Theo luật định thì việc ngôi nhà 5 tỷ đồng vẫn có thể bán với giá 1 triệu đồng, miễn là trong cuộc giao dịch này không có sự cưỡng bức và dối trá. Nếu có sự tranh chấp, sau khi được tòa án phiên phúc thẩm phán quyết bên thắng bên thua thì bản án lập tức có hiệu lực thi hành. Khi đó, quyền yêu cầu xem xét lại vụ án chỉ thuộc về cơ quan có thẩm quyền và kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; còn các đương sự như bên thắng kiện hay bên thua kiện chỉ có thể đưa đơn đề nghị các cơ quan này xem xét để làm đơn kháng nghị.
Tuy nhiên, cuộc mua bán hiếm hoi dưới đây diễn ra không suôn sẻ như vậy.
“Trái tim lầm chỗ để trên đầu”
Bài học này khá phổ biến trong cuộc sống nhưng trong sự việc chuyển nhượng này, diễn biến của nó ly kỳ và hấp dẫn hơn nhiều, bởi cả phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm khi phán xét đều có những sai sót nghiêm trọng.
Qua các nguồn thông tin chính thống, câu chuyện được tóm tắt như sau: Năm 2007, ông Hoàng Anh Trinh (Việt kiều Mỹ) gửi tiền về nhờ vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh (người bà con ở quận Sơn Trà) mua lô đất và làm nhà để sau này ông về Việt Nam định cư lâu dài. Nhà và đất ở số 49 Lương Hữu Khánh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.
Năm 2009, ông Trinh về Việt Nam sinh sống nên ông Minh đã giao lại nhà, đất trên cho ông Trinh quản lý, sử dụng. Tháng 8/2012, ông Trinh quen và tổ chức đám cưới (không đăng ký kết hôn do thiếu một số giấy tờ) với bà Ngô Thị Bảo Toàn. Sau khi cưới, bà Toàn về ở cùng ông Trinh tại ngôi nhà nói trên. Theo ông Trinh, thời điểm này do ông chưa có chứng minh nhân dân và hộ khẩu nên không thể đứng tên trên "sổ hồng".
Trong thời gian chung sống, bà Toàn nói ông Trinh sang tên nhà, đất từ vợ chồng ông Minh cho bà. Bà Toàn hứa khi nào ông Trinh có đủ giấy tờ hợp lệ, đủ điều kiện đứng tên nhà, đất thì bà sẽ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu lại cho ông. Vì tin tưởng nên ông Trinh yêu cầu ông Minh lập hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất cho bà Toàn với giá... 1 triệu đồng. Theo lời ông Trinh, trên thực tế ông chỉ nhờ bà Toàn đứng tên trên “sổ hồng”, chứ không có việc chuyển nhượng nhà, đất.
Sau khi được cấp “sổ hồng” đứng tên mình, bà Toàn đem căn nhà này bán cho một người khác gần 5 tỷ đồng. Phát hiện sự việc, ông Trinh khởi kiện, đề nghị tòa tuyên hủy “sổ hồng”, trả lại nhà cho ông.
Đến đây, hẳn mỗi người đều có thể rút ra một bài học riêng cho mình, và riêng với ông Trinh thì hẳn là bài học nhớ đời. Bởi lẽ, việc chuyển nhượng này đã xuất phát từ lòng tự nguyện của chính ông, không xuất hiện bất cứ một dấu hiệu cưỡng bức nào.
Chẳng thế mà qua cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm của TP. Đà Nẵng đều tuyên bên thắng kiện là bà Ngô Thị Bảo Toàn.
Xuất hiện dấu hiệu của sự dối trá!
Tại bản án sơ thẩm ngày 7/6/2018, TAND TP. Đà Nẵng cho rằng: "Xuyên suốt quá trình chuyển giao quyền sở hữu nhà, đất không có dấu hiệu hay căn cứ bà Toàn đã lừa dối ông Trinh để được nhận chuyển nhượng nhà, đất. Ông Trinh khởi kiện, cho rằng bà Toàn lừa dối nhưng không chứng minh được việc bà Toàn lừa dối". Vì vậy, tòa không chấp nhận yêu cầu đòi lại nhà của ông Trinh.
Tuy nhiên, mọi việc đã xoay theo chiều ngược lại khi mới đây, chánh án TAND tối cao có quyết định kháng nghị và cho rằng, cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã có những sai sót nghiêm trọng.
Theo nhận định của chánh án TAND tối cao, nguồn gốc nhà, đất trên là do ông Hoàng Anh Trinh gửi tiền nhờ ông Minh mua đất, làm nhà và đứng tên hộ từ năm 2007. Mặc dù giữa ông Trinh và bà Toàn có lập hợp đồng chuyển nhượng nhưng trên thực tế không có việc giao nhận tiền, giao nhận nhà và căn nhà này vẫn do ông Trinh quản lý và sử dụng đến nay.
