Aa

Bài 5: Cần kiểm soát điện gió tại Quảng Trị

Thứ Tư, 27/10/2021 - 06:59

Phát triển điện gió tại Quảng Trị là chủ trương lớn, giúp tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc “nở rộ” điện gió đặt ra những thách thức về kiểm soát về môi trường, an ninh trong phòng tránh thiên tai.

Lời tòa soạn:

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cho biết dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đưa tỉnh “đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước”. Mặc dù vậy, do chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững; cải cách hành chính, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có cải thiện nhưng chưa đáng kể; hoạt động và phối hợp công tác ở chính quyền một số địa phương, sở, ngành chưa hiệu quả; chất lượng quy hoạch cán bộ có mặt còn hạn chế…

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5 - 8%, trong giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Trị xác định sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp năng lượng, đưa Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.

Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị, khoảng 2 năm trở lại đây là khoảng thời gian ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về thu hút đầu tư. Hàng loạt dự án với vốn đầu tư từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng đã được khởi công tại tỉnh Quảng Trị.

Tính riêng năm 2019, tỉnh này có 66 dự án được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có dự án đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài về nhiều lĩnh vực. Đây cũng là năm mà Quảng Trị thu hút được nhiều dự án với qui mô lớn, có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn không ít bất cập trong quá trình thu hút đầu tư của địa phương này.

Với tinh thần nghiên cứu và phản biện vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của địa phương, trên cơ sở vận dụng đúng các quy định pháp luật, Reatimes khởi đăng loạt bài: Tận dụng nguồn lực đất đai và tài nguyên để phát triển kinh tế tại Quảng Trị, thành quả và bài học từ thực tiễn. Trân trọng giới thiệu với độc giả!

 

 Các dự án điện gió hứa hẹn nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị, nhưng bên cạnh đó cũng canh cánh nỗi lo về những tác động tiêu cực đến môi trường nếu không kiểm soát tốt vì nhiều diện tích rừng phải nhường chỗ cho công trình, hạ tầng công trình điện gió.

 “Chia nhỏ” để dễ chuyển đổi đất rừng?

Theo báo cáo của HĐND tỉnh Quảng Trị, tính đến giữa năm nay 2021, trừ 2 dự án nhà máy điện gió Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 đã đi vào hoạt động (diện tích đã thuê đất hơn 13ha), trên địa bàn tỉnh có 16 dự án nhà máy điện gió đã lập hồ sơ thuê đất, với diện tích đất được quy hoạch theo quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh cấp cho các dự án là 287,2ha. Trong đó, diện tích đã được các doanh nghiệp thực thuê theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị là trên 194,3ha.

Trong số này, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều nghị quyết để chuyển đổi đất rừng phục vụ các dự án. Điển hình như nhà máy điện gió Hướng Tân (Công ty Cổ phần điện gió Hướng Tân, chuyển đổi 11,96ha), Tân Linh (Công ty Cổ phần điện gió Tân Linh, chuyển đổi 10,25ha), Phong Huy (Công ty Cổ phần điện gió Phong Huy, chuyển đổi 10,87ha), Phong Nguyên (Công ty Cổ phần điện gió Phong Nguyên, 11,56ha). Ngoài ra, nhiều dự án chưa lập hồ sơ thuê đất, nhưng cũng được bố trí trên 131ha theo quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh, cần thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện dự án.

Những cánh đồng điện gió ở miền Tây Quảng Trị (Ảnh: Đ.T)

HĐND tỉnh Quảng Trị cho rằng, trình tự chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án dựa là căn cứ Điều 19, Luật Lâm nghiệp 2017 quy định điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đó là yêu cầu phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các dự án này cũng phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; có dự án đầu tư được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định; có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.

Trong khi đó, Điều 20, Luật Lâm nghiệp 2017 quy định thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, gồm: Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000ha trở lên. Còn Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20ha đến dưới 50ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20ha đến dưới 500ha; rừng sản xuất từ 50ha đến dưới 1.000ha.

Đáng chú ý, luật cũng quy định HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20ha; rừng sản xuất dưới 50ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư. Với những quy định này, HĐND tỉnh Quảng Trị có nghị quyết chuyển đổi đất rừng dưới 20ha như các dự án dẫn trên là đúng thẩm quyền. Thế nhưng, có một thực tế là nhiều dự án nhà máy điện gió tập trung tại một địa phương, bố trí trên cùng một huyện.

Huyện Hướng Hóa là nơi tập trung nhiều nhất các công trình dự án điện gió ở Quảng Trị (Ảnh: Đ.T)

Số liệu thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện Hướng Hóa, nơi tập trung nhiều nhất các dự án nhà máy điện gió thì có 11 dự án điện gió với diện tích hơn 66ha phải tiến hành chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ sang mục đích khác. Nếu gộp tổng diện tích này thì rõ ràng theo luật định là vượt thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, mà thẩm quyền này thuộc Quốc hội.

Thế nhưng, với cách phân chia theo từng dự án, dẫu chúng gần nhau và cùng trên một địa phương hay “lâm phận” với diện tích dưới 20ha thì HĐND tỉnh “quyết” về việc cho phép sự chuyển đổi này. Điều này đặt ra những nghi ngại liệu có hay không sự toan tính bằng cách “chia nhỏ” diện tích đất rừng của các dự án để ưu ái cho nhà đầu tư ? Sự ưu ái này nhằm để thu hút các nhà đầu tư điện gió và tạo điều kiện để các chủ đầu tư triển khai xây dựng công trình, đẩy nhanh tiến độ kịp hưởng giá FIT ?

