Bài 4: Phải thật cương quyết mới có thể “trị” tận gốc dự án treo

Bài 4: Phải thật cương quyết mới có thể “trị” tận gốc dự án treo

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Tư, 03/08/2022 - 06:15

Lời tòa soạn:

Dự án “treo”, chậm tiến độ đang trở thành một “vấn nạn” khiến nguồn lực đất đai bị lãng phí, làm nham nhở bộ mặt đô thị và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân sống trong vùng quy hoạch cũng như sự phát triển bền vững của thành phố.

Hậu quả thì đã rõ, nhưng câu chuyện xử lý các dự án bỏ hoang, chậm tiến độ, gây bức xúc trong dân vẫn đang là vấn đề nan giải nhiều năm nay khi số liệu về những dự án này trong báo cáo của cơ quan chức năng qua các năm không mấy thuyên giảm. 

Theo kết quả giám sát của HĐND TP. Hà Nội, đến nay trên địa bàn thành phố có 379 dự án chậm triển khai tại khắp các quận, huyện. Trong đó có không ít dự án treo từ thập niên này sang thập niên khác ngay tại các địa bàn, trục đường trung tâm được xem là “đất vàng”.

Trong văn bản mới nhất, HĐND TP. Hà Nội ra “tối hậu thư” với UBND Thành phố, trong quý II/2022, TP. Hà Nội phải thực hiện xong công tác hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để đến hết quý IV/2022 xử lý xong các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, chây ỳ, vi phạm.

Ngày 13/7, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành liên quan tới việc triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề "quy hoạch treo", "dự án treo". Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo"; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Những dự án triển khai xuyên thập kỷ: Hệ lụy và "thuốc đặc trị".

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Thi công chậm, kéo dài, không đảm bảo tiến độ; giải phóng mặt bằng xong rồi bỏ hoang, không triển khai… là thực tế tại rất nhiều dự án phát triển đô thị hiện nay. Những định hướng quy hoạch, những mong chờ, kỳ vọng về một khu đô thị khang trang, hay một khu vực được thay đổi diện mạo sau hàng chục năm vẫn nằm trên bản vẽ, thay vào đó là những bãi đất trống, quây tôn, cỏ mọc.

Dự án treo, chậm tiến độ không phải là vấn đề mới nhưng đang ngày càng nhức nhối hơn, trở thành “vết sẹo” khó chữa lành trên “cơ thể” đô thị. Dự án “treo”, treo cả cuộc sống của người dân, kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, địa phương nơi có dự án. Nguồn lực đất đai vẫn đang nằm chờ từ năm này qua năm khác. Và dù những bất cập, hệ lụy của các dự án này liên tục được chỉ ra nhưng thực tế là, con số các dự án treo, chậm, vi phạm về tiến độ lại tăng lên qua các năm.

Mới đây, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp 3, Quốc hội khoá XV, Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương cần: Rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”.

Tiếp tục bàn luận về câu chuyện tìm “thuốc đặc trị” cho dự án treo, chậm tiến độ, Reatimes đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

PV: Theo ông các dự án chậm tiến độ, dự án treo xuất hiện nhan nhản ở các tỉnh thành phố đang trong quá trình đô thị hóa đã và đang gây ra những hệ luỵ gì?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Dự án treo là những dự án đã được chính quyền trao quyết định đầu tư và thậm chí là giao đất, giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư lại không triển khai thực hiện, bỏ hoang dự án.

Hệ lụy đầu tiên có thể thấy rõ là tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai. Quỹ đất để phát triển các dự án là hữu hạn, thường nằm ở những vị trí tương đối thuận lợi, đã giải phóng mặt bằng, nếu các chủ đầu tư nhận đất mà lại bỏ hoang nhiều năm thì rõ ràng rất lãng phí. Đặc biệt, điều này có thể gây bức xúc lớn cho người dân, khi phần lớn nguồn gốc đất giao cho các dự án là từ đất sản xuất nông nghiệp. Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất của người dân, giao cho các chủ đầu tư dự án nhưng sau đó lại bỏ hoang, trong khi người dân mất đất canh tác, không có công ăn việc làm. Chính vì thế, các dự án “treo” càng nhiều thì càng làm xói mòn lòng tin của người dân vào các quy hoạch, kế hoạch và định hướng phát triển.

