Aa

Bài 1: Đô thị “vàng” giữa vòng xoáy ngập lụt

Thứ Bảy, 02/10/2021 - 06:15

Cứ mỗi mùa mưa bão, người dân bản xứ lẫn cư dân mới định cư ở nhà thấp tầng hay cao tầng trong Khu đô thị mới An Vân Dương đều thấp thỏm trong vòng xoáy của thiên tai, nước lụt vây tứ bề.

Lời tòa soạn:

An Vân Dương là khu đô thị mới được quy hoạch vào năm 2005, sớm và lớn nhất ở xứ Huế. Khu đô thị nằm ở phía Đông TP. Huế, hình thành trên địa giới hành chính của TP. Huế, TX. Hương Thủy và huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Sau 16 năm xây dựng, hiện khu đô thị này bộc lộ một số hạn chế, trong đó nan giải nhất là vấn đề chống ngập lụt.

Theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt, tổng diện tích của toàn Khu đô thị mới An Vân Dương là 1.700ha, quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 60.000 người. Đây được xem là đô thị mới hiện đại bậc nhất xứ Huế hiện nay.

Mùa chạy xe… tránh lũ

Đã trở thành thói quen “kinh điển” vào mùa bão lũ, xem bản tin thời tiết trên báo, đài là món ăn tinh thần đầu tiên mỗi sáng thức dậy của anh Nguyễn Văn Thạnh, người dân sống ở khu vực 4 (phường Xuân Phú, TP. Huế). Anh Thạnh là doanh nhân về bất động sản. Tiết kiệm, gom góp vay mượn, hai năm trước anh mua được chiếc ô tô con trị giá gần 800 triệu đồng. Từ ngày có chiếc xe, nỗi sợ bão lũ của anh Thạnh lại tăng lên một bậc. Những trận lũ cuối năm 2020 đã từng làm anh Thạnh một phen khiếp đảm.

Nhà anh Thạnh ở gần đường Tố Hữu, một trục đường “xương sống” và thuộc dạng “kiểu mẫu” của Khu đô thị mới An Vân Dương. Đường làm sau nên cao hơn móng nhà dân, mỗi trận lũ về đường chưa ngập mà cả xóm anh Thạnh đã ngập. Để “chắc ăn”, anh Thạnh dùng đồ đạc, “kít” kê xe cao hơn mặt đường Tố Hữu nửa mét. Tạm yên tâm, lúc này anh Thạnh mới đưa vợ con đi tránh lũ. Thế nhưng, những cơn lũ lịch sử từ ngày 9/10/2020 và liên tiếp những ngày sau đó khiến Khu đô thị mới An Vân Dương nằm giữa mênh mông biển nước suốt nhiều ngày, xóm phố của anh Thạnh cũng không ngoại lệ. Rất may, khi mực nước chạm gầm chiếc ô tô của anh Thạnh thì kịp dừng lại.

Chiếc ô tô Mazda 3 của người dân trong Khu đô thị mới An Vân Dương bềnh bồng trong nước lụt tháng 10/2020. (Ảnh: Đình Toàn)

Lúc ấy mực nước ngoài sông Hương đã vượt báo động 3. Suốt từ sáng sớm đến thâu đêm, các lượt xe gầm cao cứu hộ hầu như hoạt động hết công suất. Trên đường Tố Hữu, người ta dễ nhìn thấy xe cứu hộ giao thông liên tục vận chuyển, giải cứu thoát lũ cho hàng chục chiếc ô tô mới trưng bày ở Showroom ô tô cuối đường, trung tâm Khu đô thị mới An Vân Dương. Trong khi đó, những cuộc điện thoại của các chủ xe đến các doanh nghiệp cứu hộ giao thông đều rơi vào vô vọng khi đường sá chia cắt do lũ, lượng xe không đủ đáp ứng trước nhu cầu cứu hộ quá lớn. Trước tình cảnh ấy, có người đành phó mặc cho những “xế yêu, con cưng” của mình nổi lềnh bềnh trong dòng nước lũ đầy xót xa. “Năm nay mình sẽ chủ động hơn. Mang xe đi gửi nếu mưa lũ lớn. Sợ quá rồi”, anh Thạnh nói trong chua xót.

