Aa

Bài học "cảnh tỉnh" cho mọi cư dân nhìn từ loạt tai nạn thương tâm ở chung cư

Thứ Sáu, 04/09/2020 - 13:20

An toàn chung cư là yếu tố cần được chú trọng hàng đầu đối với mỗi cư dân, đặc biệt là sau hàng loạt sự cố trẻ em bị rơi từ chung cư xuống đất, tử vong thương tâm.

Lời tòa soạn: Tích góp từng đồng, vay mượn khắp nơi để mua chung cư, nhiều người đã nghĩ mình sẽ có không gian sống tuyệt vời, nhưng hàng loạt vấn đề phát sinh đã khiến cư dân chung cư "vỡ mộng" bởi chiêu trò của chủ đầu tư. Chỉ bởi một phần những nhà đầu tư "ăn xổi" năng lực có hạn nhưng "thủ đoạn" vô biên, quảng cáo "biến không thành có" hay "có một nói mười" đã biến giấc mơ an cư của người dân thành nỗi ác mộng kinh hoàng.

Với mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng người dân đang có ý định hoặc đã mua chung cư, chúng tôi sẽ đăng tải định kỳ những bài viết chất lượng và chính xác nhất về tình hình các dự án đang mở bán hay đã đi vào hoạt động cũng như chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực nhất.

Sáng 31/8/2020, lãnh đạo CA phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một bé gái 6 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư ở ngõ Hoàng Ngân tử vong thương tâm. Thời điểm xảy ra vụ việc đau lòng bố mẹ bé gái không có ở nhà. Bước đầu xác định cháu bé bị rơi ngã ra ngoài vì không có thanh chắn song sắt ở ban công.

Bài học cảnh tỉnh các bậc PH đang sinh sống tại các chung cư cao tầng sau hàng loạt sự việc thương tâm.

21/4/2019, bé trai 4 tuổi bị rơi từ tầng 11 của chung cư Vina Hud Cửu Long trên đường Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, Hà Nội đã không qua khỏi do chấn thương quá nặng

4/3/2019, một cháu bé khoảng 5 tuổi thiệt mạng ở chung cư Rice City Linh Đàm (Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cũng với lý do tương tự.

Ngày 15/11/2018, một bé gái khoảng 5 tuổi rơi từ ban công tầng 7 chung cư N03 Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) xuống đất, được người dân đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Nguyên nhân dẫn đến các sự việc đau lòng đa phần đều do cửa sổ không có chấn song.

Việc liên tiếp xảy ra các trường hợp trẻ tử vong thương tâm do rơi từ các tầng cao chung cư xuống đất đã khiến các gia đình có trẻ nhỏ càng trở nên hoang mang, lo ngại. Ngoài một số nguyên nhân do bố mẹ chủ quan thì nguyên nhân chính vẫn là do cửa sổ và ban công của tòa nhà thiếu các thiết bị bảo vệ an toàn. Đã có nhiều cảnh báo được đưa ra, song, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn chủ quan, chưa thật sự chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho con nhỏ trong chính ngôi nhà của mình.

Theo các chuyên gia xây dựng, việc xây dựng chung cư đã có quy chuẩn, quy định riêng ở mỗi hạng mục. Vì vậy, trách nhiệm đầu tiên là ý thức từ mỗi gia đình, rồi đến trách nhiệm kiểm tra, tuyên truyền của chính quyền địa phương và các ban quản lý toà nhà.

Đừng xem thường cửa sổ và ban công!

Theo ghi nhận thực tế, tại các chung cư nơi xảy ra hàng loạt sự việc đau lòng, cửa sổ của các căn hộ không hề có chấn song. Trong khi đó, rất nhiều gia đình lại kê giường ngủ ngay dưới cửa sổ. Về phía ban công, các hộ dân thường sử dụng để bố trí máy giặt, trồng cây cảnh... vô tình tạo điều kiện cho trẻ có thể leo trèo lên các vật dụng này và khả năng xảy ra tai nạn là rất cao.

Chung cư 38 Trần Nguyên Đán (Hoàng Mai, Hà Nội)

Chị N.T.V - cư dân đang sinh sống tại chung cư 38 Trần Nguyên Đán (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết khi nhận căn hộ tại đây, chị đã phải gắn thêm song sắt và lưới an toàn cho cửa sổ và lan can: "Chỉ có như thế mới đảm bảo an toàn cho hai đứa con của tôi". Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng chú trọng đến yếu tố an toàn khi sống tại chung cư. Ngay tại thời điểm PV ghi nhận thực tế, tại tầng 4 của tòa nhà này, một em bé đang chơi rất sát khu vực cửa sổ, ban công không có thiết bị bảo vệ an toàn, chỉ một chút sơ sảy sẽ dẫn đến những sự việc đau lòng.

