Lời tòa soạn:
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cho biết dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đưa tỉnh “đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước”. Mặc dù vậy, do chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững; cải cách hành chính, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có cải thiện nhưng chưa đáng kể; hoạt động và phối hợp công tác ở chính quyền một số địa phương, sở, ngành chưa hiệu quả; chất lượng quy hoạch cán bộ có mặt còn hạn chế…
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5 - 8%, trong giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Trị xác định sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp năng lượng, đưa Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.
Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị, khoảng 2 năm trở lại đây là khoảng thời gian ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về thu hút đầu tư. Hàng loạt dự án với vốn đầu tư từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng đã được khởi công tại tỉnh Quảng Trị.
Tính riêng năm 2019, tỉnh này có 66 dự án được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có dự án đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài về nhiều lĩnh vực. Đây cũng là năm mà Quảng Trị thu hút được nhiều dự án với qui mô lớn, có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn không ít bất cập trong quá trình thu hút đầu tư của địa phương này.
Với tinh thần nghiên cứu và phản biện vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của địa phương, trên cơ sở vận dụng đúng các quy định pháp luật, Reatimes khởi đăng loạt bài: Tận dụng nguồn lực đất đai và tài nguyên để phát triển kinh tế tại Quảng Trị, thành quả và bài học từ thực tiễn. Trân trọng giới thiệu với độc giả!
Khi hậu họa của những đợt thiên tai mưa lũ dị thường năm 2020 vẫn còn hiện hữu, thì người dân vùng cao tỉnh Quảng Trị lại sắp bước vào mùa mưa bão, lũ lụt mới với những cảnh báo không kém sự khốc liệt, hiểm nguy.
Lời cảnh tỉnh đầu mùa…
Hồi giữa tháng 9/2021, người dân xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã phải trải qua cảm giác rợn người khi chứng kiến những dòng “lũ đất” ầm ầm trôi như thác đổ sau những đợt mưa lớn do ảnh hưởng bởi bão Conson (bão số 5). Sở dĩ nói là “rợn người” bởi mới đây thôi, vào mùa lũ bão năm trước, họ đã phải chứng kiến bao mất mát, thương đau do sạt lở đất trên những vùng cao quê hương mình.
Vào mùa bão lũ năm 2020, tại xã Húc đã có 2 ngôi nhà bị đất, đá vùi lấp, 8 người dân thiệt mạng. Cách đây không lâu, Nhà nước cũng vừa hỗ trợ làm nhà ở, di chuyển 19 hộ của xã Húc chịu ảnh hưởng nặng do mưa bão đến nơi ở mới an toàn.
Xã Húc là cái tên được báo chí, mạng xã hội nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây với những sự kiện, sự cố liên quan đến công trình điện gió. Toàn xã Húc có diện tích tự nhiên 6.371,90ha, với 9 thôn, bản. Phần lớn đất đai của xã Húc thuộc đồi, núi hiểm trở và khô cằn.
Xã hiện có 812 hộ dân với gần 4.200 nhân khẩu, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Kô, Vân Kiều chiếm trên 95%, số còn lại là người Kinh. Bà con sinh cơ lập nghiệp chủ yếu ở các thung lũng nằm len lỏi dưới chân đồi, núi. Sinh kế chính của người dân nơi đây là trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, một số ít trồng rừng, cùng một số cây nông nghiệp khác. Dù sinh kế chính là trồng cây lúa nước, song toàn xã hiện cũng chỉ có 70ha. Vì vậy, cuộc sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, với mức thu nhập trung bình chỉ 11,3 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo hiện chiếm trên 46%.
Khi hậu họa của những đợt thiên tai dị thường năm 2020 như còn hiện hữu thì bà con xã Húc sắp bước vào một mùa mưa bão được dự báo cũng khốc liệt và nhiều nguy hiểm không khác gì năm trước. Không lo sao được khi mà những quả đồi chót vót trên cao đã bị xẻ ngang bạt dọc để nhường chỗ các công trình điện gió.
Nhìn nhận sự xuất hiện của những cơn nước lũ cuồn cuộn chảy cuốn theo bao bùn đất do ảnh hưởng bão Conson, mới đây, Chủ tịch UBND xã Húc, ông Hồ Văn Ka Rai chia sẻ với PV Reatimes rằng, UBND xã đã chủ động di dời dân ở những khu vực ven sông, suối, những nơi xung yếu nên tránh được những thiệt hại. Những ngày này, khi mà thông tin về mưa bão đang liên tục dội về và những “kịch bản” ứng phó lũ bão đã được chuẩn bị thì lãnh đạo và người dân trong xã cũng không hề lơ là chủ quan.
