Từ ngập lụt đô thị
Đó là chia sẻ của kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về câu chuyện phát triển bền vững.
Xin bắt đầu bằng câu chuyện của ông Vạn. Ông kể: “Cách đây ít ngày, trong chuyến công tác, tôi đã chứng kiến cơn bão, mưa kéo dài 2 ngày ở TP.HCM. Hôm bão, tôi phải mất 3h ngoài phố để tìm cho mình con đường không bị ngập về khách sạn. Bữa đó, có khoảng 80% các tuyến đường thành phố bị ngập. Rồi còn những đô thị như Vũng Tàu, Nha Trang… cũng tương tự. Cảnh tượng ngập phố phường vẫn thường xảy ra dù đây đều là các thành phố ven biển, tưởng như câu chuyện thoát nước không phải là vấn đề lớn”.
Một sự kiện thiên nhiên không lớn, không mạnh lắm nhưng đã làm tê liệt nhiều đô thị. Điều này chứng tỏ, chúng ta chưa phát triển bền vững.
Câu chuyện của ông Vạn không quá hiếm gặp, và nó dường như đang là điển hình cho vấn đề lớn của nhiều đô thị, đó là công tác thoát nước những mùa mưa lũ và tình cảnh quen thuộc: Cái gì cũng thoát, trừ nước (!?).
Trong một chia sẻ khác mới đây, PGS.TS. Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cũng cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng của phát triển đô thị và được dự báo tiếp tục tăng đến hết 2050. Nhưng đây cũng là thách thức về việc tạo dựng môi trường sống tốt. Không khó để nhận thấy, hiện Việt Nam đang như một đại công trường.
Thời gian qua, chúng ta nói nhiều đến phát triển bền vững, đến đô thị xanh, thành phố thông minh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đã đến lúc chúng ta cần đi vào thực chất, đưa ra những giải pháp, kế hoạch cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là lý thuyết hoặc chủ trương chung.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Vạn cho rằng, khi đô thị hóa càng mạnh thì những đô thị như TP.HCM thoát nước càng kém. Dòng chảy bị cản trở, cả thành phố ngày càng ngập hơn. Vũng Tàu, Nha Trang và nhiều đô thị lớn khác cũng tương tự…
Đến câu chuyện con người
Xin tiếp tục bằng câu chuyện thứ 2 từ bà Tina Saaby, Kiến trúc sư trưởng Hội đồng TP. Copenhagen, Đan Mạch. Bà kể: “Trong một lần đến Việt Nam mới đây, giữ thói quen chạy bộ buổi sáng, tôi đã chạy quanh một hồ ở Hà Nội. Tôi thấy có rất nhiều người dân Thủ đô, họ vừa chạy, nhảy, cười đùa. Điều đáng nói, họ không chỉ cười với nhau mà còn cười vui với chúng tôi. Chưa bao giờ tôi có cảm giác thân thiện như vậy. Điều đó khiến tôi thấy mình như một thành viên của cộng đồng này. Người dân của các bạn thật thân thiện và xin cám ơn vì điều đó, đó cũng là thuận lợi của các bạn để phát triển đô thị bền vững và sống tốt”.
Là một trong những thành phố được đánh giá cao nhất, như một mô hình tiêu biểu cho thành công trong việc phát triển mô hình đô thị bền vững, Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đã cho thấy, muốn có được một đô thị bền vững và người dân có cuộc sống tốt đẹp, thì cách làm hiệu quả là lấy người dân làm hạt nhân của sự quan tâm, chăm sóc, của mọi chủ trương, chính sách.
Câu chuyện về cảm nhận của bà Tina Saaby cho thấy, Hà Nội và những đô thị khác của Việt Nam đều có được một nền tảng tốt để phát triển đô thị theo hướng bền vững.
Được mời đến Việt Nam để chia sẻ về kinh nghiệm phát triển đô thị bền vững, nhưng những chia sẻ của bà Tina Saaby lại không đề đao to, búa lớn, trong đó một nội dung mang lại cảm hứng cho nhiều người lại đến từ hai chữ “con người”.