Việc xây dựng các chung cư, nhà cao tầng ở Việt Nam đều có quy định rõ. Đối với nhà cao tầng, không có ban công chỉ có logia (là phần hành lang hướng ra ngoài nhưng được xây âm vào trong mặt bằng nhà). Lan can của logia cao ít nhất 1m1, các khe hở giữa các lan can cần có khoảng cách dưới 10cm và không được làm thanh ngang để đề phòng việc trẻ em leo trèo, hoặc chui đầu qua được.

“Trẻ nhỏ chơi một mình ở nhà cao tầng là rất nguy hiểm, do đó những gia đình có con nhỏ phải luôn ở bên cạnh con, không thể lơ đễnh để con chơi một mình, hậu quả đáng tiếc và cha mẹ sẽ ân hận cả đời. Sau hàng loạt sự cố, gia đình tôi cũng phải tự "cảnh tỉnh" chính mình, không dám chủ quan" - một cư dân tại chung cư 38 Trần Nguyên Đán bày tỏ.

Chung cư CT36 Định Công - mỗi căn hộ khi về ở sẽ chủ động trong việc lắp đặt các thiết bị an toàn cho cửa sổ và ban công, tùy theo nhu cầu của mỗi gia đình.

Nhiều người cho rằng thiết kế xây dựng các khu nhà cao tầng, chung cư cần quan tâm đến các yếu tố như cửa sổ có khung bảo vệ; lan can hành lang làm cao hơn và khít để tránh trẻ em leo trèo nhằm tránh tai nạn thương tâm xảy ra. “Để trẻ chơi một mình, trong khi trẻ nhỏ chưa có nhận thức về sự nguy hiểm và rất hiếu động hay leo trèo… là không nên. Ngoài ra, khi mua căn hộ chung cư, người mua, nhất là những gia đình có con nhỏ cần chú ý đến lan can, cửa sổ, những điểm có thể nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Cần lắp đặt rào chắn lan can, cửa sổ… để đảm bảo an toàn cho trẻ. Thêm vào đó, việc nhiều người trồng lan, cây cảnh ở hành lang, để ghế đứng tưới nước, trẻ trèo lên ghế té rất nguy hiểm” là chia sẻ của anh H.M (cư dân chung cư CT36).

Chung cư G5 Đại Kim - nhiều căn hộ tầng cao không lắp đặt các thiết bị an toàn cho cửa sổ, ban công.

Trả lời về vấn đề này, đa số chủ dự án, ban quản lý của các khu chung cư đều cho biết việc thiết kế, xây dựng đã được các cơ quan chức năng kiểm tra và thông qua, đảm bảo an toàn cho cư dân. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, nhận thấy có phát sinh vấn đề bất cập đối với gia đình có con nhỏ, ban quản lý cũng đã khuyên nên chủ động lắp đặt thêm chấn song nơi cửa sổ và gắn lưới an toàn tại khu vực lan can nhưng không phải gia đình nào cũng thực hiện theo.

Trong khi đó, PGS.TS. Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, sự việc bé gái rơi từ tầng cao ở một chung cư trên phố Hoàng Ngân (Cầu Giấy, Hà Nội), trách nhiệm một phần cũng thuộc về chính quyền địa phương, quản lý toà nhà trong việc kiểm tra độ an toàn và ý thức trách nhiệm của mỗi gia đình. Bởi điều kiện để một chung cư được nghiệm thu là phải đúng, đủ theo các điều kiện, quy định của quy chuẩn về xây dựng.

PGS.TS. Trần Chủng (Ảnh: GĐ & XH)

Theo ông, quy chuẩn 05 về An toàn sinh mạng đã quy định rất rõ các điều kiện để đảm bảo an toàn cho con người. Đối với lan can chung cư thì không thấp hơn 1,4 mét, bền vững, không đổ và các cấu tạo như xếp song theo chiều dọc, không được tạo điều kiện cho trẻ em leo trèo như tạo hoa văn, hay kể cả các vật dụng khác không dễ dàng rơi lọt.

Chính vì vậy, một chung cư trước khi đưa vào sử dụng thì phải được nghiệm thu đúng theo quy chuẩn hiện hành. Các gia đình phải chú ý đừng biến lan can thành nhà kho để tạo điều kiện cho các cháu nhỏ leo trèo như hộp xốp, ghế... Phụ huynh phải có kiến thức an toàn ở chung cư để giảm thiểu rủi ro cho gia đình.

Ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 21 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư. Trong đó nêu rõ: Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải tuân thủ các quy định về an toàn sinh mạng và sức khỏe theo quy chuẩn 05 của Bộ xây dựng.

Theo đó, để bảo vệ khỏi ngã, xô và va đập, quy chuẩn 05 của Bộ xây dựng có quy định về lan can như sau:

- Chiều cao tối thiểu của lan can logia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng phải từ 1400mm (1,4m) trở lên, ở các vị trí khác, chiều cao tối thiểu phải từ 1,1m.

- Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Vì thế không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can.

Về an toàn sử dụng kính, quy chuẩn 05 có quy định: Cửa sổ, cửa mái và cửa thông gió phải đảm bảo đóng, mở hoặc điều chỉnh độ mở một cách an toàn.

