kiến riêng. Đơn cử như chương trình Prima là một sáng kiến điển hình, trong đó chính phủ sẽ đặt mua nhà và bán lại cho những người có nhu cầu”.
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 4. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 4.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-9-1739556382188146556135.jpg)
Ông Jeffery Foo - Đồng sáng lập Viện Môi giới Bất động sản Singapore (IEA) phát biểu.
Trong khi đó, ông Jeffery Foo - Đồng sáng lập Viện Môi giới Bất động sản Singapore (IEA) cho biết, tại Singapore, Housing and Development Board (HDB) là cơ quan chuyên trách của chính phủ chịu trách nhiệm về phát triển và quản lý các khu nhà ở. HDB xây dựng và đồng thời phân phối, bán các căn hộ này, không có bên thứ ba nào tham gia vào quá trình tiếp thị mua bán nhà ở do cơ quan này phát triển.
Để hỗ trợ những người có thu nhập thấp hoặc trung bình, HDB cũng cung cấp các căn hộ cho thuê có hai hoặc ba phòng, với mức giá thuê thấp nhất có thể. Đối tượng của hình thức cho thuê là những người chưa có việc làm, người đang gặp khó khăn về tài chính hoặc những người chưa đủ khả năng mua nhà HDB.
“Về lâu dài, HDB khuyến khích những người đang thuê căn hộ nên cân nhắc mua trả góp chính căn hộ họ thuê, với những điều khoản trả góp ưu đãi. Mục tiêu của chính sách này là để người dân không phải mãi đi thuê nhà ở, mà có thể sở hữu một mái ấm riêng khi đủ khả năng”, ông Jeffery Foo nhấn mạnh.
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 5. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 5.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-26-17395564666481115392980.jpg)
Ông K Pretcha Suphapetuporn - Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị và Mua bán Bất động sản (RESAM) phát biểu.
Còn ở Thái Lan, bài toán phát triển nhà ở giá rẻ hiện là một thách thức lớn. Ông K Pretcha Suphapetuporn - Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị và Mua bán Bất động sản (RESAM) phân tích, năm 2024, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 2,7%. Ngoài những ngành kinh tế mũi nhọn, các lĩnh vực khác không thực sự phát triển mạnh. Nhóm người thu nhập thấp với nhiều khoản khác phải chi tiêu, không có đủ tích lũy nên gặp nhiều khó khăn trong việc mua nhà.
Trong vài năm qua, thị trường bất động sản Thái Lan đối diện với không ít vấn đề. Người muốn mua nhà có giá dưới 3 triệu baht phải vay ngân hàng lên đến 70%. Đây là mức đòn bẩy khá lớn.
Do đó, chính phủ Thái Lan đã triển khai nhiều kế hoạch hỗ trợ như chương trình "Cơ hội nhà ở quốc gia" nhằm xây dựng nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp. Chiến dịch thứ nhất cung cấp nhà ở giá cả phải chăng cho các gia đình có thu nhập nhỏ hơn hoặc bằng 40.000 baht/tháng. Chiến dịch thứ hai dành sự hỗ trợ cho những người có thu nhập dưới 35.000 baht/tháng với một cơ chế tương tự.
“Thái Lan đã xây dựng nhiều dự án nhà ở trên khắp cả nước. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng gặp một số khó khăn, có những dự án đã được khởi công nhưng không thể hoàn thành.
Ở một số khu vực, người dân không muốn chuyển đến sinh sống vì vị trí quá xa thành phố và nơi làm việc. Đây là một trong những vấn đề chính mà chúng tôi đang phải đối mặt”, ông K Precha Suphapetuporn nói.
Đồng thời ông cho biết thêm, bên cạnh chính phủ, các công ty tư nhân cũng tham gia đầu tư vào nhà ở giá rẻ để cung cấp cho người dân Thái Lan. Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách giảm thuế. Theo đó, nếu một dự án có giá bán nhà dưới 1,5 triệu baht/căn, công ty thực hiện dự án đó sẽ được hưởng ưu đãi thuế trong 3 năm.
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 6. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 6.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-10-17395565865221415695345.jpg)
Ông Clement Francis - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Indonesia (AREBI) phát biểu.
