Siết việc phân lô bán nền trái Luật Kinh doanh bất động sản, gây thất thoát ngân sách
Cụ thể, ngày 5/7/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản số 4911/UBND-ĐC, do Phó chủ tịch Phạm S ký. Theo văn bản này, UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.
Trước đó, ngày 23/11/2021, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký văn bản số 8502/UBND-XD, cho rằng, thời gian qua, trên địa bàn đã có nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư hạ tầng, thực hiện phân lô, bán nền, núp bóng danh nghĩa các dự án kinh doanh bất động sản, quảng cáo thông tin bán bất động sản không đúng quy định, làm ảnh hưởng sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản nhà ở, bất động sản của tỉnh và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Do đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu các quy định hiện hành; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các trường hợp phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản để khắc phục tình trạng người dân, doanh nghiệp tự đầu tư hạ tầng và phân lô, bán nền, mạo danh dự án bất động sản xảy ra trên địa bàn.
Theo các chuyên gia, dù UBND tỉnh Lâm Đồng không nói cụ thể lý do thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, điều này có liên quan đến việc địa phương này đã cho phép nhiều cá nhân đầu tư kinh doanh bất động sản quy mô lớn, mà nhiều trường hợp theo quy định phải thành lập doanh nghiệp.
Cụ thể, theo Luật sư Trần Đức Phượng, đoàn Luật sư TP.HCM, các khu vực do cá nhân phân lô bán nền quy mô hàng chục hec-ta ở Lâm Đồng đều triển khai trước năm 2022, thời điểm này Nghị định 02/2022/NĐ-CP chưa có hiệu lực, mà phải áp dụng theo Nghị định 76/2015/NĐ-CP. Theo quy định trước đây, tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/09/2015 thì trường hợp hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh nhưng dự án có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ đồng (không tính tiền sử dụng đất) thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Trên thực tế, đối với hoạt động phân lô bán nền nhà ở của hộ gia đình, cá nhân thì vốn đầu tư vào hạ tầng (đường giao thông, thoát nước, đường dây điện) không nhiều và thường không vượt 20 tỷ đồng nên không bị bắt buộc thành lập doanh nghiệp, cá nhân chỉ chịu 2% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trên giá chuyển nhượng (doanh nghiệp chuyển nhượng bất động sản phải chịu thêm thuế VAT 10% và thuế TNDN 20%).
“Do đó, khi có hộ gia đình, cá nhân phân lô với quy mô lớn hơn tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, thì cơ quan Nhà nước phải tiến hành kiểm tra và xem xét có phải thuộc trường hợp bắt buộc thành lập dự án hay không? Việc có thành lập dự án hay không cũng còn phải xem xét thêm Luật đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản thì mới có thể đưa ra quyết định chính xác”, Luật sư Phượng nói thêm.
Bài học từ Long An: Thu hồi sổ đỏ đã cấp, buộc lập doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư dự án
Đây là câu chuyện đã xảy ra ở Long An, một địa phương trước đây từng là điểm nóng về phân lô bán nền quy mô lớn. Trong đó, có nhiều trường hợp phân lô tách thửa cá nhân vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản. Để khắc phục, địa phương đã yêu cầu các cá nhân phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xin chủ trương lập dự án. Thậm chí có trường hợp đã ra sổ đỏ đứng tên cá nhân nhưng vẫn phải thu hồi lại.
Điển hình của việc buộc cá nhân lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là là dự án Khu dân cư nông thôn tập trung tại Ấp Nhà Dài, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, quy mô gần 2,5ha, được Chủ tịch huyện Cần Đước Huỳnh Văn Quang Hùng, ký văn bản số 1152/UBND-KT, ngày 27/6/2018, cho bà Nguyễn Thị Diệu Hiền làm chủ đầu tư. Dự án này được chào bán với tên thương mại là Tân Lân Riverside.
Sau khi có nhiều thông tin lùm xùm liên quan đến pháp lý dự án Tân Lân Riverside, ngày 16/11/2018, UBND huyện Cần Đước đã ra văn bản, do Phó chủ tịch Phan Văn Tưởng ký, cho biết: “Văn bản số 1152/UBND-KT, ngày 27/6/2018 có sai sót theo Luật Kinh doanh Bất động sản”.
