Hiện nay, trên địa bàn tỉnh BR-VT có 128 dự án đầu tư du lịch trong và ngoài nước, tập trung tại các địa bàn huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, TP. Vũng Tàu và huyện Côn Đảo với diện tích 2.704ha, tổng vốn đầu tư trên 9.100 triệu USD và gần 35.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy BR-VT, cho biết giai đoạn hiện nay, tỉnh ưu tiên kêu gọi những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư các dự án lớn, có thương hiệu quốc tế, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, thu hút được dòng khách cao cấp tại 18 khu đất có giá trị quy mô lớn như: Khu đất 220ha tại TP. Vũng Tàu, khu công viên Safari 519ha tại Xuyên Mộc, khu đất 2.400ha tại Núi Dinh và một số khu đất tại TP. Vũng Tàu và tuyến ven biển Vũng Tàu – Long Hải – Phước Hải – Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo.
Với mục đích tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh cho biết, sẽ chỉ đạo các sở, ngành rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, khi đầu tư vào tỉnh sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Đặc biệt, nếu đầu tư vào khu vực Côn Đảo sẽ được hưởng những ưu đãi cao nhất.
“Tỉnh ưu tiên kêu gọi những nhà đầu tư vào 6 cụm du lịch để phát triển các sản phẩm MICE, nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa. Với những tiềm năng lợi thế to lớn, tỉnh BR-VT sẽ là khu nghỉ dưỡng cho du khách trong và ngoài nước, là nơi tạo ra các giá trị cho các nhà đầu tư.
“BR-VT cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các giải pháp để tạo dựng một môi trường đầu tư lành mạnh; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đồng hành với các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án nhằm đưa tỉnh nhà trở thành một trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và quốc tế”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định.
Mặt khác, tại Hội nghị, nhiều chuyên gia, khách mời đã thảo luận về những giải pháp giúp cho các thương hiệu và sản phẩm, cũng như định hình nguồn khách, phân khúc hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. BR-VT cần nhìn nhận chất lượng nguồn khách du lịch. Cụ thể, cần định hình khác với các điểm du lịch biển lân cận, phải hướng đến nguồn khách cao cấp, vì chính phân khúc này sẽ mang lại nhiều lợi thế cho tỉnh.
Theo thống kê của các chuyên gia du lịch thế giới, 3% khách cao cấp chi tiêu bằng 20% dòng khách bình dân. BR-VT khoan hãy bàn đến làm thế nào để giữ chân khách lưu lại dài ngày, mà chỉ cần đón ít nhưng thu tiền nhiều để bớt áp lực xã hội, giao thông và môi trường. BR-VT có thế mạnh về hạ tầng để kết nối địa phương với TP.HCM và các tỉnh thành khác.
Với vị trí địa lý khá tốt, BR-VT rất gần các khu đô thị lớn như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và được kết nối bằng hệ thống đường QL51, sắp tới đây có thêm tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối vào cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến giao thông thủy di chuyển từ TP.HCM bằng tàu cao tốc…
Theo Th.s Trần Bảo Trân, chuyên gia du lịch và phát triển, Giám đốc khu vực Châu Á Diễn đàn Du lịch thế giới cho rằng, ngành du lịch BR-VT cần được vận hành theo 3 tiêu chí: Tạo giá trị mới cho điểm đến bằng loại hình du lịch biển cao cấp song song với việc giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đại chúng trên 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường; kết nối các giá trị mới để làm hình mẫu cho du lịch đại chúng thay đổi hành vi tiêu cức sang tích cực; kết nối lợi ích cộng đồng, bao gồm người dân địa phương, doanh nghiệp, du khách, và chính quyền địa phương vào từng hoạt động trong quá trình phát triển du lịch.
Đại diện nhà đầu tư mong muốn tỉnh nên mở rộng, phát triển tuyến đường thủy về các khu vực đồng bằng sông Cửu Long, rất cần sự quan tâm để kết nối được các khu vực TP.HCM, khu vực Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long với Vũng Tàu, Côn Đảo và các tuyến du lịch Long Hải – Phước Hải – Bình Châu bằng đường thủy, nếu khai thác đúng mức sẽ trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo cho tỉnh BR-VT./.