Chủ tịch tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm việc hiến đất làm đường, tách thửa trái quy định
Mới đây, UBND huyện Bảo Lâm đã có công văn khẩn số 4002/UBND-TN yêu cầu các phòng, ban đơn vị trên địa bàn về việc triển khai thực hiện công văn của UBND tỉnh Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; công tác quản lý nhà nước về phân lô, bán nền và quản lý bảo vệ rừng.
Trong các nội dung triển khai, UBND huyện Bảo Lâm đặc biệt yêu cầu các đơn vị quản lý nhà nước nhanh chóng thực hiện theo nội dung chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, về việc siết chặt công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, chấn chỉnh, xử lý nghiêm, dứt điểm việc hiến đất làm đường, tách thửa, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy định, đồng thời khắc phục triệt để và xử lý dứt điểm tình trạng phân lô, bán nền trái với quy định pháp luật.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo trước mắt tạm dừng toàn bộ việc tác động, đầu tư, xây dựng, thi công công trình trên đất thuộc khu vực tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tách thửa trái quy định thuộc khu vực 15 hộ tách thửa tại thôn 5, 6, xã Lộc Quảng.
Đặc biệt là khu vực ông Nguyễn Mạnh Tưởng tách thửa tại thôn 4, xã B’lá và các khu vực khác trên địa bàn huyện Bảo Lâm (các trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tách thửa, giới thiệu, quảng cáo là dự án bất động sản mà các phương tiện thông tin đại chúng phán ảnh trong thời gian gần đây) để rà soát, thực hiện đầy đủ về hồ sơ, thủ tục pháp lý có liên quan, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự án đầu tư theo quy định.
Hiện trên thị trường có nhiều thông tin đồn đoán ông Nguyễn Mạnh Tưởng là "người nhà" của một vị lãnh đạo cấp cao ở huyện Bảo Lâm. Reatimes đang tiếp tục xác minh và sẽ thông tin đến độc giả liệu có hay không lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ đằng sau khu đất của ông Nguyễn Mạnh Tưởng.
Lập đoàn kiểm tra tại The Tropicana Garden 1&2, Sở Xây dựng liệu có bỏ sót sai phạm?
Cũng liên quan đến các sai phạm về phân lô, tách thửa xảy ra tại xã B’lá, huyện Bảo Lâm, trước đó Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 2762/SXD-TTr gửi các Sở và UBND huyện Bảo Lâm đề nghị kiểm tra, xử lý thông tin liên quan đến dự án "ma" và phá rừng tại địa bàn, đồng thời sẽ xử lý nghiêm vi phạm tại dự án “ma” The Tropicana Garden 1&2 (nếu có).
Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh nội dung thông tin trên báo chí phản ánh về dự án “ma” The Tropicana Garden 1&2; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật. Việc này nhằm thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng về kiểm tra, xử lý thông tin liên quan đến dự án "ma" và phá rừng tại huyện Bảo Lâm.
Cụ thể, ngày 4/1, các thành phần tham gia tập trung tại UBND xã B’Lá, huyện Bảo Lâm để họp triển khai, sau đó tiến hành kiểm tra thực tế hiện trạng “dự án The Tropicana Garden 1&2” và tổng hợp lập biên bản thống nhất kết quả kiểm tra tại UBND huyện Bảo Lâm (dự kiến 2 ngày làm việc).
Dù có nhiều nội dung chuẩn bị, nhưng Sở Xây dựng không biết vô tình hay cố ý, đã “bỏ sót” việc xác minh chuỗi dự án ma này có vi phạm Nghị định 76/2015 NĐ-CP hay không.
Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài Sai phạm phân lô, Lâm Đồng liệu có học theo Long An thu hồi sổ đỏ đã cấp?, việc thu hồi sổ đỏ đã cấp, buộc cá nhân lập doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư dự án là câu chuyện đã xảy ra ở Long An, một địa phương trước đây từng là điểm nóng phân lô bán nền vi phạm Nghị định 76/2015 NĐ-CP.
Cụ thể tại Điều 5, Nghị định 76/2015 NĐ-CP, hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản quy định: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản mà không phải do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh và trường hợp hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh nhưng dự án có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ đồng (không tính tiền sử dụng đất)…”.
Mặc dù vậy, nhiều cá nhân đầu tư kinh doanh bất động sản với tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng vẫn không lập doanh nghiệp. Điều này gây thất thoát thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch của địa phương.
Để khắc phục những trường hợp sai phạm, địa phương đã yêu cầu các cá nhân phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xin chủ trương lập dự án. Thậm chí có trường hợp đã ra sổ đỏ đứng tên cá nhân nhưng vẫn phải thu hồi lại.