Aa

Thu hút FDI: Ưu đãi thuế không quan trọng bằng thủ tục đầu tư nhanh gọn

Thứ Hai, 27/11/2023 - 06:08

Các chuyên gia nhận định, khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, chính sách hỗ trợ đầu tư mới của Việt Nam phải khác so với chính sách miễn giảm thuế trước đây.

Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu hôm 20/11 vừa qua. Việc Quốc hội quyết định xem xét, thông qua nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 6, cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng bắt đầu thực thi thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. 

Tuy nhiên, việc ban hành nghị quyết này phải tính đến câu chuyện môi trường đầu tư kinh doanh giảm sức hút, nhất là với các nhà đầu tư chiến lược; trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài gay gắt, mà “cánh cửa duy nhất đủ lớn để Việt Nam nhập khẩu vốn là FDI”, như nhận định của ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cần chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư mới 

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Việt Nam vẫn là quốc gia cần thu hút vốn FDI. Do chúng ta đang trong giai đoạn dân số vàng lần 2, rất cần nguồn vốn lớn để tạo việc làm cho hàng chục triệu người trong hai thập kỷ tới.

Trong khi đó, thị trường tài chính trong nước không đủ khả năng tạo vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tăng rất chậm. Rủi ro quốc gia của Việt Nam vẫn cao. Lãi suất tiền đồng vẫn luôn cao hơn vài điểm phần trăm so với ngoại tệ. Nhập khẩu vốn là điều bắt buộc phải làm.

Hơn nữa, Việt Nam vẫn kiên định với việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ngắn hạn và mở rộng cửa với vốn dài hạn. Vậy nên, cánh cửa duy nhất đủ lớn để Việt Nam nhập khẩu vốn là FDI.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - VCCI. (Ảnh: quochoi.vn)

Cũng theo ông Đức, từ trước đến nay, theo Luật Đầu tư, chúng ta có hai giải pháp thu hút FDI, bao gồm thông qua ưu đãi đầu tư, mà chủ yếu là miễn giảm thuế và các loại tiền nộp ngân sách; và giải pháp thứ hai, hỗ trợ nhà đầu tư bằng tiền từ ngân sách.

Thực tế mấy chục năm qua chúng ta mới chỉ dùng biện pháp thứ nhất. Song, khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, đồng nghĩa với biện pháp ưu đãi thuế không còn tác dụng, Việt Nam buộc phải chuyển qua giải pháp thứ hai, mặc dù sẽ có những khó khăn nhất định. Nhưng chúng ta có thể toàn quyền lựa chọn hỗ trợ chi phí đào tạo nhân công, chi phí xây nhà ở cho người lao động, chi phí xây dựng hạ tầng điện, đường, nước, nhà xưởng hay bất kỳ chi phí nào khác.

Ông Đức cũng chỉ ra việc không thể dùng tiền thu thêm được rồi lại trả lại cho nhà đầu tư. Vì theo quy tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các nước không được phép đánh tráo việc tăng thuế với các biện pháp thu hút đầu tư khác. Nếu chính sách hỗ trợ đầu tư mới của Việt Nam rơi đúng vào những doanh nghiệp đã bị tăng thuế với số tiền đúng bằng số tiền thuế tăng lên, thì chắc chắn OECD sẽ không chấp nhận. Khi đó, các nước mẹ vẫn sẽ thu phần thuế còn thiếu, nhà đầu tư phải nộp phần này hai lần thì họ sẽ kiện Việt Nam.

“Do đó, chính sách hỗ trợ đầu tư mới của chúng ta phải “khác” so với chính sách miễn giảm thuế trước đây”, ông Đức nói và cho rằng, việc xác định biện pháp hỗ trợ đầu tư nào được và biện pháp nào không được sẽ được thực hiện theo nguyên tắc tham vấn và đồng thuận. Các nước sẽ phải gửi đề xuất các biện pháp hỗ trợ đầu tư của mình cho các nước khác để tham vấn. Nếu họ không đồng thuận thì sẽ trao đổi để điều chỉnh. Việc soạn chính sách hỗ trợ đầu tư mới rất khó và cần sự phối hợp của nhiều bên. 

Một điểm thú vị, theo ông Đức, chính sách hỗ trợ đầu tư mới buộc phải công bằng giữa FDI và doanh nghiệp trong nước. Như vậy, nếu các doanh nghiệp trong nước rơi vào diện được hỗ trợ thì cũng được hưởng như FDI.

Nhưng, các doanh nghiệp trong nước này, nếu không thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì lại không thuộc đối tượng bị thu thêm thuế. Tức là, doanh nghiệp trong nước, dù thuộc diện đang chịu thuế dưới 15% hay trên 15%, đều có cơ hội được khoản hỗ trợ này. 

