Khách hàng tố gần 6 tỉ đồng tiền gửi tại OCB bị “bốc hơi”
Giới bất động sản không còn xa lạ với hệ sinh thái Ngân hàng TMCP Phương Đông – Benthanh Group cùng những dự án bất động sản nhiều tai tiếng. Trong khi giới tài chính lại xì xào câu chuyện vì sao lãnh đạo lại quá sốt sắng “vỗ lớn” OCB giữa lúc hệ thống ngân hàng đang còn rối ren, khách hàng tố tiền gửi tại ngân hàng này "không cánh mà bay".
Dưới đây là một trường hợp về việc huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), đó là câu chuyện của khách hàng Huỳnh Tuyết Hằng (trú tại phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Theo hồ sơ phóng viên có được, bà Hằng đã nhiều lần gửi tiết kiệm tại OCB, với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng. Tất cả những giao dịch này đều được diễn ra tại hội sở OCB có địa chỉ 41-45 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Người thực hiện việc giao dịch này là nhân viên Vũ Phương Thảo (Mã nhân viên OCB07426). Tại thời điểm làm việc với khách hàng, Vũ Phương Thảo đang giữ chức Trưởng Bộ phận – Trung tâm xử lý giao dịch tín dụng tại OCB.
Cụ thể, ngày 7/9/2011, bà Hằng đến hội sở Ngân hàng TMCP Phương Đông và được Vũ Phương Thảo tiếp, tư vấn về việc gửi tiền tiết kiệm. Thời điểm đó, nhân viên OCB tên Vũ Phương Thảo giới thiệu là ngân hàng đang có chương trình tiền gửi với lãi suất ưu đãi được tính từ ngày 12/3/2012 và đưa cho bà Hằng thông báo số 54/2011-TB-OCB-DCTC&DNT do ông Hoàng Kiều Phong ký. Do gia đình có tiền nhàn rỗi nên bà Hằng đã đồng ý mở tài khoản tiết kiệm tại OCB và gửi số tiền 150.000.000 đồng (Một trăm năm mươi triệu) vào tài khoản 0111100000xxxxxx.
Bà Hằng cho biết, ngày 3/12/2012, OCB có xác nhận số dư tiền gửi tại ngân hàng đến ngày 3/12/2012 của bà là 300.000.000 đồng, do ông Hoàng Kiều Phong ký. Lúc này, bà Hằng đã hoàn toàn tin tưởng OCB do vẫn được nhận tiền lãi hàng tháng đều đặn và liên tục đúng thời hạn. Không hề nghi ngờ, ngày 8/6/2016, bà Hằng đã đến hội sở OCB nộp thêm số tiền 700.000.000 đồng. Tại đây, bà Hằng được giao hợp đồng gửi tiền bản chính và có đóng dấu của ngân hàng OCB ngay tại địa chỉ 41 - 45 Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
“Do giao dịch hợp đồng gửi tiền bản chính và có đóng dấu của OCB ngay tại địa chỉ 41 - 45 Lê Duẩn nên tôi rất tin tưởng và không hề đòi hỏi thêm bất kỳ chứng từ gì thêm. Giao dịch của tôi với nhân viên OCB cô Vũ Phương Thảo là giao dịch hoàn toàn công khai. Tất cả mọi người trong thời điểm đó đều thấy sự giao dịch tiền bạc với cô Thảo”, bà Huỳnh Tuyết Hằng cho hay.
Đến ngày 21/6/2016, cũng tại hội sở OCB, bà Hằng nộp thêm 4.900.000.000 đồng (Bốn tỷ chín trăm triệu đồng). Việc giao nhận tiền cũng tại Ngân hàng và bà Hằng nhận lại hợp đồng (bản chính) ký kết với OCB chi nhánh Quận 1.
Hồ sơ cho thấy, giữa bà Hằng và ngân hàng OCB đã thực hiện 3 hợp đồng tiền gửi. Cụ thể, ngày 08/06/2016 với số tiền 700.000.000 đồng (Bảy trăm triệu đồng) và ngày 21/06/2016 thực hiện 2 hợp đồng là 4.000.000.000 đồng (Bốn tỷ đồng) và 900.000.000 đồng (Chín trăm triệu đồng). Trên hợp đồng tiền gửi do Ngân hàng OCB phát hành, đều do ông Đinh Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc OCB ký.
