Lời tòa soạn:
An Vân Dương là khu đô thị mới được quy hoạch vào năm 2005, sớm và lớn nhất ở xứ Huế. Khu đô thị nằm ở phía Đông TP. Huế, hình thành trên địa giới hành chính của TP. Huế, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Sau 16 năm xây dựng, hiện khu đô thị (KĐT) này bộc lộ một số hạn chế, trong đó nan giải nhất là vấn đề chống ngập lụt. Không phải bây giờ câu chuyện thoát lũ cho Khu đô thị mới (ĐTM) An Vân Dương mới được đặt ra mà từ hơn 15 năm trước, khi thiết kế, quy hoạch ĐTM này các kiến trúc sư, nhà quy hoạch đã đặt ra những giải pháp căn cơ, tuy nhiên do sự đầu tư thiếu đồng bộ, một số bất cập trong đầu tư xây dựng đã khiến Khu ĐTM An Vân Dương nảy sinh nhiều hệ lụy.
Đứt khúc thế trận “bàn tay xòe”?
Theo Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị (thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) Khu đô thị mới (ĐTM) An Vân Dương được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chung (tỷ lệ 1/5000) tại Quyết định số 1577/QĐ-UB ngày 9/5/2005 với ý tưởng xây dựng nên một khu đô thị sinh thái trên cơ sở khai thác các hệ thống mặt nước hiện có trong khu vực kết hợp với các giải pháp kỹ thuật đô thị, đặc biệt là giải pháp thoát nước tự nhiên trên nền địa hình hiện hữu. Các nhánh sông Phát Lát, An Cựu, Như Ý, Phổ Lợi và kênh nhân tạo trong Khu ĐTM An Vân Dương sẽ nối thông với sông Hương theo thế bàn tay xòe.
Các nhánh sông này được khơi thông và kết nối với hệ thống các tuyến kênh mương mở rộng và hồ cảnh quan kết hợp chức năng thoát nước tự nhiên để tạo ra một mô hình “Đô thị sinh thái mặt nước”. Cùng với đó căn cứ vào mực nước lũ hằng năm, nhà chức trách đã quy hoạch chung Khu ĐTM An Vân Dương chọn cao độ nền xây dựng khu đô thị theo hướng dốc thấp dần từ Tây sang Đông, từ Nam lên phía Bắc để đảm bảo lũ tràn qua không bị ảnh hưởng đến dòng chảy thoát lũ, đồng thời không bị ngập úng với mức nước lũ lụt hàng năm.
Những kế hoạch này rõ ràng mang lại những giải pháp cho vấn đề thoát lũ cho Khu ĐTM An Vân Dương, nhưng thực tế tình trạng ngập nặng, chậm rút vẫn diễn ra trong những trận lũ những năm gần đây. Ngập lụt không chỉ ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản người dân mà còn đe dọa sự chống chịu của những công trình chiến lược của tỉnh, trong đó bao gồm khu hành chính tập trung cùng hàng loạt cơ quan công sở, trung tâm dịch vụ thương mại, các công trình dự án bất động sản đã và đang được đầu tư xây dựng như Khu đô thị Phú Mỹ An, Khu đô thị Mỹ Thượng, Khu phức hợp Thủy Vân…
Thực tế các đợt lũ cuối năm 2020 cho thấy các tuyến giao thông quan trọng trong Khu ĐTM An Vân Dương như đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, đường Hoàng Quốc Việt, đường Thủy Dương nối dài Thuận An đều bị chia cắt, thế trận “bàn tay xòe” không thể phát huy để thoát lũ. Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy qua hơn 10 năm thực hiện theo quy hoạch, hiện nay một số tuyến đường trục chính tại Khu ĐTM An Vân Dương đã được đầu tư, một số khu dân cư đã hình thành theo quy hoạch cũ đã được phê duyệt. Đối với Khu A (thực hiện theo quy hoạch cũ được phê duyệt tại Quyết định số 2636/QĐ-UBND ngày 27/11/2007 của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế) có đường Võ Nguyên Giáp (100m) có cao độ hiện trạng từ +2,10 đến khoảng +2,20m; đường Tố Hữu (60m) có cao độ hiện trạng từ +1,95 đến khoảng +2,20m; đường Văn Tiến Dũng (56m) có cao độ hiện trạng khoảng +2,10m; đường Hoàng Quốc Việt (26m) có cao độ hiện trạng từ +1,95 đến khoảng +2,10m; đường Hoàng Lanh (26m) có cao độ hiện trạng từ +2,20 đến khoảng +2,25m. Đối với Khu B (thực hiện theo quy hoạch chi tiết đã duyệt tại Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 22/1/2009 của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế) có đường mặt cắt 100m có cao độ hiện trạng khoảng +2.00, đường mặt cắt 60m có cao độ hiện trạng từ + 2,00 đến khoảng +2,10m. Đối với Khu C (thực hiện theo quy hoạch chi tiết đã duyệt tại Quyết định số 197/QĐ-UBND ngày 22/01/2009 của UBND tỉnh Thừa Thiên– Huế) có tỉnh lộ 10A có cao độ hiện trạng từ +2,05 đến khoảng +2,10m. Phần lớn các tuyến đường này đều bị ngập từ 0,7 – 1,1m trong đợt lũ lớn cuối tháng 10/2020. Vì thế nhu cầu nâng cao độ nền đường để “cứu” các tuyến giao thông huyết mạch trong Khu ĐTM này là cấp thiết.
