Aa

Bài 1: Cán cân vẫn lệch!

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Năm, 20/09/2018 - 06:01

Tốc độ đô thị hóa đã khiến mật độ dân số và cao ốc ở các đô thị lớn tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng, tuy nhiên, diện tích không gian xanh lại không được “trả lại” tương xứng mà đang ngày càng thiếu hụt. Bên cạnh nhiều dự án cây xanh mặt nước bị bỏ hoang, đắp chiếu, lại có những dự án dù đã hoàn thiện nhưng không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn, càng khiến cho bài toán quy hoạch trở nên khó giải quyết.

Video: Thực trạng các công viên cây xanh mặt nước tại Hà Nội 

Không gian cây xanh, mặt nước có giá trị rất lớn đối với sự phát triển bền vững của một đô thị, khi không chỉ làm giảm nhiệt độ trong đô thị mà còn làm giảm tiếng ồn, điều hòa không khí và ngăn bụi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chưa kể, không gian xanh còn góp phần tạo ra những yếu tố bản sắc cho không gian đô thị, vì thế trong quy hoạch phát triển đô thị không thể thiếu quy hoạch mảng xanh.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, ở các đô thị lớn, diện tích mặt nước, cây xanh đã giảm đi rất nhiều, hay nói cách khác là các dự án chung cư, cao ốc được phát triển dày đặc, xây kín đất nhưng diện tích mảng xanh lại không được “trả lại” tương xứng. Năm 2017, Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 2016 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố. Theo báo cáo này, hệ thống cây xanh, công viên đô thị còn chưa được quan tâm đầu tư thích đáng; tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp so với tiêu chuẩn quy định; diện tích, mặt nước (sông, hồ) bị giảm xuống đáng kể.  So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, con số này chỉ đạt khoảng 2m2/người, không đạt quy chuẩn của Liên Hợp quốc là 10 - 12m2/người và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Chính những bất cập trong quy hoạch và quản lý đã dẫn đến một bức tranh về quy hoạch không gian xanh và hạ tầng đô thị không đồng đều, không gian xanh ngày càng thiếu hụt, chất lượng không đảm bảo.

Không giann xanh đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đô thị. Ảnh: Zing.vn

Không gian xanh đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đô thị. Ảnh: Zing.vn.

Nơi “ế”khách, chốn bỏ hoang

Trong khi nhu cầu về không gian cây xanh mặt nước đang ngày càng gia tăng thì tại Hà Nội, rất nhiều công viên vẫn còn nằm trên…giấy.  Đất quy hoạch không thiếu nhưng những dự án công viên cây xanh, mặt nước vẫn mãi không thành hình. Đáng nói hơn, nhiều công viên đã có “hình hài”, đã được đưa vào sử dụng nhưng chẳng bao lâu đã rơi vào cảnh "ế khách", xuống cấp, thậm chí hoang hóa. 

Với diện tích đất xây dựng hơn 20ha, công viên Hòa Bình (Hà Nội) có tổng mức đầu tư 282 tỷ đồng  là công trình “điểm” kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long (2010), từng được hứa hẹn là mảng xanh khổng lồ cho khu vực phía Bắc Thủ đô. Tuy nhiên, ngay từ khi mới đưa vào hoạt động vài tháng công viên này đã rơi vào tình trạng nhếch nhác và “ế” khách, hạng mục này chưa hoàn thiện, hạng mục khác đã xuống cấp.

Cho đến thời điểm hiện tại, đã trải qua 8 năm hoạt động, theo ghi nhận của phóng viên Reatimes, tình hình vẫn không khá khẩm hơn. Mặc dù nhà thầu đã “vội” sửa chữa, nhưng sự yếu kém về chất lượng công trình ngày càng lộ rõ. Nhiều lớp gạch ốp lát bị bong tróc, các tấm ván trên mặt cầu bị hư hỏng nặng, mặt nền lênh láng nước gây trơn trượt… Công nhân thường xuyên phải “ vá” các "lỗi hỏng hóc" của công viên. Do nằm xa trung tâm, chất lượng công trình kém và thiếu vắng bóng cây xanh cổ thụ nên đến nay công viên Hòa Bình vẫn rất đìu hiu, vắng khách, các công trình khu vui chơi vẫn đang rơi vào cảnh “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Nhiều hạng mục của công viên Hòa Bình xuống cấp do kém chất lượng. Ảnh: Thảo Liên.

Nhiều hạng mục của công viên Hòa Bình xuống cấp do kém chất lượng. Ảnh: Thảo Liên.