Không riêng khu vực dọc đường Tố Hữu thuộc phường Xuân Phú, TP. Huế, những cư dân sống ở tòa nhà cao tầng, chung cư trong Khu đô thị mới An Vân Dương cũng đã bắt đầu phải tập thích nghi và luôn trong tâm thế mang xe đi gửi khi có những cảnh báo lũ lớn. Sau những đợt lũ lịch sử năm 2020, hầu như cư dân ở các chung cư như Vicoland Huế, Xuân Phú, Aranya hay chung cư hạng sang The Manor Huế trong Khu đô thị mới An Vân Dương… cũng đều toan tính cho mình chỗ gửi xe khi có cảnh báo lũ, bởi “chậm chân” một chút có thể khiến khối tài sản lớn của gia đình “trôi” theo mưa lũ hoặc trở thành gánh nợ.

Anh Trần Khanh, cư dân ở chung cư Vicoland kể rằng, vợ chồng anh tích cóp, mượn tiền bên ngoại bên nội rồi cũng mua được căn hộ chung cư. Tưởng lên cao là đổi đời, nào ngờ mưa lũ tới là thêm nơm nớp lo. Những đợt lũ cuối năm 2020, khi nhiều cư dân khác chạy ô tô đi gửi thì những cư dân đi xe gắn máy như anh phải đưa xe máy theo thang máy lên căn hộ của mình, hoặc kê 3 - 5 hàng gạch ở sàn chung cư để tránh ngập cho chiếc xe. “Đứng trên chung cư nhìn xuống nước vây tứ bề, toàn một màu bạc thếch. Không một con đường nào trong Khu đô thị mới An Vân Dương không bị lũ nhấn chìm. Cả khu vực trung tâm hành chính tập trung mới của tỉnh cũng rơi vào thảm cảnh chung. Cơ quan, trụ sở hiện đại mà như vậy sau này mưa lũ làm sao an toàn để điều hành công việc chung được?”, anh Khanh đặt vấn đề.

Nước lụt chia cắt ở những tuyến đường mới trong Khu đô thị mới An Vân Dương. (Ảnh: Đình Toàn)

Ông Nguyễn Văn Tuấn, 60 tuổi, ở đường Nguyễn Lộ Trạch, khu vực 4, phường Xuân Phú kể rằng, gia đình ông cũng như nhiều người làng Vân Dương là người dân “bản địa” quen chịu cảnh ngập lụt. Nhưng trước đây nước dâng lên nhanh thì rút đi cũng nhanh, thậm chí không có tình trạng “lũ từ dưới đất chui lên” như bây giờ. Cụ thể là xuất hiện tình trạng lượng mưa chưa lớn nhưng đã xuất hiện ngập nước cục bộ, điều này chứng tỏ hệ thống thoát nước có vấn đề, nhất là khi tốc độ đô thị hóa trong khu vực diễn ra nhanh.

Cách nhà ông Tuấn không xa là nhà anh Hồ Thuận Hóa. Do xây dựng nhà gần đây nên nền nhà anh Hóa cao hơn mặt đường Nguyễn Lộ Trạch cả 1m, nhưng điều đó cũng không khiến anh yên tâm khi lũ lụt ngày một bất thường. “Mình làm nhà đã tham chiếu mực lũ lịch sử năm 1999 để nâng cốt nền cao cho an toàn. Thế nhưng với những tòa nhà cao tầng, công trình lớn, các dự án bất động sản, dịch vụ, thương mại quy mô đang ra sức xây dựng, hy vọng là người ta tính đến vấn đề thoát lũ. Chứ nền nhà cao nhưng lụt thoát chậm cũng khiến người ta bất an”, anh Hóa băn khoăn.

Ngập lụt toàn diện?