Ba hợp hồng này được gộp lại thành 2 sổ tiết kiệm với số tiền 5,7 tỉ đồng. Trong đó một sổ do bà Huỳnh Tuyết Hằng đứng tên với giá trị 4,7 tỷ đồng. Cuốn sổ còn lại do chồng bà Hằng đứng tên với giá trị 1 tỷ đồng (bao gồm 100 triệu đồng tiền lãi).
Khoảng thời gian bà Hằng gửi tiền tiết kiệm tại OCB, bà vẫn đều đặn nhận lãi theo định kỳ được trả vào tài khoản cá nhân. Thế nhưng, từ tháng 1/2019 đến tháng 8/2019, bà Hằng không hề nhận được tiền lãi của ngân hàng và bất ngờ là phía OCB thông báo với bà rằng sổ tiết kiệm đó là giả.
“Đến tháng 9/2018 khi đến kỳ rút lãi/rút tiền thì tôi không liên lạc được với nhân viên Vũ Phương Thảo, liên hệ đại diện phía Ngân hàng thì được thông báo là sổ giả và nhân viên Vũ Phương Thảo đã nghỉ việc. Tôi đã nhiều lần đến ngân hàng nhưng đều không được giải quyết. Ngân hàng Phương Đông chối bỏ hết tất cả những gì tôi khiếu nại và không hề đưa ra bất cứ giải pháp gì để khắc phục việc tiền của khách hàng gửi tại OCB không cánh mà bay”, bà Hằng bức xúc cho hay.
Thời điểm này, điều dư luận quan tâm là Ngân hàng TPCP Phương Đông sẽ xử lý vụ việc trên như thế nào. Chính khách hàng đã khẳng định, tất cả mọi giao dịch gửi tiền tiết kiệm đều được thực hiện tại hội sở OCB. Thế nhưng, phía Ngân hàng TMCP Phương Đông đã trả lời khách hàng về trách nhiệm giải quyết của ngân hàng và các cấp lãnh đạo (Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng Giám đốc).
Điều bất thường gì về nhân sự và tài chính OCB?
Tại đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 30/6/2020, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phương Đông cho rằng, do ảnh hưởng từ Covid-19, năm 2020 dự báo nhiều khó khăn, ngân hàng xác định phát triển kinh doanh an toàn, song song đó, vẫn đẩy mạnh tăng trưởng quy mô, chất lượng tài sản.
Tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động trên cơ sở tối ưu hóa chi phí, đầu tư về công nghệ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hệ thống, duy trì tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng doanh thu từ hoạt động (CIR) của OCB dưới 37%.
Đây chính là cơ sở kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong năm 2020 đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước. Quy mô tổng tài sản năm 2020 mục tiêu đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cuối năm trước. Trong đó, tăng trưởng huy động là 21%, dư nợ thị trường 1 tăng 25% trên cơ sở phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo khảo sát của Reatimes, tới đầu tháng 7, đa phần các ngân hàng trong hệ thống đã họp đại hội cổ đông năm 2020. Trong đó có tới 1/3 số ngân hàng không công khai con số tài chính cụ thể, 1/3 sẽ giảm các chỉ tiêu tài chính so với năm 2019. Điều đáng nói là, thậm chí lãnh đạo những ngân hàng trong nhóm big 4 còn đau đầu lựa chọn con số cho sát thực tế nhưng không gây hoang mang cho giới đầu tư.
OCB không nằm trong nhóm ngân hàng thương mại có sức khoẻ tài chính nổi bật, cũng không có lợi thế cạnh tranh riêng biệt. Điều này càng thêm trắc ẩn khi lãnh đạo ngân hàng này gấp gáp trả cổ phiếu giấy cho nhà đầu tư và bán vốn cho đối tác chiến lược.
Đại hội cổ đông OCB bàn đến kế hoạch cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25 - 27%. Đây được xem là ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức cao trong bối cảnh tình hình thị trường trong nước và quốc tế đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19.
Năm 2019, OCB cũng đã chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ từ 6.600 tỷ đồng lên 7.899 tỷ đồng. Vào giữa tháng 3/2020, OCB tiếp tục được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 8.767 tỷ đồng sau khi cổ đông ngân hàng thông qua phương án chào bán riêng lẻ gần 86,9 triệu cổ phiếu (tương đương 11% vốn điều lệ) cho Ngân hàng Aozora của Nhật Bản.
