Việc di dời trụ sở các cơ quan ra khỏi các quận nội thành được thực hiện theo quyết định của Chính phủ có từ năm 1997, 8 bộ, ngành đã di dời sang trụ sở mới từ năm 2012.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 10 bộ, ngành chưa di dời ra khỏi khu vực nội đô. Hiện các cơ quan bộ, ngành Trung ương này đang sở hữu những vị trí được coi là “đất vàng” của nội đô. Bên cạnh việc kêu khó trong kinh phí di dời, nhiều chuyên gia còn cho rằng, sở hữu vị trí vàng, có giá trị bất động sản cao cũng là lý do các bộ, ngành chậm trễ di dời.
Vào tháng 3/2019, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo bổ sung phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, ngành Trung ương tại Thủ đô. Phương án tài chính phục vụ cho việc di dời bộ, ngành cân nhắc dựa trên các nguồn lực, trong đó có nguồn cân đối từ ngân sách, nguồn từ việc đấu giá những khu đất cũ của các cơ quan.
Cụ thể, VIUP đề xuất 3 phương án di chuyển bộ, ngành. Thứ nhất di chuyển trụ sở các bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây, thứ hai di chuyển về khu vực Mễ Trì Hạ, phương án 3 di chuyển các bộ ngành về cả hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ.
Cụ thể, tại phương án thứ nhất, VIUP đề xuất trụ sở 12 bộ, ngành gồm: Kế hoạch Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ được chuyển về Tây Hồ Tây. Riêng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang xây dựng tại Mễ Trì Hạ.
Theo phương án này, phạm vi quy hoạch là 35ha, bình quân mỗi cơ quan từ 1,5 - 2ha/cơ quan. Tổng số người làm việc dự kiến khoảng 14.000 người, số người người làm việc bình quân 1.000 - 1.500 người/cơ quan; tầng cao bình quân dự kiến khoảng 15 - 20 tầng/cơ quan; tầng ngầm 3 - 4 tầng/cơ quan.
Nhu cầu tài chính khoảng 11.897 tỷ đồng, nguồn vốn được huy động từ chuyển đổi 50ha tại Mễ Trì Hạ thu về 10.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi đất trụ sở cũ khoảng 1.897 tỷ đồng.
Tại phương án 2, VIUP đề xuất chuyển 12 trụ sở bộ, ngành và Bảo hiểm Việt Nam về khu vực Mễ Trì Hạ, phạm vi quy hoạch 55ha, bao gồm toàn bộ khu đất Mễ Trì Hạ, bình quân 1 cơ quan 1,8 - 3ha, diện tích còn lại bố trí hồ điều hòa, nhà khách, nhà công vụ, công viên cảnh quan. Tổng số người làm việc ở 13 cơ quan dự kiến khoảng 15.000 người, số người làm việc bình quân 1.000 - 1.500 người/cơ quan.
Nhu cầu tài chính cho phương án này khoảng 14.326 tỷ đồng, nguồn vốn chuyển đổi 20ha đất khu vực Tây Hồ Tây khoảng 8.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi cơ sở cũ 6.326 tỷ đồng.
Riêng tại phương án 3, VIUP đề xuất sẽ bố trí 13 cơ quan tại 2 khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ, trong đó 20ha tại Tây Hồ Tây bố trí 6 bộ, ngành, bình quân 2 - 3ha/cơ quan, tầng cao 9 - 12 tầng; khu vực Mễ Trì Hạ diện tích 55ha sẽ bố trí 7 cơ quan, diện tích 3 - 4ha/cơ quan, tầng cao trung bình 12 - 15 tầng.
Với phương án này, việc chuyển đổi 13 cơ quan cần nhu cầu tái chính 17.000 tỷ đồng, trong đó vốn chuyển đổi cơ sở cũ 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước 5.000 tỷ đồng.
Nhận định về 3 phương án này, các chuyên gia cho rằng, nếu việc di dời được thực hiện thì sự quá tải về mật độ dân cư và giao thông ắt sẽ đè nặng lên hạ tâng cơ sở một khu vực tập trung các cơ quan nêu trên, vốn dĩ đây cũng đang là các khu vực mà nhiều khu đô thị với lớp lớp nhà cao tầng không ngừng mọc lên từng ngày…
Bên cạnh đó, điều mà dư luận quan tâm là những khu “đất vàng” của các trụ sở bộ, ngành sau khi di dời sẽ được sử dụng vào mục đích gì hay lại trở thành các dự án bất động sản gây áp lực cho nội đô Thủ đô?
GS.TS.KTS. Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong quá trình xây dựng, nên tính toán làm sao để vị trí những trụ sở này thuận lợi cho việc di chuyển của cán bộ, nhân viên cũng như người dân đến làm việc.
Không nên để trụ sở ở nội thành nhưng cũng không nên di dời đến những nơi quá xa trung tâm, gây khó khăn cho việc di chuyển của cán bộ và người dân khi làm việc.
Đối với những trụ sở cũ, cơ sở vật chất còn rất tốt, nếu đem phá bỏ sẽ rất lãng phí. Do đó, vấn đề đấu giá, sử dụng lại khối tài sản này thế nào cũng cần được bàn bạc kỹ lưỡng, tránh thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Trước thực trạng này, đại biểu quốc hội sẽ tiến hành đặt câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vào chiều nay (ngày 4/6).