Khu đô thị mới An Vân Dương đã và đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn lẫn giới kinh doanh bất động sản. Với địa thế, tiềm năng khi được chọn là nơi xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh, thành phố với những thiết chế, hạ tầng, tiện ích... không khó hiểu khi từng mét đất ở Khu đô thị mới An Vân Dương được ví là “đất vàng”. Thế nhưng những năm gần đây, tình trạng ngập lụt và bị nước lũ cô lập ngay trên khu đô thị mới được xem là hiện đại bậc nhất xứ Huế, không chỉ làm dấy lên nỗi lo thường nhật mùa bão lũ với người dân, mà còn ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư. Điều này đặt ra vấn đề điều chỉnh quy hoạch cấp bách hơn bao giờ hết.

Các khu chung cư trong Đô thị mới An Vân Dương như Vicoland, Xuân Phú, Aranya đều bị nước lũ bao vây trong các trận lũ dữ tháng 10/2020. (Ảnh: Đình Toàn)

Ban quản lý khu vực phát triển đô thị, thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, thực tế mức cao độ mức nước ngập lụt của đợt lũ cao nhất năm 2020 (ứng với mức nước tại sông Hương +4,17m, cao hơn báo động 3 là 0,67m) trong tháng 10/2020 tại Khu đô thị mới An Vân Dương từ +2,81 đến +3,17m.

Cụ thể: Khu An Cựu City mực nước ngập từ +2,85m đến +3,01m, mức ngập sâu khoảng 1m; Khu vực Trường cao đẳng Công nghiệp (cơ sở 2) mực nước ngập từ +2,81m đến +2,83m, mức ngập sâu khoảng 0,9m. Đường Hoàng Quốc Việt mực nước ngập từ +2,85 đến +2.91m, mức ngập sâu khoảng 0,9m. Đường Tố Hữu mực nước ngập từ +3.0m đến +3.08m, mức ngập sâu khoảng từ 0,7m - 1,1m.

Khu Hành chính tập trung tỉnh mực nước ngập khoảng +3,075m, mức ngập sâu khoảng 1,1m. Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1 mực nước ngập khoảng +3,09m đến +3,17m, mức ngập sâu khoảng 1,1m - 1,2m. Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2 mực nước ngập khoảng +3,10m, mức ngập sâu khoảng 1,1m. Khu đô thị mới Mỹ Thượng mực nước ngập khoảng +2,93m, mức ngập sâu khoảng 0,95m. Qua số liệu thống kê đối chiếu cho thấy cao độ ngập lụt chênh so với cao độ hiện trạng khoảng từ 0,7m - 1,1m.

Một số điểm cao như quanh cầu Phát Lát trên đường Tố Hữu là nơi tránh trú cho ô tô trong Khu đô thị mới An Vân Dương mùa lũ. (Ảnh: Đình Toàn)

Theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, thực trạng trong những năm qua cho thấy với tình hình mưa kéo dài, nước các sông dâng cao, khi mức nước lũ sông Hương tại Kim Long vượt mức báo động 3 thì toàn bộ hệ thống đường giao thông đối với Khu đô thị mới An Vân Dương ngập hầu như hoàn toàn. Để đảm bảo an toàn cho quá trình giao thông trong mùa mưa, lũ thì việc điều chỉnh nâng cao độ các đoạn đường này hết sức cần thiết; việc lồng ghép sử dụng nguồn vốn từ dự án để đầu tư hoàn chỉnh hai trục đường này là giải pháp tối ưu, phù hợp với tình hình thực trạng kinh tế của địa phương. Mặt khác, cần đánh giá sự tác động, ảnh hưởng của việc nâng cao trình đường Tố Hữu, đường Võ Nguyên Giáp (giao nhau với Tố Hữu) đối với các công trình có tiếp giáp, các đường có giao cắt đã hình thành để có phương án xử lý phù hợp.

