Aa

Ba xu thế không thể đảo ngược trong phát triển kinh tế 2020

Thứ Tư, 08/01/2020 - 17:00

Ba xu thế mà dù bất định hay rủi ro vẫn không đảo ngược được cho bài toán phát triển kinh tế 2020, đó là công nghệ số, thách thức thay đổi từ tiêu dùng, và thách thức từ thay đổi lối sống.

Thách thức 2020

Nhiều góc nhìn đa chiều và sâu sắc về các thách thức mới đang đặt ra cho Việt Nam trong năm 2020 tại hội thảo “Vượt trên trạng thái “Bình thường mới” - Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020”, do Trường đại học Ngân hàng vừa tổ chức tại TP.HCM. Các chuyên gia kinh tế xoáy sâu vào sự chậm trễ của các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, Luật Đầu tư còn nhiều bất cập, thị trường bất động sản đang chững lại nhất là TP.HCM, thị trường tài chính biến động khôn lường… Đồng thời đưa ra bức tranh toàn cảnh về xu hướng phát triển kinh tế thế giới và những ngành sẽ có cơ hội phát triển.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng mặc dù năm 2019 tăng trưởng tốt, lạm phát ổn định, ngân hàng trung ương điều hành rất uyển chuyển về tỷ giá hiệu quả, bảo đảm hạn chế lạm phát trong điều kiện kinh tế thế giới bất định… nhưng Việt Nam vẫn phải thận trọng trong các chính sách đối ngoại.

Ông Thành phân tích: “Từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngay các quốc gia dẫn đầu cũng không duy trì chính sách toàn cầu hóa mà quay sang bảo hộ, đi theo chủ nghĩa dân tộc biệt lập, quốc gia là trên hết… Giai đoạn va đập quá độ này, chính sách vĩ mô phải mang tính linh hoạt. Quản trị sự bất định này đòi hỏi rất nhiều chính sách đừng can thiệp quá sâu vào thị trường. Ngay cả Mỹ cũng chỉ đạo FED không nên can thiệp quá sâu vào lãi suất đồng USD.

Thương mại Việt Nam thực sự là chiến lược đủ thông minh cả về đối ngoại và tổng thể, phù hợp với lựa chọn đa phương hóa, đa dạng hóa. FDI của Việt Nam vẫn tăng trưởng trong năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải thận trọng trong các chính sách đối ngoại. Đủ khôn khéo trong đầu tư thương mại, tăng độ hấp dẫn bằng tính kết nối trong chừng mực nhất định giúp tăng xuất khẩu với EU, Mỹ làm cho năng lực cạnh tranh tốt hơn".

Hội thảo “Vượt trên trạng thái “Bình thường mới” - Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020”

Chính vì vậy, theo ông Thành, nhìn ngắn hạn Việt Nam có tăng trưởng, nhưng về dài hạn thì chưa chắc chắn, nếu cuộc chiến Mỹ - Trung tăng cao, tăng trưởng sẽ giảm, tác động rất tiêu cực xét về dài hạn. Đối với đầu tư, một số nghiên cứu đánh giá Việt Nam tăng trong khi thế giới giảm; đánh giá của Phòng TM và CN Việt Nam (VCCI) thì cho rằng chiến tranh thương mại chẳng có lợi gì cho Việt Nam.

“Chúng ta rất nên có cách tiếp cận nghiên cứu khác đi. Năm 2019 từ quan trọng nhất là “bứt phá”, vì những cải cách còn quá chậm. Phân tích năm 2020, theo tôi có 3 xu thế, dù bất định hay rủi ro vẫn không đảo ngược được, đó là xu hướng công nghệ số, thách thức thay đổi từ tiêu dùng, và thách thức từ thay đổi lối sống.

Chúng ta có cái nhìn khá lạc quan về 2020, nhưng về chính sách theo tôi là đáng lo hơn 2019. Lý do tiêu dùng Việt Nam luôn tốt, nhưng đã bắt đầu giảm, biến động khó lường của giá dầu thế giới sau khi tướng Iran bị Mỹ giết hại; ngay cả xuất khẩu cũng khá thận trọng, nên Chính phủ đã đưa ra mức tăng trưởng 6,8% là khá thận trọng", ông Thành nhận định.

