Lời tòa soạn:
Thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ngày nay không chỉ kế tục xứng đáng những thành quả của các thế hệ lãnh đạo đi trước mà còn tận tâm, tận lực cùng với đồng bào Thanh Hóa, làm nên kỳ tích trên tất cả các lĩnh vực. Quả thật không ngoa khi nói rằng, với những thành quả đó, chưa bao giờ Thanh Hóa có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay. Trong đó, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tạo ra nền tảng vững chắc giúp Thanh Hóa vững vàng trên thế và lực mới nhằm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.
Reatimes khởi đăng loạt bài "Thanh Hóa: Một nhiệm kỳ nhìn lại", nhằm giúp độc giả có cái nhìn bao quát hơn về nhận định trên.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Trong những năm gần đây, Thanh Hóa là một trong những địa phương có sự phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng. Từ một tỉnh nghèo, năng lực cạnh tranh thấp, bằng nhiều giải pháp đồng bộ quyết liệt trong thu hút đầu tư, chính quyền địa phương đã từng bước đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
CHÍNH QUYỀN ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP
Ông Lê Xuân Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến cho biết, năm 2004, hưởng ứng chủ trương mời gọi đầu tư của tỉnh Thanh Hóa, ông cùng 7 nhà đầu tư vào khu Hải Tiến (tên của 2 xã Hoằng Hải và Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa). Riêng công ty của ông được phê duyệt 27ha đất sát biển.
Ông Thảo chia sẻ: “Khoảng đầu những năm 2000, vùng biển này còn hoang sơ, heo hút lắm. Dân địa phương năm nào cũng phải hứng chịu những cơn bão biển tàn phá, khủng khiếp đến mức nhiều người tìm mọi cách di chuyển vào sâu bên trong để tránh những cơn phong ba cuồng nộ nơi đầu sóng ngọn gió. Bởi vậy, khi thấy có người bỏ tiền vào chỗ “chẳng nhìn thấy hy vọng gì” thì người dân địa phương ngạc nhiên vô cùng. Thậm chí, có người còn cho rằng ý tưởng của tôi là "điên rồ"”.
Nhưng miệng lưỡi thế gian chẳng thể khiến người đàn ông này thay đổi quyết định: “Tôi quyết định về quê đầu tư, không chỉ bởi nhìn thấy tiềm năng to lớn của một vùng sinh thái có núi, có đảo và bãi biển nước trong, cát mịn, mà trăn trở làm thế nào để khai thác lợi thế này giúp người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, đảm bảo cuộc sống ngay trên quê hương, chấm dứt cảnh ly hương kiếm sống bằng đủ thứ nghề”.
Về để góp sức xây dựng quê hương theo lời động viên chia sẻ của Chủ tịch Thanh Hóa thời đó là ông Phạm Minh Đoan như tiếp thêm sức mạnh để ông thực hiện dự định đóng góp một phần sức lực, trí tuệ làm giàu đẹp thêm mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên.
“Lúc đó, anh Đoan động viên tôi về đầu tư phát triển quê hương và tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp phát triển. Quả thật, sau khi tôi quyết định về đầu tư thì tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp cử cán bộ xuống trực tiếp hỗ trợ tích cực về thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự khi thi công dự án. Các khó khăn về hệ thống điện truyền tải nhanh chóng được địa phương quan tâm, giải quyết. Vì vậy, chỉ trong một năm, doanh nghiệp đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng và bắt tay vào xây dựng các hạng mục khách sạn, phục vụ nghỉ dưỡng…”.
Đến nay, được sự ủng hộ, đồng hành của chính quyền địa phương, công ty đã xây dựng được tổ hợp khách sản, nghỉ dưỡng với tổng số phòng là 2.000 phòng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 300 lao động địa phương có thu nhập ổn định, đóng góp vào ngân sách hàng tỷ đồng tiền thuế mỗi năm.
Ông Thảo chia sẻ thêm: “Ngoài nội lực của nhà đầu tư, trong những năm qua, kiến nghị của nhà đầu tư luôn được địa phương quan tâm giải quyết nhanh gọn thông qua đối thoại, tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, giúp chúng tôi yên tâm đầu tư lâu dài trên mảnh đất quê hương”.
Từ năm 2012, Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến chính thức đi vào hoạt động, với nguồn vốn được huy động lên tới hàng tỷ đồng được đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng, đường sá, khách sạn, nhà hàng, các khu dịch vụ nghỉ dưỡng hiện đại...
Ban đầu, Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến mới chỉ có hơn 450 phòng nghỉ, thu hút trên 50.000 du khách về nghỉ dưỡng. Đến nay, toàn khu du lịch đã có gần 6.000 phòng nghỉ sang trọng, số lượng khách tham quan và nghỉ dưỡng ngày càng tăng.
Đặc biệt, Khu di lịch biển Hải Tiến đang được huyện quy hoạch mở rộng từ 590ha lên 2.600ha và thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm năng vào đầu tư như Tập đoàn Flamingo đang xúc tiến đầu tư với quy mô diện tích lên tới trên 1.300ha tại Khu du lịch Hải Tiến.
