Như Reatimes đã đưa tin, mặc dù đa số các thành viên Chính phủ đồng ý cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018 khi sửa đổi khoản 3 Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp liên kết (gọi tắt là Nghị định 20), nhưng trong tờ trình mới nhất, Bộ Tài chính vẫn khăng khăng bảo lưu "không hồi tố".
Trong hơn một năm qua, nhất là hai tháng gần đây, Reatimes đã tập trung đăng nhiều bài, ý kiến các chuyên gia pháp lý, kinh tế… phân tích cặn kẽ, đủ cả lý và tình về việc cho hồi tố khi sửa khoản 3 Điều 8, Nghị định 20. Bộ Tài chính cũng đã gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp và Bộ Tư pháp đã trả lời rõ ràng rằng, việc cho hồi tố là “không có vướng mắc về mặt pháp lý”. Cứ tưởng nút thắt đã được tháo gỡ. Nào ngờ, ngay cả khi hầu hết các thành viên Chính phủ sau khi đọc kỹ giải trình của Bộ Tài chính, đã bỏ phiếu đồng ý cho hồi tố đối với năm 2017, 2018 khi sửa khoản 3 Điều 8, Nghị định 20, Bộ Tài chính vẫn khăng khăng “bảo lưu ý kiến không áp dụng hồi tố”.
Tưởng có gì mới, nhưng trong tờ trình mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, các lý do mà Bộ Tài chính viện dẫn để không cho hồi tố hóa ra vẫn y nguyên như đã đưa ra trước đây.
Đến nước này thì đúng là không còn gì để nói!
Bởi vì, 5 lý do này các thành viên Chính phủ đều đã biết, đã đọc kỹ. Vì nếu không đọc kỹ thì sao Bộ Tư pháp dám trả lời giấy trắng mực đen cho Bộ Tài chính. Không đọc kỹ thì sao đa số thành viên Chính phủ với trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân dám gửi phiếu “đồng ý” về Văn phòng Chính phủ.
Vậy mà, để bác ý kiến của đa số thành viên Chính phủ, Bộ Tài chính lại vẫn chỉ đưa ra các luận điểm đã xào đi, xáo lại nhiều lần. Điều này, phải chăng Bộ không tìm ra được cái cớ gì mới đủ sức thuyết phục, hay coi thường người khác không hiểu ý kiến của mình nên… “nhắc lại” điều đã “nói rồi, khổ lắm…”?
Cũng cần trao đổi thêm, dân gian có câu: “Quá tam ba bận”. Vậy mà trong chuyện này, đã bốn lần Bộ Tài chính nhắc đi nhắc lại 5 lý do để không cho phép hồi tố nói trên: Công văn xin ý kiến Bộ Tư pháp ngày 12/3/2020; Giải trình gửi Thủ tướng ngày 13/3/2020; Tờ trình gửi Thủ tướng ngày 20/3/2020; Và mới đây nhất là Giải trình gửi Thủ tướng ngày 30/3/2020 sau khi có ý kiến của các thành viên Chính phủ, Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu và chỉnh sửa theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ.
Việc giữ chính kiến của mình không có gì sai, thậm chí có khi còn đáng hoan nghênh nếu đó là chân lý, mang lại lợi ích cho xã hội. Nhưng ở đây có hai khả năng có thể xảy ra, hoặc là Bộ trưởng Bộ Tài chính là người có chính kiến, có bản lĩnh; hoặc là người quá thủ cựu, bảo thủ, trì trệ. Bởi vì, có bản lĩnh mới dám khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình trước số đông, thậm chí là rất đông ý kiến phản bác.
Nhưng nếu là người có chính kiến, có bản lĩnh, thì tại sao Bộ trưởng Bộ Tài chính lại không bảo vệ ý kiến đầu tiên của mình? Vì trong văn bản đầu tiên báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính đã đề xuất áp dụng hồi tố cả cho năm 2017, 2018 khi sửa khoản 3 Điều 8, Nghị định 20 cơ mà? Còn nếu khăng khăng phủ quyết ý kiến "đồng ý" của đa số thành viên Chính phủ, thì phải đưa ra được lý do khác chính đáng, có sự giải thích, lập luận đủ sức thuyết phục, chứ sao lại vẫn bê nguyên xi 5 điều đã viện dẫn nhiều lần trước đó???
Không có ý kiến gì mới, mà vẫn khăng khăng bác bỏ biểu quyết của đa số thành viên Chính phủ, thì quả là… cạn lời với Bộ Tài chính (!).