Với dự báo như vậy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, các nhà đầu tư phải lưu ý mật độ, mức độ cạnh tranh trong từng ngành nghề, như tập trung quá nhiều vào lĩnh vực dệt may cũng không tốt. Với thị trường thế giới, ba năm gần đây có xu hướng đầu tư nhiều nhất vào du lịch, lưu trú, giáo dục, công nghệ xanh, logistics, data center… Vì vậy Việt Nam phải chú tâm vào tận dụng, khai thác tốt nhất lợi thế so sánh trong hội nhập và các lĩnh vực đang nổi lên và rất cần đầu tư hiệu quả như logistics, bán lẻ, giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, bất động sản và mô hình kinh doanh mới…

Riêng về lĩnh vực tài chính, ông Thành lưu ý rằng "trái phiếu tài chính phát hành hiện đã vượt cả trái phiếu chính phủ; trái phiếu trong ngành bất động sản, chứng khoán trong năm 2020 sẽ tăng nhưng mức tăng cần vừa phải…”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Trường đại học Fulbright Việt Nam phân tích nguyên nhân của việc không thành công về đầu tư cơ sở hạ tầng năm 2019, và cho rằng đây cũng là cơ may để Việt Nam cải cách thể chế, cụ thể là Luật Đầu tư công.

“Cả nhiệm kỳ 2016 - 2020, điểm tiêu cực và dấu trừ lớn nhất của điều hành vĩ mô là không hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng lớn như sân bay Long Thành, tuyến cao tốc Metro… nhưng nhìn rộng hơn, đó là thất bại về tài chính của Chính phủ.

Thời điểm 2016 - 2017, Chính phủ chi 16% GDP cho cơ sở hạ tầng, tương đương với Hàn Quốc, Nhật Bản thời điểm 1960. Tiền chi nhiều quá nhưng quản lý lỏng lẻo đã gây ra lãng phí. Đến lúc nợ kịch trần lãi công, chuyển qua sử dụng vốn tư nhân, thì hợp đồng lại không qua đấu thầu công khai… dẫn đến nhiều hệ luỵ khác. Đến giai đoạn này Chính phủ lại thắt chặt đầu tư công, quy trình chặt chẽ hơn… nên kéo dài thời gian thủ tục, khiến cho nhiều dự án có tiền cũng không triển khai được.

Đầu tư nhà nước tăng có 2,6%, trong khi lạm phát 2,8%, ách tắc về cơ sở hạ tầng ở hệ thống giao thông mang tính trục quốc gia do không được hoàn tất. Sửa điều này là phải sửa thể chế, cụ thể là Luật Đầu tư công đang rất vướng mắc cần tháo gỡ. Nhưng khi tháo gỡ được rồi cũng phải tính đến việc tiêu tiền vào các dự án này có hiệu quả hay không!".

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, "cởi trói" cho Luật Đầu tư công là vô cùng cần thiết, nhưng vẫn phải giám sát chặt chẽ, quyền và trách nhiệm của bộ ngành liên quan. Việt Nam ít nhất trong 10 năm tới còn phải đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, nên Luật Đầu tư công phải cởi trói.

"Năm 2020 theo tôi điều hành vĩ mô sẽ không làm cho nền kinh tế Việt Nam kém đi; chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ có tiền để tiêu; dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ Trung Quốc vào Việt Nam còn phải chờ thực tế mới khẳng định có thật hay không bởi trong năm 2019 đón tiếp các đoàn khảo sát thì nhiều, nhưng ký kết thì không.

Có một thực tế là hiện nay tất cả các khu công nghiệp Việt Nam đều đã tăng giá thuê, thị trường chứng khoán thì ảm đạm, cà năm không có đợt IPO lớn nào, thị trường phái sinh trầm lắng; và Việt Nam có thể tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu không thì phải đợi đến 2020 và cần thực tế để trả lời.

Nhưng về trung và dài hạn, chúng ta có thể tự tin vào thị trường nội địa, kể cả giáo dục và y tế, chăm sóc sức khoẻ”, ông Thành nhận định.

Theo Phó giáo sư, TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh Trường đại học Kinh tế TP.HCM, một số nước có tăng trưởng cao, như Trung Quốc từng tăng trưởng 2 con số, giờ chấp nhận 6% cho thấy những xu hướng phát triển của kinh tế khu vực và thế giới. Với Việt Nam, trạng thái nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam như năm 2019 và hiện tại là bình thường, chứ không phải là bình thường mới. Trước đây là bất thường nhưng bất thường tốt. Giờ không có các đợt IPO lớn là bất thường, nhưng không gây bất lợi cho nền kinh tế, nên tạm gọi bình thường.

Tiến sĩ Vinh cho rằng, thị trường chứng khoán thể hiện viễn cảnh tương lai, nhưng tương lai thì dường như đang khó đoán định. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng phản ứng rất nhanh với tình hình kinh tế chính trị thế giới, và đó là những trạng thái nên có và vốn có.

"Từ khoá phổ biến nhất của năm 2020 là “bất định”, để dự báo rất khó, tuy nhiên tôi thấy sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo, tài chính ngân hàng”, PGS.TS. Võ Xuân Vinh cho biết.

