Lời tòa soạn:
Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2005 (sửa đổi năm 2018), các Nghị định của Chính phủ quy định về việc kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng cùng nhiều văn bản pháp luật hiện hành đã thể chế hóa chức năng lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của quân đội.
Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã giao đất quốc phòng để các đơn vị, doanh nghiệp quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; thực hiện ký hợp đồng sử dụng đất theo phương thức trả tiền sử dụng đất hàng năm và thu nộp về ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, chủ trương của Bộ Quốc phòng từ trước đến nay là đất quốc phòng chủ yếu để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng doanh trại, căn cứ bí mật, kho tàng, huấn luyện chiến đấu,… Nhưng bên cạnh đó, một phần đất quốc phòng nếu nhàn rỗi, chưa sử dụng ngay vào mục đích quốc phòng có thể sử dụng làm mục đích kinh tế để nâng cao đời sống bộ đội và đóng góp vào xây dựng tiềm lực cho các đơn vị.
Tuy nhiên, thời gian qua, có những đơn vị sử dụng đất quốc phòng không đúng mục đích làm ảnh hưởng tới hình ảnh của quân đội, tổn hại đến môi trường phát triển của địa phương, gây khó khăn cho người dân.
Trước đó, tháng 8/2019, tại buổi làm việc với với Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với thưc hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo: Kiên quyết thanh lý, thu hồi các hợp đồng hết thời hạn, sai phạm, không hiệu quả; các hợp đồng có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu quốc phòng cho thực hiện đến hết thời hạn. Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ, giữ ổn định tình hình Quân đội, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Có thể thấy, những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng không phải mới phát sinh trong thời gian gần đây mà nó đã xảy ra từ lâu và đã được xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng, cũng có những sai phạm vẫn đang tiếp diễn, chưa được giải quyết dứt điểm.
Reatimes khởi đăng bài viết: Bài học quản lý và cho thuê đất Quốc phòng nhìn từ vụ việc vi phạm của Tân Thành với mong muốn đưa đến cho độc giả những góc nhìn khách quan về vấn đề này.
Lợi dụng hợp đồng thuê chăm sóc cây cảnh để chiếm đất quốc phòng
Ngày 9/10/2008, Trung đoàn 920 của Trường Sỹ quan Không quân (Trường SQKQ) và Công ty TNHH Tân Thành ký Hợp đồng số 666/HĐLK về việc liên kết chăm sóc kỹ thuật cây cảnh. Sau đó, Trường SQKQ nhận thấy Trung đoàn 920 không đủ thẩm quyền để ký theo quy định nên Hiệu trưởng trường SQKQ đã có Chỉ thị số 316/CT-TSQ ngày 9/3/2009 và Quyết định 524/QĐ-TQS ngày 8/4/2009 về việc thực hiện quy chế, quản lý sử dụng đất quốc phòng và chấn chỉnh các điểm đất liên doanh, liên kết làm kinh tế.
Lúc này, Trung đoàn 920 liền đưa ra “Biên bản thanh lý hợp đồng” số 311/TL-HĐ ngày 28/4/2009, thanh lý hợp đồng về việc thuê hướng dẫn chăm sóc kỹ thuật cây cảnh với Công ty TNHH Tân Thành. Nhưng do yêu cầu phải chăm sóc vườn cây nên ngày 1/6/2009, Tiểu đoàn Bảo đảm Hậu cần - Kỹ thuật sân bay thuộc Trung đoàn 920 có Biên bản số 318/BB liên kết với công ty Tân Thành với thời hạn 3 năm (đến trước ngày 1/6/2012).
Tuy nhiên, biên bản ghi nhớ này cũng sai quy định vì Tiểu đoàn này không phải là chủ thể được ký kết các hợp đồng giao dịch. Như vậy, theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2005, Biên bản số 318/BB không có giá trị.
Đến hết tháng 6/2012, khi Trường SQKQ yêu cầu trả lại mặt bằng thì Công ty Tân Thành liền đưa ra hai biên bản ghi nhớ số 381/BB, ngày 1/6/2009 về việc trồng và chăm sóc vườn cây cảnh của Trung đoàn, giữa Trung đoàn 920 và Công ty TNHH Tân Thành. Thời hạn hiệu lực là 5 năm, từ ngày 1/12/2008 đến hết 1/1/2013 trên khu đất đầu Đông sân bay Nha Trang.
Biên bản ghi nhớ thứ 2 có số 318/BB, ký ngày 1/6/2009 về việc trồng và chăm sóc vườn cây cảnh của Trung đoàn, nhưng là giữa Trung đoàn 920 và một công ty khác - Công ty Cổ phần Nam Khánh. Thời hạn thực hiện 10 năm, từ ngày 1/12/2008 đến hết 1/12/2018, cũng trên khu đất đầu Đông sân bay Nha Trang.