Bài học cảnh tỉnh cho các gia đình nhìn từ loạt sự việc thương tâm

Những tai nạn trên đây như một hồi chuông cảnh báo đối với tất cả cư dân đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ về sự an toàn ở các chung cư cao tầng, khi lan can, giếng trời, cửa sổ không song sắt đều trở thành những cái "bẫy" cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em đang ở lứa tuổi hiếu động, mải chơi, không để ý nguy cơ tiềm ẩn xung quanh mình.

Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ với báo chí sau hàng loạt sự việc trẻ em bị rơi từ nhà cao tầng xuống đất: "Đối với cửa sổ tại các chung cư, nhà cao tầng không được mở rộng, cửa sổ mở đẩy rộng là phải có chấn song sắt. Tuy nhiên, để phục vụ công tác cứu hoả, các cửa sổ chung cư, nhà cao tầng hiện nay không khuyến khích làm chấn song cửa. Cửa sổ nhà cao tầng, chung cư là cửa sổ mở nghiêng, không mở quá 15 độ, đề phòng không ai trèo qua được.

Ý thức của mỗi gia đình - là yếu tố tiên quyết trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ khi sống tại chung cư.

Dù đã có quy định rất nghiêm ngặt nhưng nhiều đơn vị thi công, chủ đầu tư vẫn không thực hiện nghiêm túc, thiếu sự trách nhiệm của các bên. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều công trình chưa đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn trong thiết kế nhưng đã đưa người dân vào ở. Khi công trình đưa vào sử dụng phải có nghiệm thu, có đại diện các cơ quan như: Xây dựng, chủ đầu tư, phòng cháy chữa cháy, thiết kế, rồi các ngành chức năng khác để kiểm tra, rà soát".

KTS nhấn mạnh thêmdù quy định thế nào thì mỗi hộ dân phải có ý thức trông nom trẻ con trước tiên. Các hạng mục trong chung cư đã thiết kế đúng, được nghiệm thu thì không khuyến khích người dân lắp lưới an toàn ở ban công (có thể lắp ở logia), để kiến trúc của công trình và công tác phòng cháy chữa cháy được đảm bảo.

Trên thực tế, trẻ ở độ tuổi từ 5 - 10 tuổi, hiếm có trẻ nào ý thức được những mối nguy hiểm xung quanh mình bởi đó là độ tuổi rất hiếu động, thích chạy nhảy, leo trèo, khám phá mọi thứ xung quanh. Thế nhưng, trong căn nhà của chúng ta lại có vô vàn những mối hiểm nguy đang chực chờ trẻ, có những thứ vô hại đối với người lớn nhưng lại là mối đe dọa đến sự an toàn của trẻ nhỏ. Cho dù có người lớn ở nhà mà không để ý đến trẻ thì cũng không chắc có thể kiểm soát được tất cả các tình huống bất ngờ xảy ra.

Trong khi đó, nhiều người vẫn còn thờ ơ, chưa nhận thức hết được những nguy cơ tai nạn đối với con nhỏ từ những ban công, cửa sổ không có thiết bị bảo vệ ở các căn hộ. Chính vì thế đã để xảy ra những tai nạn đáng tiếc cho trẻ.

Để hạn chế những tai nạn thương tâm xảy ra đối với trẻ nhỏ thì các cha mẹ nên lưu ý những điều dưới đây:

Những nhà ở chung cư khi xây dựng cần được thiết kế rào lan can cao để đề phòng trường hợp trẻ em leo ra ngoài chơi và xảy ra điều đáng tiếc. Đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ thì các cha mẹ, phụ huynh nên chủ động lắp lưới an toàn cho các lan can ban công hoặc các loại cửa của căn hộ.

Mặt khác, các bậc cha mẹ cũng nên nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa bằng cách rà soát lại hết những đồ đạc, vật dụng, thiết bị trong nhà của mình, thẳng tay loại bỏ những thứ có thể gây nguy hiểm cho con trẻ, hoặc phải cất chúng ở những chỗ ngoài tầm với của trẻ. Nếu ở tầng cao, các cha mẹ nên chú ý không được để bàn, ghế, tủ... hay những thứ gì có thể để trẻ leo lên, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Ngoài ra, một số bác sĩ đưa ra lời khuyên cho các gia đình có con nhỏ sống tại chung cư như sau: Cần lắp đặt rào chắn lan can, cửa sổ, cất giấu hết các đồ dùng có khả năng leo trèo được ở gần ban công, cửa sổ chung cư để đảm bảo an toàn cho trẻ. Khi xảy ra tai nạn nên biết cách sơ cứu cơ bản như cố định nẹp cổ, chân tay và cách di chuyển bệnh nhi an toàn. Luôn để mắt đến trẻ trong bất cứ trường hợp nào. Đặc biệt, những gia đình có con nhỏ phải luôn ở bên cạnh con, không thể lơ đễnh để con chơi một mình, rất dễ xảy ra sự cố đáng tiếc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top