Aa

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu mang lại nhiều tác động tích cực

Thứ Sáu, 01/12/2023 - 15:27

Theo LS. Phan Hoài Nam, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) không chỉ là bước đi quan trọng trong việc tối ưu hóa quyền đánh thuế của Việt Nam, mà còn mang lại nhiều tác động tích cực về mặt kinh tế.

PV: Xin ông cho biết quan điểm về việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế TTTC tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2024?

Ông Phan Hoài Nam: Tôi cho rằng, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế TTTC tại Việt Nam từ năm 2024 là cần thiết và có ý nghĩa tích cực về nhiều mặt.

Trước hết, Nghị quyết này cho thấy sự cần thiết về việc hội nhập quốc tế, nội luật hóa các quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) để giữ được quyền đánh thuế TTTC tại Việt Nam.

Nghị quyết về việc áp dụng thuế TTTC là một bước quan trọng đánh dấu sự chủ động của Việt Nam trong việc tuân thủ và áp dụng những quy định quốc tế về thuế. Đây cũng là thời điểm phù hợp để thông qua chính sách này trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới cũng sẽ áp dụng thuế TTTC từ năm 2024.

LS. Phan Hoài Nam, chuyên gia tư vấn thuế, giảng viên bộ môn Thuế của chương trình đào tạo ACCA và Học viện Tư pháp.

Việc áp dụng thuế TTTC đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ tham gia vào hệ thống thuế quốc tế một cách tích cực và chặt chẽ hơn. Điều này không chỉ làm tăng cường uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn giúp nền kinh tế quốc gia thích ứng linh hoạt với những biến động toàn cầu nói chung và những thay đổi về chính sách thuế quốc tế nói riêng. Chính sách này cũng cho thấy một sự cam kết rõ ràng của Việt Nam trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.

Việc Việt Nam chủ động tuân thủ và áp dụng quy định của thế giới cũng mang lại lợi ích lớn trong việc tăng cường quan hệ quốc tế và hợp tác kinh tế. Điều này sẽ góp phần tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa ngày nay.

PV: Việc áp dụng thuế TTTC sẽ đem lại những lợi ích gì cho Việt Nam, thưa ông?

Ông Phan Hoài Nam: Việc áp dụng thuế TTTC mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho Việt Nam từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Thứ nhất, chính sách này thể hiện quyền đánh thuế của Việt Nam trong một sân chơi bình đẳng 

toàn cầu. Theo Bộ Tài chính, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế TTTC. Ngân sách ước tính sẽ thu được hơn 14.600 tỷ đồng khi 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nộp thuế TTTC theo Nghị quyết vừa được thông qua. Như vậy, việc áp dụng các quy định của thuế TTTC mang lại cho Việt Nam cơ hội gia tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Thứ hai, việc áp dụng thuế TTTC mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam. Việc tạo ra một môi trường thuế ổn định hơn giúp thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường sự cạnh tranh của DN Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nó cũng giảm bớt rủi ro và tính không chắc chắn trong quá trình kinh doanh, tăng cường niềm tin của DN và nhà đầu tư trong nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, chính sách về thuế TTTC có thể giúp Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường hội nhập quốc tế và tham gia vào các cộng đồng kinh tế toàn cầu một cách tích cực và chủ động hơn. Việc này không chỉ tạo ra những cơ hội mới cho xuất khẩu và hợp tác kinh tế mà còn làm tăng cường uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tóm lại, áp dụng thuế TTTC không chỉ là bước đi quan trọng trong việc tối ưu hóa quyền đánh thuế của Việt Nam mà còn mang lại nhiều tác động tích cực về mặt kinh tế và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế.

Tổ hợp nhà máy Samsung tại Việt Nam. Ảnh: TL

PV: Thuế TTTC là vấn đề mới và khó không chỉ với riêng Việt Nam. Từ góc độ của một chuyên gia tư vấn thuế, theo ông, trong giai đoạn đầu thực hiện, Việt Nam nên chú ý điều gì?

Ông Phan Hoài Nam: Trong giai đoạn đầu thực hiện thuế TTTC, Việt Nam cần chú ý đến một số điểm quan trọng để đảm bảo việc áp dụng được thuận lợi và hợp lý cả cho cơ quan thuế và DN.

Trước hết, chúng ta cần đầu tư nâng cao năng lực cơ quan thuế bằng việc tăng cường đào tạo và nâng cao kỹ năng của cán bộ thuế để họ có hiểu biết sâu sắc về các quy định mới và cách thức tính toán thuế TTTC. Chúng ta cũng cần đảm bảo có đủ nguồn lực và công nghệ để cơ quan thuế có thể thực hiện và kiểm soát thuế một cách hiệu quả.

Thứ hai, cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện một cách chi tiết và rõ ràng về quy định mới để DN có thể hiểu rõ hơn về cách áp dụng và ảnh hưởng của thuế TTTC đối với hoạt động kinh doanh của mình. Điều này có thể được thực hiện thông qua tổ chức các buổi hội thảo cho các nhóm DN chịu ảnh hưởng nhằm hướng dẫn chính sách thuế và giải đáp thắc mắc của DN.

Một điều rất quan trọng mà dư luận cũng đã nói nhiều đó là khi thực hiện thuế TTTC, chúng ta phải có các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp hơn để bổ sung, thay thế các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiện hành nhằm bù đắp cho các ưu đãi thuế sẽ không còn tác dụng khi thực hiện thuế TTTC để các nhà đầu tư có thể yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam. Điều này góp phần thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc quan tâm và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi thực hiện thuế TTTC.

Tuy nhiên, khi đã tham gia sân chơi toàn cầu thì chúng ta cũng cần đảm bảo các biện pháp hỗ trợ đầu tư không vi phạm nguyên tắc về Thuế TTTC của OECD, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Điều này đòi hỏi các cơ quan liên quan phải cân nhắc và chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho vấn đề còn khá mới mẻ và phức tạp này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top