Aa

Bài 2: Thần tốc Nghi Sơn, cất cánh Sao Vàng!

Thứ Ba, 29/09/2020 - 06:00

Từ những vùng đất nghèo nàn, gian khó, Sao Vàng (Thọ Xuân) và Nghi Sơn (TX. Nghi Sơn) đã trở thành điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa những năm qua.

Lời tòa soạn: 

Thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ngày nay không chỉ kế tục xứng đáng những thành quả của các thế hệ lãnh đạo đi trước mà còn tận tâm, tận lực cùng với đồng bào Thanh Hóa, làm nên kỳ tích trên tất cả các lĩnh vực. Quả thật không ngoa khi nói rằng, với những thành quả đó, chưa bao giờ Thanh Hóa có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay. Trong đó, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tạo ra nền tảng vững chắc giúp Thanh Hóa vững vàng trên thế và lực mới nhằm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

Reatimes khởi đăng loạt bài "Thanh Hóa: Một nhiệm kỳ nhìn lại", nhằm giúp độc giả có cái nhìn bao quát hơn về nhận định trên.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Sẽ không có gì đáng nói về xứ Thanh trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo nếu như khu vực Sao Vàng (Thọ Xuân) và Nghi Sơn (TX. Nghi Sơn) vẫn chỉ là địa danh mà khi nhắc đến mọi người cũng chỉ biết là những vùng đất nghèo nàn và gian khó. Nhưng giờ đây, những địa danh ấy đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế của một địa phương vốn đất rộng người đông...

SAO VÀNG OAI HÙNG QUÁ KHỨ, CẤT CÁNH TƯƠNG LAI

Vào những ngày đầu tiên của tháng 4/1965, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc với cái cớ “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Chúng huy động số lượng lớn “thần sấm” (máy bay F105), “con ma” (máy bay F4H) quần thảo, bắn phá, ném bom xuống cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), hòng cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho miền Nam.

Quân dân Hàm Rồng với ý chí ngoan cường, đội mưa bom, bão đạn, kiên cường đánh trả máy bay địch. Chỉ trong 2 ngày (3 - 4/4/1965) ta đã bắn rơi 47 máy bay, lập nên chiến công hiển hách, làm cho giặc Mỹ phải thốt lên rằng: "Những ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”!

Trong chiến tranh, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) vẫn hiên ngang trước bom đạn Mỹ.

Từ chiến công đầu này cho thấy, cần phải nhanh chóng xây dựng, phát triển cơ sở vật chất nhất là sân bay phục vụ tại chỗ cho bộ đội không quân đương đầu với không lực Hoa Kỳ. Chính vì lường trước được ý đồ của địch mà Đảng, Nhà nước và quân đội đã hoạch định và chuẩn bị kỹ lưỡng cả trước mắt và lâu dài cho công cuộc kháng chiến nói chung, cho không quân nhân dân Việt Nam nói riêng.

Từ sau trận chiến đầu tiên trên bầu trời Hàm Rồng khoảng 1 tháng, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị đã họp với bộ Giao thông vận tải, các ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa để đi đến quyết định xây dựng sân bay Sao Vàng. Đồng thời, giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì, tỉnh Thanh Hóa huy động lực lượng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao.

Khi ấy, công trình xây dựng sân bay quân sự Sao Vàng là công trình tuyệt mật được Bộ Giao thông vận tải đặt mật danh “Công trường 101” và  tỉnh Thanh Hóa đặt phiên hiệu “Công trường thủy lợi Thanh Hóa”.

Mỗi lần nhắc tới tên "Công trường 101" mới thấy nghệ thuật tổ chức và huy động lực lượng của Thanh Hóa đạt tới mức “huyền thoại”. Chỉ trong vòng 10 ngày, Thanh Hóa đã huy động đủ 10.000 thanh niên xung phong lên công trường, sẵn sàng bắt tay vào công việc (cần phải nhắc lại Công trường 101, Công trường thủy lợi Thanh Hóa bắt đầu khởi động vào tháng 7/1965 chứ không phải năm 1979 như một số người lầm tưởng…). Chỉ trong vòng hơn 1 năm, bằng sức lao động và nghệ thuật tổ chức lao động đầy sáng tạo, phi thường, trong hoàn cảnh địch đánh phá phá liệt, sân bay quân sự thời chiến đã ra đời, đủ điều kiện để những cánh én bạc xuất kích, chiến đấu với máy bay Mỹ. 

