Aa

Bài 2: Chính quyền địa phương vào cuộc, hàng trăm dự án được “gỡ khó”

Thứ Sáu, 22/03/2024 - 07:50

Hiện nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho 142 dự án bất động sản, nhà ở trong tổng số 191 dự án mà các địa phương đã báo cáo. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã tháo gỡ khó khăn cho 44 dự án trong tổng số 148 dự án bị vướng mắc, đạt 30%.

Những số liệu "biết nói"

Tại báo cáo phục vụ cho phiên họp trực tuyến toàn quốc của Tổ công tác Thủ tướng Chính phủ tổ chức sáng 11/3, Bộ Xây dựng đã thông tin về kết quả làm việc, tháo gỡ khó khăn của Tổ đối với một số địa phương, doanh nghiệp.

Bài 2: Chính quyền địa phương vào cuộc, hàng trăm dự án được “gỡ khó”- Ảnh 1.

Dự án Novaworld Phan Thiết đang được tỉnh Bình Thuận xem xét giải quyết khó khăn về thủ tục pháp lý.

Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã có 2 buổi làm việc trực tiếp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang hoạt động trên địa bàn để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Tổ công tác nhận được 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp và người dân. Sau khi xem xét, Tổ công tác đã có 37 văn bản liên quan đến 72 dự án gửi Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố đã triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do Tổ công tác yêu cầu; đã triển khai giải quyết 44/148 dự án do Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp kiến nghị. Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án, trong đó: 44 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành; 104 dự án theo tổng hợp kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Thành phố Hà Nội, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với UBND Thành phố Hà Nội cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang hoạt động trên địa bàn để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tổ công tác nhận được 12 văn bản của 12 doanh nghiệp và người dân. Sau khi xem xét, Tổ công tác đã có 11 văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội (để xử lý 12 kiến nghị) đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền. Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có 404 dự án, qua rà soát phân loại khó khăn, vướng mắc, Thành phố đã giải quyết: 81 dự án đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Thành phố Hà Nội đang tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành.

Tại thành phố Hải Phòng, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với UBND thành phố Hải Phòng cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang hoạt động trên địa bàn để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tổ công tác nhận được 4 văn bản của 4 doanh nghiệp. Sau khi xem xét, Tổ công tác đã có 4 văn bản gửi UBND thành phố Hải Phòng đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Theo báo cáo, thành phố Hải Phòng đã giải quyết tháo gỡ được 11/15 dự án có khó khăn, vướng mắc; 4/15 dự án có khó khăn, vướng mắc còn lại đang tiếp tục được tháo gỡ theo quy định.

Tại thành phố Đà Nẵng, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với UBND thành phố Đà Nẵng cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang hoạt động trên địa bàn để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tổ công tác nhận được 5 văn bản của 5 doanh nghiệp và người dân. Sau khi xem xét, Tổ công tác đã có 5 văn bản gửi UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giải quyết tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền.

Tại thành phố Cần Thơ, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với UBND thành phố Cần Thơ cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang hoạt động trên địa bàn để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Theo báo cáo, thành phố Cần Thơ đã giải quyết được 17 dự án, trong đó: 5 dự án đã được thu hồi; 12 dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hiện thành phố Cần Thơ đang thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 34 dự án, trong đó: 22 dự án có khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; 8 dự án có khó khăn về xác định giá thu tiền sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất; 3 dự án có khó khăn về thủ tục giao đất; 1 dự án có khó khăn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, thành phố đang xin ý kiến giải quyết.

Tại tỉnh Bình Định, Tổ công tác đã có một buổi làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện của dự án. Theo báo cáo, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn đối với 26 dự án gồm 19 dự án khu đô thị; 7 dự án nhà ở xã hội và đang tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho 16 dự án.

