Aa

Bài 2: Tắt ánh hào quang, các “đại gia” thành “chúa chổm”

Thứ Sáu, 10/08/2018 - 14:00

Thua lỗ, sai phạm, nợ thuế,... sau những tai tiếng ấy, các doanh nghiệp nhà nước từng là đại gia của ngành bất động sản một thời, nay trở thành “chúa chổm” với những món nợ lên đến hàng chục, hàng trăm và thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng.

HUD: Giải tán tập đoàn, ôm cục nợ hàng nghìn tỷ

Công ty Phát triển nhà và đô thị (tiền thân của HUD) thành lập năm 1989 từ Ban quản lý nhà ở đường 1A. Sau 10 năm phát triển, vốn chủ sở hữu của HUD đã tăng gấp 50 lần. Năm 2000, HUD được nâng lên thành Tổng công ty.

Trong giai đoạn thị trường bất động sản bùng nổ, HUD vào thời kỳ phát triển “nóng”, sản phẩm của HUD và công ty con được sang nhượng ồ ạt trên thị trường, “tiền chênh” ở những căn hộ liền kề, biệt thự được đẩy lên hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Điều đó dẫn đến việc quyết định đầu tư các dự án vượt xa năng lực tài chính của HUD.

HUD thí điểm mô hình tập đoàn.

HUD thí điểm mô hình tập đoàn.

Năm 2010, HUD được Chính phủ phê duyệt thí điểm đề án thành lập Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam do HUD làm nòng cốt với kỳ vọng trở thành trụ cột của nền kinh tế để cạnh tranh và vươn lên tầm quốc tế. Nhưng khi giấc mơ chưa thành thì mô hình tập đoàn phải sớm chấm dứt và để lại một khối nợ lớn.

Sau gần 2 năm hoạt động, hiệu quả thì không thấy chỉ thấy những ầm ĩ vì thua lỗ, sai phạm, HUD trở về nguyên trạng là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị.

Khi đó, vốn điều lệ tạm tính của HUD là 3.981 tỷ đồng. Thị trường địa ốc bước vào thời kỳ khủng hoảng, câu chuyện kinh doanh HUD cũng rẽ sang hướng khác.

Bản Thông báo kết luận thanh tra HUD của Thanh tra Chính phủ ngày 25/5/2015 chỉ rõ: “Quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, đặc biệt là từ 2011 trở về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa khả năng tài chính và quản trị, dẫn đến việc chậm trễ triển khai các dự án, sản phẩm dở dang và hàng tồn kho quá nhiều, đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn hiện nay”.

Đặc biệt là những khoản nợ của HUD quá lớn, thậm chí phát sinh nợ quá hạn, doanh thu và thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả. Kết luận thanh tra Chính phủ cho thấy, tại thời điểm thanh tra, các khoản nợ phải trả của HUD lên tới 6.684 tỷ đồng, khả năng thanh toán nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền.

Trong khi đó, tồn kho lại quá nhiều (hơn 4.352 tỷ đồng) thanh khoản chậm, hạch toán chưa đầy đủ các khoản nợ tiền sử dụng đất. Nợ công trình hạ tầng chưa xây dựng và quá hạn chưa bàn giao được cho địa phương khối lượng lớn (4.501 tỷ đồng).

Việc làm ăn bết bát khiến HUD phải bán một phần trụ sở. Thậm chí, hàng loạt lô đất có vị trí đắc địa tại các khu đô thị Vân Canh, Văn Quán, Linh Đàm, Định Công, Việt Hưng… cũng được HUD bán cho các chủ đầu tư thứ cấp với giá rẻ từ nhiều năm trước.

