Aa

Có nên "khai tử" BT, BOT?

Thứ Bảy, 28/10/2017 - 06:01

Hàng loạt sai phạm trong các dự án BT, BOT ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được Thanh tra Chính phủ công bố mới đây đã lộ rõ bản chất của nhiều "tảng băng chìm". Lúc này, người ta mới “té ngửa” ra rằng, các công trình hàng ngàn tỷ kia chính là những bản hợp đồng béo bở được ký kết giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương, mà ở đó người dân không hề hay biết. Với những bê bối này, liệu có nên "khai tử" hình thức BT hay BOT?

Chuyên mục Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn luận về vấn đề này. Xin giới thiệu các vị khách mời tham gia cuộc đối thoại: TS.Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng; GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá, Bộ Tài chính; NSƯT, đạo diễn Quốc Trọng; Luật sư Vũ Ngọc Dũng, Công ty Bắc Việt Luật.

Thiết kế: Thế Công

Thiết kế: Thế Công

PV: Năm nay dường như là một năm bê bối của BOT và BT, mới đây Thanh tra Chính phủ đã công bố hàng loạt sai phạm của những dự án này. Thưa TS. Phạm Sỹ Liêm, theo ông, đâu là những vấn đề nổi cộm của hai hình thức BT và BOT?

Phạm Sỹ Liêm: Đối với hình thức BT được hiểu đơn giản là đổi đất lấy hạ tầng. Tôi thấy ở đây có 2 vấn đề nổi cộm về định giá. Thứ nhất, hạ tầng hay chính là công trình thì giá là bao nhiêu? Hay do chủ đầu tư cứ khai bao nhiêu thì nó là thế? Thứ hai, giá đất được định giá như thế nào, ai là người định giá? Nếu để hai bên có sự móc ngoặc với nhau thì trong những sự vụ này có lắm chuyện, người ta nâng giá của hạ tầng lên và hạ giá của đất đai xuống, như thế, nhà đầu tư sẽ hưởng lãi vô số, dĩ nhiên họ không hưởng lợi một mình mà sẽ chia bớt lợi nhuận cho bên giao đất.

Thực tế, giá của thị trường không chỉ phụ thuộc vào cơ chế giá cả mà còn phụ thuộc vào cơ chế cạnh tranh, có cạnh tranh mới ra được đúng giá thị trường, thế nhưng đổi đất lấy hạ tầng hiện tại ở nước ta là không có cạnh tranh. Do đó, giá ấy không phải là giá thị trường nên bị lợi dụng và tạo điều kiện cho tham nhũng.

Đối với hình thức BOT là xây dựng, vận hành và chuyển giao thì theo tôi, nhức nhối chính là chuyện vận hành bao nhiêu năm thì chuyển giao. Nhà kinh doanh bao giờ cũng đòi thu trong thời gian nhiều năm, còn mấy ông công chức, khi được “bôi trơn” thì đương nhiên chấp nhận.

Đồng thời, ở khâu vận hành, thu phí bao nhiêu thì phải có sự đồng thuận của người dân. Không thể có kiểu 1 chiều, doanh nghiệp muốn thu thế nào thì đưa giá đấy. Nhân dân có quyền nghi ngờ có lợi ích nhóm ở trong các dự án BOT. 

PV: Vâng, có thể thấy, hình thức BT và BOT đều đang tồn tại rất nhiều lỗ hổng, theo luật sư Vũ Ngọc Dũng, có phải những văn bản pháp lý liên quan đến hai hình thức này chưa đủ chặt chẽ?

Luật sư Vũ Ngọc Dũng: Các văn bản BT và BOT của chúng ta tương đối đầy đủ và chặt chẽ, việc quy định pháp luật về BOT có đủ tầng văn bản. Tôi có thể nêu cụ thể một số Luật liên quan như: Luật 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014 về Luật xây dựng; Luật đầu tư; Luật đấu thầu; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu…

Thực tế thời gian gần đây cũng cho thấy nhiều dự án BT do nhà đầu tư đề xuất, sau đó đưa ra sơ tuyển, không có nhà đầu tư nào khác quan tâm và nhà đầu tư đề xuất dự án được chỉ định thầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không có nhà đầu tư khác quan tâm là do họ nhìn thấy dự án đã có chủ, do lợi ích nhóm, “cánh hầu” chi phối.