Có thể nói, xây dựng sân bay Sao Vàng ở Thanh Hóa là đại công trường thủ công, biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng bộ, chính quyền và quân dân Thanh Hóa.

Trong quá trình xây dựng sân bay Sao Vàng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Vũ Quang, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã vào thăm, động viên cả vạn thanh niên xung phong đang lao động trên công trường. Trong thời gian này, đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô cũng đến thăm việc thi công sân bay, đồng thời bày tỏ cảm phục trước tinh thần lao động quả cảm của thanh niên Việt Nam. Chính vì lẽ đó, Chính phủ Liên Xô quyết định viện trợ để thi công đường băng, giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay. 

Sân bay Sao Vàng “Công trường 101” hay “Công trường thủy lợi Thanh Hóa” trở thành biểu tượng cao đẹp của nghệ thuật chỉ đạo và tổ chức lao động, và huyền thoại trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc…

Cảng hàng không Thọ Xuân.

Chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại, sân bay Sao Vàng được quan tâm đầu tư, nâng cấp hiện đại, đủ sức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển, hải đảo thân yêu. Cũng từ đây, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ấp ủ, ước mơ có một sân bay dân dụng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi ý tưởng này nhận được sự đồng tình của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương bắt tay vào việc, hiện thực hóa kế hoạch xây dựng sân bay dân dụng. 

Cũng cần phải nói thêm rằng, trước khi “chuyển hướng” tìm đến với những người lính, lãnh đạo địa phương cũng đã tính toán làm mới một sân bay. Nhưng cái khó là, lấy đâu ra 3.000 - 4.000 tỷ đồng để làm sân bay mới? Lấy đâu ra nguồn nhân lực để làm? Thứ nữa, nếu làm sân bay xong rồi liệu có bay được không? 

Nhưng chính những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt là giai đoạn xây dựng sân bay Sao Vàng đã giúp lãnh đạo tỉnh cân nhắc kỹ càng khi quyết định xây dựng sân bay dân dụng sao cho nhanh nhất, ngân sách ít nhất và hoạt động hiệu quả nhất. Thế rồi phương án khai thác một phần sân bay quân sự Sao Vàng để hoạt động thương mại được đệ trình Chính phủ.

Thời điểm từ năm 2010 - 2012, Thanh Hóa bắt đầu hành động quyết liệt để địa phương có cảng hàng không dân dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Quân chủng Phòng không không quân, Sư đoàn 371 và trực tiếp là Trung đoàn 923, nên việc cải tạo, nâng cấp sân bay được diễn ra thuận lợi.

Mặc dù ngân sách tỉnh khi ấy còn nhiều khó khăn, nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn dành 100 tỷ đồng mở đoạn đường nối nhà ga hàng không ra Quốc lộ 47... Tất cả các công việc cho ngày khai trương chuyến bay đầu tiên ( 5/2/2013) kéo dài chưa đến 1 năm.

Có lẽ ở nước ta chưa có một cảng hàng không dân dụng nào mà công tác chuẩn bị từ nhà ga, đường băng, đường giao thông, sân đỗ máy bay... cho cảng hàng không dân dụng hoạt động có thời gian chuẩn bị lại ngắn đến như vậy.

Ông Trịnh Văn Chiến - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá (giữa) đón những hành khách đầu tiên từ TP.HCM về Thanh Hoá. Ảnh: TL

Đúng ngày 5/2/2013, chuyến bay đầu tiên (A321) khai trương đường bay từ TP.HCM đến Cảng hàng không Thọ Xuân tiếp đất trong sự reo vui phấn khởi xúc động đến trào nước của rất nhiều người dự lễ khai trương đường bay TP.HCM - Thanh Hóa.

Sẽ là có lỗi lớn và không công bằng nếu không đề cập đến sự phát triển của Cảng hàng không Thọ Xuân, cảng “em út” trong 22 cảng hàng không ở Việt Nam. Lại một lần nữa, trên mảnh đất lịch sử Lam Sơn nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, Cảng hàng không Thọ Xuân được giao kế hoạch kể từ khi đi vào hoạt động (5/2/2013) đến năm 2020, Bộ Giao thông vận tải giao kế hoạch cho cảng này phải đạt 330.000 hành khách.

Nhưng đến ngày 6/8/2015, Cảng đã đón hành khách thứ 330.000. Kế hoạch 330.000 hành khách mà Bộ Giao thông vận tải giao, Cảng hàng không Thọ Xuân đã "cán đích" trước 5 năm. Sự phát triển ấn tượng của “đứa em út” làm cho chính những người trong ngành cũng phải ngỡ ngàng. Đến ngày 10 tháng 12 năm 2019 đã đón hành khách thứ 1 triệu thông qua cảng hàng không Thọ Xuân trong. Sau gần 7 năm đi vào khai thác, tổng sản lượng hành khách thông qua cảng hàng không Thọ Xuân đạt 4,5 triệu lượt.

