Aa

Bài 2: Chủ đầu tư đổ thải không đúng như cam kết ĐTM là vi phạm pháp luật?

Chủ Nhật, 27/12/2020 - 11:00

"Trong ĐTM chủ đầu tư đã phải đưa ra các biện pháp xử lý chất thải. Việc chủ đầu tư đổ đất thải, phế thải… không đúng quy định như cam kết trong ĐTM là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Lương Thành Đạt phân tích.

Lời tòa soạn:

Quá trình khảo sát tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tình hình vi phạm xây dựng, quy hoạch vẫn xảy ra tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Thậm chí có những “siêu” dự án liên tiếp vi phạm từ trật tự xây dựng đến môi trường với hàng loạt “trát phạt”.

Mặc dù mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi các Sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cùng 7 UBND quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác kiểm tra, xác minh, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai theo nội dung phản ánh của báo chí, thế nhưng tình trạng vi phạm về sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, quy hoạch, môi trường... vẫn diễn ra phổ biến, mà điển hình là tại huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Vi phạm trật tự xây dựng và môi trường nhìn từ dự án Tecco Diamond (Hà Nội):

Bài 2: Chủ đầu tư đổ thải không đúng như cam kết ĐTM là vi phạm pháp luật?

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Vì sao doanh nghiệp "nhờn" luật?

Theo phản ánh, Công ty Cổ phần Tổng công ty Tecco Hà Nội là chủ đầu tư dự án Khu dịch vụ thương mại và chung cư Tecco Diamond - tên thương mại là Tecco Diamond, tọa lạc tại vị trí Lô CT - Khu đất đấu giá Tứ Hiệp (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) đã thiết kế công trình nhà mẫu trên đất quy hoạch nhà trẻ. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, đất thải từ dự án không được đổ đúng vị trí mà chủ đầu tư đã cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Lương Thành Đạt - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis nhận định: Dự án Tecco Diamond được cấp giấy phép xây dựng vào cuối tháng 9/2020, hiện đang trong giai đoạn thi công phần thân. Như vậy, trong hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng tổng thể đã có bản vẽ mặt bằng từng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/100 - 1/500, kèm theo sơ đồ vị trí công trình. Trường hợp Tecco Diamond xây dựng nhà mẫu đúng như bản vẽ mặt bằng từng công trình trên lô đất, thì không cần phải xin phép vì đã có giấy phép xây dựng tổng thể.

Tuy nhiên, theo phản ánh, Công ty Cổ phần Tổng công ty Tecco Hà Nội - chủ đầu tư dự án đã thiết kế công trình nhà mẫu trên đất quy hoạch nhà trẻ. Như vậy, công ty đã xây dựng không đúng theo như quy hoạch 1/500. Trong trường hợp này, khi muốn xây dựng nhà mẫu trên đất, chủ đầu tư buộc phải xin Giấy phép xây dựng của UBND TP. Hà Nội.

Công trình nhà mẫu của dự án Tecco Diamond (ô đất CT) được xây dựng trên khu đất quy hoạch nhà trẻ có ký hiệu NT (ô vuông màu đen), diện tích 4.059,4m2.

Theo quy định tại Luật Xây dựng 2014, công trình xây dựng tạm là công trình được xây dựng để phục vụ thi công xây dựng công trình chính. Về mặt pháp lý, hoàn toàn không có khái niệm về giấy phép xây dựng tạm. Trường hợp này phải xin giấy phép xây dựng có thời hạn. Đồng thời, chủ đầu tư dự án phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi hết thời hạn tồn tại được ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại Điều 94, Luật Xây dựng 2014. 

“Căn cứ tính chất, đặc điểm và thời gian thực hiện quy hoạch xây dựng của từng khu vực, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể quy mô công trình được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nếu Nhà nước chưa giải phóng mặt bằng thì công trình được phép tồn tại cho đến khi Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch, khi đó bạn phải tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và bạn phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ công trình. Trong trường hợp đất dự án đã có kế hoạch sử dụng hằng năm, thì khi muốn xây dựng công trình nhà mẫu trên đất xây dựng nhà trẻ, chủ đầu tư buộc phải thực hiện xin Giấy phép xây dựng có thời hạn của UBND TP. Hà Nội”, luật sư Đạt nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong quá trình thi công dự án Tecco Diamond, PV ghi nhận có tình trạng đất thải, chất thải, phế thải đổ không đúng quy định như trong cam kết ghi tại ĐTM. Theo nội dung ĐTM được phê duyệt, điểm đổ thải khi thi công dự án tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.