PGS.TS Ngô Trí Long

Sau khi chúng ta điểm qua hệ thống văn bản Pháp luật từ Luật, Nghị định, Thông tư, Quyết định đến các văn bản hướng dẫn khác là một hệ thống khá đầy đủ được ban hành từ cơ quan lập pháp (Quốc Hội) tới cơ quan hành pháp (Chính phủ) và hệ thống cơ quan giúp việc Chính phủ là các bộ, ban, ngành. Quy trình thủ tục được quy định rất rõ ràng trong hệ thống này. Về cơ sở pháp lý, có hàng chục luật và nhiều nghị định của các cơ quan liên quan như Xây dựng, Đầu tư, Đấu thầu…

Tuy nhiên hệ thống pháp luật của chúng ta thường xuyên thay đổi, tạo ra những kẽ hở làm cho việc áp dụng pháp luật gặp khó khăn. Nhiều cơ sở pháp lý thiếu, không đồng bộ, không ổn định nên ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện trong thực tế của các hợp đồng BOT, BT.

Hơn nữa, hiện tại ta chưa có luật về đối tác công tư, đây là hạn chế lớn nhất, những quy định này lại nằm rải rác trong các luật chuyên ngành: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu... và hiện tại văn bản pháp lý cao nhất lại là nghị định của Chính phủ nên chưa đáp ứng được sự quản lý cần thiết và chặt chẽ của Luật đối với hoạt động BOT và BT này.

PV: Thưa PGS.TS Ngô Trí Long, rõ ràng Luật đã có những quy định cụ thể nhưng dường như nhìn vào những sai phạm của các dự án BT, BOT lại nổi cộm lên một vấn đề là hầu hết các dự án đều được chỉ định thầu. Theo ông, vì sao lại có tình trạng này?

PGS.TS Ngô Trí Long: Đối với BOT, theo tôi, có những nhược điểm như suất đầu tư cao, đặt trạm không đúng chỗ, quá dầy, tính toán phương tiện qua trạm bằng phương pháp thủ công dẫn đến nhiều hệ lụy. Báo cáo của Chính phủ trước đó cũng thừa nhận, phần lớn nguồn đầu tư thực hiện dự án BOT là từ ngân hàng, nhà đầu tư chỉ góp 10 - 15% trên tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Việc nhà đầu tư phải đi vay vốn để làm dự án đã khiến suất đầu tư cho một km đường tăng cao, kèm theo đó là thời gian thu phí kéo dài.

Trách nhiệm trong việc để xảy ra những vi phạm trong đầu tư các dự án BOT thuộc về Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Bởi theo quy định đây là cơ quan đứng ra làm tất cả các thủ tục từ lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt thời gian thu phí, thỏa thuận mức thu tại từng trạm. Tuy nhiên, Bộ GTVT bỏ qua đấu thầu để chỉ định cho nhiều nhà đầu tư năng lực tài chính yếu kém, “tay không bắt giặc". Còn Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan xem xét, kiểm tra các mức phí, thời gian thu... đã không thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng. Đặc biệt, Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc thu phí chưa hợp lý, thỏa thuận việc đặt trạm thu phí chưa đảm bảo nguyên tắc.

Hình ảnh ùn tắc giao thông ở trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 do tài xế trả tiền lẻ. Ảnh: Trần Kháng

Hình ảnh ùn tắc giao thông ở trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 do tài xế trả tiền lẻ. Ảnh: Trần Kháng

Trong bối cảnh các dự án BOT đang gặp phải nhiều phản ứng từ dư luận và sự cạnh tranh về thu phí ngày càng gay gắt thì BT đang dần trở thành hình thức được áp dụng nhiều để thu hút vốn đầu tư tư nhân tại nhiều địa phương. 