Trợ lực cho doanh nghiệp bất động sản

Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, Sở đã chấp thuận cho tổng cộng 37 căn nhà thấp tầng thuộc khu I + V dự án Aqua City (xã Long Hưng, Biên Hòa) đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Có được kết quả này là nhờ hồi tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị làm việc trực tiếp với ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland, để tháo gỡ vướng mắc tại các dự án của Novaland tại Đồng Nai và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được Công văn số 543 của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đơn của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova - Đồng Nai về việc đề nghị khẩn cấp tháo gỡ vướng mắc tại các dự án mà công ty này đang triển khai ở Đồng Nai.

Tương tự, dự án NovaWorld Phan Thiết của Novaland cũng được tỉnh Bình Thuận xem xét chuyển sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với dự án. Để đi đến bước này, cuối tháng 7, Tổ công tác của Thủ tướng do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì đã làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận để hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc và giải quyết các kiến nghị của tỉnh.

Bài 2: Chính quyền địa phương vào cuộc, hàng trăm dự án được “gỡ khó”- Ảnh 2.

Ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland mong muốn tiếp tục được tháo gỡ nhanh về thủ tục pháp lý các dự án bất động sản đang triển khai tại một số tỉnh phía Nam.

Ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland chia sẻ: Các dự án của chúng tôi mặc dù đã bàn giao rồi hay đang phát triển hay đang làm thủ tục phát triển dự án đều ít nhiều gặp những vướng mắc pháp lý vẫn chưa được hoàn thiện. Với cụm dự án Thành phố Hồ Chí Minh, hiện Novaland vẫn đang chờ đợi sớm nhận được kết luận từ Thành phố nhằm tháo gỡ nốt những khó khăn pháp lý cuối cùng tại Dự án chung cư 100 Cô Giang (The Grand Manhattan), Dự án 32ha Bình Khánh (The Water Bay và Dự án 136ha Thạnh Mỹ Lợi.

“Đây là các dự án chúng tôi cam kết nghiêm túc sẽ bố trí đầy đủ diện tích cho nhà ở xã hội và phần tái định cư. Do đó, việc tháo gỡ pháp lý 3 dự án trọng điểm trên góp phần vào sự phát triển chung của Thành phố Hồ Chí Minh, cải tạo chỉnh trang đô thị, thực hiện an sinh xã hội, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Đối với các dự án Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa – Vũng Tàu), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), cơ bản các vướng mắc đều có hướng xử lý và đã hoàn thành một số thủ tục” – ông Dennis Ng Teck Yow nêu quan điểm.

“Do đó, chúng tôi mong Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án đồng bộ đúng với chỉ tiêu được giao, có giải pháp giải quyết triệt để các vướng mắc về các thủ tục pháp lý chưa đồng bộ, các vướng mắc qua từng thời kỳ và không hồi tố, có chính sách giảm thuế và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp bất động sản’ - ông Dennis Ng Teck Yow nhấn mạnh thêm.

Vị lãnh đạo Tập đoàn cũng cho biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chính quyền các cấp, hiện tại, các dự án mà Novaland triển khai đang nhận được sự hỗ trợ tích cực và tài trợ từ phía các ngân hàng thương mại. Từng bước, Novaland đã tái cấu trúc toàn diện, thanh toán một phần, gia hạn các lô trái phiếu và thu hút thêm nguồn vốn từ các đối tác để tiếp tục phát triển các dự án bất động sản ổn định trở lại.

Sẵn sàng nguồn cung mới, có phương án giải quyết trái phiếu, khơi thông thị trường

Đối với Tập đoàn Sunshine, ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch Tập đoàn vừa đưa ra thông điệp, kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024 với những thông tin tích cực: “Trong năm nay, chúng tôi sẽ ra mắt 5 dự án lớn với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, sẵn sàng cung cấp ra thị trường 5.000 căn hộ cao cấp và 5.000 sản phẩm biệt thự, liền kề, shophouse. Trong đó, đáng chú ý là tổ hợp quy mô lớn là Sunshine Sky City (quy mô 9 tòa), Sunshine Diamond River (12 tòa) ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại khu vực bất động sản đang "nóng" nhất Hà Nội là Khu ngoại giao đoàn - Tây Hồ Tây (Hà Nội), chúng tôi sẽ đồng loạt tung ra 2 Khu phức hợp Sunshine Wonder (~2.000 căn hộ), Sunshine Crystal River (5 tòa tháp cao 40 tầng)”.