Những điểm nóng 2020

Thị trường cho thuê hiện cầu rất lớn so với cung, dịch vụ lưu trú liên quan cũng có cơ hội rất nhiều

Năm 2020 xếp Việt Nam thứ 8/20 nước đầu tư hấp dẫn nhất trên toàn cầu theo một báo cáo của Mỹ, nhưng liệu dòng tiền từ thế giới có đổ vào Việt Nam như dự báo? Phát triển thị trường bất động sản TP.HCM hiện không bằng nhiều tỉnh thành khác vì "mắc kẹt trong chính sách", thiếu cơ sở hạ tầng, ngập lụt, kẹt xe… với những bất thường đó, đâu là cơ hội cho kinh doanh và đầu tư các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng tại TP.HCM?

TS. Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM lý giải: “Phát triển bất động sản không phải chỉ nhà ở, mà còn thị trường cho thuê, dịch vụ đi kèm. Còn hạ tầng thị trường TP.HCM phát triển khá mạnh, có bề dày lịch sử. Thị trường cho thuê hiện cầu rất lớn so với cung, dịch vụ lưu trú liên quan cũng có cơ hội rất nhiều.

Năm 2019 thị trường hơi chậm lại, khu vực xây dựng tăng trưởng thấp so với năm trước, chưa đầy 2% so với 7% các năm trước. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong năm 2019. 

Về cơ hội, các doanh nghiệp đang mở rộng sang các tỉnh xung quanh. Bất động sản liên quan đến đất đai, cung về căn hộ, những năm trước phát triển rất mạnh trong nhiều phân khúc khác nhau. Phân khúc bình dân, nhà ở xã hội còn nhu cầu rất lớn, kể cả chính sách hỗ trợ của nhà nước. Trong khi nguồn đất thành phố càng hiếm dần, nếu nhà đầu tư tập trung vào phân khúc này, sẽ giải quyết bài toán nhà ở cho giới bình dân, người lao động.

Về cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, y tế… nhà đầu tư cũng mở ra nhiều kênh, nhưng vốn đòi hỏi lớn, thu hồi chậm, hành lang pháp lý chưa ổn định, nên đang có xu hướng tăng giao dịch trước mắt lên, sau đó tạo điều kiện thu hút mạnh hơn. Ví dụ áp dụng BOT, vì không phải nhà đầu tư nào cũng có điều kiện bỏ ra một số tiền lớn. Tuy nhiên thu hồi vốn rất chậm, nếu có hành lang pháp lý tốt để chuyển nhượng quyền khai thác cho nhà đầu tư dài hạn hơn, sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ hơn để đầu tư các công trình lớn.

Hiện khung pháp lý này đang hoàn thiện theo hình thức đối tác đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội tốt hơn. Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng tạo điều kiện tốt hơn cho môi trường đầu tư, giúp cho các công trình lớn của nhà nước có khá năng hoàn thiện. Số vốn các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ cao so với các ngành khác hơn 50%".

Theo ông Tuấn, thị trường bất động sản thành phố dù còn trong quá trình tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhưng sẽ có chiều hướng tăng tốt hơn ở nhiều phân khúc khác nhau. Hiện số lượng doanh nghiệp đăng ký ngành này vẫn tăng lên, như trong phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng. Du lịch, cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng sẽ là ngành kinh doanh hấp dẫn của tương lai. Các nhà đầu tư nên lưu ý xu hướng này để đầu tư.

Các chuyên gia kinh tế tại hội thảo đã có nhiều phân tích và đánh giá về xu hướng của thị trường tài chính trong đó có điểm nóng trong 2019 - 2020 là sự phát triển của trái phiếu doanh nghiệp, với dự báo năm 2020 nhu cầu vốn của doanh nghiệp qua kênh này vào khoảng 350 ngàn tỷ đồng. Kênh huy động vốn này sẽ giúp doanh nghiệp đa dạng hóa dòng vốn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức và cơ hội nào để doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup có thể tiếp cận được nguồn vốn bằng phương thức này còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

TS. Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng thị trường tài chính Việt Nam 2019 vẫn còn lúng túng vì cấu trúc có vấn đề, điểm nghẽn chính là nằm ở khâu cán bộ quản lý. Năm 2004, TS. Trần Du Lịch đã ôm rất nhiều tài liệu ra Hà Nội để kiến nghị Chính phủ xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính, mà tại sao 15 năm sau chúng ta mới bàn về vấn đề này? Câu hỏi đặt ra ở đây là một trung tâm tài chính như TP.HCM có cần cho Việt Nam hay không?