Cần đảm bảo hài hòa để chống ngập cho các khu dân cư
Khi nâng cao độ các nền đường mới hình thành sau này so với làng mạc, khu phố đã có từ hàng trăm năm trước, vấn đề đảm bảo hài hòa thoát lũ đã được cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế tính đến. Theo Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên – Huế, việc nâng cao độ nền các tuyến đường sẽ tác động đến cao độ nền nhà hiện hữu của người dân và các dự án đã triển khai.
Qua khảo sát đánh giá, cao độ nền nhà (cốt nền nhà) của người dân trên địa bản Khu ĐTM An Vân Dương chia làm 3 nhóm. Nhóm 1 là cốt nền nhà khu dân cư mới hình thành bao gồm các khu đô thị mới của các nhà đầu tư, các khu tái định cư được khống chế ở mức > +45cm so với cốt nền trong khu vực dự án (dao động từ +2,50m đến +2,90m). Đặc biệt, cốt nền nhà các dãy nhà liền kề, biệt thự bám dọc theo các trục đường chính dự kiến điều chỉnh cao độ có những tác động nhất định về kiến trúc ngôi nhà đó là: Cao độ vỉa hè sau khi nâng nên tương ứng sẽ xấp xỉ cốt nền nhà và sẽ không còn hệ thống tam cấp. Nhóm 2 cốt nền các trụ sở cơ quan, trường học, các công trình công cộng khác khá cao và có độ lùi lớn hơn (dao động từ +0,70m đến + 2,0m) sẽ ít bị tác động hơn, tuy nhiên cần thiết phải có sự cải tạo đối với hệ thống sân vườn, cảnh quan trong khuôn viên. Nhóm 3 cốt nền nhà và cốt nền trong các khu dân cư hiện hữu hiện tại đang còn khá thấp (dao động từ +2,3m đến + 2,6m) nên việc nâng cao độ các trục đường chính bên ngoài sẽ làm cho tình trạng ngập úng cục bộ trong khu dân cư nghiêm trọng hơn nếu không có các giải pháp thoát nước mặt phù hợp.
Đáng chú ý, hiện nay, đối với hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn Khu ĐTM An Vân Dương đều được đầu tư theo trục đường giao thông và cơ bản phù hợp với quy hoạch trước khi điều chỉnh. Ngoài hệ thống thu gom nước mặt đường thì các cống quy thoát nước băng đường bao gồm: Cống vuông, ly tâm, cống hộp, cầu bản hoặc cầu có khẩu độ lớn...) cơ bản đáp ứng khả năng thoát nước mưa và chưa có tính trạng ngập úng cục bộ ở mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc nâng cao độ các trục đường đặc biệt là các tuyến đường theo hướng Nam Bắc sẽ thay đổi phân chia lưu vực thoát nước, có thể vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống cầu cống hiện có nên dễ xảy ra khả năng ngập úng cục bộ. Bên cạnh đó, hệ thống kênh hở, hành lang thoát lũ theo hệ thống sông ngòi hiện có cũng sẽ có những tác động nhất định khi giải quyết bài toán thoát nước từ các khu đô thị (không bao giờ ngập) trong việc đấu nối hệ thống thoát nước từ khu đô thị ra với hệ thống sông ngòi hiện có.
Một vấn đề khác là việc nâng cao độ nền đường, sẽ tác động đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã và đang được đầu tư xây dựng. Cụ thể là hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong Khu ĐTM An Vân Dương đã và đang hình thành như: Cấp điện, điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh sẽ phải điều chỉnh hoàn toàn sau khi cao độ các trục đường liên quan được nâng lên. Điều này nảy sinh hệ lụy là hai gói thầu lớn đang thi công trong Khu ĐTM An Vân Dương là gói thầu số 25 (số hiệu HU-CW04 gồm: Công viên, cây xanh, quảng trường, khu hành chính tập trung) và gói thầu số 26 (số hiệu HU-CW05, thi công cây xanh, vỉa hè, thoát nước điện chiếu sáng các trục sinh thái) thuộc Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – Tiểu dự án Thừa Thiên – Huế ở trung tâm Khu ĐTM An Vân Dương vốn đã quá chậm tiến độ nay càng chậm hơn do phải điều chỉnh theo.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với PV Reatimes, ông Lê Văn Hoa, Giám đốc Công ty Cổ phần Thành Đạt (TP. Huế), nhà thầu thi công gói thầu số 26 cho biết, do chủ trương nâng cao độ nền một số tuyến đường của tỉnh tác động đến việc thi công gói thầu nên nhiều hạng mục công ty tạm dừng để điều chỉnh cho phù hợp. Khi nào việc cao độ nền tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp được nâng cao độ thì công ty sẽ điều chỉnh theo và thi công tiếp./.
Mời quý độc giả tiếp tục đón đọc Bài 3: Cấp tốc điều chỉnh quy hoạch trên Reatimes.vn