Bài 2: Chính quyền địa phương vào cuộc, hàng trăm dự án được “gỡ khó”- Ảnh 3.

Sau những khó khăn, doanh nghiệp được “trợ lực” tự tin trở lại thị trường.

Về cơ bản, các sản phẩm bất động sản của Sunshine Group kể cả đang triển khai trong năm 2023 hay các dự án sẽ ra mắt trong năm 2024 đều đã đạt cơ bản hơn 90% thủ tục pháp lý. Đây là điều thuận lợi của chúng tôi khi đang có sẵn dư địa tốt để tập trung xây dựng và bán hàng.

Bên cạnh sản phẩm cao tầng đã có quỹ căn hộ lớn, năm 2024 Sunshine Group sẽ tập trung đẩy mạnh phân khúc thấp tầng với hơn 3.000 biệt thự và shophouse dọc trục Hồ Tây - Ba Vì tại 3 dự án lớn Sunshine Royal Capital (Tây Hồ Tây), Sunshine Heritage Hanoi (Phúc Thọ) Sunshine Grand Capital (Đan Phượng).

Ông Đỗ Anh Tuấn nhận định: “Chưa bao giờ Chính phủ dốc sức và ban hành nhiều văn bản, nghị quyết để gỡ khó cho thị trường bất động sản như năm 2023. Sau nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành, sau những phiên làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, những tín hiệu tươi sáng đã bắt đầu xuất hiện rõ nét trên thị trường bất động sản ở thời điểm cuối năm 2023, thanh khoản đã trở lại, nguồn cung mới bắt đầu ra hàng. Tôi cho rằng, 2024 sẽ là năm bản lề đi lên theo quy luật tất yếu của bất động sản.

Đặc biệt, khi Chính phủ đã rất nỗ lực làm trong sạch thị trường bất động sản, thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Với những quy định chặt chẽ từ 3 Luật mới, thị trường bất động sản sắp tới sẽ không dành cho những doanh nghiệp tay ngang mà sẽ dành cho những nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp”.

Trong năm 2024, lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục neo ở mức thấp nhất trong lịch sử. Dòng tiền rẻ được bơm ra thị trường sẽ tìm cơ hội đổ vào bất động sản. Đây chính là thời điểm bất động sản phục hồi sau thời gian dài cắm đầu đi xuống.

Bài 2: Chính quyền địa phương vào cuộc, hàng trăm dự án được “gỡ khó”- Ảnh 4.

“Câu chuyện về trái phiếu, thời điểm hiện tại chúng tôi đã nỗ lực mua lại hàng chục nghìn tỷ trái phiếu đến hạn đạt gần 90% số lượng trái phiếu. Tập đoàn hiện đang nỗ lực hết sức để tiếp tục chi trả cho nhà đầu tư trong năm 2024. Sunshine Group có sẵn các bất động sản, nếu khách hàng lấy nhà chúng tôi sẵn sàng trả bằng sản phẩm, nếu khách hàng lấy tiền xin cho chúng tôi thời gian bán sản phẩm.

Tổng giá trị các hợp đồng chuyển đổi sang bất động sản đã đạt khoảng hơn 7.000 tỷ cho hơn 50% số lượng nhà đầu tư. Ngay thời điểm sát Tết Nguyên đán 2024, chúng tôi cũng đã dành cả nghìn tỷ đồng hoàn trả cho nhà đầu tư không chuyển sang sở hữu bất động sản. Hiện nay, số lượng căn hộ Sunshine Group đang có dư thừa cho toàn bộ số khách hàng còn lại của KSFinance đổi sang bất động sản. Thực tế, giai đoạn đầu năm 2023 nhiều khách hàng chọn phương án chuyển đổi đã hưởng lợi khi chung cư tăng giá mạnh” – ông Đỗ Anh Tuấn khẳng định thêm.

Bài 3: Gỡ nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top