Lời tòa soạn:
Quá trình khảo sát tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tình hình vi phạm xây dựng, quy hoạch vẫn xảy ra tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Thậm chí có những “siêu” dự án liên tiếp vi phạm từ trật tự xây dựng đến môi trường với hàng loạt “trát phạt”.
Mặc dù mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi các Sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cùng 7 UBND quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác kiểm tra, xác minh, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai theo nội dung phản ánh của báo chí, thế nhưng tình trạng vi phạm về sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, quy hoạch, môi trường... vẫn diễn ra phổ biến, mà điển hình là tại huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.
Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Vi phạm trật tự xây dựng và môi trường nhìn từ dự án Tecco Diamond (Hà Nội).
Bài 1: Huyện Thanh Trì có “bật đèn xanh” cho vi phạm tại dự án Tecco Diamond?
Trân trọng giới thiệu với độc giả!
Vì sao vi phạm chưa được xử lý dứt điểm?
Được biết, dự án Khu dịch vụ thương mại và chung cư Tecco Diamond - tên thương mại là Tecco Diamond tọa lạc tại vị trí Lô CT - Khu đất đấu giá Tứ Hiệp (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội). Dự án có tổng diện tích 7.000m2, bao gồm 2 tòa nhà cao 25 tầng, 2 tầng hầm, với khoảng 665 căn hộ và 20 shophouse, đáp ứng chỗ ở cho 2.000 cư dân.
Dự án Tecco Diamond được cấp giấy phép xây dựng vào cuối tháng 9/2020, hiện đang trong giai đoạn thi công phần thân. Theo phản ánh, Công ty Cổ phần Tổng công ty Tecco Hà Nội - chủ đầu tư dự án đã thiết kế công trình nhà mẫu trên đất quy hoạch nhà trẻ. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công đổ đất thải không đúng vị trí đã tác động tiêu cực đến môi trường và mất mỹ quan đô thị…
Quá trình ghi nhận, PV quan sát thấy đơn vị thi công cho xe tải đổ đất thải ngay bên cạnh dự án. Theo tìm hiểu, vị trí khu đất này được quy hoạch xây dựng hồ điều hòa.
Quá trình ghi nhận, PV quan sát thấy đơn vị thi công cho xe tải đổ đất thải ngay bên cạnh dự án. Theo tìm hiểu, vị trí khu đất này được quy hoạch xây dựng hồ điều hòa. Đáng nói là tình trạng này diễn ra nhiều ngày nhưng không được chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý triệt để. Dư luận hoài nghi, có hay không việc chính quyền địa phương “làm ngơ” trước những dấu hiệu vi phạm tại dự án Tecco Diamond?
Ngoài ra, theo phản ánh, công trình nhà mẫu bán hàng của dự án Tecco Diamond được thiết kế hoành tráng, bề thế ngay bên cạnh dự án này. Vị trí mà chủ đầu tư thiết kế công trình nhà mẫu theo quy hoạch là đất nhà trẻ, thuộc khu đấu giá xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Tecco Hà Nội phân trần, công trình nhà mẫu này chỉ là “công trình tạm” và được UBND huyện Thanh Trì cho phép tồn tại.
“Chúng tôi được UBND huyện cho phép làm nhà mẫu trên khu đất đó và cam kết 3 - 6 tháng sẽ dỡ bỏ, trả lại đất”, ông Lợi thanh minh.
Về vấn đề đảm bảo môi trường trong quá trình thi công dự án, ông Lợi cho hay: “Hôm trước thanh tra giao thông cũng lập biên bản đơn vị thi công, chúng tôi cũng đã gọi đơn vị thi công lên trao đổi vấn đề này”.
Theo tìm hiểu, dự án Tecco Diamond có giá dao động từ 22 - 25 triệu đồng/m2 tùy thuộc vào hướng, căn góc. Theo các nhân viên môi giới, hiện chủ đầu tư có chương trình khuyến mãi áp dụng cho 120 căn đầu tiên, căn 2 phòng ngủ được chiết khấu 5%, căn 3 phòng ngủ chiết khấu 7%. “Khách hàng nhận nhà chậm nhất vào quý I/2022, nhanh thì cuối năm 2021. Hiện dự án có giấy phép xây dựng, có sổ đỏ đất đấu giá…”, nhân viên môi giới tiết lộ.
Các nhân viên môi giới cũng không quên trấn an khách hàng bằng việc quảng cáo chủ đầu tư Tecco Hà Nội có năng lực, kinh nghiệm và đã thành công trong việc xây dựng, kinh doanh các dự án trước đó cũng tại huyện Thanh Trì. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, chủ đầu tư đã thế chấp dự án Tecco Diamond và vay vốn tại một tổ chức tín dụng.
Huyện Thanh Trì "thờ ơ" trước chỉ đạo của Thành phố?
Theo UBND xã Tứ Hiệp, đối với việc đổ chất thải, đất thải, chủ đầu tư đã không thực hiện đúng với cam kết ghi trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Tecco Diamond.
Ông Lê Đức Việt, cán bộ địa chính xây dựng xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì cho hay: “Điểm đổ đất đối diện với dự án, đúng là bên Tecco đổ ra. Nguyên tắc bắt buộc, chủ đầu tư phải ký hợp đồng bên thu gom sau này chuyển đi, nếu không sẽ không được cấp giấy phép xây dựng. Điểm đổ thải của chủ đầu tư đăng ký thuộc huyện Thường Tín”.