Chia sẻ thực tế phát triển nhà ở tại Indonesia, ông Clement Francis - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Indonesia (AREBI) cho biết, như tại nhiều quốc gia khác, các nhà phát triển Indonesia cũng ưu tiên làm các dự án cao cấp vì lợi nhuận cao hơn. Do đó, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở và hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp, Indonesia đặt mục tiêu xây dựng 3 triệu căn nhà ở giá rẻ mỗi năm, trong đó 2 triệu căn ở khu vực nông thôn và 1 triệu căn hộ ở khu vực thành thị, tập trung vào những người có thu nhập dưới 8 triệu rupiah (khoảng 494 USD).
Tuy nhiên tại Indonesia, một trong những bài toán khó là quỹ đất để phát triển nhà ở. Chính phủ có kế hoạch sử dụng quỹ đất thu hồi được từ các vụ án hoặc tận dụng những lô đất chưa được khai thác để xây dựng nhà ở giá rẻ.
Để thực hiện mục tiêu này, chính phủ Indonesia đã đề ra một chiến lược tài chính với quy mô gói hỗ trợ khoảng 80 triệu rupiah, tương đương khoảng 4,9 tỷ USD. Thông qua các ngân hàng, chính phủ cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ các nhà phát triển và cung cấp thanh khoản cho những người có thu nhập thấp.
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 7. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 7.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-15-1739556690678985152282.jpg)
Góp ý kiến về chính sách tài chính được đưa ra để hỗ trợ các chương trình phát triển nhà ở giá rẻ, ông Tan Kian Aun chia sẻ thêm, chính phủ Malaysia đã ban hành chính sách ưu đãi áp dụng trên toàn quốc. Cụ thể, với những căn nhà có giá trị dưới 300.000 ringgit (tương đương khoảng 80.000 USD), người mua nhà sẽ được miễn hoàn toàn các loại phí theo quy định. Chính sách này được áp dụng thống nhất trên cả nước.
Nếu người mua nhà là công chức, chính phủ sẽ cung cấp các khoản vay ưu đãi và có chương trình bảo lãnh tín dụng… Chính phủ không chỉ hỗ trợ người dân tiếp cận nhà ở thông qua các chính sách về giá, mà còn tạo điều kiện thuận lợi về mặt tài chính. Người mua nhà sẽ không phải trả quá nhiều tiền đặt cọc hay chi phí ban đầu, bởi gánh nặng tài chính lớn nhất thường đến từ việc phải chi trả một lần cho các loại phí như lệ phí trước bạ, phí công chứng, phí thẩm định giá...
“Chính phủ Malaysia đang nỗ lực giảm thiểu các chi phí và đơn giản hóa thủ tục mua bán để người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở hơn”, ông Tan Kian Aun nói.
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 8. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 8.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-1-17395567394601654878859.jpg)
Các đại biểu tham dự ARENA COP lần thứ 13 tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, TS. LS. Đoàn Văn Bình trân trọng cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp về kinh nghiệm phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền cho Việt Nam. Đồng thời, TS. LS Đoàn Văn Bình nhấn mạnh, cuộc thảo luận này cũng tạo cơ sở để nghiên cứu sâu hơn về thực trạng và cùng học hỏi, tìm kiếm những giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở này tại thị trường bất động sản các nước trong Liên minh Arena…
Cuộc họp COP lần thứ 13 sẽ diễn ra vào ngày mai 15/2. Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MOU)/Thoả thuận hợp tác với các thành viên ARENA.
Một số hình ảnh khác tại Tọa đàm:
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 9. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 9.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-2-1739557199501196483407.jpg)
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 10. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 10.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-4-1739557199496392951611.jpg)
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 11. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 11.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-5-1739557199491568057510.jpg)
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 12. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 12.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-19-1739557198624470051186.jpg)
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 13. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 13.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-13-1739557198664373234546.jpg)
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 14. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 14.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-12-1739557198669322646393.jpg)
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 15. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 15.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-16-1739557198645623076534.jpg)
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 16. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 16.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-20-17395571986171729017554.jpg)
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 17. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 17.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-21-17395571986111409545456.jpg)
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 18. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 18.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-7-17395571994571078807359.jpg)
![ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 19. ARENA COP: Tọa đàm quốc tế về “Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam”- Ảnh 19.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/arena-cop-24-17395571982261907490864.jpg)