Trước đó, cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phần OCB (tương đương 18,68% vốn) sau 10 năm đầu tư vào đây. Theo công bố mới nhất, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB là 4,98% vốn điều lệ, do một quỹ của VinaCapital nắm giữ và được lấp đầy bởi Aozora.
Một trong các nội dung đáng chú ý trong đại hội là việc thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2020 lên hơn 11.275 tỷ đồng, trong đó bao gồm việc phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, Ngân hàng Aozora (AOZ), Nhật Bản.
Trước đó, vào ngày 17/6, OCB đã được NHNN chấp thuận việc cho phép AOZ mua cổ phần của OCB để trở thành cổ đông nước ngoài sở hữu 15% vốn điều lệ của OCB. Hai ngân hàng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, AOZ cam kết đầu tư lâu dài tại OCB qua việc cử các chuyên gia tham gia vào hoạt động quản trị và điều hành, hỗ trợ phát triển kinh doanh, hỗ trợ các hoạt động bán lẻ, quản lý rủi ro, nâng cao công nghệ, ngân hàng số. Đồng thời liên kết cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường Việt Nam. Đây là thông tin tích cực được các cổ đông quan tâm và là tiền đề trong việc triển khai công tác chuẩn bị niêm yết cổ phiếu OCB tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).
Như vậy, hội đồng quản trị của OCB tới đây sẽ có thêm nhân tố mới. Tuy nhiên theo tìm hiểu, dù có nắm tới 15% thì cổ đông này vẫn rất nhạt nhoà trong hệ sinh thái OCB-Benthanh Group.
Trong cơ cấu nhân sự của OCB, Tổng Công ty Bến thành – Công ty TNHH MTV (Benthanh Group) là cổ đông lớn nhất. Đáng chú ý, dù hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bất động sản, công nghiệp, thương mại quy mô 28 đơn vị thành viên, nhưng vị chủ tịch ông Phan Văn Quang là “dân tài chính ngân hàng”. Trong khi đó, chủ tịch OCB ông Trịnh Văn Tuấn lại là kỹ sư điện.
Một cổ đông đáng chú ý nữa của OCB là ông Phan Trung đang là thành viên hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Địa ốc Bến Thành (OTC) – công ty con của Benthanh Group. Công ty CPCK Quốc tế Việt Nam cùng chủ tịch Nguyễn Thị Thu Trang nắm hơn 5% vốn tại OCB.
Như trên dễ khả năng quản lý OCB sẽ là hệ sinh thái quanh ông Phan Văn Quang. Điều này đồng nghĩa OCB phục vụ cho mục đích hoạt động gần 30 doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Nhìn qua nhân sự cốt cán của OCB dễ hình dung vì sao ngân hàng này đặc biệt hứng thú với bất động sản. OCB được biết đã nhận cầm cố nhiều tài sản của công ty gia đình vị chủ tịch ngân hàng này.
Theo tìm hiểu, Công ty Tư vấn đầu tư Hướng Việt - doanh nghiệp được thành lập năm 2009 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Tới năm 2017, công ty tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật hiện nay là ông Cao Quế Lâm - em vợ chủ tịch OCB.
Năm 2018 và 2019, sau khi mua cổ phần, Hướng Việt nhiều lần mang cổ phiếu CT Quốc Lộc Phát và một công ty khác tới cầm cố tại ngân hàng này.
Không chỉ nhận cầm cố cổ phiếu của chủ đầu tư Quốc Lộc Phát, OCB còn được biết đến là nhà tài trợ vốn cho nhiều dự án của một công ty BĐS ở Sài Gòn. Cuối năm ngoái, OCB cung cấp 400 tỷ đồng cho đơn vị này qua 2 đợt phát hành trái phiếu. Không riêng dự án tại Thủ Thiêm, Công ty Hướng Việt là cổ đông của nhiều công ty mà OCB cung cấp vốn vay như Công ty bất động sản Nam Long hay Công ty Sợi Thế Kỷ.
Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ năm 2019 về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM đã chỉ ra sai phạm ở các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất, dự án Khu phức hợp Sóng Việt được nêu tên khi được UBND TP.HCM chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Công ty CP Quốc Lộc Phát là nhà đầu tư dự án này.
Liệu rằng OCB chỉ là ngân hàng mô hình, phục vụ lợi ích nhóm doanh nghiệp sân sau bất động sản? Và bên cạnh đó, vấn đề quản trị nhân sự như thế nào khi khách hàng tố bị "bốc hơi" gần 6 tỷ tiền gửi tại ngân hàng này?
Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.