Aa

Dự án khu vui chơi giải trí và thể thao ở Thanh Hóa bị "biến tướng"

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Bảy, 19/09/2020 - 06:30

Dự án khu vui chơi, giải trí và thể thao tại thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) “biến tướng”, sử dụng sai mục đích.

Pháp luật quy định ra sao về việc sử dụng đất không đúng mục đích?

Trong thực tế, không ít các các công trình được đầu tư với số tiền lớn, nhưng không được sử dụng đúng mục đích sử dụng đất, công năng của công trình xây dựng như ban đầu gây ra nhiều hệ lụy trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và đất đai. 

Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:

"1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm".

Đồng thời, theo quy định tại Điều 77 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:

“1. Cảnh cáo.

2. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng.

3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b và điểm đ khoản 3 Điều 3 Nghị định này.”

Quy định là như vậy, tuy nhiên, không ít chủ đầu tư dự án phớt lờ quy định, sử dụng đất sai mục đích, sai công năng công trình xây dựng khiến nhiều người dân bức xúc. 

Cần làm rõ dấu hiệu vi phạm

Năm 2016, bà Lường Thị Vóc, có hộ khẩu thường trú tại thôn 2 xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) được UBND huyện Hoằng Hóa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất số 244, tờ bản đồ số 4, bản đồ địa chính số thị trấn Bút Sơn (mặt bằng quy hoạch số 91/MBQH-UBND ngày 20/06/2016 của UBND huyện Hoằng Hóa) với diện tích là 9.797,7m2 vào mục đích sử dụng đất khu vui chơi, giải trí công cộng, thời gian sử dụng 50 năm, nhà nước thu tiền sử dụng đất hàng năm.

Mặt bằng quy hoạch Dự án khu vui chơi, giải trí và thể thao Tuấn Linh được Phòng Kinh tế và Hạ tầng UBND huyện Hoằng Hóa thẩm định.

Năm 2018, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cấp phép xây dựng số 7401/GPXD cho hộ kinh doanh cá thể bà Lường Thị Vóc, đại diện Chủ đầu tư là bà Lường Thị Vóc với chức danh Chủ hộ.

Theo giấy phép xây dựng này, Chủ đầu tư được phép xây dựng các công trình thuộc dự án: Khu vui chơi, giải trí và thể thao Tuấn Linh tại thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được Phòng Kinh tế và Hạ tầng UBND huyện Hoằng Hóa thẩm định (kèm theo Văn bản số 459TB-KT&HT ngày 26/10/2018 về việc thông bảo kết quả thấm định Báo cáo Kinh tế kỹ thuật các công trình thuộc dự án Khu vui chơi, giải trí và thể thao Tuấn Linh).

Mục tiêu đầu tư dự án là xây dựng Khu vui chơi, giải trí và thể thao tạo nên một khu vui chơi thể thao giải trí đồng bộ, lành mạnh, góp phần rèn luyện thể chất và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

Chủ đầu tư đã biến khu ki-ốt phục vụ cho thể thao (10 ki-ốt liền kề) thành quán trà chanh, ngân hàng, trung tâm ngoại ngữ,...

Giấy phép xây dựng nêu rõ Chủ đầu tư được phép xây dựng: Nhà tập thể hình, ký túc xá vận động viên với diện tích xây dựng tầng 1: 774,98m2, tổng diện tích sàn là 2.521,4m2 cao 3 tầng và 1 tum; nhà điều hành có diện tích xây dựng tầng 1 là 384,08m2, tổng diện tích sàn là 1.284,08m2 cao 3 tầng; khu ki-ốt phục vụ cho thể thao bao gồm 10 ki-ốt liền kề nhau có tổng diện tích xây dựng tầng 1 là 771,87m2, tổng diện tích sàn là 3.416,35m2 cao 3 tầng và tầng áp mái.

Tuy nhiên, sau khi được triển khai và dần hoàn thiện xây dựng, dự án Khu vui chơi, giải trí và thể thao Tuấn Linh lại bị chủ đầu tư "hoá phép" thành ki-ốt, gian hàng cho các cá nhân, tập thể thuê để kinh doanh buôn bán hàng hoá.

Quan sát thực tế cho thấy, tại khu ki-ốt phục vụ cho thể thao (10 ki-ốt liền kề) đã bị chủ đầu tư cho thuê làm quán trà chanh, ngân hàng, trung tâm ngoại ngữ,... Còn nhà điều hành 3 tầng đã được chủ đầu tư cho doanh nghiệp khác thuê lại làm nhà sách...

Nhà điều hành 3 tầng đã được chủ đầu tư cho doanh nghiệp khác thuê lại làm nhà sách

Theo đánh giá của nhiều sàn bất động sản cũng như người dân huyện Hoằng Hóa thì khu đất mà bà Lường Thị Vóc được huyện giao để xây dựng khu vui chơi, giải trí và thể thao Tuấn Linh có vị trí đắc địa, nằm ngay trung tâm huyện, có giá trị rất lớn.

Khu ki-ốt phục vụ cho thể thao (10 ki-ốt liền kề) thành quán trà chanh,...