“Biện pháp hỗ trợ đầu tư “cao cấp” hơn biện pháp ưu đãi thuế. Nó đòi hỏi khả năng quản trị của Nhà nước tốt hơn, nhưng đổi lại sẽ được chọn mục tiêu, chọn đúng mắt xích quan trọng hay nút cổ chai. Đây là cơ hội để chúng ta có thể thu hút đầu tư tốt hơn, có chọn lọc hơn, có tác động lan tỏa tốt hơn”, ông Đức nhận định.

Bất động sản công nghiệp cần tầm nhìn dài hạn hơn

Mặc dù đầu tư FDI năm 2023 có sụt giảm do kinh tế suy thoái, nhưng phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn duy trì nguồn cầu từ nhà đầu tư, với các lợi thế về lao động, dân số, sự phát triển cơ sở hạ tầng, ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Đối thoại với Reatimes, GS. TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, hầu hết các năm qua, FDI vào lĩnh vực bất động sản đều chiếm vị trí thứ hai. Bình quân trong 5 năm gần đây, FDI bất động sản chiếm khoảng 18% tổng vốn đăng ký.

GS. TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). (Ảnh: Báo Chính phủ)

GS. TSKH. Nguyễn Mại đánh giá, Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra làn sóng FDI mới có giá trị cao hơn, nhưng ngoài cơ chế “chia sẻ lợi ích”, rất cần cải thiện chính sách xúc tiến đầu tư, thủ tục hành chính để giúp đỡ các nhà đầu tư khi thực hiện dự án.

Thứ nhất, chuyên gia cho rằng, việc phân cấp, phân quyền xúc tiến đầu tư về địa phương là chính xác. Nhưng lưu ý tình trạng lạm dụng phân cấp, phân quyền để ban hành những ưu đãi về đất đai, thuế để “chạy đua” thu hút đầu tư về số lượng.

“Năng lực thực thi của cán bộ địa phương rất quan trọng. Nếu bộ phận xúc tiến đầu tư không có tư duy đổi mới, vẫn thực hiện xúc tiến đầu tư kiểu cũ như tổ chức hội nghị, hội thảo, meeting thì không hiệu quả. Muốn kêu gọi các nhà đầu tư lớn thì phải xúc tiến đầu tư có địa chỉ, xác định rõ mình muốn lôi kéo nhà đầu tư nào và nhà đầu tư đó có nhu cầu vào Việt Nam hay không”, GS.TSKH. Nguyễn Mại phân tích. 

Thứ hai, cần ban hành các quy định, để các địa phương hiểu được trách nhiệm của mình và có sự giám sát, kiểm soát để “tuýt còi” những sai phạm và kịp thời điều chỉnh.

Sau khi thu hút được các nhà đầu tư, điều quan trọng hơn là phải giảm thiểu thủ tục hành chính. Bởi ưu đãi thuế, ưu đãi tiền thuê đất dù cần thiết nhưng không quan trọng bằng việc tạo ra môi trường đầu tư rộng mở, thủ tục đầu tư nhanh gọn để các doanh nghiệp có thể triển khai đúng tiến độ đã cam kết và đưa sản phẩm ra thị trường kịp thời.

“Ở Indonesia, Tổng thống nước này đã tuyên bố, nhà đầu tư rót vốn từ 70 triệu USD và tạo ra việc làm cho khoảng 300 lao động thì đích thân ông sẽ xử lý giấy phép trong vòng 1 tuần. Việt Nam cũng phải làm được như vậy thì mới có thể cạnh tranh được.

Nếu thủ tục chỉ chậm từ 5 - 6 tháng thì nhiều cơ hội của nhà đầu tư sẽ mất đi, đó là điều họ quan ngại và lo lắng nhất khi lựa chọn môi trường đầu tư”, GS. TSKH. Nguyễn Mại khẳng định.

Việt Nam cần có hệ thống chính sách rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, bà Trang Bùi cũng nhấn mạnh, ưu đãi về thuế chỉ là một trong những yếu tố để các nhà đầu tư xem xét đưa ra quyết định đầu tư.

Nhất là trong bối cảnh sắp áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà phát triển bất động sản cần có hướng đi dài hạn hơn, thông qua việc đầu tư và hoàn thiện hơn nữa chất lượng hạ tầng khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, cung cấp nhiều tiện ích nhất cho nhà đầu tư. 

Ngoài ra, Việt Nam cần có hệ thống chính sách rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư. Thông tin quy hoạch khu công nghiệp đồng bộ cần được công khai, minh bạch trong tổng thể bản đồ quy hoạch chung của vùng, địa phương để nhà đầu tư yên tâm nghiên cứu, nắm bắt cơ hội đầu tư.

“Các nhà đầu tư nước ngoài luôn ưu tiên lựa chọn điểm đến an toàn, ổn định để đảm bảo dự án được triển khai thuận lợi, bảo toàn được vốn và gia tăng lợi nhuận”, bà Trang Bùi chỉ ra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top