Trong bài trước, chúng tôi có đặt câu hỏi nghi vấn, với tuyên ngôn của Thủ tướng đầu nhiệm kỳ: Xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, đồng hành cùng doanh nghiệp, mà Bộ Tài chính vẫn từ chối quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước đề nghị được áp dụng hồi tố khi sửa khoản 3 Điều 8, Nghị định 20, thì dường như Bộ đang không đi cùng đường với doanh nghiệp. Đến lần này, bác cả ý kiến khách quan của đa số thành viên Chính phủ, không biết Bộ Tài chính đang chọn cho mình con đường nào?
Trong chuyện này, có người bình luận rằng, có lẽ Bộ Tài chính không đến nỗi không nhận ra lẽ phải, cần bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Bởi nói nôm na, sức sống của doanh nghiệp, sức lao động xã hội, mà cụ thể là người lao động trong các doanh nghiệp, là nguồn lực sản xuất ra của cải cho xã hội. Mà xã hội có làm ra của cải thì mới có tiền đóng thuế cho nhà nước. Do đó, triệt hạ doanh nghiệp làm ăn chân chính, triệt hạ việc làm chính đáng của người lao động, triệt hạ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chính là triệt hạ nguồn thu của Bộ Tài chính (chân lý này, chúng tôi và các chuyên gia đã phân tích lặp đi, lặp lại nhiều hơn gấp nhiều lần những lý do và lập luận của Bộ Tài chính). Đặc biệt, trong hoàn cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19 đang bủa vây, làm kiệt quệ các doanh nghiệp trong nước vốn chưa đủ mạnh, chẳng khác gì tiếp tay cho dịch. Vậy, phải chăng Bộ Tài chính muốn bảo vệ lợi ích nào đó khác?
Khi trao đổi về vấn đề này, có người đặt câu hỏi: Việc khăng khăng bảo thủ không chịu cho hồi tố khi sửa khoản 3 Điều 8, Nghị định 20, phải chăng Bộ Tài chính muốn dọn đường cho việc thoái thác trách nhiệm nếu để hụt số thu khi Chính phủ vẫn đồng ý cho phép hồi tố. Và cũng để thoái thác trách nhiệm của Bộ trưởng nếu khi Chính phủ cho phép hồi tố mà phát sinh tình trạng “xin cho”, nảy sinh tiêu cực trong cán bộ thuế???
Tất nhiên, đây chỉ là giả thiết. Nhưng cho dù chỉ là giả thiết, thì đúng là cũng không còn gì để nói. Đúng như có người đã thốt lên: Cạn lời với Bộ Tài chính (!).
Nói tóm lại, trong 5 lý lẽ mà Bộ Tài chính đưa ra thì cái lý số 1 là “không phải là lợi ích chung của xã hội” nên không cần phải hồi tố (?!). Hai cái lý số 2 và số 3 là lo hụt thu vì phải bồi hoàn cho doanh nghiệp đã nghiêm chỉnh kê khai và nộp thuế trước đó. Còn hai cái lý số 4 và số 5 là lo sự phức tạp trong nghiệp vụ và quản lý cán bộ ngành thuế, nói trắng ra là có 4 trên 5 lý do là ngại khó và ngại khổ.
Do đó, để kết thúc bài viết này, tôi xin nêu lên hai ý:
Thứ nhất, ngay đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính và đồng hành cùng doanh nghiệp, thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế. Nhưng, với lý lẽ khăng khăng bảo vệ việc không hồi tố khi điều chỉnh Nghị định 20, người ta có cảm giác, Bộ Tài chính hình như đang không cùng đường với doanh nghiệp.
Thứ hai, với lo sợ hồi tố sẽ “gây khó khăn cho công tác quản lý thuế, quản lý cán bộ của ngành thuế”, và “sẽ tạo ra cơ chế xin cho phức tạp trong quy trình quản lý và không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện”, thì tôi cũng xin nói thẳng, đó là việc của Bộ trưởng, chứ không phải là cứ khó thì thoái thác, né tránh và đùn đẩy lên trên. Công việc nào cũng có khó khăn, phức tạp. Và có khó khăn, phức tạp mới cần đến năng lực, tài cán của Tư lệnh ngành. Còn nếu sợ khó khăn, phức tạp, thì như lời của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về công tác chống tham nhũng: "Ai có tư tưởng bàn lùi thì đứng sang một bên cho người khác làm".
("Virus bảo thủ" ở Bộ Tài chính liệu có nguy hiểm hơn Covid-19? - Reatimes ngày 13/3/2020)