Aa

Vì sao phải bảo tồn và phát triển “Văn hóa Huế - Con người Huế”?

Thứ Tư, 22/09/2021 - 06:15

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển”, trên cơ sở xác định đây là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử...

Thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày 21/9 cho hay, cơ quan này vừa phê duyệt đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển” trên cơ sở xác định đây là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, ẩn chứa những giá trị tinh hoa văn hóa qua nhiều giai đoạn lịch sử... 

Thiên Thọ lăng, một trong những quần thể lăng tẩm của vua Gia Long và người thân được đánh giá là tuyệt tác về hòa quyện giữa thiên nhiên và kiến trúc (Ảnh: T.L)

Đề án được giao Hội Khoa học – lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện trong 36 tháng, từ tháng 9/2021 đến tháng 9/2024; kinh phí thực hiện từ ngân sách Nhà nước, nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.

Xứng tầm trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, bất cứ một quốc gia nào cũng có một nền văn hóa mang bản sắc riêng - những giá trị văn hóa sẽ là cơ sở vững chắc cho sự phát triển xã hội. Một trong những giá trị cốt yếu đó là vốn văn hóa truyền thống được kết tụ trong lịch sử của dân tộc. Với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa Huế - Con người Huế sẽ làm cho Thừa Thiên - Huế xứng tầm là Trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam. 

Tái hiện lễ Tết Nguyên đán trong Hoàng cung triều Nguyễn, một phương cách bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống xứ Huế (Ảnh: Đình Toàn)

Từ hơn 700 năm trước, Thừa Thiên - Huế đã là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Di sản văn hóa Huế là tài sản đặc biệt quý giá ẩn chứa những giá trị tinh hoa văn hóa qua nhiều giai đoạn lịch sử nối tiếp nhau. Đặc biệt trong thời kỳ Huế là trung tâm chính trị, văn hóa quan trọng của Việt Nam qua 3 thế kỷ, từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX. Tài sản đó thể hiện rõ sự kết tinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể qua, kiến trúc, âm nhạc, lễ nghi, ẩm thực, ngành nghề thủ công truyền thống... hòa quyện vào môi trường thiên nhiên để tạo nên một vùng đất đặc biệt; là nơi “Một điểm đến, Bảy di sản” khi có nhiều di tích và di sản cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt.  

Để phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế xứng tầm, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa hóa, lịch sử, tận dụng các lợi thế, tiềm năng, kết hợp hài hoà giữa di sản văn hoá, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, để vùng đất này bứt phá, ngày 10/12/2019 Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 54/NQ-TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó Bộ chính trị định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh; không chỉ là của riêng Thừa Thiên - Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước…

Ca Huế một loại hình nghệ thuật độc đáo đã và đang được nỗ lực bảo tồn (Ảnh Ý NHI)

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng việc xây dựng Đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển” là rất cần thiết để đáp ứng phục vụ kịp thời các chương trình, kế hoạch của tỉnh, đồng thời sẽ cung cấp các dữ liệu cần thiết để UBND tỉnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận các danh hiệu di sản văn hóa cấp quốc gia và quốc tế. Qua đề án cũng sẽ góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Thừa Thiên - Huế phát triển toàn diện, đảm bảo sự hài hòa, kế thừa, phát huy các yếu tố truyền thống, bản sắc dân tộc; tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến, hiện đại, khoa học; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, đảm bảo để văn hóa thúc đẩy các lĩnh vực phát triển, khẳng định vị thế của tỉnh Thừa Thiên - Huế xứng đáng là một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam; xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; hướng đến xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Làm rõ, bảo tồn những giá trị đặc trưng

Tháng 10/2009, trên Tạp chí Sông Hương số 188, nhà văn, dịch giả Bửu Ý từng có bài báo lý thú thu hút nhiều độc giả với tựa đề “Người Huế, anh là ai?”. Theo học giả nổi tiếng này, người Huế, trước hết, cố nhiên mang những nét tính của cộng đồng dân tộc. Bên cạnh, còn có những sắc thái do lịch sử, địa lý, khí hậu, phong thổ riêng của một vùng đất đắp bồi thêm giữa những truyền thống của dân tộc nói chung, Huế “đèo” thêm một số truyền thống riêng của một vùng đất lịch sử. Từ vấn đề phong thổ, di dời rồi đặt định kinh đô, kinh qua các thế núi sông, Huế mang tính chất phần nào đó của một vùng đất được dành riêng, được định sẵn.