Hiện các dự án BT không sử dụng ngân sách, nhưng Nhà nước phải sử dụng nguồn lực công là đất đai để đánh đổi cho nhà đầu tư. Bởi vậy, những rủi ro, thất thoát xuất hiện khi có lợi ích nhóm, sân sau, định giá rẻ nguồn lực công này…

Thực tế thời gian gần đây cũng cho thấy nhiều dự án BT do nhà đầu tư đề xuất, sau đó đưa ra sơ tuyển, không có nhà đầu tư nào khác quan tâm và nhà đầu tư đề xuất dự án được chỉ định thầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không có nhà đầu tư khác quan tâm là do họ nhìn thấy dự án đã có chủ, do lợi ích nhóm, “cánh hầu” chi phối.

PV: Vậy theo PGS.TS Ngô Trí Long, điều này sẽ dẫn đến hệ quả thế nào về mặt kinh tế?

PGS.TS Ngô Trí Long: Từ những thất thoát đó, đã nảy sinh những hệ quả tiêu cực đối với kinh tế, xã hội. Đó là, thiệt hại về kinh tế của Nhà nước. Tài nguyên đất đai của toàn dân bị coi rẻ. Ngân sách Nhà nước bị thất thu. Tôi cho rằng đây là thiệt hại rất nặng nề về kinh tế. Nếu chúng ta coi đất đai thuộc sở hữu toàn dân với những gì tốt đẹp nhất thì lúc này hệ thống quản lý ở địa phương cấp tỉnh đã làm mất hết. Họ dựa vào chế độ sở hữu toàn dân về đất đai để chuyển giá trị đó cho các nhà đầu tư tư nhân bằng các quyết định hành chính do họ ký.

Hệ quả tiêu cực thứ hai là hậu quả thiệt hại về bền vững xã hội của đất nước. Dễ thấy là với cách làm như vậy sẽ tạo một môi trường đầu tư không minh bạch, thiếu công bằng.

Nhiều “đại gia có quan hệ thân hữu” sẽ thắng rất lớn, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở nên khó khăn. Người nông dân bị mất đất nhiều hơn, không chỉ mất đất để xây dựng hạ tầng mà còn mất đất để đem đổi lấy hạ tầng đó nữa, họ bị chịu thiệt thòi nhiều, không chỉ khó khăn mà còn rất cô đơn”.

PV: Là đạo diễn quan tâm đến các vấn đề xã hội nóng bỏng, theo NSƯT Quốc Trọng, những bê bối của BOT và BT dẫn đến hiệu ứng xã hội như thế nào?

NSƯT Quốc Trọng: Cách đây khoảng 3 năm, khi đi làm phim, tôi đã biết một câu chuyện về BOT ở Quảng Ninh. Người ta lập chốt thu phí ở đây cao và thu quá niên hạn. Khi đó, người dân khu vực này đã phản ứng rất dữ dội, và cuối cùng, họ đã giành được phần thắng.

Tuy nhiên, khi đó dư luận xôn xao rằng, sẽ còn nhiều chuyện liên quan đến BOT từ Bắc vào Nam. Trên thực tế 95% các nhà thầu vay ngân hàng để làm dự án chứ có phải tiền thực lực của doanh nghiệp đâu nên rất nguy hiểm. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể móc ngoặc với ngân hàng để hưởng lợi, trong khi người dân vẫn phải “còng lưng” nộp tiền cho những thứ vô lý. Như chúng ta thấy, sau 3 năm, rất nhiều vụ lùm xùm của BOT, BT đã xảy ra.

Hệ quả xã hội nhìn thấy ngay là bức xúc của người dân ngày càng tăng lên một cách đột ngột và âm ỷ giống như ngòi lửa chờ thổi bùng lên bất cứ lúc nào.

Tuyến đường BT Lê Đức Thọ kéo dài do Tasco thực hiện vừa thông xe sau 7 năm lỗi hẹn. Ảnh: Kháng Trần

Tuyến đường BT Lê Đức Thọ kéo dài do Tasco thực hiện thông xe sau 7 năm lỗi hẹn. Ảnh: Kháng Trần

PV: Vậy theo các chuyên gia, với những bức xúc và hậu quả nghiêm trọng như vậy, Việt Nam có nên "khai tử" hình thức BT hay BOT?