Điều này phù hợp với nội dung tại "giấy cam kết" ngày 16/1/2013 do ông Trinh và bà Toàn lập, có nội dung ông Minh chuyển nhượng nhà, đất cho bà Toàn với "số tiền 1 triệu đồng để hợp thức hóa giấy tờ hợp đồng".
Như vậy, có căn cứ để xác định không có việc chuyển nhượng nhà, đất, mà thực chất là nhờ bà Toàn đứng tên hộ. Do đó, có cơ sở xác định hợp đồng chuyển nhượng ngày 16/1/2013 giữa vợ chồng ông Minh và bà Toàn là giao dịch giả mạo nhằm che giấu một giao dịch khác.
Vậy nên bình luận gì về đánh giá vụ việc của cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm rằng "Xuyên suốt quá trình chuyển giao quyền sở hữu nhà, đất không có dấu hiệu hay căn cứ bà Toàn đã lừa dối ông Trinh để được nhận chuyển nhượng nhà, đất. Ông Trinh khởi kiện, cho rằng bà Toàn lừa dối nhưng không chứng minh được việc bà Toàn lừa dối"?
Thứ nhất, cả hai phiên tòa đều đã không đánh giá đúng thực chất của cuộc giao dịch này, khi có một cuộc dịch chuyển “rất đáng ngờ” một khối tài sản trị giá từ 5 tỷ đồng xuống còn 1 triệu đồng. Tại phiên tòa, bà Toàn cho rằng việc chuyển nhượng nêu trên giữa vợ chồng ông Minh với bà là để cấn trừ khoản tiền 20.000 USD và 600 triệu đồng mà ông Trinh nhận của bà, nhưng ông Trinh không thừa nhận. Còn bà Toàn không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh lời trình bày của mình. Mà cho dù có chứng minh được đi chăng nữa thì hai con số ấy cũng còn rất xa nhau!
Thứ hai, tại "giấy cam kết" ngày 16/1/2013 do ông Trinh và bà Toàn lập, có nội dung ông Minh chuyển nhượng nhà, đất cho bà Toàn với "số tiền 1 triệu đồng để hợp thức hóa giấy tờ hợp đồng". Cụm từ “hợp thức hóa” này mới là bản chất của một cuộc giao dịch ẩn náu sau cuộc giao dịch bằng con số mà các phiên tòa đã thừa nhận. Và như vậy, có thể nhận xét rằng, cả hai phiên tòa đều xử “cái bóng” của sự việc, hoàn toàn không đúng người, đúng việc.
Thứ ba, cả hai phiên tòa đã không xem xét những tình tiết hỗ trợ để có phán quyết chính xác hơn. Chẳng hạn như ngày 21/5/2016, tại Văn phòng công chứng Phạm Văn Khánh, bà Toàn đã chuyển nhượng nhà, đất nêu trên cho bà Vũ Thị Huệ với giá chuyển nhượng 900 triệu đồng (theo bà Huệ thì thực tế là 4,85 tỷ đồng). Ngày 23/5/2016, bà Huệ đã chỉnh lý biến động đứng tên nhà, đất trên. Ngày 24/5/2016, bà Huệ thế chấp nhà, đất này cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu để đảm bảo khoản vay 2,6 tỷ đồng.
Chính vì tình tiết này, Chánh án TAND tối cao đã có nhận định về vụ án này rằng: Xét thấy thời điểm bà Toàn chuyển nhượng nhà, đất trên cho bà Huệ thì tài sản này đang có tranh chấp. Thể hiện ngày 30/5/2015, bà Toàn có đơn khởi kiện yêu cầu tòa án buộc ông Trinh trả lại nhà, đất trên cho bà. Ngày 16/6/2015, TAND quận Sơn Trà thụ lý giải quyết vụ án. Ngày 18/8/2015, ông Trinh có đơn phản tố. Ngày 15/6/2016, bà Toàn có đơn rút đơn khởi kiện. Tòa án đã chuyển đổi tư cách tố tụng đối với các đương sự tham gia vụ án.
Như vậy, việc bà Toàn tự ý chuyển nhượng nhà, đất khi đang có tranh chấp là trái với quy định của pháp luật, nên hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất giữa bà Toàn và bà Huệ là vô hiệu.
Vậy mà đến tận năm 2018, khi phán quyết tranh chấp, các phiên tòa đã không quan tâm đến các tình tiết liên quan này để ra những phán quyết chính xác hơn.
Câu chuyện đến đây vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, hy vọng rằng, diễn biến của vụ việc cũng sẽ giúp cho nhiều người rút ra những bài học bổ ích cho riêng mình.