Đường vào công trình điện gió ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Đ.T)

Dừng cấp mới để đánh giá tổng thể tác động môi trường

Như Reatimes đã thông tin, Tỉnh ủy Quảng Trị xác định sẽ đẩy mạnh xây dựng ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp năng lượng, trong đó phấn đấu xây dựng tỉnh thành một trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030. Tính đến nay, Quảng Trị có 31 dự án nhà máy điện gió đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, hàng chục dự án nhà máy điện gió khác cũng đang trình xem xét.

Tính hết năm 2020, tỉnh Quảng Trị cũng đã có 9 dự án nhà máy thủy điện đã hoàn thành, 6 dự án khác đang triển khai đầu tư; 3 dự án điện mặt trời đã hoàn thành cùng với hơn 20 dự án điện mặt trời đã, đang trình bổ sung quy hoạch.

Tuy nhiên, với sự “nở rộ” những dự án, công trình về công trình điện gió ở phía Tây tỉnh Quảng Trị đã đặt ra nhiều quan ngại về môi trường, sự an toàn, sinh kế người dân. Đây cũng là lý do mà cách đây không lâu, Tỉnh ủy Quảng Trị đã có công văn số 383/CV-TU về việc tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão tại khu vực các dự án phía Tây tỉnh. Trong đó, Tỉnh ủy Quảng Trị yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh không xem xét cấp chủ trương đầu tư các dự án năng lượng mới khi chưa hoàn thành việc đánh giá tổng thể tác động môi trường phát triển các dự án năng lượng.

Tỉnh ủy Quảng Trị cho rằng, trong thời gian qua, thực hiện chủ trương thu hút đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng, trên địa bàn tỉnh đã đón nhận nhiều nhà đầu tư và có nhiều dự án năng lượng tái tạo được triển khai thực hiện và đưa vào vận hành thương mại... đóng góp tích cực tăng thu ngân sách địa phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn, bất cập, nhất là các dự án điện gió ở khu vực phía Tây của tỉnh.

Việc xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đang phụ thuộc vào việc bổ sung quy hoạch của các dự án; thiếu quy hoạch phát triển tổng thể về năng lượng cũng như chưa có đánh giá tổng thể tác động môi trường của toàn vùng; quy trình, thủ tục triển khai một số dự án chưa đảm bảo quy định, biện pháp thi công một số dự án chưa đảm bảo. Việc này đã tác động tiêu cực đến môi trường, nguy cơ xảy ra sạt lở rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân, nhất là mùa mưa bão đang đến gần.

Một công trình điện gió ngay phía sau lưng trường học xã Húc, H. Hướng Hóa (Ảnh: Đ.T)

Do vậy, để thực hiện tốt chủ trương thu hút đầu tư các dự án năng lượng, gắn với bảo vệ môi trường và sinh kế của người dân vùng dự án; đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tập trung rà soát để khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh. Trong đó, tỉnh yêu cầu chú trọng đánh giá tổng thể tác động môi trường, nhất là các dự án năng lượng tái tạo phía Tây của tỉnh, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và ổn định đời sống nhân dân.

Trước mắt, tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời các bãi thải đất đào đặt trụ tua bin, chống sạt lở đất; xử lý những đoạn đường thi công có nguy cơ chia cắt trong mùa mưa bão, có giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai, phát huy phương châm 4 tại chỗ, trong đó chú ý phương án di dân đối với các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu tăng cường công tác giám sát chặt chẽ quy trình thi công, phương án gia cố các vị trí san gạt, tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư triển khai dự án đảm bảo tiến độ. Tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan tổ chức trồng rừng thay thế và thu hồi diện tích đất cấp tạm thời sau khi các dự án đã hoàn thành để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định…

Song song đó là tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đảm bảo trật tự xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh cũng yêu cầu chỉ đạo các chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời có phương án khắc phục kịp thời các bãi thải đất có nguy cơ sạt lở; thực hiện cam kết với địa phương, trong đó hoàn thành các thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường; xây dựng phương án bảo vệ công trình thi công trước mùa mưa lũ, phương án chống sạt lở, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn giúp nhân dân trong vùng dự án khi có thiên tai xảy ra. Các chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách địa phương; tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm tại chổ cho người lao động địa phương.

Những màu xanh núi rừng phía Tây Quảng Trị nay xen lẫn màu vàng tươi đất rừng sau khi xẻ đồi bạt núi làm điện gió (Ảnh: P.T.B)

Tỉnh ủy Quảng Trị cũng cho rằng, ngành công nghiệp năng lượng được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định là một trong những nhóm ngành đột phá cần được thúc đẩy phát triển. Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại, việc triển khai thực hiện các dự án điện gió sẽ có những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái vùng dự án, trong khi tỉnh chưa đánh giá được một cách tổng thể về tác động môi trường (do chỉ mới đánh giá tác động môi trường của từng dự án riêng lẻ).

Vì vậy, để có cơ sở cho việc xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, trên cơ sở quy hoạch phát triển năng lượng của tỉnh đã được Chính phủ, Bộ Công Thương cho ý kiến để rà soát xây dựng Đề án tổng thể phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các cơ quan tính toán cụ thể về diện tích đất sử dụng cho các dự án, nhất là đất rừng, tác động của các dự án đối với việc thay đổi môi trường, hướng gió tự nhiên, biến đổi nhiệt độ, hệ sinh thái, sinh kế của người dân vùng dự án…

Bài 6: Thủ tướng chỉ đạo rà soát cơ chế “xin - cho” dự án điện gió, chính quyền Quảng Trị nói gì?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top