Mặt khác, khi nhà đầu tư nhận dự án mà không triển khai, để nguồn lực đất đai “nằm chờ” thì những nhà đầu tư khác có tiềm lực, muốn được đầu tư, phát triển tại vị trí/khu vực đó bị mất đi cơ hội.

Đó là những hệ lụy rất lớn!

PV: Có thể nói, các dự án treo, chậm tiết độ đã trở thành vấn nạn trong quá trình phát triển đô thị với những hệ lụy khôn lường. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Về nguyên nhân, tôi cho rằng, mấu chốt nằm ở năng lực của chủ đầu tư. Với những chủ đầu tư có tài chính yếu kém nhưng vẫn được giao dự án, khi giải phóng mặt bằng xong là có thể không còn tiềm lực, phải trông chờ vào nguồn vốn bên ngoài, ví dụ như vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được vay khi tín dụng có hạn, nên các chủ đầu tư này thường chờ đợi nguồn vốn huy động từ khách hàng, tức là bán sản phẩm hình thành trong tương lai. Song, điều này cũng không phải dễ dàng, đặc biệt là đối với những dự án nằm ở những khu vực chưa thực sự phát triển, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư bất động sản và người dân có nhu cầu.

Cá biệt có những chủ đầu tư huy động được dòng tiền thứ cấp từ nhà đầu tư và người dân để phát triển dự án nhưng do năng lực triển khai yếu kém hoặc do gặp khó khăn mà sử dụng luôn nguồn tiền đó để trả nợ hoặc đầu tư những dự án khác nên cũng không còn nguồn lực để triển khai dự án này, dẫn đến dự án bị bỏ hoang, chậm tiến độ.

 

PV: Rõ ràng, luật đã quy định về việc chủ đầu tư không triển khai dự án sau một thời gian nhất định thì phải thu hồi, vậy tại sao vẫn có những dự án “treo” đến hàng chục năm, thưa ông?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Ngoài yếu tố năng lực của nhà đầu tư, lý do khiến các dự án bị chậm tiến độ lâu dài còn có thể do quy hoạch. Tại một số dự án, chủ đầu tư cũng muốn triển khai nhưng lại nằm ở ranh giới những khu vực phải điều chỉnh quy hoạch. Điển hình như thời điểm sáp nhập tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh vào Hà Nội, nhiều dự án trước đó đã được giao cho các chủ đầu tư buộc phải dừng để điều chỉnh quy hoạch. Và tệ hơn, thị trường giai đoạn đó lại trầm lắng nên hầu hết dự án tại các khu vực đó đều bị “treo” trong thời gian dài.

Mặt khác, cũng có trường hợp, nhà đầu tư đã được giao dự án, giao đất cũng muốn chờ đợi vào những lần điều chỉnh quy hoạch của chính quyền, đề xuất điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn cho dự án, nhằm thu được nhiều lợi nhuận hơn khi đầu tư nên muốn trì hoãn lại việc thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, có nhiều dự án bị chậm còn do ách tắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Khi chỉ còn một vài hộ chưa đồng ý với thỏa thuận đền bù, còn một góc chưa giải phóng được thì chủ đầu tư không thể triển khai. Và đôi khi, chủ đầu tư cũng lấy cớ chưa giải phóng mặt bằng xong để trì hoãn việc thực hiện dự án theo tiến độ.

Ngoài ra, còn do yếu tố khách quan. Khi triển khai các dự án đầu tư thì phải chịu trách nhiệm và triển khai bên trong dự án, nhưng hạ tầng bên ngoài dự án thì Nhà nước phải đầu tư, ví dụ như hệ thống đường để tiếp cận dự án, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, nước dẫn đến dự án. Theo quy hoạch, tại vị trí đó đường phải mở, hạ tầng phải hoàn thiện nhưng chính quyền vì nguyên nhân nào đó mà vẫn chưa thể đầu tư. Thực tế, nhiều dự án đầu tư công hiện nay vẫn còn chậm. Khi hạ tầng bên ngoài chưa hoàn chỉnh, chủ đầu tư không muốn triển khai vì nếu làm thì cũng khó kết nối đồng bộ với những khu vực xung quanh. Và không có hạ tầng điện, nước… thì có làm cũng không đưa dự án vào hoạt động được.