Chính sự tăng trưởng vượt bậc của Cảng hàng không Thọ Xuân, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân (thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) trong quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 là cảng hàng không quốc tế, có chức năng dự bị cho sân bay Nội Bài.

Không chỉ quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, kêu gọi đầu tư, Thanh Hóa còn rất chú trọng phát triển hạ tầng nhất là giao thông để kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế, thuận lợi cho vận chuyển phương tiện, máy móc, hàng hóa, tạo ra sự liên kết vùng, miền, các di tích, danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch. Vì thế, khi đã hoàn tất việc ra đời Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân, thì cũng là lúc Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, khu công nghệ cao cũng đã khởi động, bước đầu thu hút một số nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến đây.

Nông dân các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh, Nông Cống, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) cũng lấy làm bất ngờ chỉ trong thời gian vài năm một tuyến đường nhựa phẳng lì tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng dài gần 66km, được xây dựng mới hoàn toàn, đấu nối từ Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân kéo dài đến Khu kinh tế Nghi Sơn. 

Tuyến đường mới xây dựng này như dải lụa mềm vắt qua những cánh đồng trồng lúa, mía xen lẫn xóm làng của vùng trung du, đồng bằng xứ Thanh, đẹp như bức tranh thủy mặc.

Hiện nay, cùng với việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá đang tập trung xây dựng khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng thành Khu liên hợp công - nông nghiệp công nghệ cao, có tổng diện tích khoảng 6.000ha và khu đô thị sân bay, với diện tích khoảng 3.000ha, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của Cảng hàng không Thọ Xuân. 

Khu vực Lam Sơn - Sao Vàng nằm ở trung tâm hình học của tỉnh Thanh Hóa; có mối quan hệ trực tiếp và thuận lợi với các vùng trong tỉnh, TP.HCM, Thủ đô Hà Nội, TP. Vinh, vùng Tây Bắc và nước bạn Lào thông qua các Quốc lộ 47, 217, đường Hồ Chí Minh, đường 15A và đường hàng không.

Là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế về: Tài nguyên rừng, đất đai, khoáng sản, du lịch hết sức đa dạng, phong phú và to lớn; có nguồn nhân lực dồi dào; có nền văn hóa lâu đời và truyền thống lao động cần cù.

Là một trong 4 cụm kinh tế động lực của tỉnh Thanh Hóa, với định hướng xây dựng và phát triển các ngành Công nghiệp và Nông nghiệp sạch, công nghệ và chất lượng cao, kết hợp với phát triển Đô thị dịch vụ - du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái và phát triển bền vững.

Chính vì vậy, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương phát triển khu vực Lam Sơn - Sao Vàng thành một “Tổ hợp Đô thị Công - Nông nghiệp công nghệ cao - Du lịch” làm động lực cho phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực miền Tây Thanh Hóa.

Tổ hợp Đô thị Công - Nông nghiệp công nghệ cao - Du lịch Lam Sơn - Sao Vàng được hình thành từ ý tưởng tổng hợp 4 yếu tố là: Khu công nghiệp sạch sử dụng công nghệ cao; Khu Nông nghiệp công nghệ cao; Khu du lịch bảo tồn Văn hóa lịch sử và sinh thái Lam Kinh; Kết hợp với đô thị Lam Sơn - Sao Vàng tạo thành một tổ hợp kinh tế động lực phát triển bền vững.

Tại đây sẽ kêu gọi các nhà đầu tư cùng thực hiện ý tưởng nhằm phát triển Lam Sơn - Sao Vàng trở thành một đô thị thông minh, năng động; khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao gắn với chuyển giao, sản xuất thân thiện với môi trường; một trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

NGHI SƠN THẦN TỐC

Không biết tự bao giờ, câu ca về những vùng khó khăn, nghèo nàn nhất nhì của xứ Thanh, được lan truyền cho đến bây giờ: Nhất xương (huyện Quảng Xương), nhì da (huyện Tĩnh Gia, nay là Thị xã Nghi Sơn), thứ ba Hậu Lộc! 

Cũng không biết từ bao giờ, một vùng cát trắng, biển xanh dù rất đẹp và nên thơ cũng chỉ tồn tại những làng chài, những cánh đồng sản xuất muối và trồng lúa nước trong đất pha cát.