GS.Đặng Hùng Võ: Trong xây dựng – chuyển giao, nhà đầu tư nào cũng đòi đổi lấy đất ở. Và khi đó đã có sự điều chỉnh quy hoạch nhằm thỏa mãn yêu cầu của nhà đầu tư. Sự “nhân nhượng” này dẫn tới mất chủ động trong quy hoạch đất ở, khắp nơi sẽ tắc nghẽn vì đâu đâu cũng có chung cư mọc lên.

Ở những nơi giá đất cao như Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố có khả năng phát triển tốt, nếu so việc đổi đất lấy hạ tầng với việc đem đất ra đấu giá rồi lấy tiền đó xây dựng cơ sở hạ tầng - thì có thể thấy Nhà nước đã bị thiệt khá nhiều.

Nếu sai phạm ở quan chức thì phải truy cứu trách nhiệm, tại sao để xảy ra như vậy, dù người này đã về hưu hay đi đâu, vẫn phải truy cứu đến cùng.

TS. Phạm Sỹ Liêm

Khi đấu giá đất lấy tiền cho phát triển hạ tầng, Nhà nước chủ động trong quy hoạch, chỗ nào là chỗ ở, là đất sản xuất kinh doanh. Về mặt giá trị, như đã nói, đấu giá đất để lấy tiền đầu tư cơ sở hạ tầng lợi hơn đổi đất lấy hạ tầng

Theo tôi, đối với hình thức BT, tại các địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT mà phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng. Tại các địa phương này, không cho phép thực hiện các dự án BT mà khuyến khích đầu tư công tư đối tác theo hình thức khác dựa trên thu phí dịch vụ sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng.

TS Phạm Sỹ Liêm: Không, sao lại khai tử BT hay BOT. Trước những sai phạm, việc đầu tiên chúng ta cần làm là xem trách nhiệm thuộc về ai. Nếu sai phạm ở quan chức thì phải truy cứu trách nhiệm, tại sao để xảy ra như vậy, dù người này đã về hưu hay đi đâu, vẫn phải truy cứu đến cùng để có hình thực kỷ luật phù hợp, nếu có dấu hiệu tham nhũng thì phải đưa ra hình sự. Vấn đề là hiện nay, chẳng ai truy cứu trách nhiệm cả, cứ nói vậy thôi nhưng không làm sáng tỏ.

Tôi nghĩ, khi đã làm rõ được những sai phạm và người chịu trách nhiệm thì chúng ta sẽ tìm ra được nguyên nhân để sửa chữa những sai phạm chứ không việc gì mà xóa bỏ những hình thức này. Thực tế, BT hay BOT có rất nhiều ưu điểm và vẫn là hình thức cần thiết.

PGS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi thì không nên khai tử vì BT hay BOT đều là một hình thức tốt, chỉ là do chưa quản lý được. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực của chúng ta có hạn, nếu muốn khai tử thì phải thay thế bằng hình thức khác. Thế nên quan trọng là chúng ta phải thiết lập lại một cách chặt chẽ bằng cách luật hóa, hoàn thiện khung pháp lý, cái gì được, cái gì chưa được để sửa đổi, đó cũng là trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Riêng đối với BT, một số ý kiến cho rằng nên khai tử nhưng tôi nghĩ đây thật sự là một hình thức cần thiết khi ngân sách Nhà nước khó khăn. Nhà nước cần doanh nghiệp “tạm ứng vốn” để phát triển hạ tầng đất nước nhưng nó phải đi kèm với sự kín kẽ và hợp lý của các quy định pháp luật, để hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” này không bị lợi dụng.

