Bao đời nay người Lô Lô ở Lũng Cú, Hà Giang chỉ biết sống dựa vào nương ngô trên núi đá tai mèo lởm chởm thì những năm gần đây đã biết chọn nghề làm homestay đề "khởi nghiệp".
Anh Sình Dỉ Gai - Trưởng thôn Lô Lô Chải, cho biết: “Năm 2011, sau một lần được đi học tập mô hình làm du lịch cộng đồng, tôi về nhà bàn với vợ. Thế là gia đình bán ngô, thóc đầu tư một phòng nghỉ dành cho sáu người ngủ qua đêm. May mắn, mùa du lịch đầu tiên vợ chồng tôi không chỉ thu hồi được vốn mà còn có được tiền lãi. Mới đầu mình làm không ai tin là sẽ kiếm được tiền đâu, người nào đi qua cũng nhìn ngó rồi lắc đầu”.
Theo anh Gai: “Rồi khách du lịch ngày càng đông. Năm 2014 bản đón một đoàn khách người Nhật đến thăm. Thích thú với nét văn hóa người Lô Lô, sau chuyến thăm này ông Ogura (người Nhật) đã tư vấn cho dân bản cách phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.
Ông Ogura dạy kinh doanh sao cho hiệu quả, rồi còn hỗ trợ tiền để gia đình mình làm thêm một căn nhà phục vụ du lịch. Từ đó gia đình tôi đã ổn định hơn về kinh tế. Dù là dịch vụ homestay nhưng phòng riêng dành cho khách cũng khá sạch đẹp.
Thôn Lô Lô Chải có 114 hộ. Trong đó dân tộc Lô Lô là 99 hộ, chiếm gần 70%. Hiện có hơn 30 gia đình làm du lịch cộng đồng Homestay. Mỗi căn Homestay đều được bố trí theo phong cách truyền thống, hệ thống nhà vệ sinh, bàn uống nước, không gian sinh hoạt chung được bố trí rộng rãi".
Homestay ở Lô Lô Chải
Bản Lô Lô Chải cách cột cờ khoảng 1km. Từ Lô Lô, du khách có thể đi thăm điểm cực Bắc chính của Việt Nam cách Cột cờ Lũng Cú khoảng 5km.
Những nếp nhà ở Lô Lô, vẫn là kiểu trình tường bằng đất truyền thống. Hàng rào đá, những bắp ngô phơi trên xà nhà, cùng những cây đào hay vạt cải xanh trước cửa. Người dân Lô Lô cũng truyền thống với bộ váy áo đắp nổi thổ cẩm đẹp lạ.
Do thời tiết vùng cao lạnh hơn nên hàng năm vào dịp đầu tháng 3 dương lịch hoa đào ở đây mới nở, hoa nở suốt cả tháng, những bông hoa đào màu hồng nhạt cánh to đua nhau khoe sắc khắp bản làng và núi rừng nơi Cực Bắc Tổ quốc. Mùa hoa đào nở muộn cũng là một điểm nhấn thu hút khách du lịch tới vùng này.
Du khách đến Lô Lô Chải, thường tìm đến quán Cafe Cực Bắc. Quán Cafe này là quà tặng từ một vị khách Nhật Bản, vì yêu quý ngôi nhà cổ với hơn 200 tuổi mà quyết định tài trợ 200 triệu đồng mua vật dụng cần thiết và hỗ trợ kỹ thuật pha chế Cafe. Nay quán đã trở thành điểm du lịch ấn tượng đối với du khách, hiện do một gia đình người Lô Lô đứng làm chủ.
Từ khi Lô Lô Chải được công nhận là Làng Văn hóa và được tỉnh Hà Giang đưa vào chương trình Dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống, người dân trong bản càng ý thức hơn việc phải gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc như một tài nguyên để khai thác du lịch. Nhà nhà cùng nhau làm Homestay và đón hàng nghìn lượt du khách. Cuộc sống của đồng bào Lô Lô đã đổi thay khác xưa rất nhiều từ khi có Chương trình xây dựng nông thôn mới, có đường bê tông vào từng xóm, bản.