Trong giai đoạn tái cơ cấu phục vụ kế hoạch cổ phần hóa, HUD cũng bán đi những tài sản lớn như: 1,5 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Khách sạn và Du lịch Bảo Việt (vốn điều lệ 60 tỷ đồng); 280.000 cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Phú Quốc (vốn điều lệ 500 tỷ đồng). Cuối năm 2015, HUD cũng bán đi khu “đất vàng” rộng 2,1ha tại góc đường Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp…

Không chỉ gây chú ý và tranh cãi trong việc bán hàng loạt dự án, HUD cũng đứng đầu danh sách có các công trình vi phạm về Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Trong danh sách công khai đợt 3 do Cảnh sát PCCC Hà Nội công bố hồi đầu tháng 7/2018, HUD tiếp tục có 19 công trình chung cư cao tầng vi phạm về PCCC.

Handico: Thua lỗ, nợ phải thu quá hạn thanh toán hàng trăm tỷ đồng

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) từng được biết đến là một trong những chủ đầu tư bất động sản lớn nhất Hà Nội. Nhưng khi thị trường sang giai đoạn phát triển mới với những đòi hỏi về hạ tầng, dịch vụ chất lượng cao thì những sản phẩm mà Handico đã từng làm trước đây không còn khả năng cạnh tranh vì phần lớn là nhà cho người có thu nhập thấp, nhà tái định cư.

Trụ sở Handico.

Trụ sở Handico.

Gần đây, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) và 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Handico bị Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm.
 
Theo đó, Handico có 6 công ty con thua lỗ và hàng loạt dự án chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn như dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại các ô đất CT3, CT4, CT5 khu đô thị mới Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), dự án X2 Trần Phú.
 
Handico còn dính nhiều sai phạm trong quản lý tài chính, kế toán và thuế dẫn đến hàng trăm tỷ đồng nợ phải thu quá hạn thanh toán.
 
6 doanh nghiệp được thanh tra tại thời điểm 31/12/2016 có tổng nợ phải thu là 1.578 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải thu ngắn hạn là 1.573 tỷ đồng, nợ phải thu dài hạn là 5,7 tỷ đồng. 6 doanh nghiệp chưa thực hiện đối chiếu nợ phải thu đầy đủ. Số tiền nợ phải thu chưa thực hiện đối chiếu tại thời điểm 31/12/2016 là 1.157 tỷ đồng, chiếm 67,02% tổng nợ phải thu.
 
Cả 6 doanh nghiệp đều chưa đối chiếu đầy đủ công nợ phải trả. Số tiền chưa đối chiếu đầy đủ tại thời điểm 31/12/2016 là 1.143 tỷ đồng (chiếm 18% tổng nợ phải trả). 6/6 doanh nghiệp còn kê khai sai dẫn đến thiếu thuế phải nộp cho ngân sách nhà nước 16,8 tỷ đồng. 
 
IDICO: Nợ tiền thuê đất, nhùng nhằng trong thoái vốn
 
IDICO được thành lập vào năm 2000. Năm 2010, IDICO chính thức hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên, trực thuộc Bộ Xây Dựng. 4 nhóm lĩnh vực kinh doanh đóng góp 70% doanh thu và lợi nhuận của IDICO gồm: Đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và giao thông; Đầu tư kinh doanh phát triển nhà ở; Đầu tư, sản xuất và kinh doanh điện năng; Thi công xây lắp.
 
Năm 1995, khi Việt Nam đang tìm hướng đi cho phát triển Khu công nghiệp, IDICO đã bắt tay vào đầu tư khu công nghiệp Nhơn Trạch I ngày nay với quy mô 382ha.

Lợi thế của IDICO trong mảng bất động sản công nghiệp là các Khu công nghiệp (KCN) ở những vị trí đắc địa như: KCN Nhơn Trạch I, Nhơn Trạch V, Phú Mỹ II, Mỹ Xuân B1, Mỹ Xuân A… nằm ở khu vực Đông Nam bộ - đầu tàu kinh tế của cả nước; hay KCN Quế Võ II, Kim Hoa giai đoạn 1 nằm ở Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, thuộc cùng kinh tế trọng điểm ở phía Bắc.