Một người dân sống tại thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) bức xúc: "Người dân chúng tôi hy vọng dự án khi xây dựng lên sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt của thị trấn, đồng thời, tạo điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho người dân trong huyện, nào ngờ dự án vui chơi, thể thao chẳng thấy đâu mà lại hình thành một khu thương mại, biệt thự hoành tráng như vậy".

Nhiều người dân thị trấn Bút Sơn cho biết: Khu vui chơi giải trí và thể thao chẳng thấy đâu mà chỉ thấy xuất hiện tòa lâu đài mọc lên tráng lệ chẳng khác gì khu thương mại cao cấp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Bút Sơn cho biết: "Theo quy hoạch của huyện Hoằng Hóa thì khu đất này được quy hoạch làm khu vui chơi, giải trí và thể thao. 

Năm 2016, huyện Hoằng Hóa cấp trích lục cho bà Lường Thị Vóc để xây dựng dự án Khu vui chơi, giải trí và thể thao Tuấn Linh. Dự án đến nay đã xây dựng cơ bản hoàn thành, việc chủ đầu tư đưa những ki-ốt phục vụ thể thao cho doanh nghiệp khác thuê lại làm điểm giao dịch ngân hàng, trung tâm ngoại ngữ, nhà sách đúng hay sai thì thị trấn cũng không rõ vì hồ sơ dự án chúng tôi không được nắm".

Còn theo đại diện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hoằng Hóa: "Đây là dự án điểm của huyện, hiện doanh nghiệp đang gấp rút thi công hoàn thành các hạng mục còn lại để đưa công trình trở thành công trình kiểu mẫu, hướng đến ngày huyện đón nhận danh hiệu Huyện nông thôn mới".

Khi phóng viên đề nghị tiếp cận hồ sơ dự án này thì đại diện Phòng kinh tế và Hạ tầng huyện Hoằng Hóa lại cho rằng: "Việc cấp phép xây dựng của dự án là do Sở Xây dựng cấp phép nên huyện cũng không nắm rõ, chúng tôi sẽ liên hệ với Sở Xây dựng để nắm lại hồ sơ của dự án".

Từ thực tế trên cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc, làm rõ dấu vi phạm trong việc sử dụng đất, công năng công trình xây dựng dự án nêu trên. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đặc biệt là việc sử dụng đất, công trình sai mục đích, công năng.

Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan (nếu có), sớm có phương án xử lý, nhằm ngăn chặn tình trạng "biến tướng" mục đích sử dụng của các công trình xây dựng, đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, đúng quy định.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư hành phố Hà Nội: "Với việc tự ý sử dụng đất dự án để làm khu vui chơi, thể thao, giải trí công cộng để cho thuê nhằm mục đích thương mại đem lại nguồn thu lợi bất chính rất lớn rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật. Vụ việc xảy ra vào thời điểm trước ngày 05/01/2020 vì vậy sẽ áp dụng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chỉnh phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Cụ thể có thể áp dụng khoản 2, khoản 3 Điều 9 Nghị định 102/2014/NĐ-CP để xử phạt về hành vi tự ý chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Mức xử phạt tối đa đối với hành vi phạm pháp này theo quy định trên sẽ là 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất về khu vui chơi, thể thao, giải trí cộng cộng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm này.

Có thể thấy mức xử phạt đối với việc tự ý chuyển mục đích sang kinh doanh thương mại, dịch vụ là quá thấp, chưa đủ sức răn đe.

Thậm chí đối với Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 05/01/2020 thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP nêu trên thì mức xử phạt đối hành vi này cũng chỉ là tối đa 500.000.000 đồng đối với cá nhân và 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức thì vẫn là quá nhẹ. Bởi những hành vi này thường diễn ra trong thời gian dài, đem lại nguồn thu bất chính rất lớn rồi mới bị phát hiện và xử lý thì rõ ràng chủ đầu tư có thể bất chấp thực hiện rồi sau đó đóng phạt là xong".

Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Cũng theo luật sư Trần Tuấn Anh: "Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm thực hiện chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với dự án trên thì mới được phép tiếp tục thực hiện dự án.

Về phía các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước về đất đai thì theo quy định tại Điều 208 Luật Đất đai 2013 thì Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời việc sử dụng đất không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng đúng với mục đích ban đầu.

Như vậy, trách nhiệm đối với những cơ quan quản lý nhà nước đã được quy định rõ, trong trường hợp này, những cá nhân, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể triệu tập cá nhân có hành vi vi phạm để làm việc, lập biên bản để phạt cảnh cáo, phạt tiền, buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Thậm chí, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp cá nhân vi phạm đã bị xử phạt hành chính rồi mà còn tiếp tục thực hiện hành vi này thì hoàn toàn có thể bị thu hồi đất theo khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013.

Tuy nhiên, theo như PV phản ánh thì thậm chí UBND cấp huyện còn trả lời là không nắm rõ việc cấp phép xây dựng dự án, đồng thời đùn đẩy trách nhiệm thì rõ ràng những cơ quan, đơn vị này còn có dấu hiệu bao che, khiến cho những hành vi tự ý chuyển mục đích trái phép được tiếp tục tồn tại.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất về khu vui chơi, thể thao, giải trí cộng cộng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm này", vị luật sư cho hay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top