Công ty Tân Thành đã căn cứ vào các biên bản trên để ngang nhiên chiếm đoạt và tiếp tục sử dụng khu đất này. Nhưng trên thực tế, Trung đoàn 920 và Công ty Tân Thành thực hiện nghĩa vụ tài chính đến hết tháng 3/2012 thì chấm dứt. Từ đây trở đi, công ty này không thanh toán thêm bất kỳ khoản thuê đất nào như trên biên bản ghi nhớ mà công ty này đưa ra.
Nhận thấy doanh nghiệp này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không thực hiện việc di dời ra khỏi khu đất của trường, từ tháng 6/2012, Trung đoàn 920 đã nhiều lần có thông báo cho Công ty Tân Thành về việc phối hợp giải quyết dứt điểm việc thanh lý hợp đồng nhưng phía Tân Thành không hợp tác, đồng thời cố tình chiếm dụng đất quốc phòng.
Biểu hiện, ngày 29/12/2013, công ty này còn tổ chức xây dựng nhà cấp 4 trái phép. Nửa năm sau, vào ngày 5/1/2014, Tân Thành lại tiếp tục xây cổng kiên cố, treo biển tên Công ty TNHH Tân Thành và Công ty Cổ phần Nam Khánh, treo nội quy ra vào, cờ phướn, khẩu hiệu,… Ranh ma hơn, hai công ty này còn tự đặt địa chỉ khu đất mình đang chiếm dụng là số 104 Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang.
Ngay khi thấy Công ty Tân Thành và Công ty Nam Khánh tiếp tục có những động thái chiếm dụng đất trái phép, ngày 10/1/2014, Trường SQKQ đã có văn bản số 17/CV-TSQ gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, UBND TP. Nha Trang, công an TP. Nha Trang, công an phường Vĩnh Nguyên để phối hợp giải quyết vụ việc thì Tân Thành mới gửi công văn xin đối thoại với Trung đoàn.
Điều đáng nói là công văn xin đối thoại được Công ty TNHH Tân Thành ký tên, đóng dấu đỏ rõ ràng, nhưng đến khi Trung đoàn 920 tổ chức đối thoại thì Tân Thành lại trốn tránh, vắng mặt không rõ lý do. Chuyện không chịu hợp tác không chỉ xảy ra một lần, sau đó, Tân Thành liên tục có những hành động né tránh đối thoại với Trường SQKQ, bất chấp những ý kiến, văn bản chỉ đạo của cơ quan chức năng về việc sớm bàn giao mặt bằng cho Trường SQKQ như đề nghị của trường.
Chưa dừng lại ở đó, Công ty Tân Thành còn tự ý đặt các container trái phép, xây dựng nhà tiền chế, diện tích khoảng 700m2 và lắp đặt biển quảng cáo “Cửa hàng kinh doanh 104 Trần Phú” trên phần đất quốc phòng.
Gần 1 năm sau, tháng 8/2018, Công ty TNHH Tân Thành và Công ty Cổ phần Nam Khánh tiếp tục rào lấn chiếm thêm khoảng 3.000m2 đất quốc phòng của Trường SQKQ.
Từ đó đến nay, Trung đoàn 920 của Trường SQKQ đã có nhiều văn bản gửi Công ty TNHH Tân Thành và các cơ quan chức năng địa phương để giải quyết việc di dời vườn cây, trả lại mặt bằng cho Trường nhưng Công ty Tân Thành vẫn phớt lờ, tìm đủ mọi cách không thực hiện yêu cầu.
Đặt ra hàng loạt yêu sách để ép chính quyền
Không chỉ có những hành vi chiếm dụng đất quốc phòng, xây dựng trái phép trên đất quốc phòng, Công ty TNHH Tân Thành còn sai phạm về Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, nhưng công ty này vẫn bấp chấp pháp luật không hợp tác. Không những thế, Tân Thành còn cố tình đặt ra hàng loạt yêu sách để gây khó dễ cho chính quyền sở tại.
Cụ thể, ngày 20/5/2020, Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã gửi công văn số 77/PĐKKD cho Công ty TNHH Tân Thành với nội dung yêu cầu doanh nghiệp thay đổi địa chỉ, địa điểm kinh doanh.
Đối với địa chỉ 104 Trần Phú, phường Lộc Thọ hiện nay không còn phù hợp. Trung đoàn 920 - Trường SQKQ đã chuyển địa phương khác, khu đất này là đất Quốc phòng do Trường SQKQ quản lý và có kế hoạch chuyển giao lại cho tỉnh Khánh Hòa để phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới. Vì vậy, Phòng Đăng ký kinh doanh đề nghị Công ty TNHH Tân Thành phải thực hiện việc thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Văn bản.