Theo quy định của pháp luật đất đai, một dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì sẽ bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án được phép gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Như vậy, pháp luật đã quy định rõ về việc xử lý và thu hồi dự án không hoặc chậm triển khai đưa đất vào sử dụng, nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn thấy, có những dự án chậm đến cả chục năm, thậm chí hàng chục năm vẫn chưa thực hiện. Nếu nguyên nhân của việc chậm tiến độ đến từ các yếu tố khách quan thì cũng khó thu hồi.

Chẳng hạn như, dự án bị vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng hoặc phải dừng để chờ chính quyền điều chỉnh quy hoạch và trong một khoảng thời gian rất lâu chính quyền vẫn chưa thực thi quy hoạch, triển khai các dự án hạ tầng. Nếu vậy thì không đổ lỗi cho nhà đầu tư được.

Tất nhiên bên cạnh đó cũng có những dự án không vướng giải phóng mặt bằng, không vướng quy hoạch nhưng vẫn chậm do năng lực của nhà đầu tư kém, thì rõ ràng, căn cứ theo quy định pháp luật, hoàn toàn phải thu hồi và không đền bù. Song, ở những dự án này có thể có nút thắt liên quan đến bên thứ ba là các nhà đầu tư thứ cấp khi chủ đầu tư đã thực hiện huy động vốn. Trong trường hợp chủ đầu tư không triển khai, dự án bị thu hồi thì quyền lợi của các nhà nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Về nguyên tắc, nếu dự án bị thu hồi, không triển khai nữa, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm với các nhà đầu tư đã góp vốn vào dự án. Tuy nhiên, thực tế chính quyền lại vì sợ động chạm đến nhiều đối tượng nên thường không cương quyết trong việc thu hồi dự án, dẫn đến các dự án bị chậm kéo dài.

PV: Tức là trên thực tế rất khó để xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Đương nhiên, không dễ để thu hồi dự án chậm tiến độ. Bởi không có chủ đầu tư nào muốn “buông” dự án dù không triển khai được. Chủ đầu tư khi nhận dự án, dù ít, dù nhiều cũng đã bỏ nhiều chi phí trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án. Nếu thu hồi trên nguyên tắc không bồi thường thì chủ đầu tư sẽ mất không. Chính vì thế mà chủ đầu tư dự án thường tìm mọi cách để cản trở việc thu hồi, đưa ra nhiều nguyên nhân, xin lùi tiến độ dự án. Dẫn đến có những chủ đầu tư vẫn “ôm đất” hàng chục năm không thực hiện.

Mặt khác, như đã nói, việc thu hồi về lý thì đúng, hoàn toàn có cơ sở, nhưng chính quyền cũng thường căn cứ vào thực tế là chủ đầu tư đã phải bỏ ra nhiều nguồn lực để xây dựng công trình, dự án dù dở dang. Nhà nước thu hồi về thì làm gì trên dự án đó cũng là vấn đề đáng bàn. Đó là chưa kể chủ đầu tư còn sử dụng nguồn vốn huy động từ khách hàng, bên thứ ba. Do đó, việc thu hồi cần cương quyết nhưng cũng phải có giải pháp hợp lý, hợp tình.

dự án treo

PV: Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch để xử lý, thu hồi dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án treo. Theo ông, phải gỡ được nút thắt nào thì vấn đề xử lý triệt để dự án treo mới có thể thực hiện, nếu không có lẽ vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, trước hết chính quyền cần làm tròn trách nhiệm của mình trong công tác quy hoạch và thực thi quy hoạch cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.