Ở một góc khác của Thủ đô, một công viên có cái tên rất ấn tượng - “Tuổi trẻ thủ đô” - cũng đang khoác trên mình tấm áo xám của sự hoang tàn. Đây là một trong 9 công trình “điểm” của Hà Nội, được đầu tư xây dựng với hy vọng trở thành "lá phổi xanh", nhằm phục vụ các hoạt động sinh hoạt công cộng, vui chơi của đông đảo người dân. Tuy nhiên hơn 10 năm qua, người dân tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội không khỏi xót xa và nuối tiếc cho một dự án "xanh" đang mỗi ngày một cũ kỹ, có nguy cơ trở thành phế tích giữa lòng Thủ đô.

Phần hàng rào ngăn cách đã bị gỉ sét, hồ nước đã gần cạn, đầy cặn bẩn. Những hạng mục phụ trợ cho khu vui chơi dưới nước của công viên Tuổi trẻ cũng bị hư hỏng nặng, các máng trượt đã mốc xanh. Nhiều người dân cho biết, từ ngày xây dựng đến nay, hầu như các hạng mục này không đưa vào sử dụng, để phơi nắng, phơi mưa lãng phí. Chưa hết, hàng loạt công trình vi phạm “khủng” vô tư mọc trên các ô đất vốn được phê duyệt quy hoạch làm khu vườn hoa, cây xanh, sân tập thể thao công cộng nhưng không bị xử lý kiên quyết, gây bức xúc cho người dân. Trong khi thành phố đang “khát” mảng xanh thì một phần lớn diện tích đã được phê duyệt để quy hoạch công viên lại đang bị “xẻ thịt”.

Nhiều hạng mục ở công viên Tuổi trẻ thủ đô đã dần trở nên cũ kỹ, hoen gỉ. (Ảnh: Đỗ Linh)

Nhiều hạng mục ở công viên Tuổi trẻ thủ đô đã dần trở nên cũ kỹ, hoen gỉ. (Ảnh: Đỗ Linh)

Một dự án khác tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, người dân đang không khỏi bức xúc đặt ra câu hỏi: Hồ Rẻ Quạt sẽ “treo” đến bao giờ? Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hồ Rẻ Quạt có từ năm 2004 nhằm mang lại bầu không khí xanh mát cho người dân trong khu vực nhưng đến nay đã 14 năm vẫn chưa được triển khai. Diện tích mặt hồ ngày càng bị thu hẹp và hoang hóa với các loại rau mọc dại và rong rêu đồng thời bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nạn xả rác, đổ trộm phế thải và lấn chiếm bừa bãi. Ở cạnh nơi vốn được gọi là “lá phổi xanh” nhưng người dân ở đây đang phải gánh chịu mùi hôi thối nồng nặc vào ngày nắng và tình trạng ngập úng vào ngày mưa.

 
Hồ Rẻ Quạt (phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh:Thảo Liên.

Hồ Rẻ Quạt (phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh:Thảo Liên.

Câu chuyện của các công viên, hồ nước nói trên chỉ là những mảnh ghép đơn lẻ trong bức tranh quy hoạch mảng xanh đô thị vốn tồn tại nhiều bất cập. Trong khi thành phố ngày càng ngột ngạt bởi khói bụi và nhà cao tầng và đang “thèm khát” không gian xanh thì ở đâu đó vẫn tồn tại những dự án được nhà nước đầu tư phát triển nhưng rơi vào cảnh lãng phí đất đai, không được đầu tư chỉn chu, bài bản. Những hạ tầng xanh đã đưa vào sử dụng thì xuống cấp do chất lượng kém và không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên. Đó là chưa kể nhiều công viên đang chỉ nằm trên giấy.

Đã đến lúc cần xã hội hóa dự án mảng xanh?

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án công viên, hồ nước do nhà nước xây dựng đang rơi vào nghịch cảnh là do năng lực về quản lý nguồn vốn và cơ chế quản lý của nhà nước còn yếu kém. Một giả thiết được đặt ra rằng, liệu có nên để cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào việc phát triển các hạ tầng xanh công cộng của đô thị. 

Liên quan đến vấn đề này, TS. Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: “Nhà nước chưa có sự phân bổ rõ ràng các mục tiêu cũng như nguồn vốn để xây dựng hạ tầng. Cái hạ tầng cần thiết thì chưa làm còn cái chưa cần thiết thì lại xúc tiến làm nhanh. Ví dụ như việc triển khai dự án đường vành đai giữa, cũng cần thiết nhưng chưa cấp bách bằng việc Hà Nội đang thiếu mảng xanh trầm trọng và hàng nghìn, hàng triệu người đang cần “hít thở” trong bầu không khí của công viên, cây xanh, hồ nước.  

