Aa

Bài toán đổi “đất vàng” trong xây dựng

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 05/11/2017 - 23:00

Vài năm trở lại đây, hai từ "đất vàng" được dùng thường như từ quen thuộc để chỉ những mảnh đất có vị trí đẹp, có giá trị kinh tế cao... Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi quỹ đất đô thị hạn hẹp thì việc xây dựng một công trình, hay quy hoạch xây dựng thế nào thì những mảnh đất tưởng bình thường lân cận đó cũng được nâng thành vàng.

Theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, trong khu vực nội đô của thành phố hiện có khoảng 308 công trình cao tầng hiện hữu hoặc đã được cấp phép xây dựng và đang thi công; 205 dự án công trình và tổ hợp công trình đang xem xét theo các quy hoạch.

Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, việc để các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản tư nhân vừa đầu tư - thiết kế - xây dựng - thẩm định khiến cho “đất vàng” trong nội đô ngày càng biến thành cao ốc. Đồng nghĩa là các khoảng trống hiếm hoi còn lại trong đô thị dễ dàng bị “lấp nốt” làm người dân mất đi cơ hội được tiếp cận và sở hữu những khoảng xanh đô thị cần thiết, còn thành phố mất đi năng lực nâng cao tiện nghi đô thị và gia tăng sức cạnh tranh.

Thế nên trong câu chuyện đồ án quy hoạch ga Hà Nội, một số chuyên gia đã nghi ngờ rằng mục tiêu giãn dân nội đô để giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội không thành hiện thực mà chỉ phục vụ cho nhóm lợi ích về BĐS và có dấu hiệu "mượn" ga để lấy đất.

Và mới đây Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến Quốc lộ 3 cũ, đoạn từ Quốc lộ 5 kéo dài (đường Trường Sa) đến hết địa phận huyện Đông Anh, tỷ lệ 1/500 tại huyện Đông Anh.

Theo quyết định, tuyến đường có điểm đầu (điểm 1) đấu nối với đường Trường Sa, điểm cuối (điểm 19) tại cầu Phủ Lỗ (bắc qua sông Cà Lồ), thuộc địa bàn các xã: Vĩnh Ngọc, Tiên Dương, Uy Nỗ, Nguyên Khê và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 10,1km.

việc lập ra đề án cải tạo ga Hà Nội phục vụ lợi ích nhóm để thâu tóm đất vàng chứ không phải vì mục đích chung phát triển Hà Nội.

Theo nhiều chuyên gia, việc lập ra đề án cải tạo ga Hà Nội phục vụ lợi ích nhóm để thâu tóm đất vàng chứ không phải vì mục đích chung phát triển Hà Nội (Ảnh: An Vũ)

Nếu nhìn dưới góc độ Hà Nội triển khai để xây dựng khép hệ thống các tuyến đường để giảm ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều lo ngại chính là việc Hà Nội sẽ xem xét để huy động vốn đầu tư dưới hình thức nào. Nhưng dù là hình thức BT hay BOT thì vẫn phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật, vẫn phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong việc đấu thầu, hạn chế tối đa trình trạng thất thoát hay một cơ chế kiểu xin - cho trong đấu thầu.

Các dự án BOT hạ tầng giao thông thời gian qua với nhiều bất cập, hầu hết nảy sinh từ việc chỉ định thầu không có sự công khai, minh bạch. Đó chính là những bài học để Hà Nội có thể cẩn trọng hơn khi sử dụng các quỹ đất để “đổi” lấy hạ tầng, dù sao cũng nên có sự quy hoạch và phê duyệt quy hoạch trước để nâng cao giá trị của BĐS.

Trên thực tế, huy động nguồn vốn tài chính từ đất là đúng, đúng với ý nghĩa của “tấc đất tấc vàng”. Hà Nội có thể bán đấu giá đất nhưng chỉ phần nào bởi các chuyên gia đều cho rằng, quỹ đất của Hà Nội không còn nhiều và không phải đất nào doanh nghiệp cũng đổi, mà phải là "đất vàng" trong đô thị ở vị trí đẹp.

Trước đó vào ngày 19/10/2017 tại hội thảo khoa học “Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”, TS. Phạm Quang Tú, Chuyên gia của Tổ chức Oxfam Việt Nam cho rằng, nhìn chung BT và “đổi đất lấy hạ tầng” đã có thay đổi, nhưng vẫn “bình mới rượu cũ”. Qua 15 dự án BT mà Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra – kiểm tra, thì có tới 14 dự án là chỉ định thầu. Các dự án thường được giao đất khi chưa có hạ tầng nên giá đất rất thấp, nhưng sau khi có hạ tầng, đất trở thành “đất vàng”, giá chênh lệch rất cao.

Cũng tại hội thảo, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc xác định giá trị của khu đất tại thời điểm giao đất luôn tiềm ẩn những nguy cơ thất thoát, vì mỗi loại đất lại được định giá giá trị khác nhau. Như vậy, quá trình lựa chọn, đàm phán ký kết hợp đồng với nhà đầu tư cần đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch để tránh nguy cơ thất thoát "đất vàng" của nhà nước. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top