Aa

Bài 1: Lật mặt nạ chủ đầu tư "chót lưỡi đầu môi"

Thứ Tư, 13/06/2018 - 06:01

Có lẽ chưa có thời điểm nào lại ghi nhận sự phát triển nhanh chóng như “vũ bão” của ngành bất động sản nói chung và các dự án bất động sản chung cư nói riêng như hiện nay. Thế nhưng, dường như sự phát triển ấy đang trở nên thụt lùi và kém “sang” khi mà nhiều dự án chung cư tồn tại thực trạng bỏ hoang, quây tôn cùng sự “méo mó”, thiếu đồng bộ trong quy hoạch.

"Thổi" tận “mây xanh”

Câu chuyện “sai phạm” của các dự án chung cư đã được mang ra để bàn luận và “mổ xẻ” quá nhiều. Nhưng dường như càng lên tiếng thì càng có nhiều điều để nói hơn.

Một loạt các dự án chung cư sai phạm thời gian vừa qua đã chứng minh cho sự thiếu trung thực của nhiều chủ đầu tư danh tiếng, tầm cỡ trên thương trường. Vẫn là những lời quảng cáo dự án vô cùng hoa mỹ, những hứa hẹn vô cùng tươi đẹp nhưng khi càng tiến sát đến bước hoàn thiện, thì thực tế “phũ phàng” lại hiện ra càng rõ, cho thấy dự án chung cư ấy không hề giống như cam kết trước đó của chủ đầu tư. Lý thuyết rất hay, nhưng cho tới khi được đưa vào thực tiễn lại thành ra không có giá trị.

Dường như, sự hứa hẹn thật nhiều luôn là linh hồn của quảng cáo khi chủ đầu tư cứ phải nâng tầm dự án của mình lên tận “mây xanh” trước. Nhưng chắc họ cũng quên mất rằng, tài sản giá trị nhất của công ty mình chính là cách mà khách hàng biết đến và cảm nhận. Mặc dù kinh doanh là con đường sinh lợi đi chăng nữa, thì lý tưởng của kinh doanh vẫn luôn phải xoay vòng, hướng thẳng tới chữ “tín”.

Dự án CT4 Vimeco không hề có hệ thống cây xanh tại các sảnh như Chủ đầu tư cam kết trước đó (Ảnh: Đỗ Linh)

Dự án CT4 Vimeco không hề có hệ thống cây xanh tại các sảnh như chủ đầu tư cam kết trước đó. Ảnh: Đỗ Linh

Quả thật không “ngoa” khi nói hành trình của sông đổ ra biển cũng không thể nhanh như hành trình của con người đến với sai lầm. Một lần nữa, chúng ta lại phải nhắc lại về những điều không mấy “hay ho” này.

Dự án Usilk City (Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long) không có hệ thống PCCC; Dự án The Pride Hải Phát (Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát) liên tục gặp sự cố thang máy rơi; Dự án CT4 Vimeco (Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Vimeco) không có hệ thống cây xanh dọc các sảnh; Dự án Riverside Garden (Chủ đầu tư: Công ty Cồ phần Xây dựng Videc) chưa hoàn thiện đã cho dân vào ở… Tất cả những điều đó, không chỉ xảy ra ở những dự án trên mà còn xảy ra ở nhiều dự án khác.

Dự án Riverside Garden chưa hoàn thiện về hệ thống PCCC đã cho cư dân vào ở (Ảnh: Đỗ Linh)

Dự án Riverside Garden chưa hoàn thiện về hệ thống PCCC đã cho cư dân vào ở. Ảnh: Đỗ Linh

Thực trạng khi cư dân được bàn giao nhà và phát hiện ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư liên tục diễn ra. Nhiều bộ phận trong chính căn nhà hoặc toàn bộ tòa nhà đều không hề giống như trong bản thiết kế trước đó chủ đầu tư cam kết. Liệu rằng, chủ đầu tư cố tình cho xây dựng sai nguyên bản, hay không giám sát chặt chẽ đơn vị thi công của mình dẫn đến sai sót? Dù cho như thế nào đi chăng nữa, trách nhiệm vẫn quy về một mối - chủ đầu tư.

Vạch ra rồi… “chết lâm sàng”!

Thực trạng nhiều dự án chung cư đang xây dang dở, bị “bỏ hoang”, quây tôn nhiều năm trời cũng chính là một trong những lý do khiến cho quy hoạch của bất động sản chung cư trở nên “méo mó” và “thô kệch”. Nằm “chết lâm sàng” trong sự ngổn ngang, han gỉ của vật liệu, um tùm của cỏ hoang, những dự án chung cư ấy không chỉ gây lãng phí tiền của của xã hội, gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự.