Bên cạnh đó, liên quan đến câu chuyện giải phóng mặt bằng, tôi cho rằng việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng phải là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước không thể phó mặc việc này cho nhà đầu tư và không nên để cho nhà đầu tư lấy lý do đó để chậm triển khai. Nhà nước phải có trách nhiệm tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý để nhà đầu tư có đầy đủ điều kiện để triển khai, hoàn thành dự án theo tiến độ. Khi mọi vướng mắc đã được khai thông nhưng chủ đầu tư vẫn đình trệ, không triển khai dự án hoặc triển khai ì ạch, chậm tiến độ thì bắt buộc phải thu hồi. Và khi đó, chủ đầu tư không thể đổ lỗi là vì lý do này, lý do kia để xin gia hạn thời gian sử dụng đất, giãn tiến độ dự án được nữa mà bắt buộc phải trả lại quỹ đất đó cho Nhà nước.

Thời gian qua, số dự án treo, chậm tiến độ thu hồi được rất ít là bởi chúng ta thiếu kiên quyết trong việc phân loại, xử lý và thu hồi dự án. Đâu đó vẫn còn tình trạng nể nang, dễ dãi với doanh nghiệp, đồng thời cũng do chưa giải quyết tận gốc những tác động khách quan (như đã nói) khiến dự án chậm triển khai.

PV: Việc xử lý quỹ đất sau khi thu hồi cũng là một bài toán cần đặt ra, thưa ông?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, sau khi thu hồi lại quỹ đất, nên trả lại cho người dân sản xuất nếu đó vẫn là cánh đồng bỏ hoang, chưa xây dựng. Còn đối với những dự án đô thị cần thiết phải triển khai trong giai đoạn này thì phải thực hiện đấu thầu để giao cho nhà đầu tư mới.

Tiền thu được từ việc đấu thầu, sau khi trừ vào nghĩa vụ tài chính đất đai với Nhà nước, phần dôi dư còn lại cần tính toán để trả lại (bồi thường) cho chủ đầu tư cũ trong trường hợp họ đã thực hiện đầu tư một phần. Mặt khác, khi đấu thầu dự án và giao cho chủ đầu tư mới triển khai còn giúp giải quyết được quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp đã góp vốn vào dự án. Nếu tiếp tục để dự án “nằm chờ” thì sẽ có rất nhiều nguồn lực chôn vùi trong đất.

Đối với các dự án mới, để tránh tình trạng “ôm đất” không triển khai, cần phải tiến hành đồng bộ quy hoạch các dự án từ đầu tư công đến đầu tư tư nhân. Nếu như chưa có nguồn lực để triển khai các dự án hạ tầng giao thông, đầu tư công thì chưa vội cấp phép cho những dự án “ăn theo” hạ tầng đó được. Khi đầu tư công và đầu tư tư nhân được tiến hành đồng bộ với nhau thì mới hình thành nên hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh của các dự án kinh doanh thương mại theo quy hoạch.

Nhà nước phải chuẩn bị ngân sách cho các dự án hạ tầng hoàn thành đúng tiến độ, trong khi đó, các nhà đầu tư được giao dự án phải có nguồn lực triển khai. Từ trước đến nay, việc đánh giá năng lực của nhà đầu tư khi giao dự án chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Chính vì thế, rất nhiều dự án chủ đầu tư không có năng lực tài chính để triển khai.

Theo đó, ít nhất, chủ dự án phải chứng minh được nguồn lực dùng để triển khai dự án là hợp lý và hợp pháp. Nguồn vốn đó phải đủ khả năng để thanh toán tiền sử dụng đất, san mặt bằng và các hạ tầng cơ bản. Khi đã đủ điều kiện kinh doanh thì có thể huy động các nguồn vốn khác từ bên ngoài, khi dự án hoàn thành thì lấy doanh thu để trả lại.

Tuy nhiên, chứng minh năng lực tài chính như thế nào cũng là vấn đề đáng bàn. Tôi cho rằng, nên sử dụng 2 hình thức. Thứ nhất, là doanh nghiệp phải bỏ tiền vào một tài khoản phong tỏa ở ngân hàng. Số tiền đó tương đương với chi phí giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất và làm hạ tầng của dự án. Để khi nhận quyền sử dụng đất là có tiền để triển khai ngay. Nếu không có thì sẽ không giao dự án. Thứ hai, nếu nhà đầu tư không có sẵn nguồn tiền (vì đang phân bổ rải rác ở nhiều dự án đầu tư) thì phải chứng minh được khả năng tài chính thông qua tài sản đảm bảo tại ngân hàng.

