Aa

Bài 8: TP.HCM: Xử lý lãnh đạo Sở Xây dựng để xảy ra sai phạm quy mô lớn ở Tân Bình

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Sáu, 30/04/2021 - 11:59

Trước tình trạng nhiều công trình quy mô lớn xây dựng sai phép, không phép trên địa bàn quận Tân Bình (TP.HCM) nhưng chưa bị cưỡng chế, Sở Xây dựng đã vào cuộc kiểm tra và yêu cầu xử lý cán bộ dưới quyền.

Lời toà soạn:

Ngày 25/7/2019, Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 - CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD), tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý đúng pháp luật, trên địa bàn thành phố.

Theo tinh thần Chỉ thị này, phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua không chỉ góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về TTXD, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP mà còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện.

Dù tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp. Tình trạng xây dựng sai phép, cấp phép xây dựng sai quy định ở một số địa bàn vẫn còn tiếp diễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình sai phạm còn kéo dài, chưa dứt điểm.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện từ ghi nhận thực tế, Reatimes khởi đăng loạt bài: Triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU tại TP.HCM: Thành quả và bài học thực tiễn. Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Hàng loạt công trình xây dựng sai phép, không phép

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có thông kết luận kiểm tra liên quan việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao liên quan đến hàng loạt công trình xây dựng sai phép trên địa bàn quận Tân Bình mà báo chí đã phản ánh trước đó. Kết luận này do ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM ký.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong thời gian qua, Sở và Thanh tra Sở nhận được nhiều đơn thư tố cáo nặc danh và đơn phản ánh về tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn quận Tân Bình, ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo Sở Xây dựng, Thanh tra Sở và bản thân một số cán bộ bị tố cáo.

Qua kết quả xác minh nội dung tố cáo và phản ánh có một số nội dung tố cáo phản ánh đúng về công tác chậm phát hiện, kiểm tra và xử lý đối với các công trình xây dựng vi phạm đang xảy ra trên địa bàn quận Tân Bình.

Từ đơn thư tố cáo nặc danh của người dân, Sở Xây dựng lập tổ kiểm tra và xác định có 39 công trình xây dựng, nhưng chỉ có 34 công trình kiểm tra được hiện trạng, 5 công trình không kiểm tra được do chủ đầu tư không hợp tác nên chỉ quan sát được bằng trực quan bên ngoài.

Toà nhà 40A đường Lam Sơn (quận Tân Bình) nơi xác định vi phạm trật tự xây dựng

Trong số 39 công trình này, tổ kiểm tra chỉ kiểm tra thực tế và xác định được hiện trạng 38 công trình (có 1 công trình do chủ đầu tư không hợp tác và không xác định được hiện trạng). Kết quả, tổ kiểm tra xác định 18 công trình xây đúng giấy phép; còn lại 11 công trình có quy mô xây dựng sai phép và 9 công trình xây dựng không phép. Các công trình vi phạm đã được xây dựng từ năm 2015 đến nay, song nhiều công trình chưa được lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, chưa được cưỡng chế tháo dỡ.

Ngoài ra, qua kiểm tra hồ sơ quản lý công trình xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện có đến 20/39 hồ sơ thiếu các loại giấy tờ, biên bản theo quy định, 2 hồ sơ chưa đầy đủ biên bản kiểm tra công trình. Đặc biệt, có 3 công trình sai phép mới được lập biên bản vi phạm hành chính.

Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý

Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, qua kiểm tra có 27,27% công trình sai phép mới được lập biên bản vi phạm hành chính, cho thấy công tác theo dõi, kiểm tra giấy phép xây dựng của Đội thanh tra địa bàn quận Tân Bình chưa chặt chẽ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm với tỷ lệ cao. Công tác xử lý công trình vi phạm xây dựng không phép của UBND các phường còn thấp 11,11%, dẫn đến người dân bức xúc, làm giảm uy tín đối với công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Tuy các công trình có lập hồ sơ xử lý nhưng việc buông lỏng giám sát ngưng thi công dẫn đến các công trình vi phạm đều hoàn thành và đưa vào sử dụng gây khó khăn trong công tác cưỡng chế.

Đối với lãnh đạo Đội thanh tra địa bàn quận Tân Bình, ông Kiên cho rằng, việc đôn đốc, kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng sai phép chưa đúng quy định, chưa đảm bảo 100% công trình xây dựng trên địa bàn được xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm. Qua đó cho thấy lãnh đạo Đội thanh tra địa bàn quận Tân Bình thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm.

Ngoài ra, UBND các phường 2, 12, 13, 15 quận Tân Bình không kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng sau khi hoàn công, cấp giấy chủ quyền để xảy ra tình trạng xây dựng không phép mà không được xử lý. Những trách nhiệm trên thuộc về đội trưởng Đội thanh tra địa bàn quận và Chủ tịch UBND các phường, các cá nhân liên quan thời kỳ phát sinh vi phạm.

Thanh tra Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân Đội thanh tra địa bàn có liên quan khi để toà nhà văn phòng Pi Group tại số 169 Bạch Đằng, phường 2 xây dựng sai phép

Trước tình trạng này, lãnh đạo Sở Xây dựng giao Chánh thanh tra Sở kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Đội thanh tra địa bàn quận Tân Bình, cụ thể là đội trưởng, đội phó và các cá nhân qua từng thời kỳ có liên quan do đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao và xử lý vi phạm không kịp thời, có dấu hiệu buông lỏng trong công tác chỉ đạo, điều hành khi để xảy ra các sai phạm có hệ thống.

Riêng đối với 3 công trình xây dựng sai phép tại phường 2 là công trình 169 Bạch Đằng, 122 Bạch Đằng và 40 Lam Sơn, Thanh tra Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân Đội thanh tra địa bàn có liên quan.

Đối với UBND quận Tân Bình, Sở Xây dựng đề nghị xử lý dứt điểm đối với các công trình xây dựng không phép chưa xử lý và kiểm điểm đối với cá nhân có trách nhiệm, nhưng không ngăn chặn các công trình vi phạm không phép, sai phép trên địa bàn diễn ra phức tạp với quy mô lớn. Đồng thời, khẩn trương cưỡng chế các công trình xây dựng vi phạm.

UBND các phường cũng cần phối hợp với Đội thanh tra địa bàn chốt chặn, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn các trường hợp chủ đầu tư cố tình không chấp hành; tổ chức kiểm tra, kiểm soát tình hình xây dựng trên địa bàn.

Tòa nhà văn phòng Parami Building (số 140 Bạch Đằng) là một trong số nhiều công trình để xảy ra sai phạm xây dựng trên địa bàn phường 2, quận Tân Bình

Trước đó, vào năm 2020, Thanh tra quận Tân Bình tiến hành kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn phường 2 và phát hiện nhiều công trình xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp. Sai phạm xảy ra chủ yếu tại các toà nhà văn phòng, nhà ở có quy mô lớn. Bên cạnh phường 2, các công trình xây dựng sai phép, không phép còn xảy ra tại các phường 12, 13, 15.

Để xảy ra các sai phạm trên, UBND quận Tân Bình đã xử lý, kỷ luật nhiều cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, công chức địa chính UBND các phường. Song song đó, UBND quận Tân Bình cũng đã có văn bản kiến nghị Sở Xây dựng xử lý cán bộ đội Thanh tra địa bàn khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top