Cảnh quan phong thổ cũng góp phần làm nên tính cách Huế, văn hóa Huế (Ảnh: Đình Toàn)
A6:

“Trong khi sông Hồng và sông Cửu Long đi vào địa lý và hiên ngang đi vào kinh tế, thì sông Hương êm đềm đi vào thơ nhạc”, nhà văn Bửu Ý viết và theo ông Huế mang nặng những truyền thống lịch sử và văn hoá. Vùng đất này là trọng điểm của phủ chúa trong một giai đoạn lịch sử dài năm, là lợi địa của một thế kỷ rưỡi vương triều và như vậy đã xây đắp những giá trị tập truyền, hình thành những nếp gấp trong suy nghĩ, đời sống, nhu cầu vật chất và tinh thần, phong cách ăn và mặc, nói năng, ứng xử. Các ông hoàng bà chúa, các đại gia, lớp khoa bảng, một thời được trọng vọng, nhưng đồng thời họ là những người sống xen lẫn với những lớp người khác để, một phần nào đó, được trọng vọng hơn và cùng một lúc, vô tình hay cố ý, gây một vài ảnh hưởng nào đó đến người khác, thí dụ trong phong cách sống hoặc là trong ngôn ngữ. Các vương tôn công tử, do giáo dục từ trong hoàng tộc hoặc từ trong gia đình, thể hiện một phong cách sống lắm lúc không thật sự tự nhiên mà phải luôn luôn “giữ kẽ”, nhất là khi ra mắt công chúng, phải giữ một vẻ bề ngoài phần nào xa cách, hay cao cách, tối thiểu là kín đáo, ung dung, không bộc trực, bộc phát, và ngay cả đến thời thất thế, sa cơ, vẫn “giấy rách phải giữ lấy lề”.

Đã 12 năm nhưng những vấn đề mà dịch giả Bửu Ý đặt ra trong khuôn khổ một bài báo hiện vẫn còn như tươi mới, nhất là vấn đề “Con người Huế”, đối tượng cần nghiên cứu vừa cụ thể, vừa trừu tượng, phổ quát. Theo đề án nói trên, sẽ có hai dự án được triển khai là dự án “Nghiên cứu giá trị văn hóa Huế” và dự án nghiên cứu “Đặc trưng con người Huế”. Về nghiên cứu các giá trị văn hóa Huế được ưu tiên thực hiện các chuyên đề tập trung nghiên cứu về các loại hình vật thể - phi vật thể, các chủ đề về kiến trúc, xây dựng, quy hoạch của Huế xưa và nay, các loại hình về ẩm thực, cung đình và dân gian, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống, đặc điểm về văn hoá cung đình, văn hoá dân gian, văn hoá đô thị, mỹ thuật Huế …

Đặc biệt, dự án nghiên cứu đặc trưng con người Huế được đánh giá là không hề dễ, khi mà đối tượng nghiên cứu vừa cụ thể vừa phổ quát, trừu tượng, tất nhiên là gồm cả những bóc tách những vấn đề thâm sâu, tế nhị. Theo đó đề án sẽ nghiên cứu về những giá trị văn hoá, con người Huế xưa và nay (truyền thống và hiện đại), những điều kiện hình thành tính cách, phong cách con người Huế, những tác động của điều kiện tự nhiên xã hội, những ưu điểm và nhược điểm. Con người Huế trong giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế… Các nội dung nghiên cứu cụ thể như bối cảnh lịch sử hình thành con người Huế; tác động của tự nhiên, thời đại, thể chế và giáo dục đối với con người Huế; văn hóa ứng xử của người Huế; những ưu điểm và hạn chế của con người Huế...

Huế đang thực hiện đề án xây dựng kinh đô Áo dài dựa trên những giá trị từ cổ xưa đến hiện đại (Ảnh: Đình Toàn)

Theo tìm hiểu của PV Reatimes, cùng với đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển”, Thành ủy Huế đã và đang chỉ đạo việc xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền, giáo dục về các giá trị văn hóa Huế đặc sắc để thực hành rộng rãi trong nhà trường và cộng đồng dân cư, là cơ sở để gìn giữ, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống và phong tục, tập quán văn hóa Huế. Để thực hiện công việc này Thành ủy đã mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về văn hóa Huế biên soạn và phản biện bộ tài liệu, gồm nhóm chuyên gia biên soạn bộ tài liệu bao gồm: Nhà nghiên cứu Huế nổi tiếng như nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh; nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa; TS. Trần Đình Hằng… Theo nhóm chuyên gia sẽ biên soạn tiến hành xây dựng đề cương chi tiết; kế hoạch, lộ trình biên soạn bộ tài liệu; sưu tầm tư liệu, tổ chức đúc kết, hệ thống hóa và biên soạn các chuẩn mực đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán Huế đặc sắc; lựa chọn, chuẩn hóa các giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xu thế phát triển của xã hội. Hiện các nhà nghiên cứu, cơ quan hữu trách đang cố gắng hoàn thiện bộ tài liệu trong năm nay; đồng thời, lấy ý kiến người dân qua các kênh truyền thông để có cách nhìn chuẩn xác hơn trước khi ban hành rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top