Aa

Bài 1: Những câu hỏi từ "siêu dự án" nhà ở xã hội 5.300 tỷ đồng ở Đông Anh

Diệu Hiền
Diệu Hiền dieuhien2512@gmail.com
Thứ Năm, 13/02/2020 - 11:30

Hà Nội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chỉ định liên danh Viglacera - Hoàng Thành làm chủ đầu tư “siêu dự án” nhà ở xã hội 5.300 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, còn khá nhiều vấn đề đặt ra xung quanh dự án này.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản lấy ý kiến các cơ quan chức năng về việc giao chủ đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư dự án thí điểm Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội gửi Thủ tướng tháng 11/2019, dự án có tổng diện tích 42,6ha gồm các hạng mục chính: đất nhà ở xã hội, đất kinh doanh thương mại, đất công trình trường mầm non, nhà văn hóa, công trình thương mại, dịch vụ công cộng của TP và khu vực… Quy mô dân số của dự án khoảng 12.465 người.

Trong đó, các công trình nhà ở xã hội có tổng diện tích khoảng 13,1ha đất (chiếm khoảng 80% tổng diện tích đất ở tại dự án); 3,3 ha sẽ được dùng để xây dựng các công trình nhà ở kinh doanh thương mại (chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất ở tại dự án).

Sau khi hoàn thành, dự án cung cấp cho thị trường 3.611 căn nhà ở, trong đó có 3.089 căn hộ chung cư nhà ở xã hội, 423 căn hộ chung cư kinh doanh thương mại và 99 căn nhà ở liền kề thấp tầng kinh doanh thương mại.

Theo văn bản của UBND TP. Hà Nội, liên danh Tổng Công ty Viglacera - CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành đã đề xuất Thành phố giao làm chủ đầu tư dự án với nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước. Theo tính toán, tổng mức đầu tư dự án là hơn 5.351 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư là khoảng 1.284 tỷ đồng (tương đương khoảng 24% tổng mức đầu tư của dự án).

Trong 1.284 tỷ đồng của nhà đầu tư, mức đóng góp của Viglacera là 48,3%, còn CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành là 51,7%. Thời gian thực hiện dự án từ quý II/2018 đến quý IV/2025. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

UBND TP. Hà Nội đánh giá đề xuất của nhà đầu tư cơ bản đáp ứng các quy định và đảm bảo hiệu quả về tài chính, đảm bảo lợi nhuận của chủ đầu tư và có tính khả thi. UBND TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép UBND Thành phố được chỉ định liên danh nhà đầu tư Tổng công ty Viglacera - CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành làm chủ đầu tư thực hiện dự án.

Mặc dù các bộ, ngành chưa có ý kiến cụ thể về Dự án nhưng theo các chuyên gia, còn khá nhiều vấn đề đặt ra xung quanh Dự án này.

Trước hết, Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng) nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.

Với dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất lớn 13ha nhưng có tới 3,3 ha sẽ được dùng để xây dựng các công trình nhà ở kinh doanh thương mại (chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất ở tại dự án), đây là một "vấn đề" rất nhạy cảm ở các dự án nhà ở xã hội, bởi lẽ: theo các chuyên gia thì các cơ quan quản lý cần phải có những cảnh báo và phương án giám sát để doanh nghiệp thực hiện đúng tỷ lệ này. Tránh việc như ở một số những dự án nhà ở xã hội khác việc giám sát quản lý không chặt chẽ dẫn đến các đơn vị doanh nghiệp đã xây dựng và sử dụng vượt quá 20% tổng diện tích được dùng để xây dựng các công trình nhà ở kinh doanh thương mại.

Ảnh minh họa

Đặc biệt, vướng mắc lớn nhất hiện nay là hiện chưa có cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội. Và đối với một "siêu dự án" nhà ở xã hội như thế này thì việc quyết định chỉ định chủ đầu tư hay là đưa ra đấu thầu dự án cũng là một vấn đề được các chuyên gia đặc biệt quan tâm. 

Hiện nay có nhiều khu đất sạch do Nhà nước quản lý đã được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhưng chưa thể triển khai thực hiện do bị “ách tắc” trong công tác đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án. Nguyên nhân là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa quy định cụ thể về tiêu chí đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Do đó, đề nghị nêu trên của UBND TP. Hà Nội khiến các chuyên gia lo ngại về căn cứ pháp lý, nhất là kiến nghị chỉ định nhà đầu tư. Điều này khiến dư luận nhớ tới dự án cảng hàng không sân bay Long Thành từng được Bộ GTVT và Chính phủ kiến nghị chỉ định thầu cho Tổng công ty hàng không Việt Nam nhưng sau đó Quốc hội đã không quyết định việc chỉ định thầu mà đó là thẩm quyền của Chính phủ. Còn các chuyên gia kinh tế thì có nhiều ý kiến phản đối.

PGS.TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam, lập luận: Dự án lớn, quan trọng như vậy nên đấu thầu, nhưng phải có cơ chế để loại bỏ những nhà đầu tư kém chất lượng.

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Tuấn Minh nói thẳng: Dự án nào đưa ra đấu thầu thì cũng tốt hơn, tất nhiên nếu đấu thầu thực sự.

Bên cạnh đó dư luận cũng băn khoăn về năng lực của nhà đầu tư. Năm 2015, công ty Hoàng Thành khi triển khai dự án tại khu đô thị Mỗ Lao. Theo kết quả thanh tra, điều đáng chú ý là dự án này đã được điều chỉnh lại quy hoạch, được nâng lên tới gần 10 tầng cao và tăng thêm tới 340 căn hộ và công ty còn có nhiều sai phạm về nghĩa vụ tài chính.

Năm 2016, Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành từng bị Uỷ ban chứng khoán Nhà nước phạt 70 triệu đồng.

Trong khi chờ đợi các bộ, ngành cho ý kiến cụ thể, vấn đề trước mắt cần làm rõ là đề nghị Chính phủ cho phép chỉ định thầu chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội có đúng quy định của pháp luật hiện hành không rất cần được làm sáng tỏ.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top