Cùng ngày, Phòng Đăng ký kinh doanh cũng đã gửi công văn tới cho Công ty Cổ phần Nam Khánh với nội dung tự nhằm yêu cầu công ty này đổi địa chỉ theo đúng quy định của pháp luật.
Thay vì thực hiện theo yêu cầu của Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh Khánh Hòa thì công ty này lại gửi văn bản số 15/ CV-TNHHTT, ngày 25/5/2020 nhằm phúc đáp Văn bản số 77/PĐKKD của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa với nội dung vô lý như sau: "Đối với địa chỉ 104 Trần Phú, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang, công ty nhận thấy đây là địa chỉ đã đăng ký trên cổng thông tin điện tử, sử dụng giao dịch với các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước,… Địa điểm này đã gắn bó với hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty hơn 10 năm, đúng quy định pháp luật, nên việc thay đổi địa điểm như văn bản số 77/PĐKKD của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa là không cần thiết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp".
Căn cứ vào những điều tự cho là đúng này, Tân Thành đã tiếp tục gửi báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhằm đưa ra những yêu sách gây khó dễ cho chính quyền. Công ty này cho rằng: Sở Kế hoạch và Đầu tư không nên làm ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp.
Không chỉ có vậy, không rõ dựa vào đâu, dựa vào ai... mà doanh nghiệp này còn đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng không can thiệp đến hợp đồng kinh tế dân sự của hai công ty với Trung đoàn 920. Tân Thành coi việc can thiệp bằng biện pháp hành chính vào hợp đồng kinh tế dân sự từ một phía của UBND tỉnh và các sở ban ngành là áp đặt, không công khai, minh bạch,… nhằm hủy hoại vốn tài sản hợp pháp của doanh nghiệp.
Trong khi, bản hợp đồng Công ty Tân Thành đưa ra đã ký với Trung đoàn 920 đã hết hạn từ 1/12/2018, nhưng công ty này không thông báo và đăng ký lại với cơ quan chức năng, như vậy đã vi phạm pháp luật.
Ngay trong văn bản số 1932/SKHĐT-ĐKKD ngày 18/6/2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa gửi cho Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch cũng đã chỉ rõ: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh do các doanh nghiệp đã hết hạn hợp đồng thuê địa chỉ hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và địa chỉ địa điểm kinh doanh nhưng không thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và địa chỉ địa điểm kinh doanh.
Căn cứ vào Điều 60 Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp thì: “Chi nhánh, văn phòng đại điện, địa điểm kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh trong trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh ngừng hoạt động 1 năm mà không thông báo với Phòng Đăng ký kinh ký kinh doanh và cơ quan thuế. Trong trường hợp này, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của Phòng để giải trình. Sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn trong thông báo mà người được yêu cầu không đến giải trình thì Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh”.
Chiêu trò gây khó dễ cho chính quyền như trên cũng đã được Tân Thành sử dụng trước đó 2 năm. Cụ thể, ngày 27/4/2018, UBND phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang đã ra văn bản số 118/QĐ-TGTVPTGPCC Quyết định Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Tân Thành và Công ty Cổ phần Nam Khánh. Lý do tạm giữ là do tổ chức thi công công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng.
Ngày 3/5/2018, Thanh tra Sở Xây dựng Khánh Hòa đã ra văn bản số 122/QĐ-XPVPHC, Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính đối với hai công ty trên do đã tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng tại địa chỉ khu đất tại khu vực phía Đông sân bay Nha Trang, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, với mức phạt là 40 triệu đồng.
Bị xử phạt vì không có giấy phép xây dựng nhưng Tân Thành cho rằng, công ty không có hành vi vi phạm hành chính, nên việc mời tới tống đạt Quyết định xử phạt hành chính là trái với pháp luật và quyết định số 122/ QĐ-XPVPHC có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng?
Với những hợp đồng và công văn như trên có thể thấy rõ Công ty TNHH Tân Thành và Công ty Cổ phần Nam Khánh đang vi phạm pháp luật, bấp chấp yêu cầu của chính quyền, cơ quan chức năng có liên quan về việc thực hiện đúng việc giao đất theo thời hạn. Nhưng không rõ vì lý do gì, cho đến nay, hai công ty này vẫn ngang nhiên tồn tại mà không bị xử phạt hay cưỡng chế di dời làm ảnh hưởng tới quá trình quy hoạch, sử dụng diện tích đất sân bay Nha Trang? Liệu có bàn tay nào che chắn cho doanh nghiệp này giống như nhiều công trình xây dựng trên đất quốc phòng đã bị xử lý trong những năm gần đây?
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.