Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của cán bộ. Bác coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đạo đức Hồ Chí Minh được xem xét toàn diện bao gồm đạo đức công dân, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, chủ chốt. Đạo đức được nhận diện từ môi trường gia đình, công sở, xã hội; trong các mối quan hệ với mình, với người, với công việc. Đạo đức Hồ Chí Minh có giá trị dân tộc, có ý nghĩa lịch sử, hiện tại và tương lai. Đạo đức là gốc, nền tảng, là sức mạnh của người cách mạng. Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân, không giải phóng cho dân tộc, cho loài người.
Theo Hồ Chí Minh, có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ vững tinh thần chất phác khiêm tốn, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, lo hoàn thành tốt nhiệm vụ chứ không kèn cựa, không công thần, không quan liêu, không hủ hóa.
Yêu cầu đạo đức đối với cán bộ
Trung với nước, hiếu với dân:
Trung và Hiếu là những khái niệm đạo đức nho giáo, chứa đựng một nội dung hạn hẹp “trung với vua, hiếu với cha mẹ”. Hồ Chí Minh không chấp nhận lòng trung thành của nhân dân bị áp bức với kẻ áp bức mình. Dưới chế độ phong kiến, quan là phụ mẫu của dân, dưới chế độ mới, dân là chủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ của dân.
“Trung với nước, Hiếu với dân” là mối quan hệ với đất nước, với dân tộc, thể hiện trách nhiệm với sự nghiệp dựng nước, giữ nước và sự phát triển của đất nước, là phẩm chất đạo đức chủ chốt nhất. Nội dung trung với nước, hiếu với dân là phải quyết tâm, suốt đời, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải trọng dân, tin dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, thương dân, hòa mình với quần chúng nhân dân thành một khối; quan tâm dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ, dân vận; làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.
“Trung với nước, Hiếu với dân” không phải là khẩu hiệu ở hội trường mà phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo theo tinh thần nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Đó mới thật sự là đạo đức cách mạng.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: Đây là phẩm chất đạo đức giải quyết mối quan hệ “với tự mình”.
Cần là siêng năng, chăm chỉ cố gắng. Cần có nghĩa hẹp là từng người, nghĩa rộng là mọi người, từ gia đình đến làng, nước. Cần liên quan đến kế hoạch công việc, phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng. Cần là luôn cố gắng, luôn chăm chỉ suốt đời.
Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu, khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho dân tộc, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Cần và kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người.
Liêm là trong sạch, không tham lam, tham tiền của, tham địa vị. Người cán bộ cậy quyền thế mà đục khoét của dân, dìm người tài giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình đều là trái với chữ liêm. Chữ liêm phải đi đổi với chữ kiệm, có kiệm mới liêm được.
Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Như một cây cần có gốc rễ, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm, chính mới là hoàn toàn.
Hồ Chí Minh cho rằng cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần có của con người, nó là thước đo chất của mỗi người, vì thiếu một đức thì không thành người. Cần, kiệm, liêm, chính đặc biệt cần thiết đối với cán bộ, đảng viên vì họ là những người có quyền, có trình độ, có trách nhiệm lớn, nếu thiếu lương tâm có dịp sẽ đục khoét của dân, tham nhũng, nếu suy thoái đạo đức thì ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng, đến nhiệm vụ cách mạng. Đảng viên sai lầm sẽ đưa quần chúng đến sai lầm. Theo Hồ Chí Minh, mặt trái của quyền lực dễ làm cán bộ, đảng viên tha hóa. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ biến thành sâu mọt của dân.
Cần, kiệm, liêm, chính là thước đo trình độ văn minh, tiến bộ của một dân tộc: một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, văn minh tiến bộ. Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, là cái cần để làm việc, làm người, phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại.
Chí công vô tư là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, là lòng mình biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì dân tộc. Thực hành chí công vô tư gắn liền với chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là lo mình béo, mặc thiên hạ gầy, là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Chủ nghĩa cá nhân là bệnh nguy hiểm như tham ô, lãng phí, thờ ơ quan liêu, tham danh trục lợi, tham địa vị quyền lực,…phá từ trong phá ra, là một trở ngại lớn cho việc xây dựng CNXH, là mối nguy hại cho Đảng, cho dân tộc.