Đề cập đến xu hướng trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển nhanh, ông Phước đặt câu hỏi: Tôi mua trái phiếu doanh nghiệp mất tiền ai chịu? Đó là câu hỏi rất bình thường và cần thiết và đó là tính chất trần trụi của thị trường này. Hay mục tiêu tăng trưởng tín dụng thế nào để kinh tế phát triển ổn định, làm chính sách tiền tệ mà không cho tăng trưởng thì làm làm gì?, là những câu hỏi được ông Phước đặt ra.

Theo quan điểm của ông Phước, trái phiếu doanh nghiệp là tất yếu, nên làm. Để xây dựng thị trường tài chính, thế giới đã có rất nhiều công cụ chuẩn mực rồi, tại sao Việt Nam không làm theo? Nếu không có công cụ này sẽ mất đi rất nhiều cơ hội. Điểm nghẽn chính là cán bộ làm chính sách, và chính điều đó đã khiến cho thị trường tài chính thiếu đi sự đa dạng, khiến cho nhiều nợ xấu, chi phí tài chính cao.

"Lạng lách về chính sách tài chính cũng tai hại như lạng lách trong giao thông. Nếu TP.HCM được lựa chọn là nơi đóng đô của thị trường tài chính, chính là nói đến nhận thức của người Việt Nam về thị trường tài chính", ông Phước nhận xét.

Nhận định về tình hình thế giới, ông Phước cho rằng năm 2020 sẽ có nhiều chuyện, thế giới sẽ chấm dứt nới lỏng tiền tệ, đồng USD Mỹ tăng giá bao nhiêu phụ thuộc vào chính sách tiền tệ thế giới, duy chỉ có 1 nước không nới lỏng là Mỹ. Nhiều nhận định của người Mỹ gọi cuộc không kích của Mỹ xuống Iran chỉ là…đánh lạc hướng, sẽ không có bất cứ cuộc thỏa thuận nào giữa Mỹ và Trung Quốc trong 1 - 2 tháng tới, Tổng thống Trump sẽ ở vào bước đường khó khăn và sẽ càng khó dự báo, khả năng Mỹ sẽ cắt lãi suất thêm 1 lần nữa vào tháng 3 tới và nếu vậy đồng đô la có khả năng lại xuống giá... Đây là những vấn đề lớn thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ và vĩ mô của Việt Nam.

TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa tài chính Trường đại học Ngân hàng TP.HCM lưu ý trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tập trung làm tốt nhất công việc của mình theo chuẩn toàn cầu.

“Môi trường không còn đặc trưng để nhận diện nữa, nền kinh tế chỉ còn cách chinh phục sự hỗn loạn, mọi phức tạp đều do thị trường quyết định. Chung sống với hỗn loạn là bình thường, nên khó nhất là ra quyết định, chủ động, linh hoạt, thích nghi. Còn cứng nhắc còn chết, khái niệm bây giờ là hệ sinh thái. Nếu quyết định dựa trên những “biến chính” tốt hơn là cầu toàn, cho phép lấy võ đoán làm nền tảng chính sách.

Đặc biệt chú ý những dự án lớn thường chết từ cái rất nhỏ. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần phải làm là hãy quan tâm tới hiện tại, đừng cố đoán tương lai. Gần như các dự báo không đúng, vì không ai tưởng tượng được gần 8 năm Tổng thống Bush không dám dập Iran, mà Trump đùng một cái dập liền. Định tính quyết định chứ không phải định lượng", TS. Dương nói.

Theo TS. Lê Thẩm Dương, với quốc gia trong bối cảnh này, phải có chiến lược tăng thu, giảm chi, thay đổi, thay đổi và thay đổi. Với doanh nghiệp, phải xây dựng doanh nghiệp chuyển đổi nền tảng chứ không phải là tháo vát.

Rất cần doanh nghiệp hiệu quả chứ không phải hiệu suất. 200 ngàn tỷ đổ vào bất động sản bị ứ đọng là bài học lớn. Linh hồn doanh nghiệp là phải chọn đúng việc cần làm.

Công nghệ chỉ đóng vai trò cánh tay nối dài, con người mới quan trọng, đừng ấn quá đà với 4.0. Thực tế cho thấy nhiều trang bán hàng trực tuyến như Lazada, Amazon cũng đang lao đao. Đây là lúc phải đẩy mạng quản trị tri thức, vì mất con người là mất tất cả.

"Thời kỳ đông quân qua rồi, tài sản vô hình mới là lớn nhất, là chất lượng lãnh đạo, chất lượng nhân sự, chất lượng thương hiệu. Nguyên tắc tột cùng là nguyên tắc hiện trường, mọi dự báo đều không chính xác, doanh nghiệp hãy tập trung làm thật tốt công việc của mình thôi...”, TS. Dương đưa ra quan điểm và khuyến nghị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top