Phải giải quyết được tận gốc chính là phải chống được lợi ích nhóm. Những thất thoát của dự án BT không phải phát sinh từ quy trình đấu thầu, từ bản chất của hình thức hợp đồng đầu tư này, mà từ cách thức thực hiện. Dù đã có những quy định về lập dự toán công trình, về xác định giá trị đất, thế nhưng vấn đề định giá công trình, giá trị quỹ đất trong dự án BT còn phụ thuộc rất nhiều vào người thực hiện, vào chính cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Lợi ích nhóm cũng từ con người. Nếu lập dự toán công trình chính xác và định giá đúng quỹ đất hoàn vốn từ đầu thì dù có chỉ định thầu cũng không xảy ra thất thoát. Nếu ngay từ đầu tính toán chi phí không sát thì dù có cạnh tranh, có giảm giá xuống đi nữa, thì vẫn thiệt hại

Luật sư Vũ Ngọc Dũng: Chúng ta nhìn vào thành tích của BOT và BT đạt được sẽ tự khắc trả lời có nên khai tử không. Về cơ bản phải đi theo một nguyên tắc: Triển khai bất kể điều gì cũng có thể gặp khó khăn, và khi có khó khăn ta phải khắc phục nó. Điều này có nghĩa là: Không cứ gặp khó khăn một chút trong quá trình triển khai thì đòi “ khai tử” BOT BT.

Điều này cũng phải được nhìn nhận từ góc độ hiện tại: Ngân sách nhà nước đang hạn hẹp và nợ công tăng cao. Như vậy cũng đủ thấy là: Không phải lúc nào Nhà nước làm 100% cũng tốt. Muốn phát triển hạ tầng cần tổng hợp các nguồn lực và tận dụng sức mạnh từ dân và doanh nghiệp cùng làm.

Các ưu thế của của loại hợp đồng BOT, BTO, BT cũng được thể hiện rất rõ ràng như: kể từ khi hình thức BOT, BTO, BT được ban hành, trên cả nước đã huy động được nguồn tiền phong phú, và đóng góp cho hạ tầng quốc gia nhiều thành công. Việc thu hút được nhiều thành phần kinh tế tư nhân tha gia phát triển hạ tầng giúp chúng ta đi nhanh hơn trong xây dựng kiến thiết đất nước. Điều quan trọng hơn cả là tránh được gánh nặng nợ công, giảm được ngân sách trong đầu tư hạ tầng và dành nguồn vốn cho các mục tiêu lớn hơn trong quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ lãnh thổ..

Tuy nhiên phải khắc phục các hạn chế bằng cách chúng ta nên bàn thảo tới việc kiểm soát bằng pháp luật chặt chẽ hơn, có Luật về hợp tác công tư, tăng cường sửa đổi, bổ sung các điều khoản về kiểm soát khâu đấu thầu, thẩm duyệt dự án, quy định về thu phí, quy định về vay vốn, đấu giá đất trong các công trình BOT, các quy định về kiểm toán nhà nước cho các công trình BOT, nâng nghị định BOT lên thành pháp lệnh hoặc luật để làm tính pháp lí cao hơn, và hơn nữa phải đảm bảo tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Thường các dự án BOT hay BT, khe hở chính sách đến từ chủ trương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng một cách quá chú trọng hay thậm chí bằng mọi giá, với động cơ tạo ra những thay đổi nhanh chóng mang tính bề mặt của mỗi vùng, miền mà có.

Yếu tố liên quan tới các dự án BT vừa qua có nhiều vì phương thức thanh toán là đất, bất động sản và nhiều dự án "đất vàng" được đánh đổi, tạo ra lợi ích nhóm lớn, gây thất thoát và tham nhũng. 

Thay đổi tư duy quản lý, cắt bỏ lợi ích nhóm, chủ nghĩa cơ hội thực dụng, lách luật và những yếu kém trong quản lý lẫn tư duy sẽ giúp chúng ta không những phát huy được sức mạnh của BTO, BT mà còn làm cho việc kiến thiết và xây dựng thành công một Quốc gia hiện đại nhanh hơn, hạ tầng tốt hơn, thu hút các nguồn lực đầu tư phong phú hơn từ trong và ngoài nước.

Xin cảm ơn các chuyên gia đã tham gia cuộc đối thoại!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top