Cần phân biệt sự khác nhau giữa chủ nghĩa cá nhân và lợi ích chính đáng của cá nhân. Nếu những lợi ích cá nhân không trái với lợi ích của tập thể thì cần được tôn trọng. Theo Hồ Chí Minh: đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Vì mục tiêu của XHCN là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, và ở trong chế độ XHCN mọi người có điều kiện cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình.
Thương yêu con người, sống có tình nghĩa:
Kết hợp nghiên cứu lý luận với những trải nghiệm thực tế, Hồ Chí Minh cho rằng, trên đời này có hai loại người: áp bức và bị áp bức, người ác và người thiện và hai thứ việc: việc chính và việc tà. Bác từng nói: lòng thương yêu nhân dân và nhân loại của tôi không bao giờ thay đổi, tôi yêu nhất điều thiện và ghét nhất điều ác.
Thương yêu, quý trọng con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, biến thành hành động cụ thể, tức là tình thương yêu con người dành cho con người đang sống thực trên đời này, bị áp bức, đói nghèo, bệnh tật. Đó là tình yêu thương như nhân loại đã ca ngợi: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, cho hòa bình và công lý, cho thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao.”
Tình thương yêu con người của Hồ Chí Minh là biểu hiện sáng ngời của việc thấm nhuần chủ nghĩa Mac – Lenin, sống với nhau có tình có nghĩa, đó là tình thương yêu không chỉ trong phạm vi dân tộc mà cả phạm vi nhân loại.
Tinh thần quốc tế trong sáng:
Tinh thần quốc tế là một phẩm chất đạo đức bắt nguồn từ bản chất của giai cấp công nhân và chế độ XHCN. Hồ Chí Minh là nhà yêu nước nhiệt thành, một chiến sỹ quốc tế vĩ đại. Bác không chỉ giáo dục tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung mà còn là hiện thân của tinh thần quốc tế, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn tôn trọng, quan tâm đến các dân tộc. Bác đặt sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam trong quỹ đạo của cách mạng thế giới; coi thắng lợi của nhân dân Việt Nam cũng là thắng lợi chung của nhân dân tiến bộ thế giới, thắng lợi của bạn cũng là thắng lợi của mình. Bác lên án và đấu tranh chống chia rẽ, hằn thù, bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc; đoàn kết với các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Bác gắn mục tiêu chung của nhân loại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Những nguyên tắc xây dựng đạo đức của cán bộ
Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời
Hồ Chí Minh chỉ rõ: đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà củng cố và phát triển. Không vượt qua được chính mình, không thể có đạo đức cách mạng. Cũng như “gạo đem vào giã bao đau đớn, gạo giã xong rồi trắng tựa bông, sống ở trên đời người cũng vậy, gian nan rèn luyện mới thành công”.
Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức
Nêu gương đạo đức, nói thì phải làm, nói đi đôi với làm. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, lý luận phải gắn với thực tiễn, lấy hiệu quả làm thước đo. Làm gương ở nhiều môi trường và cấp độ khác nhau. Người đứng đầu, cán bộ chủ chốt giữ một vai trò rất quan trọng, muốn hướng dẫn cấp dưới và nhân dân thì mình phải làm mực thước.
Xây đi đôi với chống
Nguyên tắc này xuất phát từ nhận thức khoa học, đảng viên và cán bộ cũng là con người. Trong Đảng và mỗi con người, vì những lý do khác nhau, không phải người người đều tốt, việc việc đều hay. Trong cuộc đấu tranh cách mạng, chúng ta thường xuyên phải chống lại ba kẻ địch: bọn đế quốc; thói quen và truyền thống lạc hậu; chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, đạo đức cách mạng trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, cảnh giác, không chịu cúi đầu. Quan trọng nhất là chiến thắng chính mình.
