Aa

Bài 39: Vi phạm trật tự xây dựng tại TP.HCM giảm 30% so với cùng kỳ

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Thứ Bảy, 18/11/2023 - 05:06

Báo cáo của UBND TP.HCM cho thấy, tình hình vi phạm trật tự xây dựng 10 tháng đầu năm trên địa bàn đã giảm 30% so với cùng kỳ.

Lời toà soạn:

Ngày 25/7/2019, Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 - CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD), tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý đúng pháp luật, trên địa bàn thành phố.

Theo tinh thần Chỉ thị này, phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua không chỉ góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về TTXD, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP mà còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện.

Dù tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp. Tình trạng xây dựng sai phép, cấp phép xây dựng sai quy định ở một số địa bàn vẫn còn tiếp diễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình sai phạm còn kéo dài, chưa dứt điểm.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện từ ghi nhận thực tế, Reatimes khởi đăng loạt bài: Triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU tại TP.HCM: Thành quả và bài học thực tiễn. Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Mới đây, UBND TP HCM vừa có báo cáo số 336/BC-UBND về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến cuối năm 2023. 

Theo đó, về kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động xây dựng đã thực hiện kiểm tra 5.225 lượt, phát hiện tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng là 24 trường hợp (giảm 6 trường hợp so với cùng kỳ), phát hiện 24 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (giảm 30% so với cùng kỳ).

Cụ thể, các trường hợp sai phép là 13/24 trường hợp (chiếm tỉ lệ 54,17% tổng số vi phạm), giảm 23,52% so với cùng kỳ năm 2022. Các trường hợp không phép là 3/24 trường hợp (chiếm tỉ lệ 12,5% tổng số vi phạm), bằng với cùng kỳ năm 2022. Vi phạm khác 8/24 trường hợp (chiếm tỉ lệ 33,33% tổng số vi phạm), giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu là các công trình không che chắn, rơi vãi vật liệu xây dựng...

Sai phạm xây dựng tại Tòa nhà Big Group 96 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Hưng, quận 7 kéo dài nhiều năm

Về cấp giấy phép xây dựng trong tháng, toàn thành phố cấp 1.635 giấy phép xây dựng (so với cùng kỳ năm trước, giảm 738 giấy phép xây dựng, tỷ lệ giảm 31,1%), với tổng diện tích sàn xây dựng là 297.139,92m, trong đó, Sở Xây dựng cấp 2 giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn xây dựng là 23.359,63m.

Về lĩnh vực đô thị, báo cáo cũng cho thấy, công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được chú trọng thực hiện. Thành phố đang xem xét nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ (lần 2) đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ; xem xét phương án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu công viên bến Bạch Đằng; chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc tăng cường phối hợp các huyện trong công tác lập quy hoạch vùng huyện.

Thành phố cũng xem xét việc rà soát các quỹ đất để khai thác, phát triển khu vực xung quanh nhà ga và dọc tuyến Metro số 1, dọc các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 và phát triển các vùng phụ cận; tổ chức Hội thảo “Các giải pháp Quản lý phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD) trong các quy hoạch xây dựng TP.HCM”.

Thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã tổ chức cuộc họp với thành phố Thủ Đức, các chuyên gia, thành viên hội đồng về rà soát, góp ý hoàn thiện hồ sơ Đồ án Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040; giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, các Bộ ngành về quan Đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040.

TP.HCM cũng hoàn thiện dự thảo báo cáo trình Ban Thường vụ Thành ủy về nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ (lần 2) đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ; ban hành kế hoạch rà soát quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch dọc hai bên tuyến và vùng phụ cận dọc đường Vành đai 3 phục vụ kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất, mang lại nguồn thu cho ngân sách Thành phố.

Về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, trong 10 tháng đầu năm 2023, thành phố đã thực hiện cấp 5.971 giấy chứng nhận lần đầu (5.927 giấy chứng nhận cho cá nhân và 44 giấy chứng nhận cho tổ chức); đăng ký biến động 259.877 giấy chứng nhận cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố (đối với tổ chức là 6.543 giấy chứng nhận; đối với cá nhân là 253.334 giấy chứng nhận).

Nhiều công trình vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời (Ảnh: Hiếu CT)

Ngoài ra, trong báo cáo này, UBND TP.HCM cũng đề cập về tình hình tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường bất động sản. Cụ thể, các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc dự án bất động sản do doanh nghiệp trực tiếp gửi UBND TP.HCM hay do Tổ Công tác tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ chuyển đến, đa phần đều nằm trong 189 kiến nghị tại 148 dự án mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã tổng hợp, kiến nghị UBND TP.HCM thời gian qua.

Đến nay, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành giải quyết được 52 kiến nghị (tại 44 dự án). Đối với 30 kiến nghị (tại 30 dự án) liên quan quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết theo chương trình giám sát của HĐND TP. Nhóm 43 kiến nghị (tại 36 dự án23) Sở, ngành sẽ xem xét, xử lý sau khi có ý kiến của Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số các dự án do Tổ Công tác chuyển đến Thành phố đề nghị xem xét, giải quyết gồm 70 kiến nghị (70 dự án). Thành phố tổ chức họp và xem xét khoảng 31 kiến nghị (31 dự án); trong số đó, có một số dự án UBND TP.HCM đã tổ chức họp Tổ Công tác tháo gỡ, họp Ban Cán sự Đảng UBND TP và đã cơ bản tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, như: đồng ý cho chủ trương bán, sản phẩm căn hộ tại: dự án Gotec quận 7, dự án Gamuda quận Tân Phú, dự án Quốc Lộc Phát, tháo gỡ vướng mắc tại dự án Metro Star...

Nhìn chung, các vướng mắc tại các dự án chủ yếu liên quan đến pháp lý đất đai (giao đất, cấp giấy chứng nhận, nghĩa vụ tài chính...), về bồi thường, về điều chỉnh quy hoạch. Đến thời điểm hiện nay, trong danh sách trên có 14 dự án liên quan đến điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Thủ Đức./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top