“Nguyên tắc cũ” chống ngập cho đô thị mới

Cuối năm 2020, khi tình hình mưa lũ tạm lắng, trong một hội trường nhỏ ở Trường Đại học Khoa học Huế diễn ra cuộc tọa đàm về cảnh báo thời tiết cực đoan, La Nina, El Nino và một số thông tin về biến đổi khí hậu khá thú vị. Diễn giả của cuộc tọa đàm là 3 chuyên gia thời tiết, gồm ông Nguyễn Ngọc Huy (cố vấn về biến đổi khí hậu Tổ chức Oxfam), bà Nguyễn Thị Lan Anh (chuyên gia khí tượng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam), ông Phan Thanh Hùng (Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Cuộc tọa đàm ngoài sinh viên, giảng viên Đại học Khoa học Huế, còn có rất nhiều người tham dự, trong đó có cả lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo UBND một số địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng nặng do bão lũ và cả… một số thiếu nhi - những đứa trẻ đã vừa biết đến “chạy lũ”, thích nghi khi sống giữa vùng thường kỳ mưa bão, ngập lụt ngay giữa lòng cố đô Huế.

Mùa lụt, nhiều xe tải cũng chết máy trong Khu đô thị mới An Vân Dương. (Ảnh: Đình Toàn)

Ngoài những kiến thức chuyên ngành, khoa học thường thức, cảnh báo thời tiết cực đoan, TS. Nguyễn Ngọc Huy đã giải đáp nhiều thắc mắc của cử tọa. Đáng chú ý, một số câu hỏi đặt ra cho các diễn giả về nạn ngập lụt và gợi ý chống ngập lụt cho Đô thị mới An Vân Dương. Là người từng tham gia dự án nâng cao sức chống chịu của các khu đô thị với thời tiết mưa lũ, biến đổi khí hậu tại Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ… khi giải đáp thắc mắc này, TS. Nguyễn Ngọc Huy nhìn nhận thực trạng không chỉ ở TP. Huế mà nhiều nơi khác cùng với tốc độ đô thị hóa cao là tình trạng cứ xây dựng bê tông kín mít, khi mưa xuống thì nước chảy xuống vỉa hè, sau đó chảy ra sông, sông thoát không kịp thì gây ngập.

TS. Nguyễn Ngọc Huy nhắc lại kinh nghiệm ở Nhật Bản từ thập niên 1960, 1970 đã tính đến vấn đề thoát lũ cho các khu đô thị, trong đó có nơi người Nhật xây dựng một hồ chứa nước rộng bằng 4 sân vận động để làm nơi chứa nước thoát cho những cơn mưa cực đoan. Hồ chứa là nơi lưu trữ tạm thời sau đó sẽ bơm áp lực một cách nhịp nhàng, nên người Nhật đã tránh ngập lụt đô thị, nguy hại cho tàu điện ngầm.

TS. Nguyễn Ngọc Huy nhấn mạnh nguyên tắc khi xây dựng, nếu lấy đi không gian của nước bao nhiều thì chúng ta phải trả lại không gian của nước bằng chừng đó, đặc biệt là cần tôn trọng không gian của nước chảy. Lấy ví dụ khi tư vấn đánh giá về vấn đề ngập lũ khu đô thị mới tại Đà Nẵng, ông Huy cũng như các chuyên gia từng khuyến cáo, cảnh báo không lấy đi không gian thoát lũ của khu vực Hòa Xuân, Đà Nẵng. Còn khu vực Đô thị mới An Vân Dương, TP. Huế, TS. Huy cho rằng cần phải kiểm soát chặt từ đầu nguồn, nếu không kiểm soát tần suất lũ đầu nguồn thì với kịch bản như năm 1999, đô thị này sẽ chịu rất nhiều nguy cơ, bởi không thoát lũ một cách “tự nhiên” như trước đây, tức nước đổ qua các cánh đồng, ra sông và ra biển Thuận An, đổ về Biển Đông.

“Quản lý vấn đề này phải có phương án phòng lũ lụt trên diện rộng, có bản đồ phân lũ, chia lũ nhiều nơi… Có một nguyên tắc quan trọng khi quy hoạch các đô thị mới là luôn luôn phải đảm bảo cân bằng giữa đào và đắp”, TS. Huy nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả tiếp tục đón đọc Bài 2: Bao giờ Khu đô thị mới An Vân Dương thôi "bồng bềnh" trong lũ, lụt? trên Reatimes.vn

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top