Vị cán bộ quản lý xây dựng xã Tứ Hiệp cho biết, trước khi chủ đầu tư có giấy phép xây dựng thì bắt buộc phải có biện pháp bảo vệ môi trường. “Chủ đầu tư đào đất ở đây thì phải ký với đơn vị thu gom, phải đổ đúng quy định, chứ không phải ký xong là hết trách nhiệm. Chủ đầu tư ký với công ty A, công ty A chở đi đâu, thì phải nêu trong đánh giá tác động môi trường”, vị cán bộ xã Tứ Hiệp nói.
Theo lý giải của ông Việt, chủ đầu tư chỉ “tạm đổ đất, không phải lấn chiếm đất”. "Trong công trường, chủ đầu tư đang xây dựng phần móng, họ phải đào sâu xuống nên không có mặt bằng để tập kết phương tiện, máy móc, thiết bị… thành ra chủ đầu tư có đề xuất là mượn tạm phần đất đó để tập kết. Mục đích chính là làm mặt bằng, sau khi lên được mặt bằng tầng 1, họ sẽ chuyển vào tập kết phía trong", ông Việt giải thích.
Ông Việt cũng khẳng định, khu vực đơn vị thi công đổ đất thải có nguồn gốc là đất nông nghiệp và nằm trong quy hoạch xây dựng hồ điều hòa. Hồ sơ cho thấy, theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Tecco Diamond thì điểm đổ thải thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.
Khu đất xuất hiện công trình nhà mẫu của dự án Tecco Diamond đang được quy hoạch làm nhà trẻ.
Đối với công trình nhà mẫu dự án Tecco Diamond, vị cán bộ xã Tứ Hiệp thông tin, khu nhà mẫu dự án Tecco Diamond trên đất đang được quy hoạch làm nhà trẻ. Tuy nhiên, đơn vị thực hiện dự án nhà trẻ tạm thời chưa triển khai, nên chủ đầu tư Tecco Diamond đã "mượn" phần diện tích đất này để xây dựng nhà mẫu. Điều đáng ngạc nhiên là ông Việt cũng cho biết, khu đất xuất hiện công trình nhà mẫu dự án Tecco Diamond do Ban quản lý Đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì quản lý. Thế nhưng, đơn vị này dường như im lặng trước việc chủ đầu tư dựng công trình nhà mẫu hoành tráng trên khu đất mà mình quản lý.
“Khu nhà mẫu này đang làm trên đất đã có quy hoạch làm nhà trẻ, không phải đất công hay đất nông nghiệp, đất bất hợp pháp nào khác. Việc làm của chủ đầu tư như vậy là không đúng. Đối với dự án quy mô lớn như này, kể cả nhà mẫu, địa phương đã có trao đổi với đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện nhưng không có phản hồi. Trước tiên, Ban quản lý dự án huyện phải có trách nhiệm, phải có ý kiến với xã, phải có công văn đề nghị… Do vậy, việc chủ đầu tư xây dựng nhà mẫu trên đất nhà trẻ, xã không có căn cứ để xử lý”, ông Việt nhấn mạnh.
Nếu đúng như lời khẳng định của ông Việt cũng như thông tin trao đổi của vị đại diện Công ty Cổ phần Tổng công ty Tecco Hà Nội, thì có phải UBND huyện Thanh Trì cho phép chủ đầu tư thiết kế công trình nhà mẫu trên đất quy hoạch nhà trẻ hay không? Không hiểu, công tác phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện vi phạm và xử lý của chính quyền huyện Thanh Trì được thực hiện như thế nào?
Quá trình nghiên cứu, trao đổi thông tin và tìm hiểu rõ hơn các vấn đề nêu trên, PV đã liên hệ nhưng UBND huyện Thanh Trì có biểu hiện né tránh và không có phản hồi. Đáng chú ý, theo khảo sát của PV, tình trạng vi phạm về quản lý đất đai, xây dựng sai quy hoạch, vi phạm về trật tự xây dựng tại huyện Thanh Trì diễn ra phổ biến ở nhiều khu đô thị, khu dân cư và gây bức xúc trong dư luận suốt một thời gian dài.
Trong khi đó, ngày 6/11/2020, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 5269/UBND-SXD gửi các Sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác kiểm tra, xác minh, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai theo nội dung phản ánh của báo chí.
Theo đó, UBND TP đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng, giao UBND 7 quận, huyện gồm: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, đất đai. Đồng thời, xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức có liên quan theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND TP cũng yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện, gửi các sở chuyên ngành để tổng hợp theo lĩnh vực ngành; thông tin kết quả xử lý đến các cơ quan thông tấn, báo chí theo luật định.… Đồng thời giao UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để các vi phạm phát sinh; chủ động tổ chức kiểm tra, xác minh khi có báo chí phản ánh, kịp thời xử lý theo thẩm quyền đối với các vụ việc trên địa bàn quản lý, trả lời báo chí theo quy định.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội và các cơ quan ban ngành vào cuộc, làm rõ những nội dung phản ánh trên.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2020, lực lượng chuyên ngành của Sở này cùng với UBND các quận, huyện, thị xã và Đội quản lý trật tự xây dựng đã tiến hành kiểm tra 10.531 công trình (đạt tỷ lệ 100% công trình); phát hiện, xử lý 237 trường hợp vi phạm mới. Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 71 trường hợp có các vi phạm khác.