Theo đó, Copenhagen đưa ra ba cấp độ cho quy hoạch: cấp độ quy mô nhỏ, xuất phát từ nhu cầu của mỗi cá nhaan, hộ gia đình; quy mô trung bình, tùy từng địa điểm, khu vực và quy mô lớn toàn thành phố. Các quy hoạch đều được xây dựng trên cở sở lắng nghe nhu cầu, mong ước của người dân về cách thức đô thị sẽ trở thành, từ đó, dần đồng nhất quan điểm, tầm nhìn của người dân về đô thị tương lai. Trong đó, điểm mấu chốt luôn được đề cao là lấy con người làm trung tâm.
Câu chuyện của Copenhagen còn cho thấy vai trò to lớn của không gian công cộng khi nó làm tăng khả năng kết nối các cư dân đô thị, giúp tạo nên không gian sống mà ở nơi đó, người dân “ra ngoài” nhiều hơn, giao tiếp với nhau, với thiên nhiên nhiều hơn. Các không gian công cộng như công viên, thậm chí trường học đều được thiết kế theo quan điểm phi cản trở. Tức, không có hàng rào để tăng tối đa khả năng tiếp cận của người dân.
Một điểm khác biệt nữa, khi chúng ta còn đang nói nhiều về đô thị bền vững, về những câu chuyện to tát, vĩ mô, thì ở Copenhagen, có tới 65% dân số sử dụng xe đạp để di chuyển trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, phần lớn viên chức ở Copenhagen đi xe đạp và coi mình là đại sứ cho thông điệp bảo vệ môi trường. Và các vị thị trưởng thành phố các giai đoạn gần đây cũng không ngoại lệ.
Còn đó những băn khoăn
Băn khoăn về yếu tố bền vững của các đô thị Việt Nam, TS. Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng đánh giá, đô thị Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề, như sự hình thành và phát triển đô thị còn thiếu kiểm soát, hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, dễ dẫn đến ngập lụt và tác động của môi trường, triển khi phát triển đô thị còn dàn trải, nguồn lực còn thiếu và chưa được sử dụng hiệu quả, đặc biệt là việc sử dụng nguồn lực đất đai.
Theo bà Lan Anh, ngập lụt, suy giảm nguồn nước đang là thách thức lớn. Các vùng đô thị hóa, khu kinh tế, khu công nghiệp du lịch có nguy cơ rủi ro cao, đặc biệt là ở khu ven biển, ven sông. Nước ta hiện có 130 đô thị có khả năng chịu tác động mạnh, rất mạnh từ rủi ro thiên nhiên.
Nhìn nhận về vai trò của công tác quy hoạch, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quy hoạch rất quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Trong đó, quy hoạch đô thị giữ vai trò quan trọng và cần phải đi trước một bước. Thiết kế đô thị phái gắn với tất cả các dự án. Đến năm 2020, sẽ có khoảng 70% dân số (hiện nay khoảng 53%) sống trong các đô thị, do đó, phải hướng tới các thành phố xanh, thông minh, đáng sống và phục vụ tốt nhất cho con người, vì con người.
Cũng theo các chuyên gia, gần đây, chúng ta đã nói nhiều về đô thị thông minh, phát triển bền vững, trong đó, cũng bắt đầu có các đề cập và nhấn mạnh đến vai trò con người. Tuy nhiên, cách thức triển khai ra sao, giải pháp cụ thể thế nào lại ít được nhắc đến. Ông Vạn cho rằng, những dự án, chương trình hành động đảm bảo phát triển bền vững lại không rành mạch, rõ ràng, khiến các đô thị nơm nớp lo sợ trước các sự cố về thiên nhiên.
“Đã đến lúc chúng ta thôi nói lý thuyết về phát triển bền vững. Giờ là thời điểm để thực hiện các hành động cụ thể, bằng các kế hoạch cụ thể. Là nước đi sau, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của các nước phát triển. Họ đã thực hiện các kế hoạch cụ thể phục vụ phát triển bền vững từ rất lâu và có nhiều kinh nghiệm quý báu”, ông Vạn khuyến cáo.