Ví dụ, nhà đầu tư đang dồn nguồn lực tiển khai dự án nào đó nhưng chưa thu được lợi nhuận, các tài sản về máy móc, thiết bị, nhà cửa chưa tiêu thụ được, thì tất cả phải được thế chấp vào ngân hàng. Từ việc đánh giá tài sản đảm bảo, ngân hàng mới đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp đầu tư, nếu trúng thầu thì ngân hàng sẽ rót tiền.

Nếu đánh giá chủ đầu tư có tiềm lực thì ngân hàng sẵn sàng bảo lãnh.

Tôi cho rằng, khi thực hiện được như vậy thì chắc chắn không doanh nghiệp nào dám làm chậm, và cũng không việc gì phải chậm vì đã có nguồn lực thì cứ thế triển khai thôi.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc đấu thầu để tìm nhà đầu tư nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

GS.TS Hoàn Văn Cường: Đấu thầu công khai, minh bạch sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng trên thị trường. Còn nếu chỉ định giao cho doanh nghiệp nào đó một cách cảm tính thì chưa chắc chủ dự án là đơn vị có năng lực triển khai dự án tốt nhất. Tất nhiên, đấu thầu để lựa chọn ra đơn vị có thể khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai chứ không phải để so ai nhiều tiền hơn. Nhà đầu tư tham gia trúng thầu phải chứng minh được mình có khả năng sử dụng quỹ đất này hiệu quả nhất và đấu với mức giá cao nhất.

Mấu chốt của vấn đề là phải giao đất cho những chủ đầu tư có năng lực, chứng minh được tài chính để có thể triển khai thực hiện ngay thì mới loại bỏ được tình trạng dự án chậm tiến độ dẫn đến “treo” kéo dài.

PV: Theo ông, có nên quy định cụ thể hơn vấn đề trách nhiệm đối với cơ quan chức năng, nhà quản lý trong câu chuyện này hay không?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, trách nhiệm của cơ quan chức năng có liên quan là quan trọng nhất trong việc đảm bảo các dự án thực hiện đúng tiến độ, khắc phục tình trạng dự án treo. Trên thực tế, vẫn có những chủ đầu tư ban đầu xác định năng lực tài chính là đủ điều kiện, tuy nhiên hết thời hạn vẫn không triển khai. Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý phải được làm rõ. Tại sao lại để tình trạng đó xảy ra, theo quy định, phải thu hồi thì tại sao lại không thu hồi.

PV: Trên thực tế, có những dự án nếu nhìn vào quyết định đầu tư thì đã chậm tiến độ 13 - 14 năm, nhưng vẫn tiếp tục được triển khai và trong quá trình đó, nhà đầu tư đã được chấp thuận giãn tiến độ 2 - 3 lần. Phải chăng, quy định pháp luật vẫn chưa rõ về như thế nào là dự án chậm tiến độ và khi nào thì dự án bị thu hồi?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Về mặt luật pháp hiện nay thì chúng ta cũng phải tự hiểu được rằng, dự án chậm là dự án đã hết thời hạn quy định rồi, nhưng chưa triển khai đầu tư xong hệ thống cơ sở hạ tầng và các công trình theo bản thiết kế đã được phê duyệt. Một dự án muốn được cấp quyết định đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết 1/500. Trong bản quy hoạch đó đã xác định rõ đâu là đường, đâu là nhà ở, đâu là chỗ dành cho công viên, cây xanh… Vậy thì cứ chiếu theo quy hoạch mà làm.

Nếu sau thời gian quy định mà chủ đầu tư không thực hiện xong các hạng mục trong quy hoạch thì là chậm tiến độ, còn chưa triển khai gì là treo, là bỏ hoang, không thể triển khai.

Tuy nhiên thì nó có một điều mà luật pháp hiện chưa quy định rõ, là giả sử khi đến hạn, chủ đầu tư mới triển khai 10% thì rõ ràng dự án chậm, nhưng đã triển khai 99%, còn 1% nữa thì cũng là chậm. Vậy nếu chỉ mới triển khai được 10%, Nhà nước thu hồi lại là đương nhiên, nhưng nếu chủ đầu tư đã triển khai 99% rồi, chỉ còn 1% nữa thì có thu hồi hay không, xử lý như thế nào.