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Hoằng Hóa cho hay, cú hích lớn nhất thu hút đầu tư ở huyện đó là việc Hội đồng nhân dân huyện ra Nghị quyết chuyên đề trong đó có việc giám sát dự án đầu tư Khu du lịch Hải Tiến. Điều này đã biến Hoằng Hóa thành một đại công trường.
"Đặc biệt, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu rõ các chính sách về thu hút đầu tư, phát triển du lịch biển Hải Tiến. Nhờ đó, chỉ trong vòng 4 tháng, tuyến đường gần 10km từ ngã tư Gòng đi Hải Tiến đã hoàn thành chỉ trong 4 tháng, giải tỏa hơn 500 hộ dân mà không phải cưỡng chế một hộ nào.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trú trọng đảm bảo an ninh, trật tự, đối thoại với doanh nghiệp và người dân để giải quyết khó khăn về giải phóng mặt bằng và coi đây là vấn đề quan trọng trong thu hút đầu tư của huyện. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư, góp phần đưa di lịch huyện kết nối với bản đồ du lịch của cả nước", ông Tuấn cho hay.
Vị Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy nhấn mạnh, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án, trong đó có việc tạo điều kiện tốt nhất, nhanh nhất về thủ tục, giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư yên tâm đầu tư.
CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH
Không chỉ ở huyện Hoằng Hóa, việc xác định việc đối thoại với doanh nghiệp để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng, thu hút đầu tư nói chung được coi là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Thanh Hóa. Do đó, từ năm 2017 đến nay, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã định kỳ tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp để sẵn sàng lắng nghe, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đặc biệt là đất đai, giải phóng mặt bằng.
Trên cơ sở tiếp nhận phản hồi của doanh nghiệp, tỉnh đã thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư kinh doanh.
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa đánh giá: “Các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp hầu hết được quan tâm chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Đây là động lực tốt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc triển khai dự án đầu tư. Có những trường hợp nhà đầu tư còn lúng túng về thủ tục hành chính nhưng chỉ bằng 1 cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp, mọi thứ đã được giải quyết nhanh gọn.
Nhờ đó, trong những năm qua môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa được cải thiện rõ nét trong việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI)”, ông Hiệu nói.
Không chỉ đối thoại, lắng nghe và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị Quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là điểm tiên quyết trong việc thu hút đầu tư. Cụ thể, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Chương trình, kế hoạch hành động về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa (Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 4/4/2017 của UBND tỉnh); các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020,..
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tiêu biểu như đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện từ tháng 11/2017; Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ tiếp xúc doanh nghiệp vào ngày 21 hằng tháng; Bí thư Tỉnh ủy định kỳ tiếp dân vào ngày 20 hàng tháng để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có hỗ trợ cho các doanh nghiệp; công khai, minh bạch thông tin trên nhiều kênh, từ website, phương tiện thông tin đại chúng, đến ngay tại trụ sở làm việc của các sở, ban ngành...
Tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa chủ trương thu hút đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Thanh Hóa trở thành đầu mối trợ giúp phát triển doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ông Phạm Đức Trí, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Thanh Hóa cho hay: "Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết”, đó là: Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư. Khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm, tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương”. Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện “Ba cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; Cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; Cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND Thanh Hóa cũng tập trung chỉ đạo nhằm tạo dấu ấn nổi bật về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trong công tác xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng luôn chủ động gặp gỡ, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư tiềm năng để giới thiệu cơ hội, xúc tiến đầu tư vào tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và Trung tâm xúc tiến đầu tư, Thương mại và du lịch tỉnh trong công tác xúc tiến và hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng nhịp nhàng...", ông Trí nói.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên đã giúp tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư với lượng vốn lớn. Từ năm 2016 đến nay tỉnh đã thu hút được 908 dự án đầu tư trực tiếp (53 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 94.404 tỷ đồng và 3.305 triệu USD; đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt 610 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ước tính giảm từ 3,6% xuống 3,1%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2,56%.
Điều này đã góp phần nâng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 12,5% vượt mục tiêu Đại hội (12%), gấp 1,54 lần so với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015.
Riêng quy mô GRDP của tỉnh Thanh Hóa năm 2020 ước đạt 133.816 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.670 USD, gấp 1,9 lần năm 2015.
Những thành tựu đã đạt được không chỉ là kết quả của tinh thần lao động bền bỉ, sáng tạo của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; ý thức trách nhiệm và sự kiên trì, quyết liệt theo đuổi những mục tiêu đã lựa chọn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; mà còn là sự kết tinh truyền thống hào hùng của ông cha đã được hun đúc qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử. Mỗi thành tựu và niềm tự hào mà Thanh Hóa có được hôm nay đều in đậm dấu ấn lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội; sự quan tâm thường xuyên của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh thành bạn. Tại diễn đàn trọng thể này, tôi xin trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những tình cảm cao quý và sự giúp đỡ to lớn đó.
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa phát biểu trong Lễ kỷ niệm "990 năm Thanh Hóa".
Bài 2: Thần tốc Nghi Sơn, cất cánh Sao Vàng