Bên cạnh việc có rất nhiều người chật vật, nhọc nhằn nhưng vẫn không mua nổi căn nhà ưng ý, thì trên địa bàn Thủ đô, hàng nghìn căn biệt thự cùng chung cư lại bị bỏ hoang, “đắp chiếu”. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng ngàn tỷ đồng bị cũng đóng băng, không được lưu thông trên thị trường. Các chủ đầu tư cứ cho xây dựng “dở dang” rồi đột ngột ngừng thi công và cứ việc “để đó” trong sự khó hiểu, quan ngại của người dân.

Dự án Usilk City bị

Dự án Usilk City bị "bỏ hoang" và ngừng trệ nhiều năm. Ảnh: Đỗ Linh

Phải chăng, chủ đầu tư đã có phần vội vàng trong quá trình bắt nhịp quy hoạch đô thị và gặp khó khăn, trục trặc trong công tác quản lý, giám sát đơn vị thi công, vận hành. Những hệ lụy không tốt đẹp về sau cứ theo đó tất yếu mà xảy ra?

Đa số những dự án bất động sản bị bỏ hoang, “im lìm” nhiều năm trời đều nằm trong định hướng quy hoạch của việc phát triển đô thị tại Hà Nội. Trên thực tế, chúng ta đều có thể nhận thấy rõ ràng nhiều dự án được xây dựng trên các “mảnh đất vàng”, có vị trí chiến lược, giao thông thuận lợi. Nhưng để tìm ra câu trả lời cho việc tại sao vẫn bị bỏ hoang thì thật sự chẳng hề dễ dàng.

Dự án Usilk City, Khu đô thị Văn Khê – Hà Đông (Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long), Khu đô thị Văn Quán (Chủ đầu tư: Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD),... Những cái tên vừa được “xướng lên” đều là những dự án mà khi vừa mới được cho ra mắt, mọi người đã đặt hy vọng vào đấy rất nhiều bởi sự hứa hẹn cũng như cam kết vô cùng hoa mỹ của chủ đầu tư về tính tiềm năng và đẳng cấp vượt trội. Không một ai có thể tưởng tượng được rằng, trong tương lai gần, những dự án đấy nhanh chóng bị “đắp chiếu” khi còn chưa trở thành hình hài cụ thể.

Vì đâu quy hoạch “chắp vá”?

Thực trạng thiếu đồng bộ, “méo mó”, “lệch lạc” của hàng loạt những dự án bất động sản đang từng ngày phá vỡ quy hoạch của thành phố. Điều bất cập này cứ thế gia tăng, nhiều năm qua, người ta vẫn còn nhìn thấy rất nhiều dự án sai phạm nhưng chưa được xử lý triệt để. Kinh doanh chỉ tạo ra tiền bạc mà không gắn liền với nhân văn chỉ là thứ kinh doanh “nghèo nàn”. Những doanh nhân kinh doanh tốt khi xác định rõ tầm nhìn. Nhưng chắc có lẽ hiện nay, không nhiều chủ đầu tư có thể thấm nhuần “chân lý” đó khi mà những dự án của họ ra đời một cách thiếu chuyên nghiệp, “chắp vá” và tồn tại nhiều sai phạm.

Cũng thật khó lý giải khi nhiều dự án sai phạm, bỏ hoang vẫn chưa được đưa ra để giải quyết triệt để. Phải chăng, phía sau tất cả thực trạng đó là sự “hậu thuẫn” của chính quyền? Đâu có khó để thấy rõ được những “hạt sạn” trong quy hoạch đô thị của thành phố, nhưng không, mọi sự sai phạm vẫn nghiễm nhiên được “phê chuẩn” và tọa lạc nhiều năm dù có làm quy hoạch “méo mó” và không đồng bộ.

Bởi vậy, để quy hoạch đô thị nói riêng cũng như thị trường bất động sản từng bước phát triển theo ý muốn và chiến lược cũng như đảm bảo theo hướng phát triển của Chính phủ thì các cơ quan chức năng cần phải “gấp gáp” hơn nữa trong khâu thanh tra làm rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền, liên quan, trực tiếp ký điều chỉnh quy hoạch xây dựng nhà ở trong nội thị. Đồng thời, cần làm rõ và truy cứu trách nhiệm của những người có liên quan.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top