Cho nên, chiếu theo quy định của pháp luật, nhưng cũng phải tùy vào tính chất, mức độ cụ thể của từng dự án mới có thể đưa ra kết luận. Tôi cho rằng, cần đa dạng hơn các hình thức xử lý, ví dụ như, chủ đầu tư chậm bao nhiêu thời gian thì phải nộp thêm một khoản tiền tương ứng, càng chậm nhiều thì càng phải nộp thêm nhiều tiền.

PV: Như ông nói thì rõ ràng, việc thu hồi hay xử lý dự án chậm tiến độ, dự án treo như thế nào đang phụ thuộc vào quyết định cảm tính của chính quyền. Việc pháp luật chưa quy định rõ có phải là lý do khiến các cơ quan quản lý còn lúng túng, chưa quyết liệt trong việc xử lý các dự án vi phạm?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Tất nhiên đó là một trong những yếu tố dẫn đến việc xử lý còn chậm, mà xử lý chậm thì càng có nhiều dự án chậm.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, dự án cứ chậm, không triển khai sau 4 năm là phải thu hồi. Nhưng nếu dự án đã triển khai 80 - 90% rồi thì thu hồi là khó, thậm chí không thỏa đáng. Chúng ta không bàn đến những dự án đó, ở đây, các dự án treo là chưa triển khai gì hoặc mới chỉ triển khai phần nhỏ, không đáng kể. Rõ ràng, với các dự án đã nhìn thấy rõ sự lãng phí như thế này thì không có lý do gì không thu hồi, mà cũng không phải khó để thu hồi, cứ theo luật mà làm.

PV: Nếu dự án nào chậm tiến độ cũng được gia hạn khi có lý do nào đó, vậy thì doanh nghiệp chỉ cần kiếm một cái cớ là có thể được gia hạn và không bị thu hồi?

 GS.TS. Hoàng Văn Cường: Pháp luật không bao giờ có thể quy định một cách chi tiết, cụ thể, bởi vì càng cụ thể thì càng cứng nhắc, khó thực thi. Đòi hỏi phải có sự linh hoạt trong điều hành, quản lý của cơ quan Nhà nước. Có dự án thì vướng vào mạch nước ngầm, có dự án lại bảo vướng tâm linh, có dự án do người dân khiếu kiện… dẫn đến bị chặn tiến độ. Tức là có muôn vàn lý do. Vậy thì vai trò của chính quyền địa phương lúc này phải được thể hiện rõ. Phải xem những lý do mà chủ đầu tư đưa ra có đúng không, có xác đáng hay không. Nếu hợp lý thì trách nhiệm của chính quyền là phải cùng với chủ đầu tư tháo gỡ, để làm sao đẩy nhanh tiến độ của dự án, chứ không phải đồng ý cho gia hạn dự án rồi không theo dõi nữa, đến khi gần đến hạn, lại vẽ ra lý do nào đó mà chủ đầu tư xin gia hạn tiếp, lúc này vẫn được chấp nhận thì tức là có vấn đề.

Như đã nói, nếu gia hạn thì tối đa cũng chỉ 24 tháng, chứ không phải là gia hạn mãi mãi. Và như vậy sau 24 tháng không khắc phục được thì bắt buộc phải thu hồi. Ở đây chúng ta không nên đổ lỗi cho luật pháp. Tôi cho rằng ở Việt Nam mình rất nhiều thứ không triển khai thực hiện và luôn luôn đổ cho luật pháp không rõ ràng không đầy đủ. Nhưng phải hiểu rằng, luật pháp không thể nào quy định chi tiết một cách hoàn toàn, vì cuộc sống thay đổi muôn hình vạn trạng. Vấn đề là các nhà quản lý phải biết vận dụng quy định luật pháp đó vào cuộc sống làm sao cho phù hợp nhất, hiệu quả nhất và phải đặt tinh thần trách nhiệm, lợi ích chung lên hàng đầu./.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top