Chống và xây đi liền với nhau. Lấy gương người tốt, việc tốt hàng ngày để học hỏi, giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức, xây dựng cho con người, cuộc sống. Trong mối quan hệ giữa chống và xây, cần nhận thức chống cũng nhằm xây, nhưng xây là nhiệm vụ chủ yếu và lâu dài.
Liên hệ thực tế tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
Là cán bộ đang làm việc tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (chi nhánh Nam Sài Gòn) nói riêng và trong ngành ngân hàng nói chung, chúng tôi nhận thức và tâm đắc với những giá trị, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, của con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là thước đo chất của mỗi con người, đo trình độ văn minh, tiến bộ của một dân tộc, là kim chỉ nam giúp mỗi con người ngày càng hoàn thiện mình hơn, tiến bộ hơn, sẻ chia hơn, nhân ái hơn, là sức mạnh để xây dựng đội nhóm, tổ chức, cộng đồng và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Với chúng tôi, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hiệu quả công việc, đặt lợi ích của tổ chức lên trên hết, vượt qua những khó khăn, thử thách thậm chí có những giai đoạn rất khắc nghiệt làm thước đo đóng góp, xây dựng cho phòng ban, tổ chức. Trải nghiệm, làm việc qua các phòng ban nghiệp vụ, khách hàng, ngành nghề khác nhau là cách thức giúp tôi liên tục rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, có chính kiến, dám đấu tranh bảo vệ những điều đứng đắn, bảo vệ người tốt, học hỏi từ thực tế, từ nhiều người đến từ những lĩnh vực khác nhau, văn hóa khác nhau, vị trí khác nhau.
Làm việc trong ngành ngân hàng – ngành kinh doanh có nhiều rủi ro, chúng tôi luôn nhận thức tuân thủ pháp luật, quy định của ngành, của Vietcombank, tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, đạo đức con người.
Nhận thức, rèn luyện những chuẩn mực đạo đức của con người, đạo đức nghề nghiệp là gốc rễ, là nền tảng, là suốt đời, giúp cho mỗi chúng ta vững vàng hơn, bản lĩnh hơn, có chính kiến, dám đấu tranh bảo vệ cái đúng đắn, chống lại cái sai, cái xấu, không để tham lam, tham quyền, tham địa vị che mắt, giúp cho tổ chức bền vững hơn và ngày càng phát triển hơn.
Bên cạnh đó, thương yêu con người, sống có tình nghĩa thể hiện trong ứng xử hàng ngày giữa người với người từ trong gia đình, đến cuộc sống, công việc, tôn trọng con người, không vùi dập hay hạ thấp con người vì những lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, hay thông qua các chuyến thiện nguyện đến với đồng bào vùng bão lũ, trẻ em mồ côi, người già neo đơn, những bà mẹ Việt Nam anh hùng,… giúp cho mỗi chúng ta hiểu hơn, cảm nhận về nhiều cảnh đời, nhiều góc cạnh cuộc sống, yêu thương hơn, sẻ chia hơn, mong muốn chung tay vì một cộng đồng, một xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.
Như vậy, đến ngày hôm nay những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, của con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh (trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tình thương yêu con người, sống có tình nghĩa, tinh thần quốc tế trong sáng) vẫn khẳng định những giá trị vô cùng to lớn, là kim chỉ nam giúp cho mỗi chúng ta áp dụng trong gia đình, cuộc sống, công việc, giúp xây dựng con người có phẩm chất đạo đức tốt, vững vàng hơn, bản lĩnh hơn, chính trực, dám đấu tranh bảo vệ cái đứng đắn, chống lại những gian xảo, thủ đoạn, bịa đặt, bóp méo, chống lại cái sai, cái xấu, sống có tình người tình đồng loại, giúp cho dân tộc ta tiến bộ hơn, nhân ái hơn, văn minh hơn, giúp xây dựng tổ chức, đất nước giàu mạnh hơn về vật chất và tinh thần, giúp mở rộng kinh tế đối ngoại, đưa sản phẩm Việt, trí tuệ Việt đến các nước trên thế giới, gắn với mục tiêu chung của nhân loại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội./.