Tất cả là do công tác quản lý của nhà nước, chúng ta chưa có các cơ chế chính sách cũng như chưa chú trọng bảo vệ, phát triển hạ tầng xanh. Mặc dù chúng ta có nhiều cố gắng nhưng dần dần cứ lấy lý do là thiếu kinh phí. Tôi cho rằng không phải thiếu kinh phí mà cho chúng ta phân bổ nguồn vốn không hợp lý, chỉ mải mê chạy theo cái lợi ích mang lại  trước mắt”.

Bên cạnh đó, TS. Trần Ngọc Hùng cho rằng, nếu để tư nhân làm hạ tầng thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn: “Tiền của tư nhân là của riêng thì người ta sẽ quản lý tốt hơn, đồng thời người ta biết đầu tư vào những cái gì có thể tạo ra lợi nhuận, dẫn đến triển khai thi công nhanh, chất lượng công trình tốt hơn nhiều. Còn nhà nước, nguồn vốn là của chung cho nên còn tồn tại lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nữa dẫn đến việc triển khai cứ rề rà, chậm chạp”.

Đồng quan điểm với ông Trần Ngọc Hùng, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, giảng viên trường Đại học Việt Đức cho biết: “Thường thì việc những gì liên quan đến cái chung thì cũng khó làm hơn. Bởi việc chung thì sẽ kèm theo nhiều lợi ích của nhiều bên liên quan và nhiều yêu cầu phải giải quyết. Trong khi nguồn vốn của nhà nước thì hạn hẹp nhưng phải san sẻ nhiều mục tiêu dẫn đến việc thông qua, phê duyệt hay triển khai dự án thường chậm trễ”.

TS. Trần Ngọc Hùng

TS. Trần Ngọc Hùng

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng các hạ tầng công viên cây xanh yếu kém như hiện nay là thành phố mới chỉ chú trọng đến quy hoạch xây mới mà chưa quan tâm đến việc gìn giữ, bảo vệ và cải tạo thưởng xuyên. “Nếu thành phố không có vốn để cải tạo thì tại sao không giao cho tư nhân, những người đang hưởng lợi trực tiếp từ các dự án công viên, họ phải bỏ tiền ra để bảo trì, sửa chữa?”, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu nêu vấn đề.

Câu chuyện mà TS. Trần Ngọc Hùng và TS. Nguyễn Ngọc Hiếu đặt ra, xét trên thực tế hiện nay, không phải không có khả năng. Bởi, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã bắt tay vào xây dựng cho mình những dự án theo hướng tích hợp công viên, hồ điều hòa trong lòng dự án.

Tại khu đô thị Tây Hồ Tây, dự án sân chơi Hồ điều hòa của chủ đầu tư Daewoo E&Cđ với diện tích 5ha hồ điều hòa, bao phủ bởi hoa và cây xanh được xem là lá phổi xanh sàng lọc môi trường sống cho người dân. Vingroup cũng là một cái tên nổi trội trong việc đầu tư xây dựng không gian xanh cho các dự án nhà ở của mình. Trong đó có thể kể đến dự án Vinhomes Riverside (hồ điều hòa 12,4ha), Vinhomes Thăng Long (hồ điều hòa 10 ha),... Một cái tên khác là FLC cũng bắt đầu hướng tới việc xây dựng công viên hồ điều hòa trong lòng dự án. Dự án FLC Garden của tập đoàn này có hồ điều hòa rộng khoảng 7.200m2…

Công viên, hồ nước tại khu đô thị Vinhomes Riverside của tập đoàn VinGroup.

Công viên, hồ nước tại khu đô thị Vinhomes Riverside của tập đoàn Vingroup.

Điều này cũng phần nào chứng tỏ, các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản có thừa năng lực để xây dựng các hạ tầng cây xanh mặt nước, bởi nguồn vốn dồi dào cũng như khả năng tổ chức thi công hiệu quả. Đây cũng là cách để doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của đô thị khi mật độ nhà cao tầng ngày càng gia tăng. Khi doanh nghiệp tham gia và xây dựng hạ tầng xanh công cộng ắt sẽ tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa các bên: Nhà nước thu được tiền đất, cộng đồng xã hội có công viên cây xanh, còn doanh nghiệp được thụ hưởng giá trị thặng dư của các sản phẩm bất động sản.

Cho nên việc xã hội hóa nguồn vốn, giao đất cho các doanh nghiệp tư nhân làm công viên là khả năng có thể tính đến, và sẽ là điều cần thiết để tạo ra nhiều không gian xanh công cộng cho đô thị./. 

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 2 tuyến bài "Không gian xanh - Mảnh ghép còn thiếu giữa đô thị" trên Reatimes.vn! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top