Sức hút từ hạ tầng
Biến động đầu tiên về hạ tầng được thay đổi từng ngày. Theo đó, các tuyến đường hướng tâm mở rộng về phía Tây trong mấy năm trở lại đây được triển khai đầu tư nhanh chóng, như Đại lộ Thăng Long - một trong những trục đường đẹp nhất Việt Nam hiện nay, đường Trung Văn kết nối Mễ Trì - Mỹ Đình, trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương cùng xe bus nhanh BRT kết nối khu vực… đã mở ra một diện mạo mới, tạo “sức hút” lớn với các nhà đầu tư bất động sản và ngày càng chứng tỏ vị thế trung tâm hành chính mới của mình.
Ông Nguyễn Công Trình - đại diện lãnh đạo quận Nam Từ Liêm cho biết, nếu tính các dự án được cấp phép hiện đang triển khai dọc theo trục đường chính Đại Lộ Thăng Long hiện đã lên tới 2.000 công trình.
Tương tự, tại khu vực Tây Hồ Tây hạ tầng giao thông cũng được đầu tư không kém. Việc đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; tuyến đường Võ Chí Công, tuyến đường Hoàng Quốc Việt kéo dài cũng đang được đẩy nhanh tiến độ,… hứa hẹn sẽ tạo kết nối thuận lợi giữa Tây Hồ Tây và khu phía Tây thành phố.
Điều này cho thấy quyết tâm của Hà Nội khi muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng của khu Tây Hồ Tây đặc biệt là khu Nam Thăng Long khi nơi này được quy hoạch thành trung tâm hành chính mới của thành phố.
Cùng với sự bứt phá từ cơ sở hạ tầng, thị trường khu vực phía Tây Hà Nội và Tây Hồ Tây trên cơ sở quy hoạch chung của thành phố đã ghi nhận một sự hồi phục mạnh mẽ với thanh khoản tăng cao đột biến.
Đơn cử như tại dự án Foresa Villa do Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư, các dự án dọc tuyến đường 70 thuộc địa bàn Xuân Phương (Nam Từ Liêm) và Vân Canh (Hoài Đức), khu Nam An Khánh (Hoài Đức)... thuộc khu vực Tây Hà Nội từ nửa cuối năm ngoái đến nay, giá tăng từ 20-30% có nơi tăng tới 40%.
Nóng thực mà không “sốt ảo”
Anh Trần Xuân Tùng - Chuyên viên tư vấn tại Cen Group cho biết các dự án lấy tâm điểm từ Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bộ Ngoại giao luôn được khách hàng quan tâm nhiều hơn, hiện mức giá giao dịch khá cao dao động từ 30 triệu – 45 triệu/m2 tùy thuộc vào dự án, vị trí và hạ tầng kèm theo.
Cũng theo nhận định của nhân viên môi giới tại đây, thì giá nhà đất có tăng nhưng người mua thời điểm này đã thực tế hơn. Thống kê từ những lần giao dịch thành công do đó cũng phản ánh giá trị thực của thị trường, không có tình trạng thổi giá và “sốt ảo”.
Với khu vực Tây Hồ Tây do có vị trí đẹp và thoáng hơn nên giá bất động sản ở khu vực này luôn có ngưỡng cao hơn, với 350 – 400 triệu đồng/m2 đất nền và 45 – 50 triệu đồng/m2 căn hộ. Dù vậy, lượt giao dịch cũng không hề trầm lắng.
"Hạ tầng phát triển đồng bộ cùng với “cầu” tăng đột biến do tâm lý “nhà ở gần nơi làm việc” là “cú hích đúp” khiến thị trường bất động sản khu vực Tây Hồ lập tức lên “cơn sốt” cả về giá lẫn tính thanh khoản" - Anh Tùng lý giải.
Theo đại diện Deawoo E&C, chủ đầu tư dự án Starlake Hà Nội, với kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, cách đây 30 - 40 năm, khu Geangnam toàn là đồng ruộng và giá đất rất rẻ. Sau khi chính phủ Hàn Quốc quy hoạch, xây dựng và các tập đoàn lớn chuyển trụ sở về đây thì giá trị bất động sản tăng vọt. Geang Nam hiện là một trong những khu vực có giá bất động sản đắt đỏ nhất Seoul.
“Tương tự, các dự án tại khu vực Tây Hồ tây được dự báo sẽ đi theo con đường đó với giá trị bất động sản tăng cao trong tương lai” - đại diện Deawoo E&C khẳng định.
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu CBRE đánh giá, nửa cuối năm 2017 sẽ là năm khá sôi động đối với thị trường biệt thự, nhà liền kề đặc biệt tập trung phạm vi Mễ Trì, Tây Hà Nội.
Được biết, Bộ Xây dựng đang xây dựng và hoàn thiện phương án triển khai quy hoạch trụ sở 13 bộ ngành sau khi di dời. Theo 1 tính toán sơ bộ thì dự tính tổng nhu cầu vốn đầu tư xây mới 13 trụ sở sau di dời vào khoảng 17.000 tỷ đồng. Trong đó khu Tây Hồ Tây khoảng hơn 8.500 tỷ, khu Mễ Trì khoảng hơn 9.400 tỷ. Khu trụ sở bộ ngành tại Mễ Trì quy mô 55 ha gồm có 6 cơ quan thuộc khối văn xã là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (4,1 ha), Bộ Thông tin và Truyền thông (2,87 ha), Bộ Giáo dục và Đào tạo (3,52 ha), Bộ Y tế (2,36 ha), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (3,32 ha), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2,53 ha). Tổng nhu cầu vốn dự kiến là trên 9.400 tỷ. Khu trụ sở Bộ ngành tại Tây Hồ Tây 20 ha, gồm 5 Bộ ngành thuộc khối kinh tế là Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ NN-PTNT; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ GTVT và Bộ Xây dựng với bình quân 2-3,5 ha/cơ quan. Tổng nhu cầu vốn dự kiến là hơn 8.500 tỷ. 7 bộ ngành đã và đang thực hiện xây dựng ở vị trí mới gồm Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban dân tộc, Trung ương Hội đông dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an. 16 cơ quan sẽ giữ nguyên vị trí hiện tại là Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, VTV, VOV, Tổng liên đoàn lao động... |