Aa

Ba mục tiêu, 4 nội dung lớn tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp

Thứ Năm, 07/05/2020 - 17:37

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 được coi như “Hội nghị Diên Hồng” về lĩnh vực kinh tế, khôi phục lại nền kinh tế sau dịch.

Sáng 7/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 được coi như “Hội nghị Diên Hồng” về lĩnh vực kinh tế, khôi phục lại nền kinh tế sau dịch; là Hội nghị thể hiện lòng yêu nước, sự đoàn kết, nhất trí của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam để cùng Chính phủ vượt qua khó khăn, tiếp tục đưa đất nước đi lên sau đại dịch Covid-19.

“Hội nghị mong muốn được lắng nghe ý kiến hiến kế, tham mưu của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, các bộ, ngành để hoàn thiện, xây dựng các cơ chế chính sách mới để có sự đồng hành hơn nữa giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn tới. Đồng thời Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ trực tiếp đưa ra các thông điệp, cam kết đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, Hội nghị có tính chất rất quan trọng và rất rộng”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng chủ trì họp báo (Ảnh: MPI)

Hội nghị hướng tới các mục tiêu là nhằm động viên cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ghi nhận sự nỗ lực vượt khó, tự lực tự cường của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Khơi gợi, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của doanh nghiệp nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đất nước.

Đồng thời, Hội nghị nhằm thể hiện sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với động đồng doanh nghiệp; lắng nghe, ghi nhận các giải pháp, sáng kiến của doanh nghiệp; tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Với mục tiêu nêu trên, Hội nghị dự kiến tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính.

Một là, đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; ghi nhận và khích lệ các nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường hỗ trợ lẫn nhau, trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng Chính phủ của các doanh nghiệp trong quá trình phòng chống dịch.

Hai là, đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ba là, nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo phát hiện cơ hội mới, thích ứng với hoàn cảnh mới, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch, nắm bắt cơ hội nhằm hướng tới phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ cho nền kinh tế.

Bốn là, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Cụ thể, nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề như: việc hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gẫy các chuỗi cung ứng truyền thống; sự chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh cả ở phía cung và phía cầu; chủ động các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để phát triển sản xuất, kinh doanh; cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế;…

Theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê thực hiện cuối tháng 4, khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Nhóm doanh nghiệp lớn (chiếm 2,8% số doanh nghiệp) là nhóm có tỷ lệ chịu tác động nhiều nhất, với tỷ lệ 92,8%. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ (chiếm 62,6%) bị ảnh hưởng thấp nhất với 82,1%.

Doanh thu quý I/2020 của các doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn 70% so với cùng kỳ 2019.

Theo kết quả của các cuộc khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI, Ban IV, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam…, mặc dù gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp đá và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực tự cường, tự giải cứu; đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua thách thức.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top