Cái nghèo khó như mặc định ở vùng đất này trước sự cam chịu của con người! Thế rồi, ở vùng đất nắng gió nghèo nàn ấy bắt đầu được đánh thức bởi dự án đầu tiên được triển khai: Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Nghi Sơn, công suất 4 triệu tấn xi măng/năm.

Đây là công trình đầu tiên có vốn và công nghệ Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài tiên phong đặt chân đến chân đến vùng đất này. Khi đó, nhiều người thắc mắc, tại sao người Nhật Bản dám đổ tiền của vào vùng ven biển tận cùng phía Nam Thanh Hóa?

Lần giở trí nhớ, đọc thêm tài liệu mới ngả mũ, nể phục người Nhật Bản. Không rõ họ khảo sát, đánh giá, tìm hiểu từ khi nào mà năm 1996 tổ chức JICA ( Nhật) đã đưa ra nhận định: “… Nằm ở cuối phía Nam bờ biển tỉnh Thanh Hóa, Nghi Sơn có tiềm năng về xây dựng một cảng nước sâu từ 15 - 18m sau khi xây dựng một nhà máy xi măng lớn, một cảng chuyên dùng và tuyến kỹ thuật hạ tầng vào khu công nghiệp, đồng thời với sự đầu tư tổng hợp cho phép vùng Nghi Sơn trở thành một trong các trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Bắc Trung bộ và cả nước, sẽ là cửa ngõ chính của tam giác kinh tế phía Bắc…”.

Thế rồi, JICA nhận định về xây dựng nhà máy xi măng lớn và cảng nước sâu…

Có mặt trong ngày trọng đại khởi công xây dựng Nhà máy xi măng Nghi Sơn, cụ Mai Xuân Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trong lúc giải lao, dí dỏm nói với chúng tôi: "Bóng đến chân tiền đạo thì phải bằng mọi cách ghi bàn…!.

Hôm nay là ngày vui, ngày đáng nhớ của tỉnh nhà, ngày đánh dấu sự mở đầu đi đến ấm no, hạnh phúc và giàu mạnh hơn đặc biệt đối với vùng Tĩnh Gia! Vì thế, chúng ta phải chớp thời cơ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khu vực Nghi Sơn trong tương lai phải trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài …". 

Lời tâm sự của cụ Minh, vị chủ tịch tỉnh đáng kính của Thanh Hóa lúc bấy giờ như là sự tiên đoán về tương lai của vùng đất nghèo khó Nghi Sơn…

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn về đêm.

Năm tháng qua đi, nhất là thời gian khoảng 5 năm trở lại đây, thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ngày nay, không chỉ kế tục xứng đáng những thành quả của các thế hệ lãnh đạo đi trước mà còn tận tâm, tận lực cùng với đồng bào Thanh Hóa làm nên kỳ tích.

Thống kê từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các Khu công nghiệp, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 110 dự án mới được đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn gần 150 dự án khác đầu tư vào các Khu công nghiệp trong tỉnh.

Có thể nói rằng, bằng trí tuệ tài năng, sức lao động sáng tạo và “khát vọng thịnh vượng”, xứ Thanh đã và đang cất cánh!

Khu kinh tế Nghi Sơn - Gà đẻ trứng vàng

Một trong những dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay - Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư lên tới 9,3 tỷ USD đang hoạt động hiệu quả. 

Cũng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, nhiều công trình lớn đang hoạt động hiệu quả nhờ những nỗ lực thu hút đầu tư của các giai đoạn trước. Có thể kể đến Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, các hệ thống cảng biển nước sâu…, và gần đây có Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đang xây dựng. Thống kê từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các Khu công nghiệp, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 110 dự án mới được đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn gần 150 dự án khác đầu tư vào các Khu công nghiệp trong tỉnh.

8 tháng đầu năm 2020, tại Khu kinh tế Nghi Sơn đã cấp mới 17 dự án đầu tư, nâng tổng số lên 614 dự án. Trong số này, có 554 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 151.418 tỷ đồng (đã thực hiện 63.626 tỷ đồng) và 60 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 13,5 tỷ USD (đã thực hiện gần 11,2 tỷ USD).

Trong 8 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của Khu kinh tế Nghi Sơn ước đạt 170.067 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 13.000 tỷ đồng (riêng dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn ước đạt 9.800 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,6 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt gần 4 tỷ USD; giải quyết việc làm cho khoảng 90.268 người, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Bài 3: Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top