Aa

Bài 28: TP.HCM đề xuất thí điểm lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị

Chủ Nhật, 01/10/2023 - 05:14

UBND TP.HCM đề xuất lực lượng quản lý này sẽ hoạt động thường xuyên, liên tục, không kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ để kiểm tra, xử lý và tổ chức chốt quản giữ không để tái diễn tình trạng vi phạm trật tự đô thị.

Lời toà soạn:

Ngày 25/7/2019, Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 - CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD), tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý đúng pháp luật, trên địa bàn thành phố.

Theo tinh thần Chỉ thị này, phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua không chỉ góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về TTXD, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP mà còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện.

Dù tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp. Tình trạng xây dựng sai phép, cấp phép xây dựng sai quy định ở một số địa bàn vẫn còn tiếp diễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình sai phạm còn kéo dài, chưa dứt điểm.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện từ ghi nhận thực tế, Reatimes khởi đăng loạt bài: Triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU tại TP.HCM: Thành quả và bài học thực tiễn. Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

UBND TP.HCM vừa có đề xuất đến Thủ tướng cho phép TP.HCM sẽ thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND các quận, huyện. Theo đó, UBND TP.HCM cho biết cần có một lực lượng thường xuyên tuần tra, giám sát, phát hiện nhanh để xử lý theo quy định và đó là lực lượng Đội Quản lý trật tự đô thị.

Đây là lực lượng hoạt động thường xuyên, liên tục, không kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ để kiểm tra, xử lý và tổ chức chốt quản giữ không để tái diễn tình trạng vi phạm trật tự đô thị ngày càng phức tạp. Do đó, lực lượng này là rất cần thiết nhằm xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại.

Sai phạm xây dựng tại Tòa nhà Big Group 94-96 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Hưng, quận 7 kéo dài nhiều năm

Theo UBND TP.HCM, lý do thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị là bởi thời gian qua, dù thành phố đã thực hiện việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp số văn minh đô thị tuy nhiên tình trạng xả rác, lấn chiếm lòng lề đường vẫn ở mức cao và có chiều hướng phức tạp ảnh hưởng đến trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông.

Đồng thời, tại TP.HCM xuất hiện nhiều chợ tự phát, hoạt động kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, các khu vực có điểm tham quan (Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Thành phố....), khu vực trường học, bệnh viện...

Hiện nay, tại một số quận, huyện trên địa bàn TP đã thành lập các Tổ/Đoàn kiểm tra gồm 2 lực lượng chính là Đội Quản lý trật tự đô thị, Đội Thanh tra xây dựng địa bàn cùng với Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND phường, xã, thị trấn, Công an phường, xã, thị trấn nhằm kiểm tra, xác lập hành vi vi phạm pháp luật về lần chiếm lòng, lề đường; vi phạm pháp luật về vệ sinh môi trường lòng, lề đường, vỉa hè; vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Thông qua cách làm này, đã giảm được tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, giảm tỷ lệ ô nhiễm tại lòng, lề đường, vỉa hè, giảm được số vụ vi phạm trật tự xây dựng. Qua đó, thấy được tính hiệu quả của các Tổ/Đoàn kiểm tra này. Tuy nhiên, hạn chế của các Tổ/Đoàn kiểm tra này là muốn thực hiện thì phải xây dựng kế hoạch, muốn xử lý thì phải phối hợp liên ngành để cùng xử lý; sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả xử lý, phát hiện vi phạm.

Nhà hàng Hàng Dương tồn tại vi phạm nhiều năm qua, chỉ cách UBND phường Tân Phong hơn 300 mét, trên tuyến đường số 65

Nếu TP.HCM chỉ đề xuất chuyển giao lực lượng Thanh tra Xây dựng từ Sở Xây dựng về UBND các quận, huyện quản lý mà không chuyển giao thêm chức năng của Đội Quản lý trật tự đô thị hiện nay thì không mang tính hiệu quả cao trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và đô thị trên địa bàn vì sẽ không thể kiểm tra, xử lý nhanh, kịp thời và tổ chức chốt quản liên tục.

Ngoài ra, khi thực hiện việc chuyển chức năng như nêu trên, TP.HCM sẽ giải thể lực lượng Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhưng vẫn đảm bảo trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và đô thị tại thành phố.

Vì vậy, UBND TP.HCM đề xuất nếu được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND các quận, huyện thì sẽ chuyển chức năng quản lý nhà nước về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường lòng, lề đường, nơi công cộng về Đội nhằm tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, thời hạn thí điểm là 2 năm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top