Tại tọa đàm “Nối lại cung - cầu vốn, tiếp sức phục hồi” diễn ra mới đây, chia sẻ về câu chuyện khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tiếp cận dòng vốn tín dụng, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương cho rằng đây không còn là vấn đề mới, và chính các cơ quan quản lý cũng đã tìm hiểu khá nhiều về vấn đề này.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, và một trong số đó, theo ông Tú Anh là do hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt có độ tin cậy thấp nên khó có thể thuyết phục ngân hàng. "Một điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu cải thiện", ông Tú Anh cho hay.
Phân tích sâu hơn về vấn đề, ông Tú Anh nêu: "Thực tế, thanh khoản hệ thống ngân hàng không thiếu, vấn đề của doanh nghiệp là thiếu thị trường, cầu thấp quá, nên việc hạ lãi suất hay việc đẩy tín dụng ra, cái nào quan trọng hơn?
Lãi suất liên ngân hàng hồi tháng 3 quanh ngưỡng 3,8%, đến hiện nay chỉ hơn 1%, trên 100 nghìn tỷ đồng đã được đưa ra thị trường qua tín phiếu, điều đó chứng tỏ thanh khoản rất dồi dào. Bản thân các ngân hàng cũng muốn cho vay, nhưng quan trọng là họ phải thu lại được tiền".
Chính nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận rằng ngân hàng hiện đang... thừa tiền. Nhưng song song đó, thì không ít doanh nghiệp lại đang trong tình trạng khát vốn và có nguy cơ phá sản nếu như không được trợ giúp về vốn nhanh chóng. Vậy đâu là lý do khiến bên dư cầu và bên thì lại thừa cung đến như vậy?
Vướng ở từ khóa "thanh khoản"
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề quan trọng nhất là tính thanh khoản của doanh nghiệp vẫn chưa được nói đến nhiều. "Các doanh nghiệp đang cần thanh khoản, có thể họ không cần chính sách, không cần giảm lãi suất, nhưng họ rất cần dòng tiền để trả lương cho nhân viên, tiền mua nguyên vật liệu… nên giải pháp phải hướng vào vấn đề này", vị chuyên gia kinh tế phân tích.
Còn theo ông Vũ Tuấn Anh, Quyền Giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thì hiện tại doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có những khó khăn, liên quan đến thanh khoản hay tầm nhìn, do đó, ngân hàng phải có giải pháp chia sẻ cùng doanh nghiệp.
Nhưng cần nhìn nhận một thực tế rằng các ngân hàng cũng đang trong quá trình khó khăn, phải cải tổ, tăng vốn đạt chuẩn mới, và rất nhiều câu chuyện dài hạn khác.
Đồng tình với thực tế ấy, TS. Võ Trí Thành cho hay: "Gói hỗ trợ của Việt Nam có quy mô ấn tượng, dù rằng hỗ trợ trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Việt Nam cũng đang phải tính đến bài toán hỗ trợ cho các tập đoàn, tổng công ty lớn. Covid-19 tác động đến tất cả các loại hình doanh nghiệp, không chừa doanh nghiệp nào. Nguồn lực hạn chế này vừa phải lo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại phải hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn".
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Tú Anh cho hay, một lý do quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp khó vay vốn là do trong chiến lược của ngành ngân hàng, các ngân hàng phải nâng chuẩn tín dụng lên.
"Việt Nam đang chuẩn bị áp dụng chuẩn Basel II, ngân hàng rất muốn cho vay nhưng do cần tiến tới nâng chuẩn nên điều kiện cho vay phải khắt khe hơn".
Bên cạnh đó, bà Tạ Thị Tuệ Anh, Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội bổ sung thêm rằng, ở Việt Nam, doanh nghiệp giao dịch với quá nhiều ngân hàng, chính vì vậy, lý lịch tín dụng của họ vô cùng phức tạp. Muốn làm bạn, đồng hành với nhau, cần phải có sự tin tưởng dài hạn. Khi một doanh nghiệp hỏi vay vốn ngân hàng, nhưng khi đến thẩm định dự án, lại phát hiện ra doanh nghiệp cũng đang dùng tiền của ngân hàng khác, thành ra quá trình vay khá phức tạp.
Doanh nghiệp loay hoay tìm 'đường dẫn' cho dòng tiền
Ông Vũ Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và xây dựng GMA Việt Nam bày tỏ quan điểm: Cần căn chỉnh pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận vốn được dễ dàng hơn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để duy trì niềm tin với ngân hàng.
“Ngoài nguồn vốn ngân hàng, chúng tôi cũng nghĩ đến hướng cổ phần doanh nghiệp để tăng thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp”, ông Giang cho hay.
Ông Hoàng Ngọc Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Phúc Thọ đề xuất nên gia hạn và cơ cấu lại các khoản vay cho doanh nghiệp khó khăn trong thời kỳ Covid-19 vừa qua. Bởi với dòng vốn ngắn hạn chỉ được 6 tháng thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp khi chưa kịp có lãi đã phải xoay vốn để trả. Do đó, vị này đề xuất nới rộng thời gian cho doanh nghiệp lên 12 - 15 tháng.
Bà Đinh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn doanh nghiệp Hanoisme nêu một thực tế rằng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bổ sung qua các năm đến 2.000 tỷ, nhưng đến nay mới có hơn 100 tỷ được duyệt và 52 tỷ được giải ngân cho 14 dự án.
"Một con số quá nhỏ, giống như ném đá ao bèo. Chính sách đưa ra rất hoàn hảo, thế nhưng chúng ta không đánh giá được kết quả cuối cùng", bà Ngân nhấn mạnh.
Trước tình hình đó, giải pháp mà ông Tú Anh đưa ra là doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa mới đi được đường dài. Đặc biệt doanh nghiệp cần có quan hệ chuyên nghiệp với ngân hàng, đối tác.
"Nhìn vào số lượng người nước ngoài quay về Việt Nam thời buổi này, có thể thấy niềm tin của họ với thể chế Việt Nam rất cao. Hiện tại là lúc doanh nghiệp nâng tầm tư duy để có thể tham gia vào những chuỗi cung ứng lớn", bà Tuệ Anh bày tỏ quan điểm tích cực.
Còn theo ông Võ Trí Thành, bản chất dân tộc Việt Nam rất linh hoạt, đó là thế mạnh, nhưng điểm yếu của người Việt là lười sáng tạo. Người Việt Nam cũng có truyền thống duy tình nhưng điều này lại không tốt cho quá trình chuyên nghiệp hóa.
"Doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng trước lựa chọn hoặc là duy trì theo kiển doanh nghiệp gia đình hoặc là cổ phần hóa để mở ra một bầu trời huy động vốn vô tận. Chính thị trường vốn sẽ giúp giải quyết bài toán huy động vốn dài hạn, không phải ngẫu nhiên mà NHNN quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng. Vốn dài hạn phải là từ trái phiếu, là vốn cổ phần", TS. Võ Trí Thành cho hay.