Ngoài ra, văn bản này cũng cho biết: “UBND huyện đã hướng dẫn chủ đầu tư là bà Nguyễn Thị Diệu Hiền lập thủ tục xin chủ trương đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An. Khi có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Long An thì thực hiện hoàn chỉnh thủ tục, để đủ điều kiện thực hiện chuyển nhượng lô đất tách sổ riêng”.
Thời điểm đó, báo chí cũng dẫn lời ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An, căn cứ Luật Kinh doanh Bất động sản, nếu dự án trên 20 tỷ đồng (ở Cần Đước khoảng 2ha trở lên) thì phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.
Ông Hùng cũng cho rằng, việc huyện Cần Đước cho các cá nhân hợp thửa, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất như đề cập là huyện áp dụng chưa đúng theo Quyết định 65 của UBND tỉnh. Quyết định 65 do Sở Tài nguyên & Môi trường tham mưu, các trường hợp như trên huyện Cần Đước không lấy ý kiến của Sở Xây dựng.
“Để bảo vệ các khách hàng mua đất ở các dự án trên, trong năm 2018, Sở Xây dựng đã phối hợp các sở ngành liên quan kiểm tra các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh, để kịp thời phát hiện những sai sót, kiểm tra, xử lý việc đăng tải thông tin liên quan đến hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản của các dự án trên địa bàn tỉnh, khi chưa đảm bảo các điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật.
Đến thời điểm hiện nay Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường, các ngành liên quan và các huyện cũng xử phạt và tham mưu UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền nhiều trường hợp vi phạm, đồng thời hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành trong quá trình thực hiện dự án. Trong thời gian tới Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản theo chỉ đạo của UBND tỉnh”, ông Hùng cho biết.
Cần làm rõ “lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ” trong việc bưng bít thông tin ở 3 điểm nóng
Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài Lâm Đồng: Lợi ích nhóm lên ngôi, năng lực quản lý xuống dốc?, ngày 7/12, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản hoả tốc số 8910 /UBND-ĐC yêu cầu tổng hợp, báo cáo nội dung liên quan đến hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Mặc dù tỉnh yêu cầu báo cáo khá nhiều nội dung, nhưng chưa làm rõ, mục đích xin hiến đất làm đường lúc đầu và thực tế triển khai có đúng không? Các con đường hình thành do hiến đất làm đường có đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương hay không? Từ thời điểm năm 2018 đến nay các địa phương có bao nhiêu lần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất? Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại các khu đất tách thửa có đúng quy trình không? Vốn đầu tư của chủ sử dụng đất tại các khu đất đã hiến đường và tách thửa là bao nhiêu? Việc chủ sử dụng đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp này có đáp ứng điều kiện không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo Nghị định 76/2015/NĐ-CP hay không?
Không những “bỏ sót” những vấn đề quan trọng trên, địa phương này đang có dấu hiệu bao che sai phạm, lợi ích nhóm ở Bảo Lộc, Bảo Lâm và Lâm Hà, thông qua việc bưng bít, không cung cấp thông tin cho báo chí.
Ngày 2/12/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng vừa ký văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin cho báo chí, theo đúng quy định.
Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng đã rõ, nhưng câu chuyện thực thi ở chính quyền cấp dưới lại theo kiểu “trên bảo dưới không nghe”. Cụ thể, ngày 1/11/2021, Reatimes đã gửi công văn (lần 2) đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà để tìm hiểu về các khu đất được gắn mác dự án Mê Linh Garden Hill (huyện Lâm Hà), The Tropicana Garden (huyện Bảo Lâm), Farm Hill (huyện Bảo Lâm), La Melodie (thành phố Bảo Lộc), nhưng đến nay các cơ quan này vẫn chưa có phản hồi. Nếu tính thời gian Reatimes gửi công văn lần 1 đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà, ngày 12/5/2020, thì đến nay đã hơn 2 năm trôi qua nhưng thông tin vẫn bị bưng bít.
Lý do gì khiến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà bưng bít thông tin các dự án ma nói trên? Phải chăng ở đây có vấn đề “khó nói” liên quan đến “lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ”, như Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã thừa nhận?