Theo luật sư Lương Thành Đạt, ĐTM có mục đích xác định, dự đoán, đánh giá và giảm thiểu các ảnh hưởng của việc phát triển dự án đến các yếu tố sinh học, xã hội và các yếu tố liên quan khác trước khi đưa ra quyết định quan trọng và thực hiện những cam kết.

“Trong ĐTM chủ đầu tư đã phải đưa ra các biện pháp xử lý chất thải. Việc chủ đầu tư đổ đất thải, chất thải, phế thải… không đúng quy định như cam kết trong ĐTM là hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Đạt khẳng định.

Ngoài việc đổ thải không đúng theo ĐTM, nhiều xe tải của các nhà thầu thi công thường xuyên chở quá trọng tải cho phép từ 50 - 100%, thậm chí nhiều xe chở quá tải 100 - 150%.

Hành vi trên sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm g, khoản 2, Điều 9 Nghị định 155/2016/ NĐ-CP: Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện một trong các nội dung ĐTM và yêu cầu trong quyết định phê duyệt ĐTM hoặc Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) theo quy định, trừ trường hợp giám sát môi trường và trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ và m khoản 2.

Về nội dung này, Đội Thanh tra Giao thông vận tải huyện Thanh trì cho hay, trong quá trình dự án Tecco Diamond thi công, nhiều xe tải làm rơi vãi đất thải, phế thải trên các tuyến đường và đã bị lập biên bản, xử phạt. Đặc biệt, nhiều xe của các nhà thầu thi công thường xuyên chở quá trọng tải cho phép từ 50 - 100%, thậm chí nhiều xe chở quá tải 100 - 150%.

“Chúng tôi đã kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm và lập biên bản nhiều lần đối với chủ xe, lái xe vi phạm”, lãnh đạo Đội Thanh tra Giao thông vận tải huyện Thanh trì thông tin.

Cần xác minh, xử lý nghiêm nếu cán bộ bao che cho vi phạm!

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm của chính quyền địa phương nếu để xảy ra vi phạm về môi trường và xây dựng tại các dự án, theo quan điểm của luật sư Lương Thành Đạt, trước hết về vấn đề môi trường thì UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm: Tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường, ĐTM, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, UBND quận, huyện có trách nhiệm: Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan.

“Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, luật sư Đạt khẳng định.

 Ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Tecco Hà Nội cho rằng, công trình nhà mẫu này chỉ là “công trình tạm” và được UBND huyện Thanh Trì cho phép tồn tại.

Về vấn đề xây dựng trái phép, sai phép, theo luật sư Đạt, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 104 Luật Xây dựng 2014 và Thông tư 15/2016/TT-BXD. Nhưng thực tế, quá trình quản lý, giám sát và theo dõi về thực trạng về công tác quản lý đất đai tại nhiều địa phương lỏng lẻo, thậm chí có tình trạng tiêu cực, cán bộ làm ngơ cho sai phạm, việc chậm trễ, đẩy trách nhiệm của cơ quan công an khi cho rằng những vụ lừa đảo bất động sản xảy ra khỉ là giao dịch dân sự để không xử lý,… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng công ty được cho là chủ đầu tư, môi giới bất động sản lộng hành.

Do đó, các cơ quan có thẩm quyền phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sử dụng dụng đất, đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý vận hành và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền. Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư xây dựng các dự án.

Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn phải điều tra, làm rõ công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản liên quan đến các sai phạm xảy ra tại các dự án “ma”.

"Nếu phát hiện có sự buông lỏng quản lý, bao che của cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước cần phải xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", luật sư Đạt nhấn mạnh.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định:

“3. Việc thi công công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường sau:

a) Công trình xây dựng trong khu dân cư phải có biện pháp bảo đảm không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Việc vận chuyển vật liệu xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;

c) Nước thải, chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường”.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top