Ông Hồ Văn Ka Rai cho biết, ở xã Húc đang có 4 dự án nhà máy điện gió, trong đó dự án Tài Tâm, Hoàng Hải, Amaccao vừa hoàn thành; dự án Tân Hợp 1 của Công ty Cổ phần Thành An sắp hoàn thành. “Chủ đầu tư các công trình điện gió cũng đã tiến hành thảm cỏ, gia cố các mố trụ tuabin, trồng cỏ ở những bãi thải để chống xói lở. Họ cũng thường cùng xã đi kiểm tra công trình, khắc phục, gia cố những điểm dễ sạt lở. Tuy nhiên, phương án di dân đến nơi an toàn khi có lũ bão luôn sẵn sàng”, ông Ka Rai chia sẻ.
Xã Húc chỉ là một trong nhiều địa phương của huyện Hướng Hóa chịu cảnh xẻ núi bạt đồi để triển khai dự án nhà máy điện gió. Huyện này cũng là địa phương cảm nhận rõ nhất về thiên tai dị thường khi mà nỗi đau, hậu họa của mùa mưa bão năm trước vẫn còn hiện rõ. Còn nhớ trong vòng hai tuần từ ngày 6/10/2020, cùng với nhiều địa phương trên toàn tỉnh Quảng Trị, vùng cao huyện Hướng Hóa lẫn huyện Đakrông đã xuất hiện 4 trận lũ, lũ chồng lũ gây ra 2 đợt ngập lụt kéo dài 16 ngày liên tục. Mưa đặc biệt lớn ở khu vực miền núi đã gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng, làm thiệt hại rất lớn về người, tài sản.
Chỉ riêng tại địa bàn huyện Hướng Hóa đã xảy ra 2 vụ sạt lở đất nghiêm trọng. Nghiêm trọng nhất là trận sạt lở đất vào ngày 18/10/2020 đã xảy ra tại bản Cợp, xã Hướng Phùng làm 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 hy sinh. Tại nhiều khu vực khác trên địa bàn cũng đã xảy ra các hiện tượng lỡ núi, sụt lún đất uy hiếp đến các khu vực dân cư.
Trong khi đó, mới đầu mùa mưa lũ năm nay, huyện Hướng Hóa cũng đã chứng kiến những dấu hiệu thiên tai khốc liệt, khi mà đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5 đã cuốn trôi hệ thống cống tràn Sê Pu; ngầm tràn trên tuyến đường vào bản Kloong thôn Tri và bản Cuôi, xã Hướng Lập. Cầu tràn tạm và khu sản xuất thôn Trùm, xã Ba Tầng cũng bị cuốn trôi; cầu tràn thôn Ván Ri, xã Húc bị hư hỏng; các bãi thải, bãi bồi quanh trụ điện gió một số nơi đã sạt lún, trôi đất. Và cũng trận đầu mùa mưa bão, nhưng cũng đã có 270 hộ dân, 1174 nhân khẩu trên nhiều xã của huyện phải di chuyển, sơ tán khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, xung yếu đến nơi tạm trú an toàn.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở núi đồi
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, tại huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông có 92 thôn, bản/24 xã, thị trấn sẽ chịu ảnh hưởng lũ ống, lũ quét; có 88 thôn, bản/25 xã, thị trấn bị ảnh hưởng sạt lở đất đồi núi. Đây lại là hai huyện tập trung các dự án, công trình điện gió, trong đó nhiều nhất là tại huyện Hướng Hóa với 26 dự án đã, đang triển khai thi công.
Theo báo cáo của các địa phương, đơn vị và qua kiểm tra, rà soát hiện trạng, tình hình thi công các 26 công trình điện gió này ban đầu cho thấy, các công trình phụ trợ như đường công vụ phục vụ thi công, vận chuyển máy móc thiết bị, nhà đầu tư thực hiện mở đường, bạt taluy dương, đắp nền đường tạo taluy âm, nhiều vị trí có nguy cơ làm mất ổn định mái dốc, thanh thải đất đá làm thay đổi địa hình, cản trở khả năng tiêu thoát nước mặt, hệ thống thoát nước dọc theo tuyến đường chưa bố trí đầy đủ các cống thoát nước ngang.
Đặc biệt, các bãi thải có nguy cơ sạt trượt cao gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy có khả năng gây ra các tình huống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngoài dự kiến, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân tại các khu vực lân cận, bồi lấp đất sản xuất của người dân, hư hỏng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, công trình nước sạch miền núi, đường giao thông…
Bài 4: Hệ lụy khó lường trước từ “cơn lốc” điện gió Quảng Trị