Năm 2014 – 2015, IDICO đối mặt với gánh nặng tài chính chủ yếu đến nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 và một số công ty thành viên hoạt động không hiệu quả, âm vốn chủ sở hữu, nợ nần, năng lực cạnh tranh thấp.

Tháng 2/2018, Kiểm toán Nhà nước công bố Báo cáo kiểm toán tài chính, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (Idico) nợ tiền sử dụng đất hơn 244 tỷ đồng.

Không chỉ nợ tiền thuê đất, qua kiểm toán cũng phát hiện IDICO và các công ty con nợ thuế giá trị gia tăng 1,2 tỷ đồng, nợ thuế thu nhập doanh nghiệp 1,3 tỷ đồng, nợ thuế thu nhập cá nhân 58 triệu đồng, số lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách Nhà nước sau khi trích lập các quỹ khoảng 1,8 tỷ đồng.

Gần đây, IDICO còn nhùng nhằng trong việc thoái vốn nhà nước. Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ về đề xuất thoái vốn Nhà nước còn lại tại IDICO mà không thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước sang Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo quy định.

Vinaconex: Tốt vay, dày nợ

Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tiền thân là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài, được thành lập vào tháng 9/1988. Vinaconex tiến hành cổ phần hóa vào năm 2006 và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào cuối năm 2008.

Tính tới nay, quá trình phát triển của doanh nghiệp “con cưng” Bộ Xây dựng có thể chia làm hai giai đoạn: Thời kỳ phát triển “nóng” (từ 2004 - 2011) và đi xuống. Trong những năm gần đây, Vinaconex đã phải tái cấu trúc toàn diện sau khi đối diện với những khoản nợ khổng lồ nhưng vẫn chưa thật sự mang lại kết quả khả quan.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 của Vinaconex, nợ ngắn hạn và nợ dài hạn của đơn vị này là 18.913 tỷ đồng, gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 74% tổng tài sản. Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh 67%, xuống còn 59,3 tỷ đồng

Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã chỉ ra Vinaconex và các công ty con lại đang nợ ngân sách hơn 742,7 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ thuế.

Cơ quan kiểm toán cũng xác định công ty mẹ Vinaconex phải nộp vào ngân sách cho TP. Hà Nội số tiền 25,4 tỷ đồng chênh lệch thu được từ thực hiện dự án chung cư 17T12, và nộp ngân sách nhà nước 16,3 tỷ đồng kinh phí thừa từ nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Láng Hòa Lạc.

Mặt khác, Kiểm toán Nhà nước cũng ghi nhận, Vinaconex và các công ty con đang quản lý tồn tại nhiều sai phạm và bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai.

Trong đó, một số dự án do công ty mẹ Vinaconex thực hiện như Trường tiểu học Lý Thái Tổ (Khu Trung Hòa-Nhân Chính), Trường trung cấp Xây dựng Thanh Hóa, Trường trung cấp nghề kỹ thuật xây dựng và nghiệp vụ (Vĩnh Phúc) cũng không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất theo quy định. Vinaconex cũng không hoàn thành các thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất, không lập hồ sơ thuê đất tại khu đất số E10 phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân (Hà Nội), dẫn đến Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải kiến nghị TP. Hà Nội thu hồi khu đất này.

Những con số nêu trên cho thấy sự “đi lùi” của các ông lớn trong suốt hơn 10 năm qua. Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản nhà nước dường như bị đẩy khỏi "cuộc chơi", đóng vai trò dẫn dắt thị trường là các doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Sun Group, Novaland,...

Nếu ví thị trường bất động sản như một giải bóng đá ngoại hạng và Vinaconex, Hud, Sudico, Handico, Idico, … khi xưa là những đội bóng hàng đầu tranh giải vô địch thì nay, những đội bóng này hoặc không còn đủ khả năng thi đấu, hoặc trật trầy ở vòng loại, chỉ có thể ngước nhìn những ứng viên mới trong vòng chung kết, để rồi tiếc nuối quá khứ đầy hào quang năm xưa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top